BÀI DỰ THI BÚT KÝ PHÓNG SỰ 990 NĂM ĐẤT VÀ NGƯỜI NGHỆ AN

Nghệ An, non xanh nước biếc, đậm tình người...

NGUYỆT HẰNG |

990 năm, sử sách ghi nhận danh xưng Nghệ An, vùng đất sông Lam núi Hồng, sơn thủy hữu tình, con người cần kiệm, anh hùng, giỏi giang, tình nghĩa...

Tài sản vô giá

Đền Chung Sơn (xã Kim Liên-Nam Đàn)- thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: QĐ
Đền Chung Sơn (xã Kim Liên-Nam Đàn)- thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: QĐ

Miền đất ấy có danh xưng tính đến năm 2020 này là tròn 990 năm, với biết bao thăng trầm. Sử cũ chép lại rằng, thời Hồng Bàng (2879 – 258 tr.CN), nước ta gọi là Văn Lang và được chia thành 15 bộ. Vùng đất Nghệ An thời bấy giờ là một trong 15 bộ đó, có tên gọi là Hoài Hoan (vùng đất Hà Tĩnh cạnh đó gọi là bộ Cửu Đức)… Sau nhiều lần thay đổi tên gọi hành chính, năm 1030 (năm Thiên Thành thứ 3 đời Lý Thái Tông), vùng đất này bắt đầu có tên gọi Châu Nghệ An với việc đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An Châu trại. Danh xưng Nghệ An chính thức bắt đầu từ đó.

Từ miền đất thân thương này, không rõ có từ bao giờ mà câu dân ca xứ Nghệ ăm ắp ân tình vẫn vọng mãi đến tận ngày nay: “À ơi... Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết cuộc đời răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi…”. Trong sâu thẳm lời ca ấy là con người Nghệ An, là “non xanh nước biếc” Nghệ An, đã hòa quyện để tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của miền quê thấm đẫm nghĩa đất tình người.

Người Nghệ An từ bao đời nay có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học và yêu nước, văn hóa và cách mạng. Điều đáng trân trọng nhất ấy đã trở thành “tài sản” tinh thần vô giá của người xứ Nghệ; dù cho vật đổi sao dời, phẩm chất ấy vẫn trường tồn.

Một góc biển Nghi Thiết (Cửa Lò). Ảnh: Vĩnh Khánh
Một góc biển Nghi Thiết (Cửa Lò). Ảnh: Vĩnh Khánh

Cũng từ cuộc sống có phần lam lũ của con người mà mảnh đất “gió Lào cát trắng” này đã là cái nôi của những điệu hò, câu ví được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; càng làm cho văn hóa nói chung, dân ca xứ Nghệ nói riêng trường tồn, phát triển bền vững trong lòng dân tộc và nhân loại.

Xưa nay, người Nghệ An hiếu học, tôn sư trọng đạo, biết tôn vinh người có công với làng với nước, biết quý trọng người hiền tài… Đó là những giá trị nhân văn cao đẹp. Nhưng không chỉ có vậy, người Nghệ An còn có những phẩm chất đặc trưng khác nữa; như GS. Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học, người lớn lên từ mảnh đất  xứ Nghệ, có nhận xét rất mạnh bạo rằng: "Đặc trưng nhất của người Nghệ là hiếu học, là gàn, là ngông, dựa trên nền tảng tài năng và sự tử tế" - Sự tử tế làm nên tính cách bao trùm của người Nghệ An; Còn cái ngông, cái gàn của người đất Nghệ là cái ngông, cái gàn của kẻ sĩ, của người có học!

Có phải cũng nhờ “sự tử tế, cái ngông, cái gàn” ấy mà từ bao đời nay, người Nghệ An đã vun đắp cho mình một nền văn hóa bản địa độc đáo, đủ sức đề kháng với các yếu tố văn hóa bị xem là xa lạ, ngoại lai, độc hại? Trong suy nghĩ của riêng tôi, không có chỗ để phủ nhận điều đáng trân trọng ấy. Thế nên người đời thường nói, Nghệ An là nơi Đất học sinh hào kiệt, Thiên nhiên tôi cốt cách là vậy.

Người Nghệ An, dù ở miền đất nào trong số 21 đơn vị hành chính của tỉnh cũng đều mang phẩm chất của người xứ Nghệ bên cạnh cái riêng có của mỗi vùng, miền. Đó là Nam Đàn- một miền “địa linh nhân kiệt”; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh –Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; nơi có Làng Sen quê nội của Bác, tên chữ là Kim Liên (sen vàng), và Làng Chùa (tên chữ là Hoàng Trù) - quê ngoại của Bác Hồ, và cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời.

Hay như huyện Thanh Chương, cũng là miền quê có nhiều dòng họ nổi danh trong việc học hành, với 25 vị đỗ đại khoa thời phong kiến (trên tổng số 150  người cả tỉnh)... Hoặc quê lúa Yên Thành lại nổi tiếng về văn chương khoa bảng đứng đầu một phủ: Trạng nguyên Bạch Liêu - người mở đầu cho truyền thống khoa bảng huyện Yên Thành và cả xứ Nghệ vào khoảng giữa thế kỷ XIII, đời vua Trần Thánh Tông….

Trở ra nơi địa đầu xứ Nghệ - Quỳnh Lưu, nơi có làng Quỳnh Đôi nổi tiếng trong ngoài về truyền thống hiếu học, học giỏi. Thế nên mới có  ông Hồ Sĩ Dương, nhà nghèo lắm, bữa ăn bữa nhịn… nhưng vẫn quyết chí học hành và ông đã đỗ đầu khoa thi Hương (1651), lại đỗ đầu khoa Đông Các (1659), trở thành một trong 2 người Việt Nam đỗ lưỡng quốc Trạng nguyên (người còn lại là Mạc Đĩnh Chi).

Tự hào mình quê xứ Nghệ

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Vinh. Ảnh: Vĩnh Khánh
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP. Vinh. Ảnh: Vĩnh Khánh

Với tôi, Anh Sơn nói riêng và Nghệ An nói chung là cả một miền ký ức. Tuổi thơ tôi lớn lên giữa một miền quê thuần nông - huyện Anh Sơn. Một vùng quê nghèo khó, nhưng ăm ắp niềm vui, đong đầy kỷ niệm của một thời cắp sách đến trường cùng chúng bạn. Quê tôi, thế đất nghiêng dần từ phía Tây về phía Đông, điểm cao nhất ở Anh Sơn là đỉnh núi Kim Nhan ở vùng núi Cao Vều, với câu ca còn mãi: “Lèn Kim Nhan chín tầng mây phủ/ Rú Cao Vều ấp ủ tình thương”.

Các bậc cao niên quê tôi vẫn coi lèn Kim Nhan là biểu tượng của cây bút thần viết chữ lên trời cao, vì thế người Anh Sơn thời nào cũng trọng việc học hành. Thời phong kiến,  Anh Sơn có 2 người đỗ đại khoa là Ngô Trọng Điển đậu tiến sĩ khoa Bính Ngọ và Nguyễn Văn Giá đậu tiến sĩ khoa Quý Sửu; thời nhà Nguyễn, Anh Sơn có tới 5 Tiến sĩ trong số 91 tiến sĩ của toàn tỉnh Nghệ An;  thời thuộc Pháp cũng có nhiều người đỗ đạt thành danh… Thời nay cũng nhiều người học rộng, tài cao và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chung của quê hương, đất nước…

Anh Sơn còn tự hào là vùng quê hội tụ nhiều loại hình văn hóa: Văn hóa rãy dốc, văn hóa rãy bằng, văn hóa lúa nước, văn hóa sông nước cùng tồn tại, giao lưu và tiếp biến. Qua bao đời, người Anh Sơn sống quây quần theo làng xã, dòng tộc nên văn hóa làng và văn hóa dòng họ là nét đặc sắc của văn hóa Anh Sơn. Quê hương Anh Sơn của tôi nhỏ bé vậy, nhưng cũng có 2 làng đã được đưa vào giới thiệu trong số 51 làng tiêu biểu của Việt Nam, đó là làng Yên Phúc và làng Dừa.

Không chỉ cần cù lao động, người Anh Sơn còn có truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường… trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã có hơn 12.000 người con của quê hương Anh Sơn lên đường chiến đấu, trong đó 2.065 người đã nằm lại nơi chiến trường; hơn 2.000 thương, bệnh binh đã để lại trận tuyến một phần xương thịt của cơ thể; có 29 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 6 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân… Anh Sơn quê hương tôi là thế, đáng tự hào như quê lớn Nghệ An vậy.

Mỗi lần về với quê, một trong những việc tôi thích thú, đó là gặp gỡ, trò chuyện với bà con lối xóm, với những người đang hàng ngày chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, với các ông bà, các bác cựu chiến binh từ thời chống Mỹ (cũng không còn nhiều). Bởi điều đó giúp tôi hiểu thêm nhiều điều về quê mình, về con người và văn hóa Anh Sơn…

Người dân gói bánh gai dốc Dừa-đặc sản Anh Sơn. Ảnh: HY
Người dân gói bánh gai dốc Dừa-đặc sản Anh Sơn. Ảnh: HY

Còn nhớ một lần về công tác và làm việc với Huyện ủy Anh Sơn xung quanh vấn đề phát triển văn hóa, xã hội của huyện, đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn chia sẻ rằng: “Phẩm chất nổi trội của người Anh Sơn là sống chân tình, chân thật và giàu ý chí vượt khó vươn lên.

Tình làng nghĩa xóm, qua bao thế hệ là sức mạnh đoàn kết, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của một miền quê chứa đựng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú và đáng tự hào…”.  Và, cũng thật đúng khi nói rằng Anh Sơn là vùng quê dày trong lịch sử - văn hóa và trẻ trong đổi mới, dựng xây, nên dư địa cho sự phát triển ngày một giàu đẹp, văn minh còn rất lớn.

“990 năm Đất và Người Nghệ An” - đó là một hành trình lịch sử dài lâu với biết bao thăng - trầm, biết bao sự kiện đã diễn ra với vùng đất và con người Nghệ An, để các thế hệ hôm nay được đón nhận, được tiếp nối và vô cùng tự hào về truyền thống quê hương, về đặc sắc văn hóa và về đặc trưng tính cách con người xứ Nghệ.

NGUYỆT HẰNG
TIN LIÊN QUAN

Gặp người kể chuyện làng khoa bảng Quỳnh Đôi

QUỲNH TRANG |

Người xưa có câu: “Bắc Hà Hành Thiện/Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (ở miền Bắc có Hành Thiện, vùng Hoan Diễn miền trung có Quỳnh Đôi) để nói đến một trong hai ngôi làng nổi tiếng nhất về sự học hành và đậu đạt. Con em Quỳnh Đôi (Nghệ An) xưa nay không ngừng sự nghiệp đèn sách để lập nên những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Có một làng Sen ở miền tây Nghệ An

Bài và ảnh HỮU VI |

Xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ có một ngôi làng tên gọi là Làng Sen. Từ những người đầu tiên đến khai hoang lập ấp đến nay đã 500 năm. Làng Sen còn lại một ngôi đình lưu chứng tích cho sự hy sinh của 3 chiến sĩ cộng sản trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Tượng đài Bác Hồ giữa lòng dân xứ Nghệ

Thuận Thắng |

Cách đây gần 20 năm, lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh tại TP. Vinh (Nghệ An) trở thành niềm vui chung của nhân dân trong tỉnh, thỏa lòng mong mỏi của mọi người.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Gặp người kể chuyện làng khoa bảng Quỳnh Đôi

QUỲNH TRANG |

Người xưa có câu: “Bắc Hà Hành Thiện/Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (ở miền Bắc có Hành Thiện, vùng Hoan Diễn miền trung có Quỳnh Đôi) để nói đến một trong hai ngôi làng nổi tiếng nhất về sự học hành và đậu đạt. Con em Quỳnh Đôi (Nghệ An) xưa nay không ngừng sự nghiệp đèn sách để lập nên những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Có một làng Sen ở miền tây Nghệ An

Bài và ảnh HỮU VI |

Xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ có một ngôi làng tên gọi là Làng Sen. Từ những người đầu tiên đến khai hoang lập ấp đến nay đã 500 năm. Làng Sen còn lại một ngôi đình lưu chứng tích cho sự hy sinh của 3 chiến sĩ cộng sản trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.

Tượng đài Bác Hồ giữa lòng dân xứ Nghệ

Thuận Thắng |

Cách đây gần 20 năm, lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh tại TP. Vinh (Nghệ An) trở thành niềm vui chung của nhân dân trong tỉnh, thỏa lòng mong mỏi của mọi người.