KỶ NIỆM 40 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17.2.1979 - 17.2.2019):

Những người quyết hy sinh cho Tổ quốc

NGUYỄN HÙNG - QUẾ CHI |

Chiến trường Vị Xuyên tháng 2 năm 1979 và cả những năm tháng trong gần 10 năm sau đó, có những người lính đã hy sinh, có những thương binh, cựu binh, những người lính can trường, quả cảm từ chiến trường Vị Xuyên không bao giờ bị quên lãng…

Chuyện tình của hai liệt sĩ

Chuyện tình của liệt sỹ Bùi Văn Lượng - chiến sĩ biên phòng đồn Pò Hèn và nữ liệt sĩ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm - những người cùng nhiều đồng đội khác đã ngã xuống trong trận đánh chống quân xâm lược Trung Quốc vào sáng 17.2.1979 - sẽ còn mãi được ngợi ca về một tình yêu đẹp, sự can trường, lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Tháng 8.2017, 38 năm sau trận đánh Pò Hèn, hai gia đình của hai liệt sĩ mới gặp lại nhau và cùng đồng đội cũ tổ chức lễ cưới đặc biệt cho hai người.

Nhà ông Bùi Văn Huy - anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng trong một ngõ nhỏ, phường Cao Xanh, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Từ tháng 8.2017, trên bàn thờ liệt sĩ Lượng có thêm ảnh của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Tại nhà ông Hoàng Văn Lợi - em trai của liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm - ở Bình Ngọc, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cũng từ thời điểm đó, trên bàn thờ nữ anh hùng có thêm ảnh của liệt sĩ Lượng.

Ông Huy kể, em trai ông và nữ mậu dịch viên Chiêm yêu nhau từ lâu và đã có hẹn ước nên vợ thành chồng. Ngày đó, cả gia đình ông vẫn ở huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), còn cô Chiêm ở Móng Cái. Dịp Tết Nguyên đán 1979 - trước trận đánh ngày 17.2, chiến sĩ Lượng dẫn cô Chiêm về quê ăn Tết, nói với gia đình ra Giêng sẽ ra gia đình người yêu ở Móng Cái xin cưới.

Nhưng, đám cưới không đến, lời ước hẹn của đôi trai gái không thành hiện thực, cả hai đã anh dũng hy sinh trong trận đánh ác liệt, không cân sức để bảo vệ Tổ quốc.

Khi ấy, cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm được lệnh lên cửa hàng cũ ở Pò Hèn dọn dẹp một số hàng rồi rút về tuyến sau, tiện dịp cô ghé thăm người yêu. Cô đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng anh Lượng và đồng đội của người yêu, rồi hy sinh tại trận địa khốc liệt sáng 17.2.1979.

Năm ấy, nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm 25 tuổi, còn chiến sĩ biên phòng Bùi Văn Lượng 26 tuổi.

Đám cưới cho người đã khuất

Ngày 6.8.2017, có một đám cưới đặc biệt diễn ra tại Quảng Ninh, với hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái. Đó là đám cưới của hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, của đồng đội hai liệt sĩ…, trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên. Chỉ có điều, khác biệt là hai họ đón dâu, rể là đón nhận 2 tấm ảnh chân dung của hai liệt sĩ.

“Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long rồi làm thủ tục đón nhận cô dâu Chiêm chính thức trở thành thành viên của gia đình” - cựu binh Nguyễn Đức Tuấn - người trực tiếp sát cánh cùng cô dâu, chú rể trong trận đánh sáng 17.2.1979 tại Pò Hèn - kể.

Ông Bùi Văn Huy bảo, kể từ khi hai người hy sinh cho đến giờ, mỗi lần thắp hương cho em trai vào các dịp giỗ, Tết, lễ, gia đình vẫn nhắc tên cô Chiêm, bởi gia đình ông Huy vẫn coi cô Chiêm như một thành viên trong gia đình dù hai bên chưa nói chuyện trầu cau.

“Nếu không có chiến tranh thì đã có đám cưới rồi” - ông Huy ngậm ngùi.

Ông Tuấn tâm sự, “Khi chúng tôi đặt vấn đề làm lễ cưới cho hai liệt sĩ, cả hai gia đình đều tán thành, để linh hồn hai liệt sĩ về ở mãi bên nhau”.

Lễ cưới đó cũng đánh dấu lần đầu tiên hai gia đình gặp lại nhau sau 38 năm kể từ trận đánh sinh tử 17.2.1979 tại Pò Hèn. Từ đây, họ chính thức trở thành thông gia của nhau…

Người bảo vệ già - cựu binh chiến trường Vị Xuyên

Tại cơ quan LĐLĐ tỉnh Hà Giang, ít ai biết người bảo vệ già gắn bó với cơ quan này 20 năm qua là một người lính từng chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên năm xưa.

Người bảo vệ già ấy là Hoàng Văn Long (SN 1956), vào quân ngũ đầu năm 1978 khi đang là công nhân. Trải qua thời gian huấn luyện tại tỉnh Hải Hưng (cũ), ông đóng quân tại tỉnh Lào Cai. Từ năm 1984 đến 1988, ông thuộc biên chế của Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 356, trực tiếp chiến đấu tại xã Thanh Thủy, Minh Tân (huyện Vị Xuyên).

Quãng thời gian này đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong tâm trí người cựu binh. Nhiều lần ông hứng chịu mưa pháo của địch, mang trên mình nhiều vết thương. Ông Long bảo, may mắn lắm ông mới sống sót trở về...

Dù đây là quãng thời gian chiến đấu vất vả, hy sinh, lằn ranh giữa sống/ chết quá mong manh, nhưng đây cũng là thời gian ông tìm được hạnh phúc của đời mình. Tranh thủ thời gian nghỉ, ông lập gia đình. Vợ ông làm giáo viên. Ông bà sinh hạ được 2 người con, hiện giờ đều đã trưởng thành.

Năm 1989, ông rời quân ngũ, rồi từ đó đi làm nghề xây dựng. Thu nhập từ nghề cùng với đồng lương giáo viên của vợ đã giúp gia đình với 2 người con vượt qua khó khăn.

Đến năm 1999, ông trở thành bảo vệ của LĐLĐ tỉnh. Từ đó đến nay, đã 20 năm. Hàng ngày, ông có thể về nhà để làm các việc vặt của gia đình, trông các cháu; còn ban đêm, ông ra cơ quan làm việc. Với mức thương tật 42%, hiện ông đang được hưởng chế độ thương binh (2 triệu đồng/tháng).

Năm nào ông Long và các đồng đội cùng chiến đấu với nhau năm xưa cũng gặp nhau ít nhất 1 lần cùng ôn lại những kỷ niệm, hỏi han, giúp đỡ lẫu nhau, tưởng nhớ những người đã nằm xuống.

40 năm đã qua, ký ức những tháng năm về chiến trường Vị Xuyên mãi mãi khắc sâu trong tâm trí người bảo vệ già ấy.

NGUYỄN HÙNG - QUẾ CHI
TIN LIÊN QUAN

Hồi ức của vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên

VIỆT VĂN |

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, đã trải qua ba cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ và chống quân xâm lược phương Bắc. Đã xấp xỉ tuổi 90, nhưng tướng Huy vẫn cực kỳ minh mẫn, giọng nói sang sảng và ký ức của ông vẫn ghi dấu mốc những sự kiện, con số rõ mồn một của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước…

Gặp mặt những người có công trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

ANH THƯ |

Ngày 23.1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Nước mắt ngày trở về chiến trường Vị Xuyên của những cựu binh già

ĐĂNG KHOA |

Hàng năm, cứ vào ngày 12.7, những cựu binh già lại trở về thắp hương, tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh trong trận đánh khốc liệt tại mặt trận Vị Xuyên cách đây 33 năm.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Hồi ức của vị tướng chỉ huy mặt trận Vị Xuyên

VIỆT VĂN |

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sinh năm 1931, nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu 2, đã trải qua ba cuộc chiến tranh: Chống Pháp, chống Mỹ và chống quân xâm lược phương Bắc. Đã xấp xỉ tuổi 90, nhưng tướng Huy vẫn cực kỳ minh mẫn, giọng nói sang sảng và ký ức của ông vẫn ghi dấu mốc những sự kiện, con số rõ mồn một của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước…

Gặp mặt những người có công trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

ANH THƯ |

Ngày 23.1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Nước mắt ngày trở về chiến trường Vị Xuyên của những cựu binh già

ĐĂNG KHOA |

Hàng năm, cứ vào ngày 12.7, những cựu binh già lại trở về thắp hương, tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh trong trận đánh khốc liệt tại mặt trận Vị Xuyên cách đây 33 năm.