Người Hòn Sơn chật vật giữ nghề nước mắm truyền thống

LÊ TUYẾT |

Nghề làm nước mắm, khai thác thủy hải sản là nghề chính của dân đảo Hòn Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Giai đoạn hưng thịnh, nghề làm nước mắm truyền thống ở đây có tới vài chục nhà thùng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, số nhà thùng trên đảo cứ giảm dần, giờ chỉ còn ba hộ bám nghề. Khi lượng cá giảm sút, nghề nước mắm truyền thống bị cạnh tranh bởi nước mắm công nghiệp, họ - những người làm nước mắm thùng ở Hòn Sơn, muốn giữ được nghề của ông cha không phải là chuyện dễ dàng, mà ở đó còn có cả sự hy sinh.

Tiếc một thời rực rỡ đã qua

“Tui từng có 3 tàu cá đánh bắt xa bờ, góp một nửa vốn với với đoàn xã làm con tàu thứ 4, là ông chủ nhà thùng nước mắm Hồng Thanh với 4 xưởng ủ nước mắm. Thời ăn nên làm ra, tui mua lại căn nhà gỗ lâu đời nhất ở đảo này, rộng thênh thang nhưng bây giờ chẳng còn gì. Con cái đi Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn làm công nhân. Vợ chồng tui buôn bán phế liệu sống qua ngày. Nghề nước mắm, nghề cá - một thời hưng thịnh, giờ chẳng còn gì” – ông Lê Văn Đau, thường gọi Ba Đau, 64 tuổi, thở dài khi nhắc lại chuyện đã qua.

Vợ chồng bà Tuyến kiểm tra lại mùi vị nước mắm trước khi xử lý để đóng chai

 

Cha mẹ ông là dân chài lưới, ông Ba Đau được sinh ra ở đảo này, gần cả cuộc đời, chứng kiến sự đổi thay của đảo,  nhắc lại ông không giấu vẻ tiếc nuối: “Với đà đánh bắt kiểu này, biển rồi chẳng còn cá nữa. Thuốc nổ, cào điện, đèn cao áp… Một con ruốc cũng không thoát thì cá làm sao còn cho được. Vùng biển này mất nhiều loài cá quý lắm, như cá sú, cá út trắng, cá ngộ. Cá cơm, cá trích ngày xưa đi từng đàn, nhìn như bóng mây. Buổi tối lấy lá dừa làm đuốc, lấy vải mùng làm lưới, lội ra vài mét là bắt được cả rổ, giờ phải đi rất xa mà không có cá. Không có cá, lấy gì làm nước mắm!”

Nghề làm nước mắm thùng của gia đình ông Ba Đau thực sự bị chấm dứt sau khi vùng biển Tây Nam chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5 năm 1997 (bão nhiệt đới Linda – PV). Các tàu đánh cá của gia đình ông bị hư hại nặng nề. Ông được nhà nước cho vay 100 triệu đồng, gom thêm tiền nhà, sửa sang lại tàu cá. Nhưng khổ thay, sau bão, số tàu cá ở Hòn Sơn và các xã đảo lân cận tăng lên nhiều lần vì người dân được hỗ trợ vốn, ai cũng đua nhau sắm tàu, biển đã ít cá, nay càng kiệt quệ! Hai năm đầu ông còn chạy được tiền đóng lãi, đến năm thứ ba, ngân hàng kê biên tài sản, bán cả tàu, ông Ba Đau trầm ngâm: “Tui chỉ ký vào các giấy tờ, còn lại xách tay không đi về. Không tàu, không cá, dẹp luôn nghề nước mắm. Các con tui bao năm theo cha đi biển, học hành không đến nơi đến chốn, nay cả nhà thất nghiệp, chúng rủ nhau bỏ đảo đi làm thuê ráo trọi”.

Bỏ nghề, bỏ đảo như gia đình ông Ba Đau ở Hòn Sơn không phải là chuyện hiếm. Gia đình ông Phạm Văn Khôn, chủ hãng nước mắm Đức Ngươn, là người làm nước mắm thùng đầu tiên ở Hòn Sơn. Thời thịnh vượng của cá, nước mắm, gia đình ông Khôn có hơn 10 xưởng, gần trăm thùng, nhắc đến nước mắm Hòn Sơn, không thể bỏ qua Đức Ngươn, ấy vậy mà giờ đây chỉ còn trong ký ức!

Ông Khôn có 11 người con, trừ một người đi nước ngoài, ngày ông mất, ông chia cho mỗi người con một xưởng làm nước mắm. Các con ông thành lập nên những nhà thùng mới. Trong số đó, người có tàu, người không nhưng với lượng cá cơm dồi dào, các con ông tiếp tục mở các xưởng mới. “Rồi mọi thứ cứ khó khăn dần, đặc biệt sau cơn bão số 5 năm 1997, gia đình nào khá giả còn cầm cự được vài năm, gia đình nào yếu yếu là đóng cửa. Vợ chồng tui có tàu bị chìm, ngân hàng cho vay, gia đình dốc hết sức đóng tàu mới nhưng cá thì không có. Sau mấy năm, gia đình tui không trả được nợ nên bị ngân hàng “siết” tàu, vợ chồng tui đóng cửa nhà thùng” – bà Trần Thị Thanh Thúy, con dâu út của ông Khôn, kể lại. Đóng cửa nhà thùng, bà làm đủ thứ nghề để nuôi con ăn học, hai năm trở lại đây, nhiều người đến đảo du lịch, bà phá luôn nhà thùng của mình, xây nhà nghỉ.

Bà Thúy liệt kê thêm: “Anh Hai tui bán ghe, bán nhà thùng, bán nhà vào Rạch Giá ở. Chị Ba tui đi xuất khẩu lao động. Nhà thùng Đông Vân là của chú Bảy, chú ấy vay ngân hàng 100 triệu mua cá, đến khi làm nước mắm hết đợt cá đó, chú ấy không tìm được nguồn cá mới nên lỗ, đóng cửa. Cả nhà đã vào đất liền. Còn một chú nữa thì làm y sĩ ở bệnh viện… Gia đình tui bây giờ còn có hai người giữ được nghề của cha”.

“Hồn cốt của nước mắm Hòn Sơn là phải được làm ở đảo”

Hai người con giữ lại nghề làm nước mắm của cha mà bà Thúy nói đến là chủ nhà thùng Thùy Dương và nhà thùng Phương Khanh. Đây cũng là 2 trong 3 nhà thùng còn lại ở Hòn Sơn. Bà Trương Thị Quỳnh Tuyến, con dâu thứ 8 của gia đình ông Phạm Văn Khôn, vốn là dân Rạch Giá. Qua mai mối, bà về đây làm dâu, 40 năm gắn bó với đảo, cuộc đời bà sướng khổ, ấm no nhờ nghề làm nước mắm nên bà “quyết giữ nghề này dù có khó khăn”. Nếu trước đây, cánh thợ thuyền phải mang cá vào tận xưởng, đổ lên thùng rồi mới tính tiền thì bây giờ bà Tuyến phải ra cầu cảng đợi, nhiều khi mua được cá còn phải “hên xui”.

Nhà nghỉ của bà Thúy trên nền một xưởng mắm cũ, bên cạnh là xưởng mắm Thùy Dương

 

Bà Tuyến cho hay: “Các nhà thùng ở Hòn Sơn không còn nhiều, nên các ghe cá cũng không muốn vào đảo nữa mà cặp vào các cảng khác hoặc vào bờ. Chưa kể, nhiều người ra tận ngoài khơi để thu gom cá. Nhiều khi không đủ cá, tui cũng phải làm vậy. Cá, muối mình phải tự vận chuyển lên thùng, nếu trước kia, ướp mỗi bồn cá chỉ chừng 70 triệu đồng thì bây giờ phải mất 200 triệu đồng nhưng bồn lại không đầy. Biển bây giờ cạn kiệt quá!”

Thế nhưng, những cái khó khăn mà bà kể chưa phải là chuyện ghê gớm đối với nghề làm nước mắm của gia đình mình. Vợ chồng bà có 4 người con, thời vàng son của nghề, vợ chồng bà là người đầu tiên vào Rạch Giá mua hẳn một ngôi nhà để con cái tiện đi học. Đến khi lớn, các con bà đứa bán quần áo, đứa làm kiến trúc sư, lập gia đình riêng và không đứa nào chịu về đảo giữ nghề của gia đình. Bà Tuyến bộc bạch: “Tui đang thuyết phục đứa con trai ở Sài Gòn. Tui không bắt nó về hẳn bởi bây giờ đảo đã có điện lưới quốc gia, mở 24/24, nó lắp camera quan sát, thuê người làm, mỗi lần vào cá hoặc ra nước mắm thì về, đâu cần ở mãi đảo. Tui đang thuyết phục mà coi bộ hơi khó”. Nói rồi bà lại chậc lưỡi: “Chị chồng tui, chủ nhà thùng Phương Khanh có một đứa con trai, ngày trước anh chị ấy khó khăn nên không cho thằng bé đi học, giờ lại hay bởi nó theo nghề này, anh chị tui không phải lo mất nghề. Giá ngày trước, trong bốn đứa con, tui không nên cho tất cả sang bờ”.

Theo thông tin từ ông Trần Quốc Tiến – Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Lại Sơn, hiện nay toàn xã Lại Sơn có hai nhà thùng lớn là Phương Khanh, Thùy Dương, một nhà thùng nhỏ hơn là Vĩnh Quý. Sản lượng nước mắm hằng năm của ba nhà thùng này ước chừng 6.500 lít. Ông Tiến phân tích: “Số lượng nhà thùng đã giảm đáng kể so với những năm 90, có thể đây là chuyện không mấy vui vì từ lâu, nghề làm nước mắm vốn được xem là nghề truyền thống ở Hòn Sơn. Thế nhưng nếu bây giờ số lượng nhà thùng vẫn nhiều như trước sẽ không có cá để ủ nước mắm. Ba nhà thùng này tồn tại được phần vì các nhà thùng khác nghỉ, dồn cá cho ba nhà thùng này. Địa phương thường xuyên thăm hỏi, các nhà thùng có vấn đề gì thì hỗ trợ bởi nghề nước mắm, nghề cá vốn được xem là nghề truyền thống của đảo”.

Nhiều nhà thùng trên Hòn Sơn đã chuyển xưởng sản xuất vào Rạch Giá, bà Tuyến cũng có nhà lớn trong chợ, tôi hỏi “bà có ý định chuyển nhà thùng vào bờ không”, bà khẳng định “vẫn quyết ở lại đảo” dù chi phí có thể cao hơn, nguồn nguyên liệu có thể khó thu mua hơn! Bởi theo bà, “hồn cốt của nước mắm Hòn Sơn là phải được làm ở đảo, sử dụng nguồn nước ở đảo này. Vào trong bờ, mọi thứ đã khác”. Bà giải thích thêm: “Trên mỗi chai nước mắm của nhà mình, tui in rõ dòng chữ “Nước mắm Phú Quốc, sản xuất tại Hòn Sơn”, cá cơm được đánh bắt ở Phú Quốc nhưng nguồn nước là phải lấy từ Hòn Sơn, đã làm nghề truyền thống thì phải giữ lấy nét riêng, để con cháu mình có cái tự hào”.


LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.