Lễ cưới tập thể ngày Quốc khánh: Chứa chan hạnh phúc cho những lao động nghèo

LÊ TUYẾT |

Dường như người dân lẫn du khách ở TPHCM đã quen với hình ảnh 100 đôi uyên ương chở nhau trên xe hoa, dạo qua các con phố lớn vào ngày Quốc khánh bởi đây là năm thứ 11, lễ cưới tập thể được thực hiện.

11 năm, “đám cưới có một không hai” này không chỉ se duyên cho 822 cặp đôi là thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn mà còn truyền đi thông điệp yêu thương với những tình yêu vượt lên nghịch cảnh. Lễ Quốc khánh năm nay, 100 đôi công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn lại được tổ chức chung một ngày cưới tại TPHCM.

Hơn cả yêu là thương!

Sinh ra lành lặn, xinh đẹp lại thông minh, 12 năm liền, Lan Anh là học sinh giỏi. Cô nữ sinh Thanh Hóa thi đậu vào một trường đại học nổi tiếng ở Hà Nội. Tốt nghiệp loại khá, Lan Anh vào Nam để tìm cơ hội công việc với mong ước đỡ đần được gia đình. Chưa xin được việc đúng chuyên môn, chị xin đi làm công nhân cho một công ty. Tai họa ập đến khi bình gas bị nổ, chị bị phỏng toàn thân. Ông Trịnh Duy Cường, bố chị Lan Anh mắt ầng ậc nước, nhớ lại: “Tôi như muốn chết đi khi nhìn những vết bỏng của con đang ứa máu, nhìn con gào khóc đau đớn, tưởng như không qua khỏi”. Thế nhưng, sau đó Lan Anh khỏe trở lại, những vết thương bắt đầu kéo da non nhưng khuôn mặt, tay chân, vóc dáng của Lan Anh không bao giờ có thể như ngày xưa được nữa. Ngay cả người yêu của Lan Anh lúc đó, không chịu đựng được đã lặng lẽ rời xa. Ông đưa Lan Anh về quê dù ngoài miệng luôn mỉm cười động viên con nhưng quay mặt đi là ông khóc. Ông kể: “Đời con gái như vậy còn gì nữa đâu. Ở nhà một năm thì Lan Anh không đi được vì di chứng phỏng làm cổ bị rút, các vết thương đau nhức. Gia đình chẳng còn gì bán để chạy chữa nữa. Lan Anh quyết định trở lại vào Nam. Nó bảo, con vầy chắc không công ty nào nhận nên con sẽ đi bán vé số. Phải đi làm để có tiền mà chữa trị. Gia đình tôi cắn răng để con đi”.

Nhớ lại những ngày đã qua, chị rưng rưng: “Lúc mới xuất viện, nhìn vào gương, tôi đã nhiều lần muốn tự tử. Tôi ước, tại sao tôi không chết luôn mà ông Trời lại bắt tôi chịu cảnh này. Nhưng rồi tôi chọn tiếp tục sống bởi tôi gặp nhiều người, họ cụt tay, cụt chân, không còn đôi mắt nhưng vẫn sống vui vẻ. Còn tôi, chỉ là tôi có xấu xí đi chứ tôi vẫn còn tay chân, còn đôi mắt. Tôi vẫn còn may mắn lắm”.

Rồi chị gặp anh. Hôm đó, chị bán vé số về trễ. Gần 1h sáng, chị mở Zalo, thấy cái nick “Vượt lên chính mình” đang sáng, chị “nhảy” vào trò chuyện. Bên kia đáp lời, chuyện trò thời gian, hai bên quyết định gặp mặt. Chị kể: “Ngày hẹn gặp, tôi mặc một cái đầm hai dây, để lộ hầu hết những vết sẹo từ mặt xuống cổ, vai, tay, chân. Bởi tôi nghĩ, những vết sẹo này không thể giấu được, phải cho người ta đối diện để xem thái độ của họ thế nào. Và thái độ của anh ấy lúc đó là quay xe bỏ chạy một mạch, không ngoái đầu nhìn lại, không nói một lời. Thấy anh ấy bỏ chạy, tôi đi vào. Không buồn lắm đâu vì nghĩ đó là phản ứng bình thường của một người bình thường”. Thế nhưng, lúc sau anh đã quay lại và nhắn tin “Anh đang đứng trước phòng trọ em đây”.

Nhắc lại, anh Trường Duy mỉm cười: “Tôi có sốc thật nhưng nghĩ lại thấy thương. Tôi thương vì những gì cô ấy đã trải qua, cảm phục nghị lực của cô ấy”. Quen nhau một thời gian, để thử lòng anh Duy, chị Lan Anh thông báo một lần đi bán vé số, chị giẫm phải kim tiêm nên nghi bị nhiễm HIV, đang điều trị (sau này kết quả không bị nhiễm HIV - PV). Vậy mà anh vẫn không bỏ cuộc, vẫn đưa chị đi xét nghiệm, đi khám. Khi hai bên chính thức quen nhau, gia đình anh Duy biết được đã ra sức ngăn cản. Bà Phạm Ngọc Hồng Đức, mẹ anh Duy nhớ lại: “Gia đình tôi có mình nó. Nó lành lặn, cao ráo, mặt mũi đến nỗi nào. Làm mẹ, tôi làm sao chấp nhận được. Tôi không đồng ý cưới, nó bỏ nhà ra thuê trọ sống với Lan Anh mà không cần cưới hỏi gì cả. Nhưng rồi thấy con mình thương thật lòng, tôi cũng xuôi xuôi, hai mẹ con ra quê Lan Anh nói chuyện. Ông bà ngoài đó bảo thằng Duy phải suy nghĩ kỹ vì Lan Anh hơn 30 lần phẫu thuật lớn nhỏ, tiêm bao nhiêu thuốc, không biết còn có con được không. Duy bảo không có con thì xin con nuôi. Tôi ứa nước mắt. Trời thương, giờ hai đứa đã có bé 3 tháng tuổi, hôm nay tổ chức đám cưới cùng với 99 đôi trẻ khác. Tôi lên chức bà nội, có cháu bế bồng, chẳng có lý do gì mà không chấp nhận con dâu”.

Không buông tay nhau

“Lúc yêu nhau, tôi ở Hóc Môn, cô ấy ở Phú Nhuận, cách nhau hơn 10 cây số. Tôi không đi lại được, cô ấy chạy xe lên tận chỗ trọ. Đến khi xác định về với nhau, mỗi người tiến lên một bước, chọn quận 12 là đoạn giữa hai nơi để sinh sống”, chú rể Danh Sơn Luân, năm nay 32 tuổi, nói về hành trình yêu thương của mình và vợ.

Di chứng của trận sốt bại liệt từ nhỏ, cuộc sống của anh Luân gắn liền với chiếc xe lăn. Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, từ Sóc Trăng, anh lên TPHCM học nghề kim hoàn. Cách đây 6 năm, anh được bạn bè giới thiệu chị Tường Nguy, nhỏ hơn anh 6 tuổi, từ Ninh Thuận vào TPHCM học nghề. Nhắc lại lần đầu gặp gỡ. Sơn Luân cười khanh khách: “Trời ơi, cổ nhỏ xíu, ốm nhom ốm nhách à. Xấu lắm”. Tường Nguy tỏ vẻ dỗi: “Còn ổng thì đen thui, miệng cười hoài. Sau này tỏ tình em đâu có chịu ngay, em bảo để em suy nghĩ, cho chừa cái tội chê người khác”. Mặc dù kể xấu về nhau nhưng cả hai không giấu được niềm tự hào khi nói về tính cách người bạn đời của mình.

“Nguy mắt kém, nhìn không có rõ, khối bướu sau lưng khiến cô ấy di chuyển khó khăn nhưng cô ấy sống rất nhiệt tình với mọi người. Lúc mới quen, chưa có yêu thương gì, vậy mà cô ấy đi xe buýt, đi xe đạp điện lên chỗ tôi chơi. Khi đi dạo, tôi ngồi xe lăn, cô ấy đẩy tôi đi. Nói chuyện hiền lành, nấu ăn cực ngon. Không những vậy, vào mỗi dịp Trung thu hay ngày lễ, cô ấy còn tham gia các đoàn tình nguyện, về những nơi còn khó khăn để giúp đỡ người khác”, anh Luân nói về vợ mình. Khi được hỏi về người chồng, Tường Nguy nhỏ nhẹ: “Anh ấy lạc quan, vui vẻ và hy sinh cho em”. Cô kể, trước Tết Mậu Tuất, anh Luân hứa sẽ đưa cô về Sóc Trăng ăn Tết. Tuy nhiên, khi Tết cận kề, cả hai chỉ gom góp mua được một cái vé xe. Anh bảo cô cứ lên xe về trước, anh sẽ quá giang bạn về sau. Thế nhưng người bạn kia không đi xe máy mà lại đi xe đò, vậy là anh phải ở lại nhà trọ.

“Nhà anh Luân thương em lắm nhưng không có anh Luân em buồn. Nghĩ thương ảnh ở trên đó có một mình, em không đành lòng nên vừa hết 3 ngày Tết, em bắt xe lên ngay. Sau lần đó, em nghĩ sẽ không bao giờ để anh ấy một mình nữa”, Tường Nguy xúc động.

Trong 100 đôi tham gia lễ cưới tập thể vào Ngày Quốc khánh, chỉ một vài đôi đã từng làm một vài mâm cơm nho nhỏ dưới quê, cúng ông bà, mời cha mẹ hai bên, các đôi còn lại hầu hết “thương nhau rồi về ở với nhau”. Chồng biết vợ thiệt thòi, mơ ước được một lần mặc áo cô dâu nhưng cũng đành… làm lơ khi lần lượt những đứa con ra đời, báo hiếu song thân. Nhưng dù khó khăn thế nào, họ vẫn bên nhau, quyết không để người kia phải gồng gánh, đơn côi một mình. Như lời của Tường Nguy “chỉ cần đừng buông tay nhau thì khó khăn nào mình cũng sẽ cùng nhau vượt qua”. 

Lễ cưới ấm áp yêu thương

“Lễ cưới tập thể - Tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt” 2018 do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TPHCM tổ chức đã diễn ra vào Ngày Quốc khánh 2.9 với 100 đôi thanh niên CN có hoàn cảnh khó khăn tham dự. Các cặp đôi đã nhận được sự đồng hành, chúc phúc không chỉ của bạn bè, người thân mà còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. 100 đôi đã làm lễ và nhận giấy đăng ký kết hôn tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hòa. Tham gia lễ cưới tập thể, các đôi công nhân được hỗ trợ một cặp nhẫn cưới, bàn tiệc, nón bảo hiểm, thẻ bảo hiểm nhân thọ và thẻ khám bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí, ảnh cưới… 11 đôi chưa có phương tiện đi lại được tặng 11 xe đạp điện (9,7 triệu đồng/chiếc). Ban tổ chức còn trao 11 căn phòng mơ ước (20 triệu đồng/căn) cho các cặp đôi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Nghỉ lễ 2.9, 46 người đi mãi không về vì tai nạn giao thông

KH |

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, ngày 3.9, toàn quốc xảy ra 33 vụ làm chết 14 người, bị thương 32 người, nâng tổng số vụ tai nạn trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh lên 83 vụ, làm chết 46 người, bị thương 53 người.

TPHCM: Pháo hoa rực rỡ Sài Gòn trong đêm Quốc khánh 2.9

Ngọc Tiến |

Nhân dịp 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945-2.9.2018), tại TPHCM, đúng 21h, đồng loạt pháo hoa rực sáng trên bầu trời phía Quận 2 và Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11) phục vụ người dân TPHCM thưởng thức với từng màn pháo rực sáng mãn nhãn người xem.

“Cô gái” kéo cờ trong Tết độc lập đầu tiên: Tôi run lắm, chỉ sợ kéo mà cờ không lên

Thành Trung |

92 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, đi lại khó khăn, nhưng khi nói về ngày 2.9.1945, cụ Lê Thi vẫn rất hào hứng. Trong ngày Tết độc lập đầu tiên ấy, cụ là một trong 2 người được cử lên kéo Quốc kỳ trên lễ đài.

Hướng xử lý đối với các "thần kèo" mời chào cá độ, đánh bạc trên mạng

Vân Trường |

Đối với các đường dây mời chào đánh bạc, cá độ trên không gian mạng, cần có sự vào cuộc, phối hợp xử lý giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Công an.

Vẫn còn 5 công nhân ngộ độc khí methanol đang điều trị, 1 tổn thương não

Bảo Hân |

Sáng 14.3, ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh – cho biết, cho đến thời điểm này, hiện còn 5 công nhân trong vụ ngộ độc khí methanol vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Cựu Tổng giám đốc Đông Á bank hầu tòa vì bị cáo buộc gây thiệt hại 5.500 tỉ

Anh Tú - Phương Ngân |

TPHCM - Hôm nay 14.3, TAND TPHCM mở phiên xử vụ Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB), Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) cùng 6 đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 16.3.

Lý giải chiến thắng gây chấn động của Dương Tử Quỳnh ở Oscar 2023

DƯƠNG HƯƠNG |

Dương Tử Quỳnh tạo cơn địa chấn khi trở thành diễn viên Châu Á đầu tiên chiến thắng Nữ chính xuất sắc nhất Oscar. Ai có thể nghĩ rằng, vai diễn phi thường đưa Dương Tử Quỳnh đến đỉnh cao danh vọng lại chỉ là một phụ nữ nhập cư bình thường?

Công nhân lao động mong lương tối thiểu vùng tăng thêm

Mạnh Cường |

Công nhân là một trong những đối tượng lao động được hưởng lợi khi lương tối thiểu vùng điều chỉnh tăng lên. Vậy mức lương tối thiểu vùng hiện tại của họ là bao nhiêu và kỳ vọng sắp tới như thế nào?

Nghỉ lễ 2.9, 46 người đi mãi không về vì tai nạn giao thông

KH |

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, ngày 3.9, toàn quốc xảy ra 33 vụ làm chết 14 người, bị thương 32 người, nâng tổng số vụ tai nạn trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh lên 83 vụ, làm chết 46 người, bị thương 53 người.

TPHCM: Pháo hoa rực rỡ Sài Gòn trong đêm Quốc khánh 2.9

Ngọc Tiến |

Nhân dịp 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945-2.9.2018), tại TPHCM, đúng 21h, đồng loạt pháo hoa rực sáng trên bầu trời phía Quận 2 và Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11) phục vụ người dân TPHCM thưởng thức với từng màn pháo rực sáng mãn nhãn người xem.

“Cô gái” kéo cờ trong Tết độc lập đầu tiên: Tôi run lắm, chỉ sợ kéo mà cờ không lên

Thành Trung |

92 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, đi lại khó khăn, nhưng khi nói về ngày 2.9.1945, cụ Lê Thi vẫn rất hào hứng. Trong ngày Tết độc lập đầu tiên ấy, cụ là một trong 2 người được cử lên kéo Quốc kỳ trên lễ đài.