Nhà kho rách thành “trường chuẩn quốc gia”

LÃNG QUÂN - TÂM NINH |

Nhận thông tin từ phụ huynh học sinh, ngay lập tức, chúng tôi có mặt ở khu vực Trường Tiểu học thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội). Nhóm PV thật sự sững sờ với những gì nhìn thấy ở một ngôi trường chuẩn quốc gia đã nhiều năm, từng được “tái công nhận” và vinh danh hẳn hoi: Lớp học tiêu điều cải tạo từ một nhà kho xập xệ, kế bên, chung bờ tường với phòng học từng là... nhà để dụng cụ chôn cất người. Bác bảo vệ phân khu của Trường chuẩn Quốc gia bảo, tôi vừa yêu cầu cấp trên đầu tư sửa chữa, kẻo mái nhà kho cũ này nó sập thì toi. Cách đây vài hôm, người ta mới khiêng đến một cái trống thủng để các cháu được biết đến tiếng trống trường.

Khiêng trống thủng về đánh, mở ghi âm điện thoại phát nhạc chào cờ

“Phòng học” cũ nát mủn mục vừa quét vôi vàng dọn dẹp được vài hôm. Học sinh chạy qua đường ra tít nhà bên kia để đi vệ sinh. Cơ sở vật chất sau nhiều lần tu sửa, bây giờ bà con trong thôn, kể cả các vị lão thành 50 năm tuổi Đảng mà chúng tôi phỏng vấn, vẫn không tin “cái nhà kho, khu để dụng cụ chôn người” đó là nơi để... con cháu mình ngồi học. Họ cứ nghĩ, “thông cảm” lắm thì chỉ dám nghĩ đó là góc cơi nới để vài giáo viên dạy thêm kiếm tiền!

Ông Bảo - một cựu pháo thủ 50 năm tuổi Đảng - được bà con cả khu vực kính trọng, khi nghe chúng tôi hỏi thăm về điểm trường, trường lẻ, phân khu Trường Tiểu học thị trấn Kim Bài, đã rất nhiệt tình chỉ dẫn. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói vào để xem thực hư niềm công phẫn của không ít phụ huynh về các lớp học tồi tàn ở trường hai lần nhận danh hiệu “Chuẩn quốc gia” thì ông Bảo tỏ ra ngạc nhiên. Ông nói, trong xóm có cô Th. dạy thêm tại nhà, “ép” các cháu phải đến nhà cô học bằng nhiều mánh khóe, bị bà con kêu ca lắm. Cái đó ông biết. Còn việc học ở cái nhà kho cũ đã nhiều năm của khu Cát Động đó, học chung tường chung cửa với “nhà để đồ tang lễ” kia, thì ông không tin nổi. Tôi đưa ra video nói, phóng viên của tôi đang ở hiện trường và quay phim rồi.

Xem xong, ông Bảo bất bình dẫn chúng tôi vào thăm “điểm trường” của “Chuẩn quốc gia” giữa thủ đô. Hai cô giáo lớp 2 và lớp 3 ra cửa đón cụ Bảo. “Cụ thấy cơ ngơi của chúng cháu thế nào?” - một cô đon đả. Cô khác: “Nhà báo đến xem, có đúng như phản ánh của các phụ huynh không?”. Một lãnh đạo nhà trường khuyên chúng tôi không nên tin cái chợ ô tạp trên mạng xã hội vội. Chúng tôi ậm ừ đi tham quan.

Quả thật, so với trẻ em lạnh giá, thiếu ăn thiếu mặc vùng cao, thì giữa thủ đô thế này, các cháu học trong nhà kho cũ còn... sướng chán. Nhưng nếu như Trường Tiểu học thị trấn Kim Bài đã hai lần được công nhận Chuẩn quốc gia; thuộc địa giới hành chính của Hà Nội, nằm cách trung tâm thủ đô có một khúc đường - thì ngẫm kỹ, học sinh khổ sở thế này có gì đó quá nực cười.

Một cô giáo đang dạy lớp 2A cho biết: Tất nhiên, ai cũng muốn dạy ở trường khang trang, phụ huynh và học sinh nào cũng muốn việc học của các cháu diễn ra ở nơi sạch sẽ, an toàn, điều kiện ăn ở đi lại tốt, các giáo cụ và khu vui chơi đầy đủ. Nhưng vì hoàn cảnh nên trường phải tận dụng khu vực này cho các lớp. Cô chỉ sang bên kia con đường bêtông, đó là toalét của các cháu. Nhà hảo tâm là con cháu người địa phương, đang đi làm ăn xa gửi tiền về xây sửa. Trong đó, chỉ có một vòi nước rẻ tiền và vài viên gạch lát hình chữ V, để các cháu ngồi hoặc đứng lên đó... đi tiểu. Tiểu thẳng ra nền gạch. Thành thử cháu nào tiểu xong cũng ướt chân.

Trong này, cửa phòng học mục ruỗng, thò cả bàn tay vào khe lỗ ọp ẹp được. Then cửa cổ. Đầu tháng 9.2017, tức là khai giảng và họp phụ huynh rồi, trường vẫn nhếch nhác bẩn thỉu, mốc meo, tróc lở. Phụ huynh kêu trời, nhiều người lên mạng xã hội tố cáo, nhà trường mới cho quét vôi vàng lại toàn bộ. Đồng thời treo vẽ thêm cái biển “Trường Tiểu học... Khu Cát Động”.

Ông Khánh - bảo vệ của phân khu trường - “mang dáng dấp thời bao cấp đói khổ” này và các cô giáo đang đứng lớp đều thừa nhận: Vôi ve mới quét, trống trường mới khênh về, nhưng nó là trống cũ ở trường chính, đã bị thủng. Trước đó, phụ huynh tha thiết kiến nghị: Các cháu là học sinh trường Chuẩn quốc gia, có trường chính khang trang nhiều tỉ đồng, sao lại bị “ẩy” vào khu lẻ của trường này, học ở một cái điều kiện đủ bề thiếu thốn? Đóng tiền như chúng bạn, mà không được hưởng, ừ thì nhường cho người khác cái quyền “thụ hưởng” đầy nhân văn của mình. Nhưng các nguy hiểm khác thì sao? Học sinh đến trường, với sự trống hoác, cổng rả không đóng, các cháu đến sớm hầu như không được bảo vệ, giữa một xã hội nhiều hiểm họa thế này, ngộ nhỡ có gì nguy hiểm (nói dại) thì sao? Khu vui chơi, bằng không! Nhà vệ sinh, tồi tàn. “Tâm thư” kêu cứu của phụ huynh còn chỉ rõ: Các cháu không được chào cờ, không được nghe tiếng trống trường. Không được sinh hoạt tập thể với trường chính.

“Các cháu là học sinh tiểu học thơ ngây, mà không được nghe tiếng trống trường thì buồn quá” - tôi thở dài. Cô giáo lớp 2A ở khu lẻ Cát Động mau mắn: “Giờ có chào cờ rồi anh ơi. Em ghi âm bài hát Quốc ca vào điện thoại, lúc đầu tuần thì mở loa to ra cho các cháu cùng nghe. Còn về cái trống, mấy ngày qua đã được khiêng đến”.

Chúng tôi và các cô bé cậu bé vần vò quanh cái trống da trâu vỡ thủng, cô giáo có vẻ ái ngại.

Khu trường lẻ ở Cát Động tồi tàn sau khi được tân trang vào tuần trước.
Khu trường lẻ ở Cát Động tồi tàn sau khi được tân trang vào tuần trước.

Các cháu và các phụ huynh chịu đựng để vì... cái cao cả

Nhóm Phóng viên đã có các đối thoại với dân thôn, giáo viên và lãnh đạo nhà trường nơi này, mới càng thấm thía cái gọi là vô lý, là bệnh thành tích và “chuyện khó tin nhưng có thật” của ngành giáo dục...

Tại nhà bà Hà Thị Hiếu - 54 tuổi - ở thôn Cát Động: “Nhà tôi có hai cháu, một cháu học ở đây, một cháu học dưới trường lớn. Tôi đi họp phụ huynh cho các cháu, các cô hứa, năm nay 2017, sẽ chuyển các cháu về trường chính dưới kia, không phải học ở trên khu lẻ Cát Động này nữa. Vậy mà sự thật không phải như thế. Ở khu các lớp học lẻ này, bàn ghế, đồ dùng thì cũ hỏng. Tường tiếc thủng mới vá lại, mới sơn vôi ve lại mấy bữa nay thôi. Còn cái nhà xe tang thì mới đóng cửa, mới lợp lại mái tôn rồi nằm trong khuôn viên “trường”. Tôi bức xúc là ở dưới trường chính kia điều kiện khang trang như thế mà bao nhiêu phòng học xây mới như thế, chúng đã được sử dụng chức năng với mục đích không được chính đáng(?). Đáng nhẽ phải để các cháu được học chỗ ấy mới phải. Ai lại xây dựng một trường học như thế tốn bao nhiêu kinh phí của Nhà nước mà vẫn để các cháu phải về khu lẻ tồi tàn xập xệ như thế này để học thì phụ huynh bức xúc là đúng. Đấy là chưa kể, có nhiều người có con ở gần trường mới nhưng không được học, lại phải lên trên này học tại khu lẻ tồi tàn, nên nhiều cái người ta cũng bức xúc”.

Tại Trưởng Tiểu học Thị trấn Kim Bài, cô Hiền - Phó Hiệu trưởng - cho biết: Anh (nhà báo) đến thực tế anh thấy rồi đấy. Khu vực “trường lẻ” ở Cát Động, đấy không phải cái lớp học mà ngày trước nó là nhà kho của thôn nhưng thôn không sử dụng nữa. Nguyên nhân hai lớp học nhà báo đề cập nó xuống cấp quá, là vì, hai lớp đó (ở thôn Cát Động) chưa được đầu tư. Hằng năm, nếu xác định học trên đấy thì nhà trường và bà con sẽ phải sửa chữa. Còn nếu về trung tâm thì nhà trường không sửa nữa mà sẽ bàn giao cơ sở vật chất (cái nhà kho cũ đó về) cho thôn. Đến tháng 8 vừa rồi, xảy ra việc bất ngờ quá (số lớp phát sinh thêm) nên bọn em không kịp sửa chữa. Nhà trường dự định phải có khoảng 20 phòng mới đủ chỗ học cho các con, ai ngờ, sau đó phát sinh ra thêm các lớp nữa vì lý do học sinh trái tuyến ngày càng nhiều. Phụ huynh đến xin học cho con trái tuyến, có xác nhận của cán bộ nên trường cũng rất khó từ chối”.

Cô giáo lý giải nguyên nhân trường mới xây khang trang mà các cháu không được vào học: “Đến năm vừa rồi xin mãi người ta mới xây dựng cơ ngơi này, nhưng mà đầu tư khu chức năng chứ không phải là phòng học. Em cũng đã giải thích cho phụ huynh là tất cả các kinh phí là do họ đầu tư họ lắp đặt. Nên họ cho như nào mình (nhận) lấy như thế (và sử dụng) chứ trường hoàn toàn không tiếp cận đến kinh phí (hay quyền thiết kế xây dựng). Từng cái ghế tiếp khách, cũng là do họ lắp đặt. Anh thấy khu đất trống kia không? Ở đấy được quy hoạch để xây phòng học nhưng dang dở thì hết kinh phí chứ ở đấy xây 4 tầng cũng được. Theo quy hoạch thì đến năm 2018 khi có kinh phí thì họ mới tiếp tục đầu tư và xây mới”.

Tóm lại, việc không có thêm phòng học là do đơn vị đầu tư thi công không làm. Các khu khang trang hiện đại kia thì cho giáo viên và cho “đa năng” chứ không phải cho lớp học bình thường!

Kết thúc cuộc trò chuyện, cô hiệu phó kêu gọi bà con chịu đựng để bày tỏ lòng thương yêu đoàn kết để vượt qua những vô lý kể trên: “Như em đã giải thích từ đầu với anh, trong nhà phải có người hơn người thiệt. Cái đấy thể hiện sự đoàn kết nhường nhịn nhau. Chứ ai cũng sợ thiệt thì... Giống như một gia đình có bốn người con, có người hơn người thiệt, bố mẹ chưa chắc đã đối xử hay chia tài sản cho cả bốn người con như nhau được. Cho nên, nếu bốn người con đó cứ so bì thì không bao giờ có sự hòa thuận được”.

LÃNG QUÂN - TÂM NINH
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.