Lệ chảy theo Suối Phèn

vũ ninh - lãng quân |

Đắk Nông mùa này mưa ầm ầm như voi chạy mỗi chiều, bướm bay ngờm ngợp như vỡ tổ hàng chục cây số vào Suối Phèn mỗi bình minh. Gần hai chục năm qua, hàng trăm người, bây giờ là hơn 400 người dân, sống mà không hộ khẩu, không chứng minh thư. Không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia. Con cái phải bỏ ngang tuổi học.

Chung quy vì không có chứng minh thư. Không thể có bằng lái xe, mua cả trăm chiếc xe máy đều đứng tên người khác. 10 năm qua, cả trăm đứa trẻ sinh ra, không cháu nào được mang họ bố!

Tiếc nuối những ngày phơi nắng trong Rừng Lạnh

Đường hơn 80km vào Suối Phèn xấu từ rìa tỉnh lỵ Đắk Nông xấu đi, hai bên đường rừng thông cổ bị chặt tơi bời. Cán bộ xã trong khu vực xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, cả hệ thống khối người bị xử lý kỷ luật khiển trách “mấy thế hệ”.

Vì rừng bị phá muôn nẻo. Nhưng rừng chưa bao giờ ngưng bị phá, một ông cắt mấy hécta thông vừa bị bắt, con trai con rể của ông thì người bị truy nã, người đã sa lưới trời. Sự phá rừng đã cao tay hơn nhiều: Lén dùng thuốc diệt cỏ, dùng axít, ken vỏ cây cho chết, khoan lỗ đổ dầu luyn cho ải mục bong gốc. Có hai mẹ con người phụ nữ ở thôn Hà Tây, xã Quảng Sơn bị chết oan vì cây thông bị giết hại, khô héo đổ ra đường.

Cán bộ sở tại xác nhận việc hạ sát thông cổ thụ bằng “công nghệ tiên tiến” để chiếm đất. Và thủ đoạn cao tay thời thượng của họ rất đáng để nói: Chỉ phá ở phía trong. Để tránh bị “quan trên trông xuống, người ta nhòm vào”, họ vẫn giữ lại hai hàng thông ven đường, để chúng vẫn vi vu huýt gió, tỏa bóng nhân ái của Rừng Già xuống dòng xe cộ dọc đường.

Sau 2 tiếng lái xe, đến gần UBND xã Quảng Sơn ăn sáng, khúc đường núi dài dặc la liệt xác rừng đủ để lữ khách cay đắng thở dài: “Hai năm nữa, khó mà còn rừng. Nơi này sẽ phố thị như mọi cái phố thị mà thôi”.

Chuyện ưu thời lọt vào tay anh Son, quê gốc Phú Thọ, cùng vợ vào đây mở quán và quan sát thế sự Đắk Glong suốt một thập niên vừa rồi, anh bảo: “Rừng này, mấy năm trước vẫn gọi là Rừng Lạnh. Bà con trong khu vực, cứ nói đến Rừng Lạnh ai cũng biết. Bởi rừng dày, sương phủ lơ mơ quanh năm. Ngoài tỉnh gió nghiêng núi, nắng vỡ tre nứa. Vào đây vẫn lạnh căm. Rừng quý lắm chú ạ”.

Vợ anh Sơn xởi lởi: “Em bán hàng, trời nắng nhưng vẫn phải ra ngoài hiên phơi nắng. Bởi rất lạnh. Em định cư ở đây vì mê rừng, cả rừng nguyên sinh trong kia lẫn rừng thông già phủ kín mấy chục cây số đường ngoài này. Còn bây giờ thì...”. Họ xót rừng như những chuyên gia bảo tồn. Vợ chồng anh Son, với cách quan sát thiên nhiên và các chi tiết về sự tàn sát tay nôi rừng từ các vị “quan tham” cùng “dân thì gian” đã khiến chúng tôi gai gai xúc động.

Cả trăm đứa trẻ sinh ra ở Suối Phèn đều bất đắc dĩ phải mang họ mẹ, vì tất cả bố mẹ các cháu đều không thể đăng ký kết hôn.
Cả trăm đứa trẻ sinh ra ở Suối Phèn đều bất đắc dĩ phải mang họ mẹ, vì tất cả bố mẹ các cháu đều không thể đăng ký kết hôn.

Anh Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, chắc là vì thương khách Hà Nội lặn lội xa ngái để vào tận miền rừng của mình, nên rất nhiệt tình, giao cho Hoàng, Trưởng Công an xã sẽ đón tôi. Sau cả ngày gió bụi, con đường từ Ủy ban Quảng Hòa vào cụm dân cư Suối Phèn mới là thử thách đáng nhớ nhất.

Hoàng bảo, xe hai cầu mới dám đi. Mà trời mưa thì phải xe 4 cầu, tức là cần cả cầu chậm nữa. Cứ nghĩ là anh cu người Hà Tây cũ này dọa người Thủ đô cho long trọng hóa vấn đề. Nhưng, có chứng kiến mỗi chiều cảnh bướm trắng dập dờn ven đường đồng loạt biến mất rồi mưa rầm rập như voi gầm ngựa hí nhoe nhoét miền đất bazan ấy, mới càng hiểu, khi đường hang hốc thăn thớ kia trở thành thác nước mưa nó kinh hoàng ra sao. Suối Phèn là cụm dân cư hiện giờ vẫn chưa có điện lưới và sóng điện thoại.

Quyết đi. Phải ra khỏi cụm dân cư cách xã 25 km đó trước 16 giờ, cái giờ mà ngày nào mưa rừng cũng ập đến. Ông cán bộ xã thở dài: Cứ tưởng tượng, 20 năm trước, tự dưng có nhóm người Mông từ Lai Châu, Lào Cai “nhảy dù” vào rừng sâu núi thẳm chỗ này.

Ai mà biết được? Lúc ấy xã Quảng Hòa còn chưa thành lập, cụm dân cư này thuộc địa phận xã Quảng Sơn mà trụ sở cách đây hơn 60km núi non. Đường từ cái khu vực hoang vu giáp ranh 3 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Đắk Lắk kia vào đây, là hơn 20km đi bộ. Bà con đi cả hai nghìn cây số, qua nhiều ngày vật vạ xe đò chặng nọ chặng kia.

Vào đến đây, bên con suối tên là Phèn, họ gùi cả gia sản, cả con cái, đi bộ vào giữa rừng, đẵn cây, san nền, dựng lều lán. “Lúc ấy cán bộ còn chẳng biết là trong rừng già này... có người ở”, một vị kỳ cựu thở hắt ra.

Cư Seo Vọc ngồi khóc khi kể về thân phận mình.
Cư Seo Vọc ngồi khóc khi kể về thân phận mình.

Thoắt thế đã 20 năm. Rừng mất, mâu thuẫn chồng chéo, bà con bức xúc, cán bộ đau đầu và tai tiếng. Hệ lụy lớn nhất là những đứa trẻ vô tội, chưa từng phá rừng, chưa từng dẫn quân “nhảy dù” vào bất cứ chỗ nào, giờ chúng phải gánh mọi đau thương. Thử hỏi một công dân “từ trên trời rơi xuống”, không hộ khẩu, không chứng minh thư, không một giấy tờ tùy thân, không có cả điều kiện để thi hết cấp 2 và cấp 3, thì điều gì đang chờ chúng?

Tiếng khóc của lực điền Cư Seo Vọc

Rất may có Hoàng, Trưởng Công an đi cùng. Bởi “không khí” trong khu vực phức tạp hơn những gì tôi tưởng. Mâu thuẫn giữa bà con và công ty được giao quản lý rừng; bức xúc dành cho “cán bộ”; không ít đối tượng quá khích. Có cả.

Giàng A Dơ, 32 tuổi, được coi người có uy tín ở cái cụm dân cư 400 người, tạm tên là Suối Phèn, nằm trên địa bàn thôn 12 của xã Quảng Hòa đó. Khoảng 400 người ở “giữa rừng”, đất ở và đất sản xuất chưa được cấp hợp pháp, không được ghi nhận là “công dân” của xã, huyện, tỉnh sở tại. Dơ bức xúc giơ ra một nắm lồm xồm mấy trăm cái thẻ bảo hiểm y tế.

Đấy, cấp cho bà con cụm này, nhưng không sử dụng được. Vì cái này tên Giàng A Dơ, nhưng khi đi viện họ hỏi anh lấy gì chứng minh anh tên là Dơ? Không một giấy tờ tùy thân. Không dùng được, thì Nhà nước cấp cho dân tôi làm gì? Dân tôi bực mình không thèm đến nhà cán bộ lấy thẻ về, nên nó chồng đống ở đây này.

Người phụ nữ này đã sinh sống gần hai chục năm, sinh ra 6 đứa con giữa núi rừng Suối Phèn, nhưng bây giờ vẫn là người “trên trời rơi xuống”.
Người phụ nữ này đã sinh sống gần hai chục năm, sinh ra 6 đứa con giữa núi rừng Suối Phèn, nhưng bây giờ vẫn là người “trên trời rơi xuống”.

A Dơ mua xe máy cả chục năm, xe vẫn mang tên người khác. Dơ lái xe máy mỗi tuần hàng trăm cây số, vẫn chưa bao giờ có bằng lái. “Học lớp 9 xong, phải có hộ khẩu mới được thi lớp 10, học xong lớp 12, phải có hộ khẩu mới được thi lấy bằng tốt nghiệp cấp 3. Trẻ em đồng loạt bỏ học, lớp dưới nhìn lớp trên học rồi đổ xuống sông xuống biển, các cháu uất ức bỏ hết.

Trẻ con đi học, là người nghèo, ở rừng rú, lẽ ra các cháu được Nhà nước hỗ trợ vài chục nghìn đến khoảng 500 nghìn mỗi tháng, nhưng vì không có hộ khẩu, con cái chúng tôi phải đóng góp 100%. Thiệt lắm. Vợ chồng em lấy nhau 16 năm, đã có 6 đứa con rồi, nên cái thiệt càng lớn”, Dơ khúc chiết, cán bộ xã ngồi đó gật gù xác nhận.

Cư A Áo cù rù xuất hiện. Nghe nói chuyện hộ khẩu, Áo sôi lên như lửa từ khi chưa kịp chào khách lạ. Đây, giấy khai sinh của con em đây. Người Mông nghìn đời đã thế, con sinh ra mang họ cha. Vậy mà con em lấy họ Giàng hết. Họ của mẹ. Em đẻ con với vợ em, vậy mà em không được làm bố theo đầy đủ ý nghĩa của nó.

Cư A Áo bảo, em chỉ học hết lớp 3, đời em đủ cay đắng rồi, các con em có tội gì mà phải chịu hậu quả: Không được học hành đầy đủ, không được mang họ cha? Rồi không được có chứng minh thư, không được mua xe máy, không được phép có bằng lái. Em đây. Đi xe máy mình cuốc nương làm rẫy bục mặt kiếm tiền để mua, 10 năm qua, xe của em chưa có ai lái ngoài em. Nhưng em ra huyện Lăk, công an kiểm tra. Họ bảo, không bằng lái, phạt. Xe “có vẻ” không phải của em. Về lấy chứng nhận của người đứng tên cái xe ấy ra, hoặc về ủy ban chứng nhận xe đó là của em nhờ người khác mang tên, thì họ mới cho lấy xe về.

“Từ bấy, sợ quá, em toàn rình lúc tinh mơ hoặc đêm tối, khi cảnh sát giao thông ít làm nhiệm vụ để... đi xe máy. Như “người rừng”, lén lút đi cái xe máy do chính mình cóp tiền và mua rồi để trong chính nhà mình!”.

Anh bạn Giàng A Dế khiến chúng tôi bật cười mà nuốt nước mắt vào trong. “Em nằm không ngủ được, nghĩ mà buồn lắm. Mình như người trên trời rơi xuống. Không chứng minh thư, không hộ khẩu. Đi viện, vào chỗ tá túc nghỉ tạm. Đi Sài Gòn, ra Đắk Nông, xuống Quy Nhơn nhập viện, vợ chồng em toàn ngủ ngoài vỉa hè, ngủ ghế công viên, ngủ ở trạm xe bus, ngủ cả dưới đất. Vì không có chứng minh thư, không ai cho vào nhà nghỉ khách sạn. 7 - 8 lần em phải ngủ dưới đất như vậy rồi!”.

Đỉnh điểm là khi Cư Seo Vọc xuất hiện. Vọc có cái tên sinh động, rất hoang vu. Bà con gọi cậu là “tráng sĩ” của núi rừng, bởi sau khi không có hộ khẩu và chứng minh thư, bị số phận buộc phải bỏ học trong những ngày cuối cùng của đời học sinh (lớp 12), Vọc đã “làm lại cuộc đời” bằng cách chăm chút nghề nông, nghề rừng.

Giờ gặp chúng tôi, Vọc nói về khát vọng làm một nhạc sĩ, một ca sĩ của mình. Vọc bảo, không thể thi đại học. Về Bắc cắt khẩu vào không được, xin cấp khẩu ở đây thì vướng quy định (do chỗ ở của họ chưa hợp pháp). Vọc buông bỏ việc học.

“Càng nghĩ em càng buồn và tuyệt vọng. Em vào đây với bố mẹ, em chưa từng phá rừng hay “nhảy dù”. Em sinh ra chỉ biết đi học và làm điều tốt. Nếu có lỗi thì do bố mẹ em, ví dụ thế, lỗi của việc này không phải do em gây ra. Cái em đau nhất là các em các cháu của em sau, gần đây, chúng cứ nhìn gương của Cư Seo Vọc mà... bỏ học. 4 em lớp 12 cũng bỏ, cả nhóm học lớp 9 của khu 400 dân này vừa bỏ”.

Thấy Vọc ứ nghẹn vì xúc động. Tôi bảo, em hay hát và hát hay, vì thế em mới muốn làm ca sĩ nhạc sĩ sau khi tốt nghiệp cấp 3? Em hát thử anh nghe được không? Vọc ngồi lí lơ hát. Bài hát tiếng Mông, nói về thân phận con người.

Về nhờ dịch, trong đó có đoạn: Chúng ta sinh ra trên thế gian này, với thân thể và trái tim này, chúng ta có khóc cũng không có gì tốt cả... Có thể, Vọc muốn nói, số phận đẩy em về vườn, chăm sóc bố mẹ già, cũng là một hạnh phúc. Cậu chấp nhận và cố gắng không khóc để làm gì.

Nhưng, oái oăm thay, hát xong rồi, tự dưng, sau bao kìm nén khẽ khàng; đang vâm váp, gân guốc, nắng gió cháy sạm, đất đỏ phủ mờ tóc tai như thế, đột ngột Cư Seo Vọc khóc òa. Khóc ngọt lịm và không thèm lau nước mắt.

Cậu khóc rất lâu. Nước mắt giàn giụa. Không gian bốn bề im lặng, tôi cầm máy quay, góc nhìn cũng thổn thức, tay run rẩy vì xót xa. Rất lâu sau đó, Vọc mới cất nên lời.

Vô số Thẻ bảo hiểm Y tế mà bà con Suối Phèn không thèm đến nhận, vì họ không có chứng minh thư và hộ khẩu, không thể sử dụng thẻ bảo hiểm được.
Vô số Thẻ bảo hiểm Y tế mà bà con Suối Phèn không thèm đến nhận, vì họ không có chứng minh thư và hộ khẩu, không thể sử dụng thẻ bảo hiểm được.

UBND tỉnh Đắk Nông không nên chậm trễ một ngày nào nữa!

Còn nhiều câu hỏi đặt ra lắm: Sao hồi đó cán bộ không đẩy đuổi hiệu quả các “phi công nhảy dù” ra khỏi rừng? Có đẩy đuổi. Cán bộ và bà con người Mông ở Suối Phèn đều xác nhận. Nhưng đuổi không được thì “lâu lâu lá nâu mục... hóa bùn”. Đâu đó, đã có chuyện, bà con quá khích sau khi dùng súng săn thú thì nhồi đạn bắn cả vào cán bộ muốn giải tỏa các “công trình” mọc lên từ lâu của mình.

Câu hỏi nữa: Sao lúc quy hoạch cấp đất cho doanh nghiệp “làm rừng”, cán bộ hay các người tham mưu chính sách không tính đến việc: Cụm dân cư Suối Phèn đã có trong rừng từ năm 2000? Tức là bà con ở đó, chưa được cấp chủ quyền đất ở, đất sản xuất; nhưng khi đem đất đó cấp cho đơn vị khác, thì cũng phải tính hiện trạng, nhiều năm qua, đã có vài trăm người “nhảy dù” vào đó rồi chứ?

Lẽ ra phải giải quyết dứt điểm, để có “hiện trường” tốt nhất cho quyết định lớn lao đó của mình chứ? Và đó cũng là nguyên nhân, để nảy sinh việc “tranh chấp” đất giữa công ty lâm nghiệp và bà con “nhảy dù” từ 20 năm trước. Chuyện này khá phổ biến ở Tây Nguyên. Bây giờ, người dân Suối Phèn cũng đang bức xúc, rằng họ ở đó trước hàng chục năm, sau này “công ty kia” mới xuất hiện. Họ còn bảo, phá rừng thì người bản địa phá trước, đơn vị khác còn phá ác hơn họ.

Bài toán cấp thiết lúc này là gì? Cả Tây Nguyên có bao nhiêu “cụm dân cư” chưa được cấp đất ở đất sản xuất ổn định, chưa quy hoạch thành khu dân cư, chưa có ai được làm hộ khẩu và chứng minh thư? Rất nhiều nơi. Riêng ở huyện Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông, ở xã Đắk Rmăng, theo tìm hiểu của chúng tôi, còn nhiều cụm dân cư kiểu “Suối Phèn” lắm. Giải quyết thì phải đồng bộ. Phải ấn định thời gian, cung cách giải quyết, tránh sự xé rào nhân ái của chúng ta bị lợi dụng, biến nó thành nguyên nhân của các bùng nhùng tiếp sau nữa.

Đại diện Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính và trật tự xã hội (công an tỉnh Đắk Nông) cho biết: Nút thắt của vấn đề không hộ khẩu, không chứng minh thư nhân dân kiểu “cụm dân cư Suối Phèn” chính là việc bà con cư trú bất hợp pháp trên đất lâm nghiệp. Nhiều người cho rằng, nếu được cấp đất ở nông thôn và đất nông nghiệp, thì bà con sẽ thoát khỏi cái án “người đến từ bầu trời”.

Ông Trần Nam Thuần, trong cương vị Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, bảo: Địa phương rất trăn trở “vụ Suối Phèn”. Huyện đã có đề nghị với tỉnh nhiều lần, trong nhiều năm, rằng cần cấp đất, quy hoạch vùng dân cư, để bà con có đủ điều kiện “nhập” khẩu vào xã Quảng Hòa, làm được chứng minh thư, đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của bà con khi lao động, sinh sống, học hành.

Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, ông Nguyễn Bá Thủy cho biết: Mới đây tỉnh Đắk Nông đã giao 170,8ha đất do một công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ đang quản lý về cho địa phương, nhằm bố trí quy hoạch sử dụng cho việc thành lập khu dân cư Suối Phèn. Vấn đề còn lại là cần một hành lang pháp lý, các quyết sách kịp thời để việc thành lập thôn Suối Phèn được tiến hành sớm.

Có đất ở và đất sản xuất 170,8 ha kia; có quyết định thành lập khu dân cư nông thôn, bà con mới có chứng minh thư và hộ khẩu, để trẻ em ra đời được mang họ cha, được đi học đầy đủ và hưởng trọn vẹn các chế độ mang tính nhân đạo của nước nhà. UBND xã Quảng Hòa xác nhận, họ đã hoàn thành thủ tục xin thành lập khu dân cư thôn 5 cho bà con Suối Phèn và đệ trình lên cấp trên, việc ra Quyết định thành lập là quyền của UBND tỉnh Đắk Nông. Muộn ngày nào, đông đảo bà con khổ sở ngày đó.

Nước mắt của Cư Seo Vọc chắc chắn là chân thành. Bên tai tôi, giờ đây vẫn văng vẳng tiếng khóc của cậu lực điền tráng sỹ bản làng Cư Seo Vọc. Vọc và các bạn trẻ ở đây không có lỗi, nhưng hệ lụy mang tính lịch sử thì cả tuổi trẻ, cả tương lai của cậu đều bị ngắt ngọn và phải còng lưng gánh chịu. Các em, các cháu của Vọc có tội gì, khi mà phải từ bỏ bao nhiêu ước mơ đẹp của chúng? Nếu tôi là Vọc, sau bài hát “chúng ta sinh ra trên thế gian này, với thân thể và trái tim này...”, tôi cũng sẽ khóc.

vũ ninh - lãng quân
TIN LIÊN QUAN

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Nỗi lòng người lao động đón Tết xa quê ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Tại Bình Dương, nhiều gia đình công nhân lao động do bị thất nghiệp, giảm giờ làm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn không thể về quê đón Tết. Người lao động chấp nhận đón Tết ở Bình Dương để tiết kiệm chi phí, lo cho con cái trong năm mới.