Lò nặn tượng Táo Quân gần 100 năm đỏ lửa

Thùy Trang |

Nằm khuất sau những lò nung tò he hay những gian hàng gốm thương mại ở làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An), cơ sở sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Chín - một trong số ít những người còn giữ nghề nặn tượng Táo Quân đến nay đã có gần 100 năm đỏ lửa. Đang vào mùa nhộn nhịp nhất năm khi tết sắp về, đến thăm cơ sở ông Chín luôn có người xẻ đất nhào nặn, bốc hàng từ lò, người thì đưa tay tỉ mỉ từng vòng phết màu. Tất cả họ đang giữ hương vị Tết Hội An, Tết Việt trên mỗi bức tượng Táo Quân.
Lò “ông Táo” 100 năm giữa phố Hội
Men theo con đường gạch đỏ mà phải đến tận cuối ngõ, du khách mới đến được với lò nung nhà ông Chín, nơi từ hai tháng nay đã vào mùa tất bật để kịp những chuyến hàng với hàng vạn bức tượng ông Táo đến với từng khu chợ lớn nhỏ.
“Thời tiết thuận lợi thì cứ độ 10 ngày là chúng tôi cho ra được một mẻ hơn 1.000 “ông”, thời điểm này bạn hàng ra vào lấy hàng liên tục. Trời mưa kéo dài nhưng sợ lỡ hẹn với khách nên gia đình mấy hôm nay tôi phải che bạt để sơn phết cho kịp ngày tiễn ông Công ông Táo về trời”, ông Chín hồ hởi khoe. Ở sân nhà, hàng vạn bức tượng Táo Quân từ cái đang còn màu đất tươi đến những “ông” đã được nung chín, rồi hàng nghìn “ông” khác được xếp ngay ngắn, đợi sơn phết màu, tất cả trải hàng dài đều tăm tắp.
Một tượng ông Táo phải trải qua nhiều công đoạn, được chăm chút tỉ mỉ.

Tục thờ Táo Quân của người Việt vốn đã có từ bao đời nay mà dù cuộc sống hiện đại bao nhiêu thì cứ ngày 23 tháng chạp, nhà nhà đều nhắc nhau làm mâm cúng tiễn Táo Quân về chầu. Riêng với người miền Trung, bên mâm cúng xôi chè, bao giờ cũng có bức tượng ông Táo mới. Tượng đất chỉ vừa bằng bàn tay người lớn, có đủ hình hài 3 vị táo quân, 2 ông ngồi hai bên, Táo bà ngồi giữa như trong tích xưa.

Từ vài trăm năm nay, ở Quảng Nam, tượng Táo Quân được nặn nung bởi người thợ Thanh Hà. Cho đến những năm gần đây khi du lịch phát triển, làng gốm được quy hoạch phục vụ du khách thì nhiều gia đình chuyển qua làm các hàng thương mại, chỉ còn vài hộ giữ lại nghề. Ông Nguyễn Văn Chín là truyền nhân của nghệ nhân Nguyễn Thị Lan, người đã lưu giữ nghề nặn tượng ông Táo đến hôm nay. Về làng Thanh Hà, hỏi nhà làm Táo Quân thì ai cũng sẽ nhắc ngay tên bà Lan, ông Chín và dù đường có vòng vo mấy cũng được người dân chỉ đến tận nơi.
“Từ thời mẹ tôi đã lớn lên với mùi đất sét, mùi sơn mài, rồi nhờ những mùa tượng ông Táo mà nuôi cả gia đình lớn nhỏ nên nay bà đã già yếu thì đến lượt con cái chúng tôi giữ lấy nghề. Lò nung của gia đình đến nay đã đỏ lửa cũng gần 100 năm rồi”, ông Chín kể câu chuyện nghề gia đình với nụ cười đôn hậu.
Một chiếc tượng ông Táo khi mới thành hình.

Lấy một chiếc tượng đã thành phẩm, ông Chín kể, tượng ông Táo của người Hội An xưa được làm đơn giản, sơn phết cũng bằng tay. Về sau người nghệ nhân của làng mới vẽ hình hài cho ông Táo bà Táo, rồi tạo thành những chiếc khuôn in như bây giờ. Nói là có khuôn in nhưng không phải ai cũng cho ra đời những chiếc tượng đẹp. Bà Lê Thị Nga (60 tuổi) với hơn 10 năm làm nghề đang nhận làm công đoạn này cho gia đình ông Chín cho hay, trong làng chỉ có vài người được ông Chín tin tưởng thuê làm công đoạn in tượng. Người làm phải nén đất thật chặt vào khuôn sao cho khi lấy tượng ra không bị sai chi tiết nào. Với những tượng còn chưa đẹp, người thợ phải nhanh tay chấm nước để sửa, rồi mới mang đi phơi.

Chiếc tượng tuy nhỏ nhưng để có sản phẩm cuối cùng thì phải qua nhiều công đoạn. Tượng đất được phơi dưới nắng từ 5 đến 7 ngày cho thật trắng mới xếp vào lò nung rồi sơn phết màu. “Giá thành tượng ông Táo thấp hơn nhiều so với mặt hàng thương mại nên nhiều nhà bỏ là phải. Riêng gia đình tôi cũng nhờ tiếng tăm bao đời rồi với vài bí quyết riêng nên sống được với nghề”. Nói rồi ông Chín chẳng ngại giấu bí kíp, kể tỉ mỉ: “Đất sét phải được lấy ở vùng Điện Tiến, đất phải có độ dẻo, nung lên phải có màu, bám sơn. Giai đoạn khó nhất là nung tượng. Mỗi mẻ nung gia đình tôi phải trực cả 3 ngày 3 đêm để canh lửa. Ngay cả đoạn sơn phết màu cũng phải làm đều tay để cả nghìn tượng ra như một”.
Nhìn vào lò nung chỉ đơn thuần là gạch xây, tôi hỏi liệu có thước đo gì để biết độ lửa thì ông Chín cười khà: “Dùng mắt nhìn màu lửa là biết chứ sao”. “Rồi còn độ dẻo của đất?”, ông Chín đưa tay ra chỉ: “Tay người thợ lành nghề là thứ đo tốt nhất”.
Giữ nghề, làm với số lượng lớn nên từ khi tiếp quản lò nung, ông Chín tìm tòi việc sơn tượng bằng máy phun. Màu tượng nhà ông Chín cũng khác với các nhà khác. Ông Táo không đỏ thẫm vì đậm màu quá sẽ làm mất nét tượng, cũng chỉ với sơn mài và dầu bóng nhưng tùy tay người pha mà được màu vàng đỏ hay đỏ. Vừa nói ông Chín vừa đưa tay sơn, chiếc phun được đưa đến đâu từng khuôn mặt hình hài ông táo hiện ra đến đó lấp lánh trong nắng. Từ màu đất nung thô, hàng vạn chiếc tượng chuyển thành màu vàng đỏ.
Không máy móc, không kỹ thuật, tất cả những gì ông Chín có là kinh nghiệm của đôi tay, đôi mắt để cả mẻ nung dù là 1.000 hay hàng vạn ông táo đều ra lò đều màu, đều hình như nhau.
Giữ nghề, giữ hương vị Tết Việt
Nhắc hỏi ông Chín sao không làm những hàng thương mại, kinh tế cao thì ông cười: “Cái nghề nuôi cha mẹ mình, nuôi mình. Ngày mẹ tôi nghỉ làm cũng đã dặn con cái giữ lấy nghề nên chắc giờ nó đã thành nghiệp rồi. Chúng tôi vẫn sống được với Ông Táo. Mấy hôm nay bạn hàng đặt nhiều lắm mà làm không xuể kia mà. Với lại mình làm cái kia mà bỏ “ổng” thì làng này còn gì để nhắc chuyện ngày xưa nữa”.
Rồi ông nhắc lời bà Lan khi còn minh mẫn vẫn hay dặn, cái tượng làm ra tuy nhỏ, nhưng là lễ vật thành tâm của mỗi gia đình nên người thợ phải làm thật cẩn thận. “Ai cũng muốn một lễ đưa ông Táo về trời được tươm tất nên mỗi Ông Táo ra lò phải chỉnh chu, có vậy mới giữ được uy tín của mình”.
Tính đến nay, 30 năm qua, Ông Chín cũng đã theo nghề hơn nửa đời người. Nhắc đến đây ông Chín liền nhắc, con trai ông cũng đang theo học để cùng làm với cha. Năm rồi ông khoe đã sửa sang lại cơ sở, lò nung, sắp đến đây sẽ mở rộng thêm, thuê thêm người làm để cung cấp hàng cho các nơi. Nếu ngày xưa người làng chỉ làm 2, 3 tháng cuối năm thì nay ông Chín đã tính chuyện xây nhà cao, chống được mùa ngập để có chỗ cất hàng. Nghề làm tượng Táo Quân có thể làm quanh năm, bất kể mưa nắng, mang lại thu nhập ổn định cho người thợ.

“Miễn lò nung còn đỏ lửa thì vẫn sẽ có tượng Ông Táo làng Thanh Hà cho ngày 23 tháng chạp mỗi năm”. Ông Chín kể, chỉ tính riêng năm nay, tượng Táo Quân nhà ông Chín đã có người đến đặt từ đầu năm, cả tháng nay đã được chuyển đi các chợ ở Quảng Nam, ra Đà Nẵng, đi Quảng Ngãi, Huế… Xong mẻ nào ông Chính xếp thùng là có người đến lấy. Người ta đặt hàng nhà ông hơn 60 vạn tượng nhưng vẫn bảo: “Cứ có nữa thì họ lấy hết”.

Từ những kinh nghiệm của làng nghề xưa đến bí quyết riêng của gia đình, ông Chín cùng với những người trong gia đình mỗi ngày vẫn chăm chút từng chiếc tượng Táo Quân để kịp đến với mọi nhà. Nếu với những gia đình Việt, thờ cúng ông Táo là mong cầu những vị Táo Quân sẽ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc thì với những người thợ như ông Chín, họ lại đang đỏ lửa để giữ lại hương vị tết ấm áp cho Hội An, cho nhiều gia đình Việt.
Ông Chín chăm chú sơn phết màu cho tượng Táo Quân. Với bí quyết nung, sơn phết rất riêng, Năm nay, cơ sở nhà ông làm hơn 60.000 tượng cho dịp tiễn ông Táo về trời.

 

Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Thêm 2 làng nghề Hội An được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Phước Bình |

Làng nghề mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến sào của Hội An vừa chính thức được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Thêm 2 làng nghề Hội An được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Phước Bình |

Làng nghề mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến sào của Hội An vừa chính thức được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.