Lớp đại học trong trụ sở công đoàn

LÊ TUYẾT |

“Tôi không mong mình sẽ được lên chức hay lương cao hơn sau khi tốt nghiệp lớp đại học này. Tôi đi học để mình tư duy tốt hơn, giải quyết các vấn đề của cuộc sống, hay đơn giản để tự tin nói chuyện với con.

Tôi cảm ơn tổ chức công đoàn đã tạo điều kiện để tôi được trải nghiệm, “biết mùi” học đại học” - anh Nguyễn Anh Vũ, 48 tuổi, công nhân đóng gói thành phẩm Xí nghiệp in Tài chính (TPHCM) - chia sẻ. 

Anh Vũ là một trong 60 tân sinh viên của lớp đại học hệ vừa làm vừa học đầu tiên dành cho công nhân lao động TPHCM, chuyên ngành Quản trị kinh doanh do Trường Đại học Kinh tế TPHCM và LĐLĐ TPHCM phối hợp tổ chức.

Ôn bài qua Zalo, Facebook

18h lớp học tại trụ sở LĐLĐ TPHCM mới chính thức bắt đầu nhưng 17h30, gần nửa lớp đã có mặt. Tôi đứng giữa lớp, giới thiệu mình là phóng viên, được sự đồng ý của LĐLĐ thành phố, muốn được trao đổi với các anh chị. Nhiều người ngước nhìn, rồi lại cúi xuống. Ai cũng cắm cúi nhìn vào trang vở với những con số dọc, ngang chi chít.

Tôi hơi “quê” bèn đánh liều hỏi một sinh viên có vẻ lớn tuổi nhất. Anh xua tay: “Anh muốn nói chuyện với em lắm nhưng anh chưa làm xong bài tập thầy cho về nhà. Anh phải đi hỏi mấy bạn để các bạn chỉ thêm”.

Nói rồi anh quay xuống bàn dưới, nhờ đồng môn giải thích cho bài mở đầu của môn toán cao cấp. Anh là Nguyễn Anh Vũ, sinh viên lớn tuổi nhất nhì lớp, vừa lắng nghe bạn giải thích, anh vừa móc túi 63.000 đồng nhờ người mua giúp tài liệu vừa được trường chuyển xuống.

Ngồi phía sau anh Vũ là nhóm bạn đang làm việc tại Chợ Đầu mối Thủ Đức. Nếu chỉ nhìn cách anh chị trao đổi bài vở, sẽ không hình dung được họ vừa chạy gần 20km giữa giờ cao điểm của Sài Gòn để lên tới địa điểm học.

“Chị gái này là Phương Thảo, 31 tuổi, đã có gia đình, con cái đầy đủ. Anh này là Đào Long Bình, 33 tuổi, có vợ con. Tui là Huỳnh Minh Phong, 33 tuổi, một vợ và ba con. Còn một người nữa nhưng hôm nay có việc nên vắng mặt. Việc vừa xong là cả nhóm tất bật về nhà, ăn vội miếng cơm rồi chạy lên đây. Tôi với Bình làm bảo vệ tại Chợ Đầu mối Thủ Đức gần 10 năm, nay cắp vở đi học đại học. Cũng vui!” - anh Phong giới thiệu.

Đang chuyện, cả nhóm ngừng lại quay sang giải thích, thảo luận một vài chỗ mà anh Vũ chưa hiểu. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về độ “hiểu bài” của nhóm, anh Bình lý giải: “Cách đây chục năm, tôi đã học xong trung cấp điện nên phần nào quen với cách học sau phổ thông. Tuy nhiên, quen thì quen nhưng quên vẫn quên. Mình nghỉ học lâu quá, đầu óc ù lỳ rồi, giờ nạp kiến thức vào là bị dội. Dội ra mình lại cố nhét vào”.

Anh Minh Phong góp thêm, những môn học trên lớp hoàn toàn mới. Hôm nào may mắn lắm thì hiểu được 40-50% bài giảng của thầy. Còn lại thì về nhà tự tìm hiểu thêm. Chỗ nào không hiểu thì lên Google, vào các trang dạy toán tìm.

“Vì mình đi làm cả ngày, có khi làm ca đêm nữa nên phải tranh thủ. Tôi với anh Bình thường trao đổi bài qua Zalo, Facebook. Sau đó, tranh thủ lên lớp xem lại kết quả bài tập. Tôi thấy học khó, nhưng khó mấy tôi cũng quyết tâm” - anh Phong chia sẻ.

Tôi ngồi dự với lớp gần hết buổi, ThS Lê Văn Sáng - giảng viên phụ trách môn toán cao cấp dành cho Kinh tế & Quản trị của lớp - tỏ ra khá dí dỏm khi đưa những ví dụ gần gũi trong đời sống như hoa hậu, chuyện xếp hàng, tóc tai hay những từ ngữ gần gũi để nói về mớ kiến thức hóc búa.

Kèm theo các câu hỏi, thầy luôn động viên: “Tôi hỏi, các anh chị cứ mạnh dạn trả lời nha, đúng sai gì cứ nói. Nói ra mới biết mình sai chỗ nào để rút kinh nghiệm, có đúng có sai mới là học”.

Thầy Sáng chia sẻ: “Tôi luôn đánh giá cao những sinh viên, học viên vừa đi học vừa đi làm bởi sau ít nhất 8 tiếng đồng hồ ở nhà xưởng, các bạn còn chịu khó lên lớp, ngồi nghe giảng. Các bạn có đề nghị tôi giảng chậm nhưng tôi cũng nói rõ, học đại học, các thầy chỉ khơi gợi, các bạn phải chịu khó tìm hiểu thêm. Nếu chậm quá thì không đảm bảo được chương trình học”.

Nói về lo lắng khi đi học, anh Minh Phong chia sẻ: “Mình nghỉ lâu quá, việc tiếp nhận kiến thức rất khó khăn, thời gian hạn hẹp, kỹ năng tìm kiếm tài liệu trong sách vở, trên mạng hơi chậm. Hôm đi nghe tư vấn tuyển sinh, thầy Hiệu phó của Trường ĐH Kinh tế thành phố cho biết sẽ thành lập đội tình nguyện “1 kèm 1”, tức một sinh viên chính quy kèm một sinh viên vừa học vừa làm. Tôi mong trường nhanh triển khai để có thể hỗ trợ cho tôi và anh chị em ở đây”.

Ôn bài trước giờ vào học.
Ôn bài trước giờ vào học.

Học không được cho mình thì cũng cho con!

Anh sinh viên Nguyễn Anh Vũ lớn tuổi tất bật với bài vở cuối cùng cũng có chút thời gian rỗi. Anh chia sẻ, với bản tính thích tìm tòi những điều mới nên khi nghe có lớp đại học dành cho công nhân lao động, anh liền đăng ký dù gia đình có chút nghi ngại: “Đứa con đầu đang học đại học ngành Tiếng Nga năm thứ 4 thì hỏi “Ba nhắm theo nổi không ba, khó và khổ lắm đó”, đứa con út đang học lớp 10 thì cổ vũ “Cố lên ba, ba học được thì sau này con học được”. Vợ tôi cũng có chút lo lắng bởi tuổi tôi không còn trẻ nữa. Thế nhưng thấy tôi quyết tâm thì gia đình rất ủng hộ”.

Đường học của anh Vũ cũng lắm đoạn trường. Vì hoàn cảnh gia đình nên vừa học xong lớp 10, anh phải nghỉ học đi làm. Hơn 30 tuổi, anh lấy vợ, sinh con, gia đình ổn định, anh đăng ký học bổ túc xong chương trình phổ thông. Năm nay, 48 tuổi, anh tiếp tục học đại học.

Anh bộc bạch: “Khi tôi đăng ký đi học, nhiều người hỏi tôi tuổi tác đã lớn, học nữa thì cũng không lên được chức tước gì. Tôi chỉ cười. Bởi với tôi, học là để biết, để suy nghĩ mọi việc khoa học hơn, để tôi tự tin nói chuyện với con, cho con mình những ý kiến tốt và để tạo động lực học tập, tìm hiểu kiến thức cho các con sau này chứ học không phải để có chức cao”.

Giống như anh Vũ, khi chia sẻ về lý do đi học của mình, anh Huỳnh Minh Phong không giấu vẻ xúc động: Cả hai vợ chồng đều làm công nhân, với 3 đứa con gái, đứa lớn 8 tuổi đang học lớp 3, nhiều lúc dạy con học anh bối rối vì kiến thức tiểu học quá… cao siêu. Muốn dạy cho con, anh ngồi lại nghiên cứu lý thuyết, sau đó mới hướng dẫn cho con bài tập.

“Con càng học lên, kiến thức con càng mở rộng mà đầu óc cha càng ù lỳ thì đáng sợ thật nên tôi đi học để giúp mình tư duy tốt hơn. May mắn có thể sau này sẽ tìm kiếm được cơ hội công việc tốt nhưng quan trọng nhất của tôi là các con”.

Nói về động lực đi học, anh Đào Long Bình chia sẻ: “Tôi có người chú vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chú chỉ được học hết phổ thông. Rồi chú đi học nghề lái xe. Sau đó, chú vừa đi làm, vừa đi học. Miệt mài hơn 5 năm, chú lấy được bằng đại học.

Bây giờ chú có một công việc rất tốt, làm trưởng đại diện của một văn phòng, chú bây giờ cũng lái xe nhưng là lái xe của chính chú. Tôi thấy đó là tấm gương cho mình. Có trình độ, có kiến thức, mình không lo gì mất việc mà trái lại còn có được cơ hội và công việc tốt hơn. Quan trọng nhất là khi đi học, gặp khó khăn đừng nản chí, có công mài sắt thì mới có ngày nên kim”.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết: Lớp đại học hệ vừa học vừa làm ngành Quản trị kinh doanh do Trường ĐH Kinh tế TPHCM và LĐLĐ TPHCM phối hợp tổ chức vào các tối hai-tư-sáu hằng tuần, thời gian học là 3,5 năm - là mô hình vừa làm vừa học đầu tiên trong cả nước dành cho công nhân trực tiếp sản xuất và là giải pháp mà tổ chức công đoàn TPHCM thực hiện để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân, nhằm chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa sâu rộng. Phía Trường Đại học Kinh tế TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện để công nhân hoàn thành tốt khoá học như miễn giảm học phí, chia nhỏ, kéo dài thời gian đóng học phí, vận động sinh viên chính quy đồng hành và hỗ trợ cùng công nhân học tập.

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.