Người viết “cổ tích” cho thầy cô vùng biển Tây

LÂM ĐIỀN |

“Không chỉ vận động được hơn 120 triệu đồng, thấy gia cảnh tôi rối bời, “Chương trình tiếp sức người thầy” (CTTSNT) còn đứng ra mua đất, rồi cất nhà trị giá 90 triệu đồng. Sau đó, quý thầy cô gửi tiết kiệm giúp 30 triệu và để phần tiền lẻ cho tôi mua sắm vật dụng thiết yếu. Thiệt là chu toàn và đẹp hơn cả giấc mơ”. 

Đã 6 năm trôi qua, nhưng thầy Trương Văn Vui - cựu giáo viên Trường Tiểu học Hồng Bàng (TP.Rạch Giá) - vẫn tươi nguyên cái cảm giác hạnh phúc đẹp như chuyện “cổ tích”. Duy có điều, ở đây không có ông Bụt, bà Tiên mà là một nhà giáo đã dấn thân với tâm nguyện giúp đồng nghiệp bất hạnh giảm bớt khó khăn. Nhà giáo đó là ThS Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT Kiên Giang.

Viết “cổ tích” cho những đời bất hạnh

“Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình có được căn nhà trăm triệu này” - cô Trần Thụy Vân Trang - giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) - chia sẻ.

Chuyện bắt đầu năm 2012, vừa mãn tang chồng 3 ngày, căn nhà cô lại bị hỏa hoạn thiêu rụi. Một nách 2 con nhỏ, cô giáo “chi viện” từ Tiền Giang như “chết đứng” giữa quê chồng, vì ngoài đồng lương, cô không còn thu nhập nào khác.

Không người thân, tự trang trải cuộc sống 3 miệng ăn đã vất vả, thì biết lấy đâu ra tiền cất nhà? Đang lúc cô bế tắc thì điều kỳ diệu xuất hiện: CTTSNT hỗ trợ “khẩn cấp” 30 triệu đồng để cất nhà.

“Thông thường, mức hỗ trợ của CTTSNT từ 10-30 triệu đồng/trường hợp, nhưng có khi, kết thúc đẹp hơn mơ khi tổng số tiền hỗ trợ lên đến trên 100 triệu đồng” - bà Lâm Thị Mạnh - Chủ tịch CĐ ngành Giáo dục Kiên Giang - chia sẻ.

Điển hình là trường hợp thầy Trương Văn Vui - cựu giáo viên Trường Tiểu học Hồng Bàng. Do có người con mắc bệnh tâm thần nên sau khi nghỉ hưu, cuộc sống túng bấn đến mức ở nhà thuê suốt 7 năm mà không có tiền trả.

Năm 2012, sau khi phát hiện, ngoài việc xét định mức cao nhất là 30 triệu đồng, CTTSNT còn phát động, kêu gọi nhiều “Tấm lòng vàng” gần xa chung tay... “Không chỉ vận động được hơn 120 triệu đồng. Sau khi đứng ra mua đất, rồi cất nhà hết 90 triệu đồng, quý thầy cô gửi tiết kiệm giúp 30 triệu đồng và để phần tiền lẻ cho tôi mua sắm vật dụng thiết yếu ...” - thầy Vui chia sẻ.

Đây là 2 trong số hơn 1.700 giáo viên đã và đang giảng dạy trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gặp khó khăn, được CTTSNT hỗ trợ với tổng số tiền lên đến 5 tỉ đồng sau hơn 7 năm hình thành và phát triển.

 
 ThS Nguyễn Thị Minh Giang trong lần đến thăm lớp học tại Trường Tiểu học trên đảo Lại Sơn.

Gieo mùa nhân ái...

Đầu năm 2018, tháp tùng đoàn công tác Sở GDĐT Kiên Giang ra xã đảo Lại Sơn (huyện đảo Kiên Hải) trao hỗ trợ CTTSNT, tôi nhận ra ý nghĩa nhân văn từ việc làm giàu nhân ái.

Được CTTSNT xét hỗ trợ vì bản thân đang cần phẫu thuật, nhưng đến phút 89, cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Sơn - lại quyết định nhường phần này cho cô Vũ Thị Cúc - đồng nghiệp chung trường - khi biết con trai đang học lớp 10 của cô Cúc vừa bị tai nạn giao thông nghiêm trọng.

“Cô Cúc đang cần gấp số tiền lớn để cấp cứu con. Còn bệnh tôi, có thể dời lại 1 vài ngày được, nên tôi quyết định nhường lại cho cô Cúc có thêm điều kiện cứu cháu” - cô Thủy chân tình. Còn với cô Cúc, nghĩa cử này quý hơn vàng, bởi không chỉ giúp gia đình trang trải trong tình thế thắt ngặt, mà còn cổ vũ tinh thần để gia đình an tâm chăm sóc cháu...

Đây không phải là trường hợp cá biệt sau hơn 7 năm hình thành CTTSNT. “Điều chúng tôi lấy làm hãnh diện là CTTSNT không chỉ giúp người thầy vượt khó, mà thông qua đó đã lan tỏa đi thông điệp phát động lòng nhân ái, dấy lên phong trào quan tâm chăm lo giúp đỡ đồng nghiệp trong từng cơ sở giáo dục, góp phần quan trọng xây dựng đoàn kết nội bộ, giáo dục lòng nhân ái, tinh thần tương thân, tương ái, nhân đạo, biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau.

Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng toàn diện hơn...” - bà Mạnh đã làm chúng tôi thêm xúc động với chiều sâu từ một chương trình nhân ái - “Nó như một nội dung giáo dục quan trọng mà cụ thể, có tác dụng mạnh mẽ, thiết thực hơn cả giờ học chính khóa trong cơ sở GDĐT”.

Điển hình là trường hợp ngôi nhà cô Trần Thụy Vân Trang - giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên). Ban đầu, CTTSNT hỗ trợ 30 triệu đồng cất nhà, nhưng khi được tin cô Trang có khả năng không nhận được vì thiếu mặt bằng, ngay lập tức, ông Nguyễn Tấn Sĩ - phụ huynh nhà gần đó - quyết định tặng cho cô giáo của con mình nền nhà rộng 80m2 (4x20m) với suy nghĩ đơn giản: “Thầy cô ở xa mà còn giúp được, sao mình không giúp được cô giáo con mình!”.

Thấy vậy, các phụ huynh khác, rồi chòm xóm, người góp công, người góp của dựng lên cho cô Trang căn nhà khang trang có tổng trị giá hơn 100 triệu đồng.

Gieo hạnh phúc bằng trái tim

Tôi quyết định tìm đến Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục để xác tín thông tin. “Không phải là người khai sinh, nhưng cô Giang đã giúp cho CTTSNT từ chỗ tự phát, nhỏ lẻ vươn lên trên đôi vai Phù Đổng” - bà Lâm Thị Mạnh xác nhận.

Chuyện bắt đầu vào năm 2010, khi thấy nhiều giáo viên gặp khó khăn vì ốm đau, hoàn cảnh... Công đoàn ngành Giáo dục Kiên Giang đứng ra phát động giáo viên hỗ trợ theo hảo tâm. “Thường sau khi phát hiện hoàn cảnh thương tâm mới phát động... nên khá bị động. Mỗi năm chỉ giúp được vài chục trường hợp với số tiền không lớn” - bà Lâm Thị Mạnh cho biết.

Năm 2012, khi về làm Giám đốc Sở GDĐT, một lần được Công đoàn mời đi trao tiền từ CTTSNT cho giáo viên bệnh ung thư, được nghe nhiều cảnh đời giáo viên, cô Giang thấy cần mở rộng mô hình với chiến lược dài hơi.

“Lúc đó toàn tỉnh có gần 24.000 giáo viên, trong đó nhiều người từ nhiều địa phương khác theo chương trình mời gọi của tỉnh, nên rất dễ “tổn thương” mỗi khi có “sự cố”. Trong khi đó phương thức đóng góp “sau phát hiện mới phát động” thường xuyên bị động trước nhu cầu thực tế.

Xét thấy cần có sự ổn định và chủ động hơn, cô Giang quyết định phối hợp cùng CĐ ngành phát động CTTSNT. Đầu tiên, phát động 1.000đ/giáo viên/tháng. Có được nguồn kinh phí, chủ động xét hỗ trợ và đặc biệt là với cơ chế vận hành “0 đồng”, CTTSNT được nội bộ lẫn cộng đồng tán thành, ủng hộ.

“Thường mỗi lần trao hỗ trợ, tôi rủ thêm các nhà hảo tâm tham gia để vừa có hỗ trợ thêm, vừa góp khi xôi, lúc cơm hộp cho cả đoàn cùng ăn... Nói chung là để không làm tốn kém bất cứ đồng nào từ nguồn quỹ và người nhận” - cô Giang chia sẻ.

Sau đó, trước nhu cầu thực tiễn, cần mở rộng CTTSNT, mức đóng góp tăng lên 2.000đ/giáo viên/tháng. Và đến năm học 2016-2017, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, CTTSNT đã nâng mức đóng góp lên 1 ngày lương thực lĩnh/giáo viên/năm với quy chế thu-chi rõ ràng, đúng quy định tài chính.

Nhưng có một điều không thay đổi là vẫn duy trì chế độ “phí” cho các cuộc trao hỗ trợ ở mức “0 đồng”. “Đơn giản là tôi muốn giúp được nhiều đồng nghiệp hôm nay và trả ơn thầy cô của hôm qua” - cô Giang đã làm tôi “giật mình” với triết lý “vẹn cả đôi đường trước-sau” bắt nguồn từ tấm lòng tri ân người thầy của chính cô.

Do hoàn cảnh chiến tranh, phải theo cha mẹ sống trong vùng kháng chiến, nên đến ngày thống nhất đất nước cô Giang mới có điều kiện đến trường. Dù đi học muộn (ở tuổi 12, cô Giang sinh năm 1964), nhưng do những thiệt thòi của điều kiện sống, cô Giang gặp nhiều khó khăn so với bạn bè.

“Nhờ thầy cô tận tình chỉ dạy, hun đúc tinh thần nên tôi đã từng bước vượt qua trở ngại...” - giọng cô bồi hồi - “Những ân tình đó đã sớm gieo vào lòng hình ảnh đẹp về nghề giáo. Vì vậy, giờ có điều kiện, tôi tìm mọi cách để đền đáp...”.

Cô Giang không nói nhiều về cá nhân mình, và tôi hiểu, những câu chuyện “cổ tích” cho người thầy bên biển Tây chỉ có thể viết nên từ con tim giàu nhân ái.

LÂM ĐIỀN
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.