Người cựu binh chở che làng biển

Trần Tuấn |

Ở xã biển Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Lừng (71 tuổi, ở thôn Lâm Phú) được nhiều người nhớ tới vì có công lớn trong việc khôi phục làng nghề đi biển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và tự bỏ tiền nhà trồng rừng phòng hộ, chắn sóng, ngăn cát, bảo vệ cuộc sống bà con.

Khôi phục nghề truyền thống

Ở cái tuổi ngoài thất thập, ông Lừng tóc đã màu mun nhưng trông vẫn còn rất lanh lợi, khỏe khoắn. Bên chén trà ấm, ông kể, năm 1994, sau khi đi bộ đội trở về địa phương, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Lâm Phú, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Liên. Vừa làm việc xã hội, ông vừa tranh thủ theo nghề đi biển trên con thuyền 20 CV để lo cuộc sống gia đình đầy túng thiếu. Thuyền nhỏ với nghề đánh bắt mới khó khăn, kém hiệu quả, ông Lừng đã nghĩ đến việc phải khôi phục lại nghề đánh bắt của cha ông trước đây là vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo.

Vàng lưới rùng là sử dụng bộ lưới đánh cá có chiều dài khoảng 500m, độ cao của lưới khoảng 10-12m, mắt lưới từ A1 đến A4 rộng khoảng 2-3cm, chuyên đánh cá mu, mực… đánh bằng hình thức kéo lưới ven bờ với phạm vi hơn 1km. Để đánh được lưới rùng này yêu cầu phải có 1 chiếc bè, 1 chiếc thuyền máy và khoảng 20 người trở lên. Thời gian đánh một mẻ vàng lưới rùng là gần 3 tiếng đồng hồ buổi sáng và chỉ khai thác được từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm. Còn vàng lưới rẹo là sử dụng bộ lưới đánh cá có chiều dài khoảng 400m, độ cao 10-12m, mắt lưới nhỏ hơn, chuyên đánh cá cơm, cá nhỏ các loại, sứa… trong phạm vi gần 1km và cũng cần có từ 20 người trở lên, thời gian đánh 1 mẻ gần 3 tiếng đồng hồ buổi sáng.

“Khi đi bộ đội về thấy lao động nhàn rỗi ở địa phương rất nhiều, tôi đã bàn với vợ con cho đầu tư khôi phục lại nghề vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo. Ban đầu mới nói ý định thì vợ con không đồng ý, vì lo lắng trong người tôi bị nhiều vết thương chiến tranh, lại ốm đau thường xuyên không đảm bảo đủ sức khỏe. Với lại, 2 vàng nghề đó đã bị thất truyền từ lâu, không còn được lứa trẻ ở địa phương tin tưởng. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng vợ con cũng nhất trí để tôi đầu tư khôi phục lại 2 nghề này” - ông Lừng kể.

Năm 2001, ông Lừng dốc hết vốn liếng và đi vay mượn thêm của anh em, bạn bè được 50 triệu đồng về mua lưới, sau đó tự mày mò nghiên cứu chế tác lại theo cấu trúc phù hợp với nghề vàng lưới rùng. Sau khi chế tác lưới thành công, ông lại đi đến từng nhà vận động, thuyết phục lao động cùng tham gia làm nghề vàng lưới rùng đi đánh bắt cá to, cá vừa các loại ở vùng lộng gần bờ. Hiệu quả của nghề mang lại ngay từ những chuyến ra khơi đầu tiên đã thu hút nhiều lao động địa phương xin cùng tham gia.

Dù vực dậy được nghề vàng lưới rùng mang lại thu nhập cao, nhưng nhận thấy nghề này chỉ đánh bắt kéo dài được vỏn vẹn 4 tháng trong năm (từ tháng 2 đến tháng 5), thời gian còn lại không có việc làm sẽ rất lãng phí. Vì vậy, năm 2004 ông Lừng tiếp tục đi vay mượn đầu tư hơn 50 triệu đồng mua thêm lưới mới và nghiên cứu, chế tác lại theo cấu trúc phù hợp với nghề vàng lưới rẹo để chuyên đánh bắt cá nhỏ ở gần bờ từ tháng 6 đến hết năm. Với 2 nghề đó, ông Lừng đã tạo được công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Thấy nghề ổn định, từ năm 2014, ông Lừng đứng ra vận động anh em quyết định thành lập Tổ hợp tác xã khai thác và chế biến hải sản mang tên Bình Minh do ông làm chủ nhiệm, với 25 xã viên. Thấy HTX của ông Lừng làm ăn được, những năm qua, nhiều tổ HTX khác cũng thành lập theo nghề vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo mà ông Lừng tâm huyết khôi phục lại.

Bỏ tiền trồng rừng phòng hộ

Ngoài có công trong việc khôi phục lại nghề vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương, cựu binh Nguyễn Mạnh Lừng còn đi đầu trong việc tự bỏ tiền, bỏ công sức trồng gần 3 hecta rừng phi lao ven biển ở thôn Lâm Phú để chắn sóng, chắn bão bảo vệ làng mạc.

Nhớ lại những ngày đầu gian nan "trồng cây gây rừng", ông Lừng kể, năm 1994, thấy ở thôn quê có dải đất cát ven cửa biển dài hơn 3km bỏ hoang, thường xuyên bị sóng biển làm xói lở nghiêm trọng. Nghĩ đến việc cần phải có một cánh rừng che chắn mưa bão, ngăn xói lở, bảo về bình yên làng quê nên ông Lừng đã xin phép chính quyền địa phương rồi tự nguyện bỏ ra hàng chục triệu đồng đi tìm mua được hơn 7.000 cây phi lao giống về trồng. Tuy nhiên, đợt trồng cây đầu tiên gần như bị thất bại, do bị trâu bò phá và sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt khiến cây héo khô chết gần hết.

Nghĩ bỏ cuộc giữa chừng thì dải đất cát ven biển này sớm muộn cũng sẽ bị sóng biển nuốt chửng, mà tiếp tục bỏ tiền nhà lần nữa thì tốn kém. Sau vài lần đắn đo, vợ chồng ông Lừng quyết định tiếp tục đi mua cây con phi lao giống đưa về ươm tại vườn nhà mình. Khi cây con ươm phát triển tốt, hai vợ chồng lựa chọn những cây to khỏe đem ra trồng trực tiếp tại vị trí bờ biển cũ rồi thay phiên nhau ra chăm sóc, phun thuốc sâu và canh giữ không cho trâu bò đến phá hoại... Nhờ vậy, đến nay đã hình thành nên rừng cây phi lao xanh tốt, cao vút, trở thành tấm khiên che chắn gió bão, ngăn sóng biển, ngăn cát bay, bảo vệ đất đai tạo cảnh quan môi trường trong lành, thoáng mát cho làng chài Lâm Phú. Hiện nay, sau mỗi mùa mưa bão, ông Lừng lại đi mua cây con trồng thay thế những cây đổ gãy để giữ cánh rừng phòng hộ ven biển này.  

Ông Hoàng Ngọc Thắm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Liên - cho biết, ông Lừng là một cựu chiến binh có nhiều đóng góp cho xã Xuân Liên khi từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Chủ tịch MTTQ xã. Đặc biệt, ông là một người dám nghĩ dám làm khi có công khôi phục lại nghề vàng lưới rùng và vàng lưới rẹo ở địa phương và là người tự bỏ tiền nhà trồng cây gây rừng, phát triển thành một cánh rừng phòng hộ ven biển ngăn mưa bão, chắn sóng, ngăn nạn cát bay, giữ bình yên cho làng quê. "Ông Lừng là tấm gương sáng mẫu mực, được cấp ủy, chính quyền và người dân rất quý trọng, nể phục trước những việc làm, cống hiến có ý nghĩa cho xã hội, làng xóm" - ông Thắm ghi nhận.

Trần Tuấn
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.