Nhà thuốc “chui” bao vây công nhân

LÊ TUYẾT |

Tại Dĩ An (Bình Dương), hàng trăm quầy thuốc không được cơ quan thẩm quyền cấp phép, thậm chí người bán thuốc không có bằng cấp, không có chuyên môn, không được đào tạo về dược lại ngang nhiên mở quầy kinh doanh thuốc tây. Những quầy thuốc kiểu này mọc dày đặc tại các khu vực tập trung đông công nhân, người lao động, len lỏi giữa các nhà trọ, khu công nghiệp… hoạt động nhộn nhịp như bán rau củ, hàng tạp hóa.

Chẩn đoán bệnh, truyền dịch, bán thuốc bằng… kinh nghiệm

“Bị sao em?” - người đứng quầy thuốc tây ở địa chỉ 44 Bình Đường 1 (Dĩ An, Bình Dương) hỏi tôi trong khi vẫn đang bán thuốc cho một vài người khác. Tôi nói một vài triệu chứng như ăn không tiêu, mất ngủ và thỉnh thoảng chóng mặt thì được chủ quầy thuốc tên Hằng chẩn đoán “suy nhược”. Hằng bán cho tôi 3 liều với 5 loại thuốc uống/liều và 1 viên sủi.

Sau khi nhận thuốc, tôi đề nghị có toa thuốc hoặc tên các loại thuốc cụ thể đề phòng khi tôi bị dị ứng thuốc hoặc có vấn đề gì liên quan đến thuốc thì bác sĩ điều trị biết vì bản thân tôi có tiền sử dị ứng… Chủ quầy Hằng khẳng định “chỉ có kháng sinh mới dị ứng còn những thuốc này thì an tâm”.

Thay cho toa thuốc, Hằng viết cho tôi dòng chữ “ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 bịch sau ăn” vào một mảnh giấy vụn. Trước khi tôi rời đi, Hằng còn đề nghị “nếu không thấy đỡ thì quay lại cắt thuốc khác” và khuyên tôi nên truyền dịch cho nhanh khỏe.

Quầy thuốc tây của Hằng là mặt trước của một căn phòng trọ, thông tin duy nhất là tấm bảng hiệu “Thuốc tây”. Hỏi một người đến trước vì sao lại mua thuốc ở đây, chị này hồn nhiên: “Thuốc rẻ. Uống hai, ba lần không hết, đến mua thêm. Tổng số tiền mua thuốc ở đây bằng mua vài liều chỗ khác”.

Cách quầy thuốc của Hằng chừng 3 căn nhà là một quầy thuốc tây khác. Người đứng quầy tên Huệ, vốn là công nhân nhưng đã chuyển sang nghề bán thuốc nhiều năm nay. Chiều 9.10, tôi đến quầy thuốc của Huệ trong lúc Huệ đang truyền dịch cho hai người bệnh. Tôi khai bệnh như cũ, Huệ cũng chẩn đoán tôi bị “suy nhược” và kê cho 6 liều thuốc uống với 4 loại thuốc/liều và kèm theo 6 viên thuốc bổ, không toa. Huệ khuyên nên truyền dịch với giá 80.000 đồng/lần để nhanh khỏe.

Ngay trên đường Bình Đường 1, ngoài nhà thuốc Thủy Trúc, có bảng hiệu ghi rõ dược sĩ, giấy phép đăng ký kinh doanh, nhà thuốc đạt chuẩn GPP, còn lại đều không có bất kỳ thông tin nào như: Nhà thuốc Tường Vy, nhà thuốc 69, nhà thuốc Hồng Nhung... Tình trạng tương tự cũng lập lại trên các đường Bình Đường 2, Bình Đường 3, Dĩ An 2… Mỗi con đường chừng 2 - 3km nhưng có đến 5 - 8 quầy thuốc. Đặc điểm chung của các nhà thuốc chỉ là tận dụng mặt tiền của một dãy nhà trọ, phòng ốc xập xệ, mái lợp tôn, trên bảng hiệu không có thông tin về dược sĩ, giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhiều quầy thuốc bán cả mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bảo hiểm xe máy, hồ sơ xin việc, sim, card điện thoại…

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhanh đối với 10 người mua thuốc tây ở các quầy thuốc không bảng hiệu, không giấy phép đăng ký kinh doanh, không có tên dược sĩ… 3 người tỏ ra ngạc nhiên, 3 lắc đầu và số còn lại cho rằng “thuốc nào cũng trị bệnh, chỗ nào giá rẻ, gần nhà trọ thì mua” và không quan tâm đến thông tin khác!

Thuốc và hướng dẫn sử dụng của nhà thuốc kê cho bệnh “suy nhược”. Ảnh: L.T

Cố gắng hết sức vẫn không dẹp được

Theo thống kê của Phòng Y tế thị xã Dĩ An, hiện nay, trên địa bàn thị xã có 433 cơ sở hành nghề dược nhưng chỉ có 168 cơ sở có giấy phép hợp lệ, còn lại là 265 cơ sở không hợp lệ. Một số phường, số cơ sở hành nghề dược không hợp lệ cao hơn hẳn cơ sở hoạt động hợp lệ như phường An Bình có 108 cơ sở hành nghề dược nhưng chỉ có 25 cơ sở có giấy phép hợp lệ, 83 cơ sở không có giấy phép; phường Đông Hòa có 55 cơ sở thì có 37 cơ sở không giấy phép; phường Tân Đông Hiệp với 92 cơ sở thì có 52 cơ sở không phép!

Bác sĩ Nguyễn Văn Ai - Trưởng phòng Y tế Dĩ An bày tỏ sự bất lực khi nói về những cơ sở kinh doanh thuốc tây không phép. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng sức người có hạn, dẹp không xuể”. Bác sĩ Ai lý giải, thị xã Dĩ An hiện nay có trên 400.000 dân, 2/3 là người nhập cư, công nhân lao động. Họ ở trọ, ốm đau là ra mua thuốc giá rẻ, cung - cầu gặp nhau, nhà thuốc “chui” cứ thế mọc lên!

Theo báo cáo công tác y tế 9 tháng đầu năm 2016 của Phòng Y tế Dĩ An, cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra, đề xuất xử phạt, nhắc nhở đối với 164 cơ sở hành nghề y - dược. Theo bác sĩ Ai, đó là sự nỗ lực lớn vì phòng y tế thị xã chỉ có 5 người. “Với 433 cơ sở hoạt động trên địa bàn, nếu cố gắng hết sức, mỗi cơ sở chúng tôi chỉ kiểm tra 1 lần, phạt hơn 7 triệu đồng, sau đó họ lại tiếp tục hoạt động. Nhân sự ở phòng y tế không có, chúng tôi có thí điểm đưa về UBND phường xử lý, thanh kiểm tra nhưng lại vướng giới hạn mức phạt hành chính nên lại không thực hiện được” -  bác sĩ Ai nói.

“Người mua chủ yếu ở các quầy thuốc “chui” là công nhân, người lao động có thu nhập thấp vì cho rằng thuốc ở đây rẻ. Nhưng tôi lưu ý, thuốc bán lẻ chỉ rẻ khi các nhà thuốc lấy thuốc giá rẻ. Giá thuốc rẻ khi nhà thuốc nhập số lượng lớn hoặc thuốc không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng.

Đối với những nhà thuốc, quầy thuốc “chui” với quy mô kinh doanh nhỏ thì khó nhập số lượng lớn được mà vẫn bán giá rẻ thì người mua sẽ đối mặt với nguy cơ dùng thuốc không đảm bảo chất lượng. Việc các nhà thuốc “chui”, những người đứng quầy nhận truyền dịch cho người bệnh là khá nguy hiểm vì có khả năng sẽ xảy ra biến chứng” - bác sĩ Ai khuyến cáo.

Mặc Sở Y tế “khai tử”, nhà thuốc “chui” vẫn sống tốt!

Ngày 18.8.2011, Sở Y tế tỉnh Bình Dương có thông báo số 27/TB-SYT về việc không cấp phép mới và gia hạn cho các loại hình hành nghề quầy thuốc và đại lý thuốc trên địa bàn các phường, xã thuộc các thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An (Bình Dương).

Theo đó, Sở Y tế Bình Dương sẽ không cấp phép mới, không gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc loại hình quầy thuốc hộ kinh doanh cá thể và đại lý thuốc tây; đối với các trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề còn hạn sử dụng: Đối với loại hình quầy thuốc tây do dược tá phụ trách chỉ được phép hành nghề đến hết ngày 30.11.2011.

Đối với loại hình quầy thuốc hộ kinh doanh cá thể, đại lý thuốc tây do dược sĩ trung học phụ trách được phép hoạt động đến hết giá trị sử dụng của giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đã được cấp.

Tuy nhiên, qua ghi nhận của PV, mặc dù bị “khai tử” từ năm 2011 nhưng các loại hình này vẫn sống tốt trên các địa bàn Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một. Điều đáng nói, nhiều cơ sở sống được vì “lách” chính văn bản của Sở Y tế Bình Dương. Cụ thể, thông báo 27/TB-SYT nêu rõ: “Nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực y học cổ truyền, quy định này không áp dụng đói với các quầy thuốc, đại lý kinh doanh y học cổ truyền”.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ai, một số nhà thuốc, quầy thuốc sau khi bị chấm dứt hoạt động theo quy định của thông báo 27 thì “chạy” sang mở thuốc y học cổ truyền, kinh doanh thực phẩm chức năng nhưng chủ yếu là bán thuốc tây.

“Muốn dẹp được các quầy thuốc, nhà thuốc “chui” này cần có một quy định thống nhất từ cấp trên, đó là, chỉ có những dược sĩ đại học mới được cấp phép hành nghề quầy thuốc và đại lý thuốc. Đây là cách mà TPHCM đang làm, còn ở Bình Dương có quá nhiều loại hình nên rất dễ lợi dụng. Trong khi đó, mức xử phạt đối với các hành vi kinh doanh sai phép, không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép đăng ký kinh doanh là 7,5 triệu đồng/hành vi là quá nhẹ, không đủ răn đe!”.
(Bác sĩ Nguyễn Văn Ai - Trưởng phòng Y tế Dĩ An - Bình Dương)
LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Họ là những “gia đình đường sắt”

Nguyên Hà |

Tôi là người thường xuyên sử dụng phương tiện tàu hỏa, nhưng khi ngồi trên khoang lái, cùng với người lái tàu, tôi luôn giật mình thon thót mỗi khi tàu đi qua những chắn dân sinh. Tôi đã đi dọc tuyến phía Tây với những người tuần đường để thấm nỗi đơn độc đi xuyên màn đêm làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu…

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Họ là những “gia đình đường sắt”

Nguyên Hà |

Tôi là người thường xuyên sử dụng phương tiện tàu hỏa, nhưng khi ngồi trên khoang lái, cùng với người lái tàu, tôi luôn giật mình thon thót mỗi khi tàu đi qua những chắn dân sinh. Tôi đã đi dọc tuyến phía Tây với những người tuần đường để thấm nỗi đơn độc đi xuyên màn đêm làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu…