Những Tấm lòng Vàng lại lên đường “trao tận tay”

Hoàng Văn Minh |

Ngày 8.11, những chuyến quà đầu tiên của Quỹ Tấm lòng Vàng (TLV) Lao Động và Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung - đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng đã lên đường “trao tận tay” người dân vùng lũ Bắc Trà My (Quảng Nam) - địa phương bị tổn thất nặng nề nhất trong trận lũ vừa qua.

“Trao tận tay” là sologan hành động xuyên suốt của Quỹ TLV Lao Động với người dân vùng bão lũ gần 20 năm nay, kể từ cơn lũ lịch sử ở Thừa Thiên - Huế năm 1999. 

“Mẹ ơi con lạnh quá…”

Hơn 3 ngày sau thảm họa lở núi, nước dâng làm 12 người chết và mất tích, 4 người bị thương, 1.439 ngôi nhà bị ngập nước và sạt lở, trong đó có nhiều nhà sập hoàn toàn ở huyện Bắc Trà My, giao thông đã được “giải phóng”. Xác những nạn nhân xấu số cũng đã yên nghỉ trong quan tài. Những xác nhà đổ nát - chứng nhân của sự tan hoang, mất mát và sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai cũng đã được dọn dẹp. Nhưng những viền mắt đục sâu của người dân thì vẫn còn đó nguyên vẹn sự đau thương và nỗi kinh hoàng sợ hãi. “Tôi năm nay 72 tuổi, gần như cả đời sống ở Bắc Trà My này nhưng đây mới là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cảnh núi lở khủng khiếp đến như thế. Núi nổ nghe ầm ầm như bom đạn.” - Bà Vi Thị Đức, người dân ở thị trấn Bắc Trà My khóc kể với chúng tôi khi nhận quà.

Ở Trung tâm thị trấn Bắc Trà My, tang tóc không thể bi thương hơn với gia đình một người đàn ông tên Bình khi chỉ trong tíc tắc, anh mất một lúc cả vợ, mẹ và em trai cùng ngôi nhà và toàn bộ tài sản. Anh Bình phải căng bạt tạm trên lô đất trống của người thân để làm đám tang người thân và nơi thờ cúng. Hôm chúng tôi tìm đến hỗ trợ quà của Quỹ TLV Lao Động, những tấm bạt oằn xuống, dột nước vì mưa xối xả. Trên bàn thờ, cảm giác như 3 di ảnh đang ôm nhau ngồi co ro vì lạnh. Nhà cửa như thế, hương khói bao nhiêu cho đủ ấm. Lòng có sắt đá bao nhiêu, nhìn cảnh ấy ai cũng rơi nước mắt.

Hàng xóm nhà anh Bình. Vẫn chuyện hương hồn lạnh. Khi chúng tôi đến thì cháu Trần Thị Mai - học sinh lớp 11 vừa bị núi lấp khi đang ngủ trưa ở nhà - đã được chôn cất. Một ngôi mộ bằng phẳng trong vườn nhà ông nội cháu. Bên trên chỉ để duy nhất một cây đèn dầu và phía trước, người nhà cứ liên tục nhóm lửa như thi gan với mưa gió. Anh Trần Kỳ - bác ruột của Mai - kể “mấy hôm nay, đêm nào mẹ hắn cũng nằm mơ thấy con gái về báo mộng than khóc, nói mẹ ơi con lạnh quá nên phải đốt lửa, đốt quần áo như vậy cho cháu nó ấm”. Cháu có ấm được không?

Người chết thì đã chết rồi, nhưng người sống, họ đáng thương và thê thảm lắm. Như lúc trao quà cho bà Vi Thị Đức, ông Đoàn Ngọc Minh - Phó chủ tịch UBND xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My) - nói “bà Đức là một trường hợp đau lòng đặc biệt của địa phương”. Đặc biệt bởi ông sui gia đã bị nước cuốn mất tích hơn 3 ngày nay chưa tìm thấy, con gái và con rể may mắn thoát chết khi núi lở nhưng bị trọng thương, đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam “với chi phí hoa mắt chóng mặt trong khi trong nhà không còn lấy một đồng”. Làm sao một thân già 72 tuổi có thể chịu đựng và vượt qua được chừng đó nỗi đau và khó khăn?

Hay lúc trưa, đoàn chúng tôi ghé dùng bữa ở một quán cơm tại trung tâm thị trấn, chị Lê Thị Cẩm Hợp kéo tay ra một góc nài nỉ: “Anh làm sao kêu gọi giúp đỡ cho con bé bị thương đã phải cưa chân phải đang nằm ở bệnh viện, tội nghiệp lắm”. “Con bé” tên Đỗ Thị Ánh Nguyệt, làm thuê cho quán cơm mà chúng tôi đang ăn. Trong trận lở núi, Nguyệt bị thương nặng ở chân và tay. “Hôm qua thì con bé đã bị cưa mất chân phải rồi anh ạ. Thương hơn là chi phí bệnh viện đến thời điểm này đã hơn 100 triệu, trong lúc đó lại không có bảo hiểm xã hội, nhà thì trắng tay đúng nghĩa. Sống như thế thì còn khổ ải hơn chết”. Một thành viên trong đoàn lúc đó mở điện thoại cho mọi người xem bức ảnh thằng nhỏ 16 tháng tuổi - con của Nguyệt đang nằm ngủ ngon lành trong võng vừa chụp trước đó. Bữa trưa bỗng dưng mặn đắng…

“Mẹ ơi con lạnh” và lửa được đốt lên ở mộ phần suốt mấy hôm nay... Ảnh: H.V.M
“Mẹ ơi con lạnh” và lửa được đốt lên ở mộ phần suốt mấy hôm nay... Ảnh: H.V.M

Gần 20 năm “trao tận tay”

Hơn 100 suất quà đầu tiên, gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm cần thiết đã được LĐLĐ tỉnh Quảng Nam, Quỹ TLV Lao Động cùng CLB tình nguyện Vĩnh Trung và Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng mang đến cho người dân đang gặp khó khăn ở xã Trà Giang và thị trấn Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My) - nơi xảy ra liên tiếp những vụ sạt lở đất kinh hoàng vào chiều 5.11 khiến 1 người mất tích, 5 người bị thương và 7 căn nhà sập hoàn toàn, hư hỏng nặng.

Chúng tôi gần như là những người đầu tiên mang hàng cứu trợ đến Bắc Trà My sau khi thông đường, vậy nên dù quà không nhiều so với nhu cầu và khó khăn thiếu thốn của người dân, nhưng sự ấm áp của tình người thì rất lớn. “Nhà có mấy cái hồ cá có thể cho tiền thì lũ đã cuốn trôi sạch, ruộng lúa thì giờ đã lấp đầy bùn đất, hôm qua, hai vợ chồng già đang thấp thỏm không biết làm sao thì hay tin xã báo là sắp có quà của Quỹ Tấm Lòng Vàng, mệ vui đến mất ngủ. Mệ cám ơn Tấm Lòng Vàng lắm.” - Bà Hợi, 70 tuổi ở thôn 5, xã Trà Giang xúc động.

Đợt này, ngoài những phần quà là tiền mặt của Quỹ TLV Lao Động hỗ trợ những gia đình có người chết và bị thương, cộng với 20 triệu của ông Nguyễn Thanh Lang - Giám đốc Cty TNHH TMDV Diên Khánh đến từ TP.Hồ Chí Minh - tình cờ ghép đoàn. Phần lớn quà đến với người dân vùng lũ Bắc Trà My lần này là công sức đóng góp và huy động của Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung và Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng. “Hay tin Bắc Trà My sạt lở núi làm nhiều người chết và bị thương, người dân thiệt hại nặng nền, anh em chúng tôi họp khẩn, quên góp tiền ban đầu và phát lời kêu gọi “lá lành đùm lá rách” đến với anh em bạn bè trên Facebook. Và chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi nhận được sự ủng hộ khá lớn về tiền mặt của những tấm lòng hảo tâm cả từ trong và ngoài nước. Anh em lại họp, huy động nhân lực mua mì tôm, dầu ăn, nước mắm… và tìm đến Quỹ TLV Lao Động để lên đường cùng nhau trao tận tay.” - Anh Huỳnh Việt Hoàng, Đội trưởng Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng nói.

“Trao tận tay” là slogan được nhà văn Nguyễn Quang Vinh - cựu phóng viên Lao Động - “định danh” trên một bài viết liên quan đến hoạt động của Quỹ TVL Lao Động sau cơn lũ lịch sử làm hơn 500 người chết ở Thừa Thiên -Huế. “Trao tận tay” sau đó là phương châm hành động xuyên suốt của những phóng viên Lao Động chúng tôi - những người nhận được sự ủy thác và tin cậy của hàng triệu tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước từ đó đến nay đã gần 20 năm. Và cũng chừng đó thời gian, Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung và Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng đã gắn bó để cùng “trao tận tay” những tấm lòng thơ thảo của người dân từ khắp nơi luôn hướng đến đồng bào miền Trung đến hẹn lại chìm ngập trong bão lũ.

Bắt đầu là những ngày mưa trắng trời sau cơn lũ nhấn chìm Thừa Thiên - Huế năm 1999, những thành viên - hầu hết là sinh viên các trường đại học của Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung và Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng đã băng rừng, trèo núi, “cắt” đèo Hải Vân với quyết tâm bằng mọi giá phải gùi hàng cứu trợ của Quỹ TLV từ Đà Nẵng ra cứu Huế.

Ngày ấy, trên đỉnh đèo Hải Vân, những thành viên như chị Hường mới là một cô bé 19 tuổi hay như anh Nghĩa, anh Tuấn… vẫn còn là một thanh niên tóc xanh hừng hực sức sống. Để rồi hôm nay, chúng tôi lại cùng nhau “trao tận tay” ở những ngôi nhà đổ nát trên Bắc Trà My, cô bé Hường năm nào đã là mẹ của 3 đứa con và anh Nghĩa, anh Tuấn… tóc đã đổi màu thời gian.

Những thành viên của Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung và Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng năm nào, thời gian qua đã đổi không biết bao nhiêu việc, chuyển bao nhiêu nghề, thậm chí bây giờ luôn cả việc làm thiện nguyện cũng đã thay đổi khi họ tự đứng ra vận động, tổ chức và còn tự truyền thông cho chính mình rất hiệu quả trên mạng xã hội. Nhưng tinh thần “trao tận tay”, sự nhiệt huyết, lòng tốt, đức hi sinh… của họ thì vẫn là của những chàng trai, cô gái năm nào trên đỉnh Hải Vân.

Hôm nay (10.11), Quỹ TLV Lao Động, Đội Thanh niên tình nguyện Vĩnh Trung và Đội CTXH Nhân Ái thành phố Đà Nẵng lại cùng nhau “trao tận tay” những rốn lũ khác ở huyện Nam Giang (Quảng Nam). Và “trao tận tay”, có khi còn kéo dài cho đến “mùa giáp lũ” năm tới…

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.