Nạn tham nhũng đất rừng ở Đắk Nông

ĐẶNG TRUNG KIÊN |

Ở Đắk Nông, Trưởng Công an huyện, các Phó Công an xã, em vợ Phó Công an xã... đều được Cty lâm nghiệp Thuận Tân (huyện Đắk Song) “giao khoán” hàng chục hécta đất rừng dọc quốc lộ 14C để sản xuất nông-lâm kết hợp. Không lâu sau, tất cả rừng giao khoán đều bị phá sạch và biến thành nhà ở, vườn tiêu, cà phê bạt ngàn để thu lợi. Còn vợ Phó Bí thư thường trực Huyện ủy không đứng ra nhận khoán, mà ngang nhiên bao chiếm luôn đất rừng do Cty lâm nghiệp Thuận Tân đang quản lý.

Dọc quốc lộ 14C qua các xã Thuận Hạnh, Thuận Hà (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) là những vườn tiêu, càphê thẳng tắp đến… đường chân trời, nhà ở cũng mọc lên san sát trên đất rừng. Phía tiếp giáp quốc lộ, hàng chục nghìn trụ gỗ được dựng lên để chuẩn bị trồng tiêu, trông như những lớp chông chọc lên trời chiều. Cơn mưa tầm tã, đất badan nhão nhoét không ngăn được hàng đoàn xe tải, máy múc, máy phun thuốc đang ầm ầm hoạt động. 

Một người dân làm rẫy cho biết: “Chỗ này có khoảng 70ha là đất rừng do Cty lâm nghiệp Thuận Tân chia cho cán bộ. Bên này là đất của ông Tình trước đây là Trưởng Công an huyện, liền đó là ông Nguyễn Văn Lũy, ông Đặng Đình Văn hiện nay đều là Phó Công an xã Thuận Hạnh. Không chỉ cán bộ, mà người nhà cán bộ cũng được giao cả chục mẫu đất, ví dụ ông Quyết là em vợ ông Văn, được giao gần 20ha bên kia”.

Vợ Phó Bí thư Huyện ủy bao chiếm đất rừng

Trong vai một người đi mua đất, chúng tôi tiếp cận trang trại 28ha của ông Lê Ân Tình. Đó là khu đất có chiều dài mặt tiền quốc lộ 14C khoảng 300 - 400m, bên trong sâu tít tắp được trồng hồ tiêu, muồng, khoai lang Nhật Bản... Trên đất có nhiều căn nhà gỗ, làm chỗ ở cho công nhân và giữ đất. Nhắm căn nhà to nhất, đường ôtô vào tận cửa, tôi lao vào thật nhanh để tránh cơn mưa to đang rượt đuổi phía sau. 

Thật bất ngờ, chủ nhân lại là bà Nguyễn Thị Thu Anh (vợ ông Bùi Bàng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Song), người không liên quan gì đến ông Tình. Nghe tôi hỏi thăm chỗ bán đất, bà nửa đùa nửa thật: “Chú mua hết chỗ này không tui bán cho”. Rồi bà nói trang trại này rộng khoảng 16ha, hiện đã trồng xong 3ha hồ tiêu, vài hécta muồng đen. “Còn lại tui cho người ta mượn trồng khoai lang, để không dễ bị lấn chiếm” - bà chủ vui vẻ. 

Không nói giá bán cụ thể, nhưng bà Thu Anh cho biết giá chung khu vực này là 400 - 500 triệu đồng/ha đất trống, còn 300m mặt tiền dọc quốc lộ 14C thì tính giá thổ cư, mỗi mét ngang 10 triệu đồng. Tôi hỏi nguồn gốc đất, được bà Thu Anh cho biết: “Toàn bộ khu đất này do ông Lê Ân Tình, lúc đó là Trưởng Công an huyện nhận khoán của Cty lâm nghiệp Thuận Tân, sau đó ông Tình ký hợp đồng liên kết đầu tư với tui. Khu đất rộng tới 28ha, nhưng do lúc đầu không có người trông coi nên bị người dân lấn chiếm, giờ còn hơn 16ha”. 

Thấy chúng tôi chưa thực sự yên tâm, bà chủ cười giòn giã, khẳng định chủ quyền của mình: “Cái hợp đồng liên kết tui ký với ông Tình chỉ là giả thôi, mục đích để cơ quan nhà nước kiểm tra. Còn thực tế thì ông Tình đã bán cho tui luôn rồi, có giấy nhận 3 tỉ đồng của tui, làm sao ổng cãi được?”. Rồi bà động viên chúng tôi nên mua, vì Cty lâm nghiệp Thuận Tân vừa giải thể, sắp tới đất đai sẽ bàn giao cho UBND huyện Đắk Song quản lý, làm “sổ đỏ” đất nông nghiệp mấy hồi!

Nhưng sau một lúc trao đổi, bà Thu Anh bất ngờ hỏi: “Hình như mấy chú ở trên tỉnh, xuống đây điều tra cái gì chứ không phải mua đất?”. Sau đó bà đổi ý, không bán nữa: “Nói vậy chứ bây giờ mà bán thì tiếc lắm, chỗ chị trồng tiêu là đất xấu nhất, còn lại toàn đất đẹp…”. Cuối cùng, bà Thu Anh kiên quyết không nói tên, hỏi mãi thì nói “chị tên Hồng”. Theo tìm hiểu của PV Lao Động, ngoài diện tích đứng tên ông Lê Ân Tình, bà Thu Anh còn ngang nhiên bao chiếm trái phép 1ha đất phá rừng năm 2013 - 2014, do Cty lâm nghiệp Thuận Tân đang quản lý để trồng tiêu và muồng, đồng thời làm vành đai bảo vệ trang trại.

Trưởng công an huyện không hiểu Nghị định 135?

Theo hồ sơ PV Lao Động thu thập thì vào năm 2010, khi còn là Trưởng Công an huyện Đắk Song, ông Tình được Giám đốc Cty lâm nghiệp Thuận Tân Lê Khắc Bính ký hợp đồng giao khoán 28ha đất rừng tại xã Thuận Hà là trái quy định. Bởi Nghị định 135/2005/NĐ - CP của Chính phủ quy định, đối tượng được giao khoán đất rừng phải là người có hộ khẩu thường trú tại nơi có rừng, trực tiếp làm nghề nông - lâm nghiệp để sinh sống. 

Trả lời vấn đề này, ông Tình thanh minh: “Thật ra tôi cũng không hiểu lắm về Nghị định 135 của Chính phủ, với lại tôi có nhiều cháu họ ở trong xã Thuận Hạnh. Lúc đó tôi hỏi Cty lâm nghiệp Thuận Tân thế có nhận được không, họ bảo được thì tôi nhận cho các cháu làm”. Không rõ sau khi nhận khoán ông Tình đã làm gì, mà 22ha rừng tự nhiên phải khoanh nuôi bảo vệ (trong tổng số 28ha nhận khoán) sau đó bị chặt phá hoàn toàn. Diện tích này biến thành nhà ở, trang trại, các công trình phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, ông Tình phủ nhận việc bán đất cho bà Thu Anh: “Chị Thu Anh nói đùa, vì tôi vẫn là chủ đất. Giữa tôi với chị ấy chỉ liên kết, hai bên cùng đầu tư và chia lợi nhuận”.

Trưởng Công an huyện không hiểu Nghị định 135, còn 2 phó công an xã Thuận Hạnh đang đương chức thì hiểu, nhưng lại nhận đất rừng bằng… tên vợ. Trong đó, ông Nguyễn Văn Lũy - tên vợ là Hoàng Thị Hợi - được Cty lâm nghiệp Thuận Tân giao 8,8ha rừng tự nhiên, ông Đặng Đình Văn - tên vợ là Phạm Thị Mai - được giao 15ha. Thậm chí, cả người nhà cán bộ cũng được giao đất rừng, như ông Phạm Văn Quyết - em vợ Phó Công an xã Đặng Đình Văn - được giao 17ha rừng. Cả 3 người này đều được giao đất rừng trong các năm 2011 - 2012. 

Trong diện tích giao khoán này, có 26ha rừng tự nhiên phải bảo vệ, nhưng đến thời điểm này đã sạch bóng cây rừng. Bất đắc dĩ, ông Đặng Đình Văn - Phó Trưởng Công an xã Thuận Hạnh dẫn chúng tôi đi xem các khu rừng nhận khoán dọc quốc lộ 14C. Trước mắt chúng tôi, trên đất rừng do ông Văn nhận khoán có 3,5ha hồ tiêu, 2ha càphê, gần 10ha đã phát dọn xong chuẩn bị trồng cây, 4 nhà tạm bằng gỗ trên đất rừng… Chúng tôi hỏi ai trồng cây, làm nhà trên đất này, ông Văn nói: “Gia đình nhận khoán, nhưng không bảo vệ được nên người dân đến phá rừng, chiếm đất rồi tự làm”. “Thế họ không sợ công an hả?” - PV hỏi, ông Văn đáp: “Không sợ đâu”. Tương tự, trên 11ha đất rừng giao cho ông Nguyễn Văn Lũy cũng đang hiện hữu 3ha hồ tiêu, 5ha càphê, 2,5ha đất mới phát dọn…

Ai phá rừng giao khoán?

Trao đổi với PV Báo Lao Động về tất cả các vấn đề liên quan, ông Bùi Bàng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đắk Song - phân tích: “Tôi đi xe máy vào rừng hái lá nhíp về ăn, lập tức cán bộ bảo vệ rừng tới hỏi đi đâu, vậy làm sao có chuyện phá rừng mà họ không biết được? Cho nên mất rừng trước hết do cán bộ lâm trường, họ không tiếp tay thì ai làm được, tức là họ bán rừng. Rồi cán bộ các nơi nhận khoán đất rừng cũng phá rừng. Họ không trực tiếp phá, mà họ làm ngơ cho dân phá, rồi chia mỗi bên một nửa, như cho phá 10ha thì lấy 5ha. Ví dụ, ông Tình đây nhận khoán bao nhiêu hécta, nói cứ phá đi rồi mày một nửa, tao một nửa… Chứ tự nhiên thì sao phá rừng được”. Thế còn vợ ông đang canh tác trên đất rừng trước đây được Cty lâm nghiệp Thuận Tân giao khoán trái quy định cho ông Tình? 

Ông Bàng nói: “Khi ông Tình nghỉ hưu muốn bán lại diện tích này, tôi phát hiện ra nên không cho vợ mua, nên hai bên ký hợp đồng liên kết với nhau. Về sau ông Tình bỏ luôn, gọi hoài không lên nữa”. Nhưng bà Thu Anh nói đã mua lại diện tích này của ông Tình với giá 3 tỉ đồng? - PV Báo Lao Động hỏi. Ông Bàng ngập ngừng rồi nói: “Cái đó tôi không rõ lắm. Tôi nói vợ không nghe, làm ảnh hưởng công tác tôi, nên tôi ghét không tham gia nữa”.

Liên quan đến vụ giao khoán đất rừng này, UBND tỉnh Đắk Nông xác định có 45ha rừng tự nhiên bị chặt phá, gần 70ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm, sử dụng sai mục đích. Sai phạm của lãnh đạo Cty lâm nghiệp Thuận Tân - đứng đầu là Giám đốc Lê Khắc Bính - là nghiêm trọng, thể hiện việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Do vậy UBND tỉnh giao thanh tra chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT công an tỉnh để điều tra, xử lý hình sự. Với những cán bộ, người nhà cán bộ bao chiếm, nhận khoán đất rừng thì yêu cầu Cty thanh lý hợp đồng, thu hồi đất. Đồng thời giao Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho UBND tỉnh quyết định buộc các cá nhân này phải bồi thường giá trị thiệt hại về rừng… Nhưng đến thời điểm này, dù Cty lâm nghiệp Thuận Tân đã thanh lý hợp đồng, nhưng trên thực tế vẫn chưa thu hồi được diện tích đất rừng nói trên.

Sau khi báo Lao Động số ra ngày 22 và 23.9.2016 có loạt bài điều tra “Đắk Nông: Nguyên Thường vụ Tỉnh ủy chiếm dụng 13,5ha đất rừng”, ngày 26.9, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết đã chính thức vào cuộc để xác minh vụ việc, nếu đúng sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

 

 


ĐẶNG TRUNG KIÊN
TIN LIÊN QUAN

Bạc Liêu trăn trở chọn tôm bỏ nhiệt điện

NHẬT HỒ |

Thông tin ngày 20.9 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu xin Thủ tướng Chính phủ bỏ quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng (huyện Đông Hải), đồng thời kiến nghị Thủ tướng xây dựng Bạc Liêu thành “thủ phủ” tôm làm nức lòng không chỉ người dân Bạc Liêu! Nhiều năm nay, “xứ sở Công tử Bạc Liêu” loay hoay tìm phương hướng phát triển, bởi tỉnh ở vị trí địa lý không thuận lợi tại vùng ĐBSCL. Chọn cá tôm là cách để Bạc Liêu phát triển, nhưng vẫn còn đó những bộn bề cho ngành công nghiệp tôm...

40 phút cứu đoàn tàu khách khỏi tai nạn thảm khốc

KHÁNH HOÀ |

21.9.2016 - một ngày không thể quên trong cuộc đời anh công nhân gác chắn Trần Hoàng Tùng (Đội chắn đường ngang Giáp Bát, Công ty CP đường sắt Hà Hải, Hà Nội). Bỏ việc gia đình, chạy đua với thời gian, anh Tùng cảnh báo cho hai đoàn tàu đang chuẩn bị lao tới, đồng thời hỗ trợ giải cứu chiếc xe kéo container khỏi mắc kẹt trên đường ray, ngăn kịp thời một vụ tai nạn thảm khốc.

Dòng sông bóng xế

Tấn Vũ |

Có một dòng sông mà rất nhiều thân phận lúc tuổi già bóng xế đã tìm về đây nương tựa. Và dòng sông đã cưu mang họ lúc tuổi xế chiều. Để rồi, sông về với biển, người về với đất, tất cả hòa hợp tạo nên một dòng sông đặc biệt lượn lờ xuôi về hoài cổ. Sông Hoài, đoạn cuối của dòng Thu Bồn ở Quảng Nam, ôm trong mình phố cổ Hội An, là dòng sông như vậy!

Lẻ loi trên cánh đồng muối

Kiều Thu |

Công việc vất vả, thu nhập thấp song gia đình cô Hoàng Thị Vòng (xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) vẫn bám trụ với nghề làm muối. Đến nay, gia đình cô đã gắn bó với kế sinh nhai này được hơn 50 năm, dù đồng tiền kiếm được từ việc bán muối chẳng đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Khởi tố, bắt tạm giam thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh hôm nay (22.2) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hữu Ca – nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Khởi tố, bắt giam kẻ dùng tuýp sắt dài hơn một mét đánh shipper gãy 2 tay

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Chỉ vì phí ship 30.000 đồng dẫn đến tranh cãi mà một cặp vợ chồng ở Quảng Ngãi đã dùng tuýp sắt, ghế inox đánh một nam shipper gãy 2 tay.

Chưa có đường tránh phục vụ mở rộng Sân bay Điện Biên

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Một tuyến đường dân sinh có hàng nghìn phương tiện lưu thông mỗi ngày sẽ bị đóng để làm Sân bay Điện Biên. Tuy nhiên, hiện đường tránh vẫn chưa được xây dựng.

Đàm phán giá thành công 64 biệt dược, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng

Thùy Linh |

Ngày 22.2, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã đàm phán giá với 69 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn. 64 loại biệt dược đã được đàm phán giá thành công, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng.

Bạc Liêu trăn trở chọn tôm bỏ nhiệt điện

NHẬT HỒ |

Thông tin ngày 20.9 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu xin Thủ tướng Chính phủ bỏ quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng (huyện Đông Hải), đồng thời kiến nghị Thủ tướng xây dựng Bạc Liêu thành “thủ phủ” tôm làm nức lòng không chỉ người dân Bạc Liêu! Nhiều năm nay, “xứ sở Công tử Bạc Liêu” loay hoay tìm phương hướng phát triển, bởi tỉnh ở vị trí địa lý không thuận lợi tại vùng ĐBSCL. Chọn cá tôm là cách để Bạc Liêu phát triển, nhưng vẫn còn đó những bộn bề cho ngành công nghiệp tôm...

40 phút cứu đoàn tàu khách khỏi tai nạn thảm khốc

KHÁNH HOÀ |

21.9.2016 - một ngày không thể quên trong cuộc đời anh công nhân gác chắn Trần Hoàng Tùng (Đội chắn đường ngang Giáp Bát, Công ty CP đường sắt Hà Hải, Hà Nội). Bỏ việc gia đình, chạy đua với thời gian, anh Tùng cảnh báo cho hai đoàn tàu đang chuẩn bị lao tới, đồng thời hỗ trợ giải cứu chiếc xe kéo container khỏi mắc kẹt trên đường ray, ngăn kịp thời một vụ tai nạn thảm khốc.

Dòng sông bóng xế

Tấn Vũ |

Có một dòng sông mà rất nhiều thân phận lúc tuổi già bóng xế đã tìm về đây nương tựa. Và dòng sông đã cưu mang họ lúc tuổi xế chiều. Để rồi, sông về với biển, người về với đất, tất cả hòa hợp tạo nên một dòng sông đặc biệt lượn lờ xuôi về hoài cổ. Sông Hoài, đoạn cuối của dòng Thu Bồn ở Quảng Nam, ôm trong mình phố cổ Hội An, là dòng sông như vậy!

Lẻ loi trên cánh đồng muối

Kiều Thu |

Công việc vất vả, thu nhập thấp song gia đình cô Hoàng Thị Vòng (xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) vẫn bám trụ với nghề làm muối. Đến nay, gia đình cô đã gắn bó với kế sinh nhai này được hơn 50 năm, dù đồng tiền kiếm được từ việc bán muối chẳng đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày.