Ngàn dặm dưới đáy biển

Nguyễn Huy Minh |

Lẽ thường con người vốn được sinh ra để đi lại, làm lụng trên mặt đất bằng. Một số ít trong chúng ta không ngừng nuôi khát vọng bay cao vào không trung hoặc đi sâu xuống lòng đại dương. 40 năm qua, ở Việt Nam tồn tại một nghề chuyên nghiệp hết sức đặc biệt: Làm việc dưới đáy biển. Giữa muôn trùng nước, công việc này đầy rẫy áp lực, theo đúng nghĩa đen của nó.

1. Ngay sau khi hai miền đất nước thống nhất không lâu, ngày 3.9.1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam - tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay. Ngày 7.11.1975, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ Khí đốt ký quyết định số 118/TCDK-VP thành lập Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí có trụ sở đặt tại Miền Đông Nam Bộ, nay là Trường Cao đẳng nghề Dầu khí. Trường chịu trách nhiệm đào tạo công nhân kỹ thuật có kỹ năng sản xuất giỏi, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có sức khỏe tốt để phát triển ngành Dầu khí. Cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy những ngày đầu hầu như không có gì, máy móc lạc hậu, không phù hợp với chương trình đào tạo, tài liệu, giáo trình không có, nhà cửa lớp học không đủ, đến điện nước sinh hoạt cũng còn thiếu thốn.

Tháng 9.1976, Trường tuyển sinh khóa đầu tiên gồm 05 lớp với 4 nghề: 02 lớp Khoan, 01 lớp Cơ khí, 01 lớp Động cơ, 01 lớp Hàn. Năm 1977, Trường tiếp tục tuyển sinh 07 lớp với 6 nghề: Khoan, Hàn, Cơ khí, Động cơ, Điện, Lặn sâu. Lặn sâu - nghề “ăn cơm dương gian làm việc đáy biển” chính thức được khởi động từ buổi ấy.

Theo Nghị định liên Chính phủ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Na Uy, phía bạn sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam xây dựng Trường Công nhân kỹ thuật Dầu khí tại Bà Rịa với kinh phí 50 triệu Curon theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1978 - 1980: Xây dựng nhà làm việc, nhà học, hội trường, xưởng thực tập; Cung cấp các thiết bị, máy móc cho các xưởng thực tập, lắp đặt giàn khoan, thiết bị lặn sâu, tháp lặn… Giai đoạn 2 từ 1980 - 1987: Cung cấp các thiết bị bổ sung phục vụ cho đào tạo thợ lặn và các thiết bị cho các xưởng thực tập như máy phun nước cao áp, hệ thống truyền hình mạch kín, buồng giảm áp… 

Từ những học sinh khóa lặn đầu tiên, sử dụng những thiết bị đồng bộ, hiện đại được viện trợ cùng với những kiến thức được các chuyên gia Na Uy trực tiếp truyền đạt, Trường đã tập trung xây dựng Đội Lặn thành một đơn vị mạnh có khả năng thực hiện được những công việc xây lắp, sửa chữa các công trình ngầm dưới nước, từng bước trưởng thành, trở thành một thương hiệu uy tín. 

Đến nay, Đội Lặn của Trường không chỉ thực hiện công tác dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho ngành Dầu khí nói riêng mà còn cho cả đất nước nói chung: Xây lắp, sửa chữa giàn khoan biển; Lặn, khảo sát các công trình ngầm; Tham gia xây dựng và sửa chữa Nhà giàn DK1 cho Bộ Quốc phòng; Sửa chữa đập nước nhà máy thủy điện Hòa Bình; Sửa chữa nhà máy điện Thủ Đức… 

Từ ngày 24.7.2000, Trường có tên giao dịch quốc tế PetroVietNam Manpower Training College, viết tắt là PVMTC. Trong 40 năm qua, Trường đã thực hiện đào tạo được trên 150.000 lượt học viên với trên 150 chương trình đào tạo thuộc các loại hình đào tạo, trở thành một trong những cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật lớn và hiện đại của cả nước. Nghề lặn sâu của Trường cũng không ngừng được đầu tư, nâng cao tay nghề kỹ thuật. 

Thầy Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo nói với tôi rằng, Đội Lặn của Trường đã trở thành thành viên chính thức, duy nhất của Việt Nam do IMCA - Hiệp hội các nhà thầu Hàng hải Quốc tế công nhận. Đội có đầy đủ năng lực để khảo sát, xây lắp, sửa chữa công trình ngầm; Khảo sát các tuyến ống dẫn dầu, khí; Khảo sát bảo dưỡng tầu biển; Thực hiện trục vớt, cứu nạn. Người công nhân lặn sâu dưới nước có thể làm mọi việc, hàn cắt như ở trên bờ. Trước đây, Trường áp dụng bậc thợ từ 1 đến 4 để đánh giá tay nghề, nhưng nay áp dụng khác, người được xếp hạng cao nhất là giám thị lặn. Trường đã đào tạo người cả cho quân đội và đang có kế hoạch đào tạo cho Cảnh sát Biển.

2. Thầy Đào Mạnh Tường, Phó Trưởng phòng Dịch vụ Công trình ngầm, 46 tuổi, giải thích cho tôi hết sức tỉ mỉ, nhỏ nhẹ và nhẫn nại về nghề đặc biệt này. Quy trình tuyển một thợ lặn nước sâu có độ khó tương đương với tuyển phi công và rất bài bản. Ban đầu, Trường sẽ thông báo tuyển rộng rãi trên cả nước, yêu cầu đầu tiên là có giấy khám sức khỏe sơ bộ. Tiếp đó, thành lập Hội đồng kiểm tra sức khỏe của thí sinh theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra. 

Thí sinh sẽ phải trải qua mọi bài kiểm tra, đáng lưu ý nhất là được đưa vào phòng đạp xe để đo điện tim gắng sức, phải đạp bằng 100% thể lực, khiến cơ thể bộc lộ hết ưu khuyết điểm của tim, não, phổi. Tim khi ấy có nhịp đập khác hẳn thường lệ và sẽ cho thấy chủ nhân của nó có đủ sức đảm đương công việc dưới đáy biển hay không. 

Mỗi đợt tuyển quy mô như vậy nhưng chỉ chọn được khoảng hai chục thanh niên trai tráng. Sau đó là quá trình đào tạo kéo dài vài năm, không chỉ lặn mà người thợ còn phải biết nhiều nghề khác và mỗi nghề đều được cấp chứng chỉ riêng. Thợ lặn nghiệp dư, lặn du lịch bằng bình oxy như ta thường thấy không làm được những công việc của thợ lặn sâu và họ cũng chỉ đạt tới độ sâu âm 15 - 20m so với mực nước biển.

Ở âm 10m thôi áp lực nước đã có thể lấy mạng người, nhưng người thợ lặn chuyên nghiệp của PVMTC có thể xuống nước và làm việc tại môi trường có độ sâu tới âm 75m. Họ sử dụng các trang thiết bị cao cấp, đồng hồ đo độ sâu, quần áo caosu để giữ thân nhiệt, có cả dao và súng, kết nối với đồng nghiệp bằng dây truyền sinh. Đây là sợi dây dẫn khí thở từ trên mặt nước xuống, đồng thời là đường truyền điện kiêm kết nối các thiết bị khác, như camera giám sát. Nếu dây truyền sinh bị trục trặc việc dẫn khí, người thợ có thể sử dụng bình khí oxy dự phòng sau lưng hoặc nếu gặp các bất trắc khác, họ có thể giật dây để báo động với đồng đội.

Công việc của người thợ lặn sâu không hề dễ dàng gì. Chẳng hạn như chuyện hàn dưới đáy biển. Trước đây đội sử dụng công nghệ hàn trong môi trường nước nhưng hiệu quả không cao về mặt kỹ thuật, mũi hàn nguội nhanh, dễ nứt nên đã triển khai hàn khô, tức là hàn dưới nước trong môi trường không khí. Để làm được việc này cần đưa một cái chuông xuống, chuông được chế tạo riêng phù hợp với từng đầu việc, sau đó ép nước ra ngoài rồi mới tiến hành hàn.
3. Đội lặn có biên chế từ 15 - 20 người tùy theo công việc. Cơ bản nhất là phải có một thợ lặn khẩn cấp túc trực trên tầu để sẵn sàng ứng cứu cho một thợ chính (thợ cả) và một thợ phụ tá (thợ 2) làm việc dưới biển; 3 người điều khiển dây truyền sinh; bác sĩ, thợ máy; một giám thị lặn trực trong container. Tại buồng điều khiển này, người giám thị vốn đã có kinh nghiệm dầy dạn về nghề lặn, có thể thấy rõ các hình ảnh truyền về từ đáy sâu qua camera và nghe rất rõ từng hơi thở của bạn nghề đang làm việc, để từ đó có thể ban hành các mệnh lệnh hợp lý, chính xác. Một đội lặn nếu phải làm cả ngày cả đêm có thể lên đến 22 - 23 người. Tuy nhiên, nếu xét tới khối lượng công việc thì cả một đội thợ làm việc dưới biển chỉ bằng một thợ chính và một thợ phụ tá làm việc trên bờ, do đó chi phí rất lớn. Một con tầu chở thợ lặn ra khơi nếu để đào tạo thì riêng thiết bị mang theo đã khoảng 2 container, nếu để làm việc thực sự thì mang 3 - 4 container tùy theo yêu cầu công việc. Có những cái van nằm sâu dưới nước phải quay tổng cộng tới 480 vòng mới mở được nó, quay bằng tay, điểm tì của người đang bơi không có nên phải làm nhiều lần, nhiều ca thay nhau lặn xuống mới xong.
Những thợ lặn nước sâu đều phải trải qua quá trình kiểm tra thể lực gắt gao như đối với phi công. 

Sau mỗi lần làm việc trong môi trường nước sâu, người thợ lặn buộc phải nghỉ 24h; định kỳ khám sức khỏe 6 tháng một lần về bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là kiểm tra bệnh giảm áp. Đây là bệnh đặc trưng của thợ lặn, có thể gây tử vong hoặc hủy hoại sức lao động nếu làm việc không đúng phương pháp hoặc không được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, kể từ năm 1978 đến nay Trường chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Mùa đi biển của người thợ lặn nước sâu Việt Nam kéo dài khoảng 8 tháng, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 10, lúc này thường sóng yên biển lặng. Thời gian còn lại gió mùa gây ra những con sóng cao chừng 2m, lặn hết sức khó khăn và nguy hiểm. Bởi vậy người thợ lặn nước sâu làm nghề theo mùa biển, khi sóng cồn gió dữ họ dùng thời gian này để học tập, rèn luyện thể lực. 
Phòng Dịch vụ Công trình ngầm của PVMTC hiện có 79 người làm công tác đào tạo và lặn dịch vụ, năm 2014 doanh thu 300 tỉ đồng, năm 2015 doanh thu 350 tỉ đồng, đến đầu tháng 9.2016 đạt doanh thu 250 tỉ đồng. Hiện PVMTC đang thực hiện 2 dự án rất lớn. Tháng 8 thực hiện hợp đồng phủ 109 Matress đường ống Bạch Hổ Long Hải cho PVGas; thực hiện hợp đồng thay SSIV Valve mỏ Bạch Hổ cho PVGas. Tháng 9 khảo sát 2 giàn cho LS-JOC; phục vụ ráp đường ống nước thải nhà máy điện Trà Vinh cho PVC-PT; xúc tiến chào thầu cho Modec thay 6 Anode tại Plem VM17. Khách hàng của PVMTC hầu như là tất cả các Cty dầu khí có mặt ở vùng biển Việt Nam. Người thợ lặn nước sâu cũng đã sang tới cả vùng biển giáp ranh với Malaysia, làm việc ở vùng chồng lấn.

 
Ở độ sâu âm 30m dưới mực nước biển, không gian xanh bắt đầu mờ dần, tối dần đến mức tối đen ngày cũng như đêm. Trong lãnh địa này, mặt trời không đủ sức soi rọi tới. Xung quanh chỉ có sự tịch mịch. Ánh sáng đèn trên đầu người thợ lặn thu hút những con cá nhỏ hiếu kỳ tiến lại gần, đủ để thấy rõ vô số những huyền phù lơ lửng nơi đáy biển. Thi thoảng những người thợ lặn cũng gặp cá heo nổi lên trên mặt nước, thậm chí có lần còn gặp cả cá voi khi làm công trình cho Cửu Long JOC. “Chúng hiền lành lắm”, thầy Tường kể. 
Có những công việc dù máy móc hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được bàn tay con người. Chân móng mỏ Rạng Đông là nơi sâu nhất người thợ Việt Nam từng lặn xuống, nhưng đây chưa phải là đích đến cuối cùng. PVMTC đã có kế hoạch đưa con người xuống làm việc ở độ sâu âm 300m, gấp 4 lần độ sâu hiện tại. “Để làm được điều này cần có khoảng thời gian chừng 1 năm để chuẩn bị mọi việc cho chu toàn”, thầy Đào Mạnh Tường nói giản dị. Tôi tự hỏi rằng, 40 năm qua, người thợ lặn Việt Nam đã thầm lặng đi hết bao nhiêu dặm trường dưới đáy biển? Hàng ngàn dặm, có lẽ là như vậy. Tới đây họ sẽ còn tiến xa hơn nữa, tới những thềm lục địa huyền bí chưa từng có ai đặt chân đến bao giờ.

 

 Thầy Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo trao đổi về nghề làm việc dưới đáy biển.

 Mối hàn dưới nước được đưa lên bờ để thẩm định lại chất lượng.

Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Vũng Áng - Nước mắt nghề lặn biển

TRẦN TUẤN -QUANG ĐẠI |

Làng chài thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bé xíu, nằm ngay bên cảng Vũng Áng. Từ bao đời, cư dân sống chủ yếu dựa vào nghề chài lưới và lặn biển bắt hải sản. Từ cuối thập niên 90, nghề lặn là hoàng kim, người người đổ xô đi lặn bởi một ngày dễ dàng kiếm triệu bạc lận lưng. Thế nhưng, biển bạc khó nuốt, vì đi lặn mà không ít người phải bỏ mạng, sống thì liệt giường, thành tật...

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Vũng Áng - Nước mắt nghề lặn biển

TRẦN TUẤN -QUANG ĐẠI |

Làng chài thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bé xíu, nằm ngay bên cảng Vũng Áng. Từ bao đời, cư dân sống chủ yếu dựa vào nghề chài lưới và lặn biển bắt hải sản. Từ cuối thập niên 90, nghề lặn là hoàng kim, người người đổ xô đi lặn bởi một ngày dễ dàng kiếm triệu bạc lận lưng. Thế nhưng, biển bạc khó nuốt, vì đi lặn mà không ít người phải bỏ mạng, sống thì liệt giường, thành tật...