Nhường gạo cứu đói mùa giáp hạt

LINH PHẠM |

Tây bắc huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, trước mắt tôi là bãi đá bẫy đá Pi-năng Tắc gợi nhắc về quá khứ kiêu hùng. Xã Phước Bình là nơi lưu giữ huyền thoại về chiến sĩ cách mạng Raglai Pi-năng Tắc, người dùng bẫy đá chống lại kẻ thù trong kháng chiến chống Pháp. Mới đây, Phước Bình lại được nhắc đến với một “huyền thoại” khác: Lãnh đạo, người dân đồng thuận từ chối nhận gạo cứu đói để nhường cho xã khó khăn hơn.

Chúng tôi vẫn còn nghèo

Cách trung tâm huyện Bác Ái khoảng 60km, Phước Bình là nơi xa xôi nhất của huyện miền núi này, nơi người Raglai (chiếm khoảng 72%), Chu, Chăm, K’hor, Kinh sống thuận hòa bên dòng sông Cái. Tôi hỏi già Pi-năng Thị Ba: “Phước Bình có phải là xã giàu nhất Bác Ái không?”. Già Ba, từng là du kích đi qua hai cuộc chiến tranh, phân trần: “Trước giải phóng người Raglai sinh sống ven bìa rừng theo tập quán du canh du cư, cách biệt với miền xuôi. Bây giờ đỡ hơn, nhưng vẫn có nhà thiếu ăn. Con cháu của già chưa có đứa nào học đại học”.

Đi qua khói lửa, người Raglai vẫn tự hào kể cho lớp người sau huyền thoại Pi-năng Tắc như biểu tượng của dũng cảm và mưu trí. Nhưng các dân tộc ở Phước Bình phải bước vào cuộc chiến mới với đói nghèo, lạc hậu, lớp cháu con đi khỏi “bóng mát” của núi rừng, dắt nhau xuống xuôi học thêm cái chữ. “Trong kí ức của anh về quê hương, điều gì là nhớ nhất?”, câu hỏi của tôi khiến ông Kator Cường - Phó Chủ tịch xã Phước Bình - thoát khỏi “chất” hành chính và mở lòng. Ông nhớ lại thời đi học, mấy chục năm trước, học trò Phước Bình phải mất 2 - 3 ngày - đêm vượt đường mòn để xuống huyện Ninh Sơn học: “Đường xa khó đi, học trò chúng tôi đợi đến hè mới về nhà vì ngày nghỉ trong năm quá ngắn. Cha mẹ không đem lương thực tiếp tế, chúng tôi phải nhổ củ lang, củ mì giùm. Nhiều anh em học đến lớp 3 là bỏ học, tôi ráng theo đến lớp 9”.

Ông Pi-năng Hoàng - Chủ tịch xã Phước Bình - giải thích: “Khó khăn của Phước Bình không tính bằng chiều dài cây số, mà tính bằng lối mòn trên núi đá hiểm trở. Năm 2001 mới có đường tỉnh lộ 707 nối liền với trung tâm Bác Ái, đường quốc lộ 27B nối với Khánh Hòa. Khi giao thông thuận lợi, các loài cây truyền thống như bắp, chuối sứ, đào trước đây chỉ tự cung tự cấp thì giờ mở rộng diện tích, sản phẩm bán cho thương lái. Nhờ vậy đời sống khá lên”. Nhưng sự đổi thay cũng đến chậm vì nếp nghĩ, lối canh tác của nhiều người vẫn theo tập quán cũ, hơn nữa nhìn quanh các xã bạn thấy ai cũng nghèo. Theo số liệu năm 2014, toàn xã vẫn còn 218/892 hộ với 1.209 khẩu là hộ nghèo, 196 hộ cận nghèo. “Phước Bình chúng tôi còn nghèo lắm”, ông Hoàng nói.

Dọc tỉnh lộ 707, nhiều căn nhà cấp bốn được xây giống nhau, đó là phần lớn nhà ở của bà con được xây theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Chính phủ. Pi-năng Sắc ở thôn Bố Lang ngồi trước một căn nhà như thế. Anh vốc những hạt đào trên tay, buồn rầu nói: “Nhà mình trồng một mẫu đào, năm nay vườn nhà mình hiếm quả, con đi học 4 đứa, lấy gì mà nuôi chúng đây. Căn nhà này mình được xây theo diện hộ nghèo, hơn 7 năm rồi mà vẫn nghèo...”.

Nhận mãi gạo cho cũng ngại

Các dân tộc ở Phước Bình theo chế độ mẫu hệ, niềm tôn kính dành cho người mẹ được thể hiện qua tên dòng sông Cái, theo tiếng Raglai là Yeaona (nguồn nước mẹ cho). Nguồn nước từ sông Cái chảy quanh năm như bầu sữa mẹ chắt chiu nuôi con qua bao phen nắng hạn khốc liệt. Ông Pi-năng Hoàng khoe: “Chúng tôi có 632ha chuối sứ, 1.300ha bắp, 40ha bưởi, chúng tôi còn có một diện tích lớn trồng đào, lúa rẫy chưa thống kê. Các loài cây sinh trưởng thuận lợi vì sông Cái đã cho Phước Bình khí hậu mát, ẩm hơn các xã khác. Nhiều gia đình nương theo sông Cái vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình anh Bình tô Hà Rang và chị Đa rót Ka Lang sống trong một căn nhà cấp 4 nho nhỏ nhưng đầy đủ nội thất, tiện nghi. Nhìn chiếc tivi 16 inch, chiếc tủ lạnh mới tinh trong phòng khách, chị Đa rót Ka Lang hồi tưởng: “Hai vợ chồng mình lúc cưới nhau không có nhà, rồi Nhà nước cho tiền làm nhà hộ nghèo, năm nào cũng được nhận gạo chính sách”. Khi sinh đứa con thứ ba, anh Ha Rang bảo vợ: “Mình phải quyết làm thôi, nhận gạo cho hoài ngại lắm, mà nuôi con cũng không đủ”. Sẵn có diện tích 3 mẫu đất, hai vợ chồng mua giống bắp cao sản về trồng 1,5 mẫu thay cho giống bắp nếp. Trúng mùa bắp đầu tiên, Hà Rang tiếp tục học cách làm đất hiện đại, mở rộng diện tích cây đào truyền thống lên 1,3 mẫu. Nhận được giống hỗ trợ từ Vườn quốc gia Phước Bình, Ha Rang trồng tiếp 3 sào bưởi. Nhờ vậy, gia đình có nguồn thu nhập quanh năm. Cách đây 2 năm, nhận thấy mình đã thoát nghèo, Ha Rang và Ka Lang trả lại sổ nghèo cho xã. “Hạt gạo quý lắm chứ. Nhưng mình ăn no mà có người đói bụng cũng không được, phải nhường cho nhà khác khó khăn hơn”, Ka Lang trải lòng.

Đi cùng tôi, chàng Bí thư đoàn Dadzu Ha Khuyết (30 tuổi) tiếp lời: “Bà con nhận gạo hộ nghèo là cực chẳng đã thôi, chứ xấu hổ lắm”. Khuyết vừa đi bộ đội về đã bắt tay vào trồng bắp, trồng chuối sứ để tự chủ tài chính cho gia đình nhỏ của mình. Dadzu Ha Khuyết là đại diện cho một lớp người mới đã bước ra khỏi “bóng mát” của rừng, nhiều tri thức và khát khao vươn lên. Khuyết quyết tâm: “Học chữ khó thì phải học nghề để có việc làm, mình còn trẻ, còn sức lao động, phải không sống bằng sức của mình chứ”.

 

Điều - loài cây truyền thống của Phước Bình đang giúp người dân thoát nghèo 

Lá rách đùm lá… nát

Trước tết rồi, Chủ tịch huyện Bác Ái - Mẫu Việt Phương - thông báo cho các xã làm tờ trình nhận gạo. Năm 2014 hạn hán nên Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói mùa giáp hạt cho các địa phương đặc biệt khó khăn theo chính sách 30a. Nhận thông báo, Chủ tịch xã Pi-năng Hoàng chỉ đạo các trưởng thôn rà soát lại số hộ nghèo và cận nghèo. Tại buổi họp tổng kết, các thôn cho biết với điều kiện hiện tại thì trước và sau tết không có hộ nào bị đói. Điều này phù hợp với thực tế mà Pi-năng Hoàng chứng kiến: “Hai mùa bắp, mùa lúa rẫy 2014 không bị thất mùa, trước tết bà con còn trúng mùa chuối sứ, mỗi nhà thu từ 2 - 6 triệu đồng. Hơn nữa, bà con đã nhận được gạo hỗ trợ hộ nghèo ăn tết và tiền của các nhà hảo tâm”.

Trong khi đó, tại xã Phước Trung, Chủ tịch xã Trần Quý Dương buồn rầu: “Năm 2014 đến nay, đã 4 mùa bà con không thể xuống giống, mới đầu mu2a khô đã không có nước uống. Cứ 10 năm chu ky2 hạn hán lặp lại một lần, thời điểm này khắc nghiệt hơn cả hồi 2004, chưa bao giờ bà con khổ như thế này”. Ông Pi-năng Hoàng tuy không nghe được tâm sự ấy nhưng hiểu trăn trở của ông Dương, bởi nhiều lần đi họp dưới huyện, nhìn cảnh điêu tàn ở Phước Trung chính ông cũng xa xót. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch xã nói với lãnh đạo cấp dưới: “Bà con chúng ta không đói, có thể không nhận để nhường cho Phước Trung được không?”. Các trưởng thôn đắn đo: “Chắc chúng tôi phải hỏi ý bà con đã, chúng ta vẫn còn nghèo mà”. Nhưng thật ấm lòng, bà con đồng lòng, bởi họ cũng hiểu điều kiện “dưới ấy”. Quyết định không nhận gạo được thống nhất. Ông Pi-năng Hoàng nói: “Chúng ta là anh em sao không nhường cơm sẻ áo, hơn nữa cái gì đúng của mình mình mới nhận, không thất mùa thì không nên nhận gạo giáp hạt”.

Tại cuộc họp với huyện, khi nghe ông Pi-năng Hoàng báo cáo, ông Mẫu Việt Phương quyết định phân bổ 131,8 tấn gạo hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo, riêng 6,3 tấn phần của Phước Bình đến cuối tháng 3.2015 được giao cho Phước Trung sau khi tỉnh phân bổ. Ông Mẫu Việt Phương nói: “Đó là nghĩa cử đẹp chưa có tiền lệ”. Còn ông Trần Quý Dương cho rằng điều này phù hợp với thực tế của 2 xã, “chúng tôi cảm ơn tinh thần tương thân tương ái của cán bộ và nhân dân xã bạn”.

Rời Phước Bình, tôi quay về trung tâm Bác Ái, “chảo lửa” vẫn nóng hừng hực . Khung cảnh điêu tàn ở Phước Trung lại ập vào mắt tôi, khó mà không thừa nhận “người dân Bác Ái nghèo lắm” như ông Phương nói. Vậy mới biết những hạt gạo nhường nhịn kia quý giá biết nhường nào. Giữa buổi chiều oi nồng, anh chàng chăn cừu nở nụ cười thân thiện trong dáng vẻ thấm mệt, bức bối. Khi bắt gặp nụ cười ấy trên đường, tôi chợt liên tưởng về cái những cái tên: Phước Trung, Phước Bình, Bác Ái, hình như các bậc tiền nhân đã gửi vào đó một ước nguyện, một lời răn về tình người giữa thiên nhiên khốc liệt.

 

 

LINH PHẠM
TIN LIÊN QUAN

Chiêm ngưỡng 3.000 mộc bản kinh Phật tại ngôi cổ tự ở Bắc Giang

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Chùa Vĩnh Nghiêm, tồn tại từ thời Lý, được coi là danh lam cổ tự của tỉnh Bắc Giang. UNESCO đã trao bằng công nhận 3.000 mộc bản trong chùa là di sản tư liệu ký ức thế giới.

Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuối năm 2023

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).

Đón sóng đầu tư bất động sản công nghiệp

Lam Duy |

Không ít doanh nghiệp thời gian qua đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp nhằm đón sóng nhu cầu bùng nổ khi làn sóng đầu tư quốc tế đổ về Việt Nam.

Dòng người lao động tấp nập trở về Bình Dương mưu sinh sau Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Hàng chục ngàn người lao động đi xe máy từ các tỉnh nối nhau tấp nập trở về Bình Dương để đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2023, bắt đầu cuộc mưu sinh của năm mới.

Dự báo thời tiết tuần tới từ 30.1 đến 5.2

Nhóm PV |

Dự báo thời tiết tuần tới từ 30.1 đến 5.2: Khối không khí lạnh duy trì với cường độ ổn định, tuần tới, khu vực Bắc Bộ nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng ghi nhận nhiều biến động. Trong khi đó, TP.HCM chuẩn bị bước vào mùa khô, nắng nóng kéo dài.

Quả bóng vàng Việt Nam 2022: Lần thứ 2 cho Văn Quyết?

ĐÌNH THẢO |

Có mặt trong Top 5 rút gọn danh sách Quả bóng vàng Việt Nam 2022, tiền đạo Nguyễn Văn Quyết của câu lạc bộ Hà Nội và tuyển Việt Nam có cơ hội để lần thứ 2 mang về danh hiệu cao quý này.

Du xuân dịp Tết: Ngán ngẩm cảnh chen chúc

LƯƠNG HẠNH |

Nhiều người lựa chọn không đi chơi, thăm thú dịp Tết vì ngán ngẩm cảnh chen chúc, chật chội.

Quy định mới về quản lý tiền công đức: Liệu có khả thi?

Linh Chi - Dương Anh |

Nhìn từ góc độ văn hóa, việc ban hành quy định quản lý, thu chi từ công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, cơ sở thờ tự là hợp lý, nhằm nâng cao tính khách quan, minh bạch và tạo thêm lòng tin lâu dài cho người dân.