Những mảnh đời phía sau sân khấu vỉa hè

ĐĂNG HUỲNH |

Trên nhiều con phố ở Hà Nội, hằng ngày, từ chập tối, người ta vẫn thấy những sân khấu vỉa hè được dựng một cách sơ sài. Trên đó, là những ca sĩ đặc biệt. Họ đều là những người khuyết tật và dù tiếng hát của họ không “nuột nà” thì dù mưa lạnh, họ cũng quyết “bám trụ” để hy vọng từng đồng tiền cóp nhặt từ người đi đường. Phía sau những sân khấu vỉa hè này là những mảnh đời, những câu chuyện cảm động và đầy trắc ẩn. Chúng tôi đã đồng hành nhiều đêm với những ca sĩ đặc biệt ấy, tìm về những nơi họ sinh sống để thấy rằng: Chính những con người khuyết tật lại đang truyền cảm hứng sống, cảm hứng lao động cho những con người lành lặn. Và những sân khấu vỉa hè cũng đặt ra câu hỏi về sự kiểm soát, quản lý về nội dung, chất lượng nghệ thuật lẫn quản lý nhà nước...

Kỳ 1: Cậu bé mù và giọng hát nuôi gia đình

Cứ đều đặn mỗi ngày, ông Đặng Văn Minh (sinh năm 1965) làm xe ôm riêng cho cậu con trai khiếm thị Đặng Tú Tài đến đội 1 - Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long hát từ 6h và đến 10h - khi đêm diễn kết thúc, lại đến đón em về. Tú Tài là một trong số ít trường hợp “ca sĩ” khuyết tật không sống tập trung với đoàn mà ở với gia đình, em có 7 năm “bén duyên” cùng đoàn nghệ thuật. Cuộc sống của gia đình Tài đôi khi cũng phải nhờ đến nguồn hỗ trợ nhỏ nhoi từ “cát xê” mà em nhận hằng đêm.

Bẩm sinh “tật”, bẩm sinh tài

Đặng Tú Tài sinh năm 2001, em bị khiếm thị bẩm sinh. Ông Đặng Văn Minh kể: Tài là con trai thứ ba của gia đình ông. Trước Tài, vợ chồng ông Minh đã có 2 người con trai. Khi mang thai lần thứ 3, vợ ông Minh sinh 3, nhưng chỉ mình Tài là sống sót, nhưng Tài lại bị khiếm thị bẩm sinh. Cũng phải 6 tháng sau khi sinh, gia đình mới phát hiện dị tật của Tài. Dù vậy, ông Minh vẫn cho rằng Tài còn may mắn.

Khi Tài lên 8 tuổi, trong một lần đoàn Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long về phường - nơi gia đình em sinh sống biểu diễn, Tài nằng nặc xin mẹ cho lên giao lưu cùng các bạn. Chưa hề hát, đàn bao giờ, nhưng lần đó, Tài đã khiến gia đình phải ngỡ ngàng khi trổ tài năng thiên bẩm của mình. Cũng từ hôm đó, trưởng đoàn Đỗ Trắc Lộc đã về nói chuyện với gia đình và đưa em vào đội 1 - Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long.

Ông Minh nhớ lại, khi Tài đến tuổi đi học, ông Minh xin cho con trai theo học lớp chữ nổi. Thầy giáo bất lực khi Tài học mãi không qua được lớp 1. Nhưng em lại cực kỳ đam mê âm nhạc. Điều khiến cả gia đình kinh ngạc đó là tự tay Tài đấu nối các thiết bị âm thanh trong gia đình mà không cần đến người trợ giúp. Điều này xuất phát từ việc ham muốn tìm đến âm nhạc của em những lúc ở nhà một mình. Tham gia vào đoàn nghệ thuật nhân đạo được xem như để Tài thoả mãn đam mê. Đó cũng như nguồn vui sống hằng ngày của em.

Bây giờ, ngoài hát, Tài còn đánh đàn nguyệt rất giỏi - cây đàn gắn với em mỗi đêm diễn. Trong những tiết mục dân ca, tiếng đàn nguyệt của Tài luôn khiến người ta xúc động. Trong các tiết mục Tài hay biểu diễn, giá văn “Cô đôi Thượng Ngàn” được em trình diễn nhiều nhất và cũng xuất sắc nhất. Tài chia sẻ, em biết nhiều loại nhạc, nhạc cách mạng, nhạc quê hương, Bolero, em biết cả đánh trống, đàn ghi ta, đàn nguyệt… đều thành thạo.

Bố mẹ Tài chia sẻ, năng khiếu âm nhạc của em là hoàn toàn bẩm sinh. Chỉ nghe qua đài, tivi thôi, nhưng Tài đã nhớ và hát theo được. Đặc biệt, khả năng đánh đàn của Tài cũng xuất phát từ tai nghe nhạc, nhớ nốt của em mà có chứ em không được ai dạy trước đó. Đến với Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, Tài được bổ trợ thêm các kỹ năng diễn và được tiếp xúc với đàn, hát nhiều hơn.

Tài nói rằng, em thích nhất nhạc Bolero, nhưng do ở đoàn chuyên hát những ca khúc cách mạng, và những ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, nhạc dân ca… nên em chỉ thường xuyên thể hiện những ca khúc mình thích với dàn karaoke ở nhà. Khi đã có môi trường nuôi dưỡng đam mê, Tài cũng bắt đầu có được cuộc sống có ích bằng những “vốn liếng” âm nhạc của mình. Buổi tối đi diễn, hằng ngày ở nhà, Tài lại đắm mình trong không gian âm nhạc quanh chiếc ti vi đời cổ và một dàn âm ly mà gia đình sắm được từ chính “cát xê” đi hát của em.

Một tiết mục trong đêm diễn của Đặng Tú Tài - Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long trên đường phố Hà Nội. Ảnh: HOÀI ĐAN

Giọng hát nuôi gia đình và khoảng lặng của cuộc sống

Khi Tài “bén duyên” với Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, bố mẹ Tài cũng xác định làm sao để em không lãng phí tài năng, có môi trường để đeo đuổi đam mê khi không thể tiếp tục theo học chữ nổi. Bởi thực tế, sau 2 năm đi học chữ, Tài đã phải bỏ dở vì không lên được lớp. Và cũng kể từ ngày đó, ông Minh đưa đón con mỗi tối 2 lượt đều đặn. Và rồi từ chỗ đi hát để được thể hiện năng khiếu, được đeo đuổi nghệ thuật trên “sân khấu nhân đạo” , Tài cũng có “cát xê” và dần dần đó lại là một khoản thu nhập có ích cho bản thân em lẫn gia đình.

Bố Tài nói rằng, từ lần đầu tiên đi theo đoàn, em được trả từ 80.000 - 120.000 đồng - 180.000 đồng và giờ là 200.000đ/ đêm diễn. Mỗi tháng Tài đi cùng đoàn 22-25 buổi đều đặn và mỗi tháng em cũng thu nhập được từ 5-6 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài khoản trên thì Tài hầu như không có thưởng gì từ đoàn. Khoản thu nhập này tuy không nhiều, nhưng vẫn là nguồn hỗ trợ tương đối cho gia đình em với cuộc sống hằng ngày.

Kết thúc một đêm diễn, thông thường từ 10 - 11 giờ đêm, Tài nhấc máy điện thoại gọi cho bố đến đón. Dù khiếm thị, nhưng Tài lại sử dụng điện thoại có bàn phím một cách thành thạo. Hình ảnh hai bố con đưa đón nhau mỗi tối ở Đoàn nghệ thuật nhân đạo Thăng Long không chỉ khiến nhiều người xúc động, mà còn cảm nhận được những khoảng lặng phía sau sân khấu...

Nhà Tài nằm trong một ngách nhỏ sâu bên trong phố An Trạch (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Đó là căn nhà thuê, cùng khu nhà trọ với những sinh viên. Căn phòng của gia đình Tài nằm trên tầng 2 và 3 sau khi đi qua chiếc cầu thang cheo leo không có đèn thắp sáng vào buổi tối. Tiếng là nhà thuê 2 tầng cho cả gia đình, nhưng mỗi căn phòng chỉ rộng khoảng 10m2, lại vì nhiều đồ đạc, nên bên trong khá chật chội. Căn nhà là nơi sinh sống của gia đình 5 người.

Ông Minh cho biết, chi phí thuê nhà mỗi tháng mất 3,5 triệu đồng, chưa kể tiền điện nước. “Cát xê” của Tài hằng tháng dư để chi trả tiền thuê nhà và phí phụ hằng tháng. Đó là nguồn kinh phí hỗ trợ không nhỏ hằng tháng cho kinh tế gia đình. Hiện, bố Tài đang làm nghề chạy xe ôm, thu nhập không đều đặn, đặc biệt trong thời buổi mà loại hình “xe ôm online” lên ngôi, thì xe ôm truyền thống như bố Tài rồi cũng phải tính đến phương án khác để mưu sinh. Mẹ và 2 anh trai của Tài làm nghề lao động tự do nên kinh tế gia đình cũng tương đối khó khăn.

Tài nói rằng, ban ngày khi không đi hát, em thường ở nhà hát, đàn. Ngoài đi hát cho đoàn Thăng Long, thi thoảng Tài vẫn đi đánh trống cho phường bát âm ở các đám ma, các hội đầu năm… Mỗi lần đi như thế đều có thu nhập tuỳ đoàn trả. Dù thu nhập của Tài ở đoàn Thăng Long không thể giúp em hỗ trợ kinh tế lớn cho gia đình thế nhưng em và gia đình cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chuyển đoàn. Ông Minh nói rằng, đã có nhiều đoàn nghệ thuật nhân đạo khác đặt vấn đề mời Tài đến hát với “cát xê” tốt hơn, nhưng ông vẫn để con trai ở lại. Bởi Tài đã gắn bó với đoàn từ những buổi đầu tiên, gắn với thầy Lộc từ khi bước lên “sân khấu nhân đạo”.

“Đãi” phóng viên Báo Lao Động, Tài chơi nhạc bằng chiếc ghita cũ, em bước đến chỗ treo đàn, lấy đàn thành thục. Do đàn đã cũ, dây đã trùng, tiếng không còn chuẩn, Tài nhờ bố lấy giúp chiếc tuốc nơ vít để chỉnh lại. Chỉ bằng cảm nhận của bàn tay, em tháo thành thạo ốc ở điểm nối dây đàn và căng dây lại rất thành thục. Thế rồi, từng bản ghi ta “không ai dạy một cách bài bản” cứ thế vang lên. Đó là điều mà khiến bố Tài đến giờ vẫn day dứt khi không thể đầu tư giúp con trai mình vươn xa hơn nữa với năng khiếu bẩm sinh hiện có.

Ước mơ của bố Tài là con trai đỗ vào nhạc viện. Còn bây giờ, ước mơ của Tài chỉ đơn giản là được đeo đuổi đam mê âm nhạc trên chính “sân khấu nhân đạo”. Bởi đơn giản, em đang sống có ích với những khả năng của bản thân. Tài mới 15 tuổi, so với nhiều bạn cùng trang lứa, em đã biết đóng góp một phần nào đó cho kinh tế gia đình. Và “ít nhất”, bây giờ Tài được hát, được đàn, có bạn bè và sống một cách có ích!

(Đón đọc kỳ 2: Cuộc sống về đêm của những người chưa bao giờ hết hy vọng)

ĐĂNG HUỲNH
TIN LIÊN QUAN

“Còn lòng dạ nào mà lo tết”

Phóng sự của Xuân Nhàn |

Tháng chạp. Thay vì vừa thong thả làm đồng, vừa túc tắc chăm khóm cúc, cội mai cho cái tết cổ truyền sum vầy, ấm cúng, dân quê Bình Định nay đang đứng ngồi nhấp nhổm không yên. Nước rút đến đâu, xơ xác hoang tàn lộ ra đến đó. Hậu lũ, gặp những nạn nhân mới đây còn ngoi ngóp, rã rời trong biển nước, ai cũng quay đi, cố giấu giọt nước mắt chờ chực lăn dài, giấu nỗi niềm nặng trĩu đá đeo khi nghe có người lỡ lời nhắc tết.

Vựa rau Bàu Tròn chỉ còn mỗi màu đất

Thùy Trang |

Ngày cuối năm, vựa rau lớn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, người nông dân vẫn đang trông đứng trông ngồi nhìn trời. “Mưa nữa cũng chết mà nắng lên cũng chết. Người nông dân cả đời gắn với ruộng. Nay đồng trắng nước, trắng đất thì chúng tôi cũng chỉ còn xác khô như cây thôi”, ông Thành, lão nông buông tiếng thở dài trong sự bất lực không riêng ông mà của hàng nghìn người nông dân khác trước thời tiết và hậu quả quá nặng nề trước mắt.

Hẹn mùa ra khơi!

LÂM HƯNG THƠ |

Những ngày cuối năm, trời không nắng, gió lạnh kèm mưa rả rích, chúng tôi lại đi dọc các vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị để gặp những ngư dân từng xuất hiện trên báo Lao Động với vẻ mặt buồn so sau sự cố cá chết do Formosa gây ra. Khác với tiết trời, khác với những hình ảnh buồn trước kia, nay thuyền thúng không còn sấp ngửa trên đụn cát, lưới không còn vo tròn vứt chỏng chơ ở góc nhà. Dù chưa đủ đầy để dùng câu “trên bến dưới thuyền”, nhưng ngư dân gần bờ đã lấy lại phần nào niềm tin, bởi cá đã kéo nhau trở về, những con thuyền cũ kỹ, nhỏ thó đã được nâng cấp, lưới đã được vá lành để chuẩn bị cho vụ mùa mới: Mùa ra khơi

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

“Còn lòng dạ nào mà lo tết”

Phóng sự của Xuân Nhàn |

Tháng chạp. Thay vì vừa thong thả làm đồng, vừa túc tắc chăm khóm cúc, cội mai cho cái tết cổ truyền sum vầy, ấm cúng, dân quê Bình Định nay đang đứng ngồi nhấp nhổm không yên. Nước rút đến đâu, xơ xác hoang tàn lộ ra đến đó. Hậu lũ, gặp những nạn nhân mới đây còn ngoi ngóp, rã rời trong biển nước, ai cũng quay đi, cố giấu giọt nước mắt chờ chực lăn dài, giấu nỗi niềm nặng trĩu đá đeo khi nghe có người lỡ lời nhắc tết.

Vựa rau Bàu Tròn chỉ còn mỗi màu đất

Thùy Trang |

Ngày cuối năm, vựa rau lớn Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, người nông dân vẫn đang trông đứng trông ngồi nhìn trời. “Mưa nữa cũng chết mà nắng lên cũng chết. Người nông dân cả đời gắn với ruộng. Nay đồng trắng nước, trắng đất thì chúng tôi cũng chỉ còn xác khô như cây thôi”, ông Thành, lão nông buông tiếng thở dài trong sự bất lực không riêng ông mà của hàng nghìn người nông dân khác trước thời tiết và hậu quả quá nặng nề trước mắt.

Hẹn mùa ra khơi!

LÂM HƯNG THƠ |

Những ngày cuối năm, trời không nắng, gió lạnh kèm mưa rả rích, chúng tôi lại đi dọc các vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị để gặp những ngư dân từng xuất hiện trên báo Lao Động với vẻ mặt buồn so sau sự cố cá chết do Formosa gây ra. Khác với tiết trời, khác với những hình ảnh buồn trước kia, nay thuyền thúng không còn sấp ngửa trên đụn cát, lưới không còn vo tròn vứt chỏng chơ ở góc nhà. Dù chưa đủ đầy để dùng câu “trên bến dưới thuyền”, nhưng ngư dân gần bờ đã lấy lại phần nào niềm tin, bởi cá đã kéo nhau trở về, những con thuyền cũ kỹ, nhỏ thó đã được nâng cấp, lưới đã được vá lành để chuẩn bị cho vụ mùa mới: Mùa ra khơi