Ngư dân vùng “điểm nóng” đã chuyên tâm bám biển

TRẦN TUẤN |

Sau sự cố môi trường biển do Cty Formosa Hà Tĩnh xả thải, Hà Tĩnh là “điểm nóng” khi phía nam nhiều lần một bộ phận người dân ở thị xã Kỳ Anh tụ tập chặn quốc lộ, ngăn cản không cho con em đến trường đòi miễn học phí, phía bắc xảy ra việc bao vây trụ sở, gây thương tích cho cả công an như ở huyện Lộc Hà...

Nhưng việc đó đã là quá khứ, khoảng ba, bốn tháng lại đây tình hình an ninh đảm bảo, ngư dân chăm chỉ chuyên tâm ra khơi, bám biển đảm bảo thu nhập cho gia đình, ổn định đời sống. 

Nhộn nhịp bến cá lúc mờ sáng

Khi trời vừa mờ sáng, đoạn đường từ TP.Hà Tĩnh về cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) khoảng 15km, chúng tôi bắt gặp nhiều phụ nữ xe máy chất đầy sọt cá, tôm, mực lao vun vút lên chợ tỉnh bán hải sản. Họ chạy nhanh để những con tôm, con cá khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn tươi ngon, giữ được khách lâu dài.

Có mặt tại cảng cá Cửa Sót khi mặt trời chưa kịp nhô khỏi mặt biển, chúng tôi chứng kiến hàng trăm tàu, thuyền vừa cập bến nhập hải sản. Cảnh trên bến, dưới thuyền người kín như nêm, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười giòn tan sang sảng của người dân biển nghe vọng cả một góc trời.

Tàu cập cảng Cửa Sót, cá được tiểu thương thu mua ngay, rồi bán luôn trên bến. Ảnh: TRẦN TUẤN

Ngư dân Trần Văn Lộc (50 tuổi, trú xã Thạch Bằng, Lộc Hà) da sạm nắng, tay thoăn thoắt chuyền từng khay tôm dưới thuyền lên bờ giọng sảng khoái: “Chuyến nay tàu chúng tôi trúng chú ạ, rất phấn khởi”. Nói rồi anh Lộc chia sẻ, anh là chủ tàu cá HT 90329 công suất 250CV, chuyến ra khơi chiều hôm trước, sáng hôm nay cập cảng đã đánh được 1 tạ tôm, 2 tạ rưỡi cá, thu về 20 triệu đồng.

Theo ăn chia, chủ tàu được một nửa, còn lại chia cho 3 bạn thuyền, mỗi người cũng có hơn 3 triệu bạc sau một đêm. Hỏi, các tàu khác có trúng không, anh Lộc chỉ tay về mấy con tàu lớn ở phía trước tàu mình rồi nói “mấy chiếc đó đi câu khơi, trúng đậm cá ngừ, có con nặng tới 3 yến, có giá 6-7 triệu bạc. Nhập hàng xong họ lên bờ đi uống bia ăn mừng rồi”...

Trên bến, chị Nguyễn Thị Hằng (trú xã Thạch Kim), người có gần 20 năm làm nghề bán buôn hải sản đã mua đủ 8 khay cá, buộc chắc chắn, vội vã nổ xe máy để đưa lên chợ tỉnh bán.

Tôi hỏi gắng, giá cá bán trên chợ tỉnh hiện thế nào, tiêu thụ tốt không, chị nói vội: “cơ bản như trước khi chưa bị sự cố môi trường rồi chú, tiêu thụ cũng ổn rồi. Có rứa chứ không chúng tôi theo nghề mô được”. Nói rồi, chị Hằng tăng ga đi mất hút. Trên bến nhiều phụ nữ khác cũng đang vội vã gom hàng kẻo muộn.

Cải hoán, đóng mới tàu, chuyên tâm bám biển

Trong câu chuyện làm nghề, ngư dân Lộc kể, trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, anh theo nghề đi lặn. Nhưng sau sự cố môi trường, nghề lặn cho thu nhập kém vì hải sản tầng đáy chết nhiều nên một tháng trước, anh đầu tư mua ngư lưới cụ, chuyển sang nghề dã cào, đánh cá, tôm, mực. “Nghề này cơ bản làm được quanh năm chứ nghề lặn chỉ được 3 tháng hè. Rõ ràng chuyển sang nghề mới thu nhập tốt hơn” - anh Lộc khẳng định chắc nịch.

Anh còn giọng tiếc nuối kể, sau một tháng chuyển nghề, do tàu bị sự cố máy nên phải đưa vào Đà Nẵng sửa mất 3 tuần. Mới đi 3 chuyến trong một tuần nay, trừ chi phí, chia công cho bạn thuyền, chủ tàu còn thu về 50 triệu đồng. Ảnh hưởng sự cố môi trường biển, anh Lộc là chủ tàu nên được bồi thường gần 100 triệu đồng. Vợ anh làm nghề buôn bán hải sản cũng được bồi thường 17 triệu đồng.

“Như rứa là hài lòng rồi, đòi hỏi chi nữa chú. Nói thật, tham muốn của con người thì vô cùng, biết mấy cho đủ. Thay vì lăn tăn, chúng tôi tự bảo nhau chuyên tâm mà làm nghề sẽ sống tốt thôi” - anh Lộc thẳng thắn khi tôi hỏi về tâm tư sau nhận bồi thường.

Tôi bắt gặp ngư dân Trần Thế Cậy (52 tuổi, trú thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, Lộc Hà, là người theo đạo Thiên chúa) khi anh vừa dưới tàu bước lên bến. Hỏi chuyện làm nghề, anh chia sẻ, sau sự cố môi trường, anh cùng ông anh trai chung nhau đóng chiếc tàu 285CV hết 850 triệu thay cho chiếc tàu cũ chỉ 105CV.

“Nghĩ sau khi môi trường biển bị nhiễm độc, hải sản gần bờ ít đi nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư tàu lớn để đi khơi. Thuyền to thì sóng lớn. Giờ nói thật mỗi chuyến ra khơi cũng kiếm được kha khá nhưng trừ chi phí cũng lớn quá. May mà tiền đóng tàu được nhà nước hỗ trợ đến 400 triệu, không thì cũng vất vả” - anh Cậy trải lòng.

Tại thị xã Kỳ Anh, ngay bên nhà máy Formosa, ngư dân Mai Công Đợi (35 tuổi, trú xã Kỳ Lợi, theo đạo Thiên chúa giáo) là chủ chiếc tàu cá 420CV - tâm sự, ảnh hưởng sự cố môi trường biển, anh được bồi thường 210 triệu đồng, trừ thanh toán cho 5 lao động trên tàu mức mỗi người khoảng 20 triệu, phần còn lại là của anh.

Anh Đợi kể, sau sự cố môi trường, anh đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ thép để vươn khơi. Hiện nay đang chờ làm thủ tục để thực hiện ước mơ lớn này. Con tàu 420CV hiện anh chủ yếu giao lại cho mấy người em đi biển, thi thoảng anh mới đi cùng.

“Khoảng 5 tháng nay, tôi có mở dịch vụ cung cấp dầu cho tàu thuyền ở cảng cá Kỳ Lợi. Cũng may được chính quyền tạo điều kiện cấp mặt bằng cho làm địa điểm kinh doanh. Tôi tính, vợ lâu nay làm nghề buôn bán cá cũng vất vả, cho vợ chuyển sang làm dịch vụ cấp dầu sẽ tốt hơn. Con đứa đầu giờ cũng học lớp 6 rồi, ít năm nữa nó có thể phụ giúp được mẹ lại càng tốt” - anh Đợi phấn khởi chia sẻ.

Dân thấu hiểu, an ninh trật tự được đảm bảo

Tôi không ngần ngại hỏi anh Đợi, tại sao 5-7 tháng trước đây, bà con nơi anh sinh sống nhiều lần tụ tập, chặn quốc lộ 1A vậy? anh Đợi cởi mở: “Thực ra giai đoạn đó do người dân chúng tôi thấy chậm được bồi thường nên nghi ngại liệu có được bồi thường hay không rồi kéo nhau ra để gây áp lực, yêu cầu nhà nước sớm bồi thường. Sau khi nhận được bồi thường, chúng tôi được giải tỏa bức xúc nên thấu hiểu, không tụ tập cản trở giao thông nữa”.

Anh Đợi cũng bày tỏ sự biết ơn sau sự cố môi trường, nhà nước đã cấp gạo, chi trả bồi thường, miễn giảm học phí cho con em của các đối tượng bị thiệt hại do môi trường biển. “Bước vào năm học mới, nhà có ba đứa con, vợ chồng tôi cũng đã sắm sửa đầy đủ áo quần, sách vở cho các cháu cả rồi. Năm học này, các cháu tiếp tục được miễn học phí là rất tốt, chúng tôi xin ghi nhận, cảm ơn nhà nước vì bớt được đồng nào tốt đồng đó” - anh Đợi tâm sự.

Ông Chu Văn Quang - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi - cho biết, toàn xã có 2.700 hộ dân, với gần 10.000 nhân khẩu. Trong đó, hơn 50% là người theo đạo Thiên Chúa giáo. Toàn xã được phê duyệt, bồi thường sự cố môi trường biển gần 200 tỉ đồng, việc bồi thường đến nay cơ bản xong, tính đến ngày 25.8 chỉ còn khoảng 4 tỉ đồng chưa chi trả do đang đi làm ăn xa.

“Trước đây, cứ ít ngày là người dân kéo nhau tụ tập chặn quốc lộ 1A, gây ách tắc nghiêm trọng. Gần đây họ chăm chỉ làm ăn, không còn tình trạng đó nữa. Giờ nhân dân đồng thuận, an ninh trật tự ổn định, chúng tôi là lãnh đạo địa phương thấy vậy rất phấn khởi” - ông Quang chia sẻ.

Ông Hà Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim - cho biết, toàn xã có hơn 2.000 hộ dân với hơn 11.000 nhân khẩu. Trong đó, người theo đạo Thiên chúa giáo chiếm gần 50%, tập trung chủ yếu ở các thôn: Xuân Phượng, Long Hải, Liên Tân. Về công tác bồi thường sự cố môi trường biển, ông Tân - cho biết, toàn xã được bồi thường hơn 90 tỉ đồng. Hiện cơ bản đã chi trả xong, chỉ còn một số hộ đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương để nhận.

“Hiện nay, các hoạt động đánh bắt, dịch vụ hậu cần, tiêu thụ hải sản đều diễn ra bình thường. Trước đây, lợi dụng vướng mắc trong bồi thường sự cố môi trường biển, một số phần tử xấu đã kích động, lôi kéo nên một bộ phận bà con giáo dân ở xã chúng tôi và xã Thạch Bằng đã tham gia tụ tập, gây rối trật tự, bao vây trụ sở huyện... nhưng sau đó địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích nên họ đã hiểu không còn nghe theo kẻ xấu nữa. Giờ thì an ninh trật tự được đảm bảo, người dân chuyên tâm làm ăn, bám biển, lo cuộc sống thôi” - ông Tân phấn khởi, chia sẻ.

Rời bến cá Cửa Sót, đi qua các xóm đạo ở xã Thạch Kim, Thạch Bằng, chúng tôi thấy bà con nơi đây ai lo việc nấy, đang xoáy theo vòng quay của thời gian để mưu sinh. Những đứa trẻ trong trang phục mới, đã tung tăng đến lớp trong ngày đầu chuẩn bị tựu trường.

Chợt nghĩ, cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy đó, khó khăn nào rồi cũng qua đi, sau “biển động” do sự cố môi trường rồi biển cũng lặng, và ngư dân thì cứ thế lại ra khơi như câu hát “Biển lặng sóng, thuyền em dong khơi” trong bài hát “Xa khơi” nổi tiếng của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ.

TRẦN TUẤN
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Gặp chủ nhân tạo hình linh vật mèo duyên dáng nhất Xuân Quý Mão

HƯNG THƠ |

Nhận làm linh vật mèo đặt ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) với giá 31 triệu đồng, Đinh Văn Tâm tự nguyện bỏ thêm ít tiền túi để làm tượng đẹp hơn, to hơn. Nhờ vậy, linh vật mèo dù có giá không cao, nhưng so về độ đẹp và phù hợp thì có thể nói không địa phương nào bằng.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.