Những chuyện dài về nhạc cụ dân tộc

Lê Tuyết |

“…Dáng em xinh như đóa hoa tươi, miệng em cười mịn màng như hoa ở trên đồi… hớ… hớ… hấy!”, nghệ sĩ Đức Dậu (Đoàn nhạc gõ Phù Đổng, TPHCM) vừa gẩy đàn vừa hát. Ở cái tuổi sắp sửa lục tuần, ông vẫn giữ được nét duyên dáng, say sưa như chàng trai Raglai tuổi đôi mươi mang đàn Goong - tên gọi khác của đàn Chapi - hát bài ca tình yêu, tặng nàng sơn nữ.

Đổi bằng tình yêu và lòng đam mê

Bất chợt ông hỏi tôi “có biết câu chuyện về đàn Chapi không?”. Tôi thú thật đây là lần đầu tôi thấy cây đàn Chapi, từ trước tới giờ có nghe cũng chỉ qua bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Ông cười, bằng cái giọng ấm áp trộn trong tiếng đàn Chapi và một vài câu hát tiếng… đồng bào, ông nói về Chapi một cách sinh động, gần gũi. Chẳng riêng gì Chapi, chỉ vào bất kỳ nhạc cụ dân tộc nào trong “bảo tàng” mà ông cất công sưu tầm 25 năm qua, ông đều “kể” theo cách như vậy.

“Sau mỗi nhạc cụ là một không gian văn hóa, một câu chuyện về một nghệ nhân, một gia đình hay cả một dòng họ, dân tộc nên nhạc cụ dân tộc không đơn thuần chỉ là nhạc cụ mà nó còn chứa đựng tâm linh, tình cảm con người và hồn vía núi rừng”, nghệ sĩ Đức Dậu trầm ngâm. Theo lời ông, những nhạc cụ dân tộc mà ông sưu tầm, được đổi bằng tình yêu, lòng đam mê bởi “tiền có thể mua được nhạc cụ nhưng không mua được hồn vía”.

Như để lý giải cho lời nói của mình, chỉ tay vào bộ trống đại 14 chiếc đang tựa vào vách, ông kể, bộ trống được ông mang về từ Gia Lai. Trống có một mặt làm bằng da con voi đực, một mặt làm bằng da con voi cái, gỗ làm thân trống được chọn lựa từ cây cổ thụ. Những việc nhỏ, trống được đánh ở mặt được làm bằng da voi cái và chỉ dịp lễ lớn, trống mới được đánh cả hai mặt. Để bà con tin tưởng trao cho bộ trống, trong ba, bốn năm liền, ông lên xuống Gia Lai không biết bao nhiêu lần. Ông bảo, ông nhớ như in những tháng, ngày ở lại buôn làng cùng bà con để hít thở bầu không khí linh thiêng mỗi khi tiếng trống vang lên, những ngày được các nghệ nhân dạy cho ông cách đánh trống. Một ngày, tấm lòng của “người dưới xuôi” cuối cùng cũng lay động được các già làng. Mọi người họp lại, thống nhất “đổi” bộ trống lấy năm đôi trâu. Để “thỉnh” bộ trống về, ông mua ché rượu, con gà đến cúng Giàng, cảm ơn dân làng đã tin tưởng giao “báu vật” cho ông. Và tất nhiên, ông không quên hứa với dân làng sẽ giữ gìn, phát huy giá trị của “báu vật”.

“Có những nhạc cụ dân tộc mà không một trường lớp nào dạy mình được, chỉ có những nghệ nhân dân gian sở hữu nhạc cụ đó mới có thể truyền lại cho mình. Để cảm được những thanh âm nghe có vẻ xù xì nhưng quyến rũ, đơn giản nhưng không hề đơn điệu ấy, tôi có thể sống hằng tháng, hằng năm với bà con để nó thấm vào máu thịt của mình”, thế nên mỗi nhạc cụ mà ông sưu tầm được, ông quý như những người bạn hiền.

Hỏi ông đã sưu tầm được bao nhiêu nhạc cụ dân tộc, ông khẽ chau mày rồi bảo “không nhớ chính xác số lượng” nhưng giờ cầm nhạc cụ nào lên, hỏi chơi như thế nào, đã tìm thấy “bạn ấy” ra sao, ông sẽ kể vanh vách, từng chi tiết một. Hôm tôi gặp ông trong một căn nhà nhỏ ở quận Gò Vấp, toàn bộ tầng trệt, trần nhà, quanh cầu thang được ông trưng dụng để trưng bày những nhạc cụ mà ông cất công tìm về. Nhưng theo lời ông, ở đây chỉ khoảng 1/10, 9/10 còn lại được để trên nhà của cậu em trai của ông ở phường Thạnh Xuân, quận 12. “Tôi muốn có khoảng không gian rộng rãi hơn để trưng bày, để biến cái “bảo tàng” thành hiện thực, để tất cả những ai yêu thích nhạc cụ dân tộc có một nơi để tìm đến nhưng chưa được” - nghệ sĩ Đức Dậu tần ngần.

Vẫn còn loay hoay lắm!

Ông bảo, khi nhận những gửi gắm của bà con, khi ông cúng Giàng, ông hứa sẽ phát triển giá trị của những “báu vật” nhưng sự thật ông “vẫn còn loay hoay lắm”. Ông so sánh bằng cái giọng hơi trách hờn, giờ nghe cải lương, hát bội, hát chèo, hát tuồng là người nghe, người xem có thể biết thể loại ấy ở vùng nào, nhưng bây giờ mà nhìn đàn T’rưng, đàn Chapi, khèn bầu (đinh tặc tà), sáo vỗ, sáo rút, cặp kè (hay sênh sứa), đàn đá… dễ gì người ta biết nhạc cụ ấy của dân tộc nào, ở vùng nào. “Năm tháng qua đi, những nghệ nhân dân gian rồi cũng đi về thiên thu, rồi chẳng còn ai biết nữa, nhớ nữa để mà lưu truyền. Như cái tù và bằng ngà voi này, tôi được một nghệ nhân ở Đắc Lắc tặng lại. Giờ ông đã là người thiên cổ, chiếc tù và này được một khách Tây đề nghị mua lại với giá 75 triệu đồng. Ừ, thì tôi đang chạy một chiếc xe Dream cũ mèm, “sô” biểu diễn khi được khi không, chi tiêu đôi khi thiếu hụt nhưng sẽ không bao giờ tôi bán. Vì tôi còn lời hứa với người nghệ nhân đã khuất núi rằng, tôi sẽ nói cho nhiều người biết về câu chuyện của chiếc tù và” - nghệ sĩ Đức Dậu trầm ngâm.

Không có nơi trưng bày rộng rãi để mọi người có thể dễ dàng tìm đến, ông và Đoàn nhạc gõ Phù Đổng chọn cách tìm đến với người nghe. Từ nhiều năm qua, ông và đoàn đã đi biểu diễn hơn 40 nước trên thế giới. Ông tự hào bảo rằng, đi đến đâu, ông và đoàn cũng nhận được những khen ngợi, giữa muôn trùng âm thanh ồn ã, hiện đại, những âm thanh đơn giản, xù xì, nghe như tiếng côn trùng kêu, tiếng gió rít, tiếng núi rừng lại mang đến sự thích thú, hào hứng cho người nghe. Ở trong nước, Đoàn nhạc gõ Phù Đổng đến hơn 50 trường học để biểu diễn và nói về nhạc cụ dân tộc. “Mỗi lần di chuyển hơi cực một chút vì phải thuê 2-3 xe tải mới chở hết được các nhạc cụ đi. Thường thì khi các trường mời mình về biểu diễn, mình chỉ cần đưa một vài nhạc cụ phục vụ cho tiết mục của mình là đủ, các trường cũng không phàn nàn gì nhưng tôi vẫn đưa tất cả “người bạn” của mình đi. Tôi trưng ra hết để giới thiệu với các bạn trẻ. Ở các tiết mục, khán giả nào có hứng thú, tôi mời lên cùng biểu diễn, đôi khi tập cho các em học sinh một vài kiểu gõ hoặc gẩy đàn đơn giản để các em làm quen với nhạc cụ dân tộc. Người ta bảo “bảo tàng” là “cấm sờ vào hiện vật”, chứ “bảo tàng” nhạc cụ dân tộc của nghệ sĩ Đức Dậu thì “thèm” có người “sờ” lắm!” - ông cười, vẫn cái giọng hiền khô.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Thu Hiền chia sẻ: “Có khi, anh ấy tìm được một nhạc cụ mà người ta để lại với giá 50 triệu, anh ấy chạy vạy ở đâu đó 30 triệu, về nhà nói với tôi “người ta để lại có 20 triệu thôi”. Rồi khi đi biểu diễn, tích góp trả hết nợ, anh ấy mới nói với tôi giá thật của nhạc cụ. Anh ấy lo, dù sao vợ không tránh khỏi những lo lắng cơm áo gạo tiền. Thật ra thì, tôi yêu anh phần vì niềm đam mê bất tận với nhạc cụ dân tộc, còn cuộc sống có khó khăn nhưng tự mình thấy thỏa mãn là được, so sánh thì vô cùng”.

Tôi hỏi ông “bao nhiêu năm sưu tầm, số lượng nhạc cụ nhiều đến nhớ không hết vậy ông đã thấy đủ đầy, thỏa mãn?”. Ông trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu chuyện, rằng, cũng khá lâu rồi, ông có nghe bạn bè nói một dòng họ ở Tây Nguyên có một bộ trống rất quý, ông lặn lội tìm đến thì mới hay không còn nữa. Trong lúc đói khổ, bà con đã chẻ trống ra, lấy da ngâm đi nấu canh. Hoặc có khi, ông tìm được một nhạc cụ rất quý nhưng người nghệ nhân không còn nữa để mà truyền lại cho ông. Hoặc đôi khi, có gia đình họ trân quý cái khèn, cái trống như báu vật nhưng cũng có nơi để mặc cho nắng mưa, gió bụi… “Gặp những cảnh ấy mới thấy xót lòng. Đau đớn. Ước gì mình đến sớm hơn! Nhạc cụ dân tộc như một cánh rừng mà tôi chỉ đặt được vào đó một bàn chân. Tôi sẽ đi tiếp, sẽ tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm”.

25 năm lặn lội khắp núi rừng sưu tầm nhạc cụ dân tộc, mỗi khi nhìn lại, người nghệ sĩ gốc Hà thành ấy không giấu được ánh mắt rưng rưng bởi sau mỗi nhạc cụ là một câu chuyện, một dòng họ hay cả một dân tộc, mà cái hồn, cái vía đã được các nghệ nhân gửi gắm cho ông.

Người nghệ sĩ ấy đã tự nguyện nhận lấy và tự nguyện giữ gìn.

Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Người trẻ mang mùa xuân đến với người vô gia cư

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Đêm muộn cuối năm, trong cái lạnh tê tái của mùa đông khi đa số mọi người đang trở về quê ăn tết, sum vầy với gia đình thì các đoàn thiện nguyện cũng bắt đầu hành trình mang tết đến cho những cụ ông cụ bà vô gia cư.

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành; Đỗ Tiến Đông; KPă Thuyên.

Chuyển hồ sơ sai phạm ở dự án của Mường Thanh Hà Nam cho Bộ Công an xử lý

Quang Việt |

Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét và xử lý dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Mường Thanh tại tỉnh Hà Nam do phát hiện có nhiều sai phạm liên quan chỉ định đầu tư, cho thuê đất, chuyển nhượng căn hộ...

Những công trình làm mới bộ mặt thành phố Hồ Chí Minh

Phương Ngân |

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các công trình trọng điểm của TPHCM đã và đang dần về đích, tạo nên diện mạo mới khang trang cho bộ mặt đô thị của thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội chiều 28 Tết: Giao thông ùn ứ, cửa ngõ tắc nghẽn

Nhóm PV |

Chiều 28 Tết, trên các tuyến phố ở Hà Nội, lượng người đổ ra đường khá đông đã tạo áp lực lên hệ thống giao thông của thành phố. Nhiều tuyến đường xảy ra tình trạng ùn tắc liên tục dù chưa đến khung giờ cao điểm.

Du khách hào hứng khám phá quy trình làm hồng treo gió Đà Lạt

Hữu Long |

Để cho ra những trái hồng treo gió thơm ngon, chủ vườn ở Đà Lạt phải tuyển chọn nguyên liệu kỹ càng. Những trái hồng khi được trao đến du khách không chỉ đại diện cho tinh hoa đất trời mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Đà Lạt.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.