Làng “Việt kiều hồi hương” 5 không

CAO NGUYỄN ĐÔNG ANH |

Làng chài Tà Dơ là một trong ba làng chài di động của những người dân sống long đong, vất vả trên lòng hồ Dầu Tiếng (thuộc 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương). Được mọi người gắn cho cái mỹ từ “Việt kiều” hồi hương từ Campuchia, thế nhưng, hơn 1.600 “Việt kiều” này hiện đang sống trong cảnh 5 không - không nhà, không nước sạch, không điện, không tài sản và không hộ khẩu.

Mở mắt ra đã thấy… nỗi lo

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi ghé thăm làng chài Tà Dơ (thuộc ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Cơn mưa chiều xối xả tuôn xuống như thác, khiến cả làng chài kề sát miệng lòng hồ Dầu Tiếng như bấp bênh, muốn trôi xuống mặt hồ. Làng chài gồm hàng trăm căn nhà - nói đúng nghĩa là những cái chòi - lợp bằng đủ thứ vật liệu rẻ tiền như cây, lá, miếng bạt nylon, vỏ bao xi măng…, oằn mình trong cơn mưa gió. Hàng trăm người lớn, trẻ nhỏ nhếch nhác, thu mình, rúc hết vào những cái chòi xập xệ trú mưa giữa cơn gió hú từng hồi. Độ một giờ đồng hồ, cơn mưa tạnh. Lúc đó, mọi người mới lác đác túa ra bên ngoài. Lũ trẻ con lại tung tăng chạy nhảy. 

Ông Nguyễn Văn Nhiều cho biết: “Làng chài này ban đầu chỉ có 1 - 2 hộ di cư từ Biển Hồ - Campuchia về. Nhưng mỗi ngày, thêm nhiều hộ khác nghe đồn sống cũng được, nên lũ lượt đổ về ngày một đông đúc như hôm nay”. Ông Nhiều chỉ tay ra xa: “Còn bên kia thêm một xóm chài khác nữa, là xóm chài Phước An, thuộc xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Bọn tui vốn là Việt kiều sống ở Biển Hồ - Campuchia hàng chục năm nay rồi. Đời cha tôi cách đây hơn 50 năm đã sang sống ở bển. Năm rồi, do chính phủ bên đó siết chặt quá, hơn nữa đời sống lại khó khăn, nên chúng tôi bèn theo ghe xuôi dòng sông Vàm Cỏ, quay trở lại Việt Nam sống ở hồ Dầu Tiếng này”.

Ông Đặng Văn Ngọc kể: “Hai vợ chồng và 4 đứa con tôi trở về Việt Nam. Tài sản chỉ vài bộ đồ nhét trong cái giỏ. Không tiền bạc, chẳng người quen, không tờ giấy tùy thân lận lưng… Nghe nhiều người ở Campuchia về tựu lại ở hồ Dầu Tiếng, nên gia đình tôi cũng về đây luôn. Được sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, vợ chồng dựng cái chòi lá để náu thân qua ngày. Mỗi sáng thức dậy, ngó ra mặt hồ, bình minh lên rất đẹp, nhưng với chúng tôi, mỗi ngày mở mắt ra là thấy nỗi lo kiếm sống…”.

 Cả nhà bên tấm lưới, chuẩn bị cho chuyến mưu sinh trên lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: C.H

Nhìn hàng trăm cái chòi được cất chênh vênh trên những chân gỗ cao, cách mặt đất khoảng một mét, giống như nhà sàn của đồng bào dân tộc, nhưng có cái khác nhà sàn là chân chòi không chôn cố định xuống lòng đất; tôi hỏi điều này với ông Mười Tha - người được coi là trưởng khu xóm chài Tà Dơ. Ông Tha trả lời: “Sở dĩ chúng tôi không chôn xuống đất là do làng chài kề sát miệng bờ hồ Dầu Tiếng. Chúng tôi xuất thân dân chài cá, thích sống trên sông nước. Vì vậy, khi nước hồ rút, chòi được bưng sát bờ hồ. Nhưng khi mùa mưa, nước dâng lên, chòi lại được nâng lên, di chuyển tới chỗ cao hơn để không ngập nước”. 

Cuộc sống di động, bưng bê, chạy nước, chạy ăn từng bữa của làng chài này vẫn không khiến hàng chục trẻ em nơi xóm chài tắt đi nét vô tư, hồn nhiên, vẻ hiếu động trên khuôn mặt mỗi em… Thấy chúng tôi xuất hiện, hỏi han cha mẹ chúng, lũ trẻ lại tròn mắt nghe ngóng. Tôi hỏi một em trai có nước da đen nhẻm, cỡ 6 tuổi: “Cháu đã đi học chưa?”. Thằng bé nhoẻn miệng cười toe toét: “Ở đây đâu có trường mà học chú? Ở nhà coi nhà, giúp ba mẹ lưới cá thôi”. Xong, cậu bé tung tăng chạy thẳng ra mép hồ nhảy xuống nước trầm mình tắm như con rái cá. Chị Mai - một cư dân trong xóm chài - cho biết: “Hầu hết bọn trẻ ở đây đều thất học hết anh ạ. Bọn tôi đây, là cha mẹ chúng còn không có chứng minh nhân dân, giấy tờ hộ khẩu nữa, cuộc sống phải kiếm ăn từng bữa, nên lũ trẻ đi học cũng gặp nhiều khó khăn”. 

Thật vậy, nhìn vào từng căn chòi của mỗi hộ dân nơi đây, dường như tài sản của họ không có gì ngoài những bộ áo quần nhếch nhác, bạc màu… Tivi ở đây cũng là điều xa xỉ. Gần như hộ nào cũng kiếm ăn từng bữa, phụ thuộc vào chuyến đi lưới cá từng ngày của trụ cột gia đình trên lòng hồ Dầu Tiếng. Bữa cơm của họ chủ yếu là cá hồ Dầu Tiếng, là rau mọc đây đó trên bờ hồ. Nước sạch đối với bà con ấp Tà Dơ càng hiếm hoi. Nước uống , nước đun nấu đến tắm giặt đều từ nước lòng hồ…

Chị Mai cho biết thêm, khoảng hơn 300 hộ, với 1.600 người ở cái làng chài Tà Dơ này sống trong cảnh 5 không: Không nhà, không điện, không nước sạch, không tài sản và không hộ khẩu. Có không ít thanh niên định đi xin việc làm ở một số doanh nghiệp tại địa phương và thậm chí, có người liều mình bươn thẳng về Sài Gòn tìm việc, nhưng đều bị từ chối, do không có giấy tờ tùy thân. Cùng đường, họ lại quay về làng chài tiếp tục kiếp sống lưới cá để mưu sinh đắp đổi qua ngày trên lòng hồ Dầu Tiếng. Với hàng trăm trẻ em nơi xóm chài này, dù chính quyền địa phương cố gắng vận động các em đến trường, nhưng trên thực tế, nhiều em phải giúp cha mẹ mưu sinh, nên bỏ học hầu hết. Vì vậy, có người ví von lũ trẻ xóm chài Tà Dơ còn thêm “cái không” thứ sáu, đó là “không học hành”.

Nhất quyết không để dân đói

Chị Lê Thị Hường đưa tay chỉ người đàn ông đang vác mớ đồ đạc từ chiếc ghe lên chòi: “Đó, tài sản của vợ chồng tôi chỉ có mấy cái thau, chậu, tấm lưới đánh cá đó thôi. Hổng có gì hết trơn. Mấy năm rồi, cuộc sống vợ chồng và 3 đứa con chỉ phụ thuộc vô cái ghe để đi kiếm cá trên hồ”. Thật vậy, cánh đàn ông ở đây, công việc hằng ngày của họ là túa ra lòng hồ lưới cá về bán. Mỗi ngày, sau khi bán cá, trừ mọi chi phí kiếm được trên dưới 100.000 đồng, đủ lo bữa ăn cho cả nhà. Ngoài ra, không còn nguồn thu nhập nào khác. Ngày nào không đi đánh cá, ngày đó không có tiền mua gạo, mắm muối, thức ăn… Vất vả là vậy, long đong như thế, nhưng các hộ dân của xóm Việt kiều vẫn hồn nhiên, chân chất như khoai như sắn. 

Khi chúng tôi đi hết con đường đất đỏ, bắt đầu vào sâu xóm chài, cũng là lúc xuất hiện hàng chục đứa trẻ túa ra, vây quanh chúng tôi. Một người bạn thốt lên: “Sao trẻ con ở đâu mà lắm thế nhỉ?”. Ông Huỳnh Công Đài - cư dân sống hơn 5 năm ở đây - nói: “Mỗi nhà ở đây, ít nhất phải có từ 3 - 4 con, nhiều con như nhà bà Chín kìa, đẻ tới 9 đứa lận, đem hết từ Biển Hồ về đây luôn”. Đông con, chả trách cuộc sống của các gia đình chật vật là phải. Gần như 100% số hộ dân ở đây đều sống bằng nghề chài lưới cá trên lòng hồ.

Ông Nguyễn Văn Phước nói: “Một tấc đất cũng không có, thì lấy đâu ra vườn để mà làm. Toàn bộ dân xóm Việt kiều này không ai có đất cả. Chòi ở là cắm trên đất hoang bờ hồ của Nhà nước mà thôi”. Ông Phước cho rằng: “Hơn 300 hộ, với hơn 1.600 con người của xóm chài ấp Tà Dơ chỉ thoát khỏi kiếp sống bấp bênh này, một khi chính quyền xem xét cấp cho người dân chúng tôi giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam. Thiệt, nói ra nghe mà buồn, mang tiếng Việt kiều mà tờ giấy tùy thân lận lưng cũng không có. Mỗi người chỉ có cái tên gọi nhau mà thôi”. 

Cách đây không lâu, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã cấp đất, cất nhà tái định cư cho một số hộ dân làng chài thuộc huyện Dương Minh Châu. Ông Phước ước ao giá như bà con xóm chài Tà Dơ này sắp tới cũng được xem xét giúp đỡ như vậy sẽ tốt biết bao. Theo ông Trần Quang Ghi - Chủ tịch UBND xã Tân Thành: “Chính quyền hết sức quan tâm đến cuộc sống của người dân hiện đang sinh sống trên lòng hồ Dầu Tiếng. Do những hộ dân này mới hồi hương từ Campuchia về, đa số đều không có giấy tờ tùy thân, nên rất khó giải quyết ngay. Song, chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch giải quyết hỗ trợ tái định cư cho họ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cách đây 2 tháng đã có chỉ đạo các địa phương giải quyết về những trường hợp Việt kiều hồi hương từ Campuchia rồi…”. 

Thật vậy, theo ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Từ đầu tháng 8.2016, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo giải quyết, hỗ trợ người Việt kiều hồi hương từ Campuchia tại các tỉnh thành phía nam, đang sống theo kiểu 5 không ở trên, Tây Ninh đã lập đề án hỗ trợ nhà, đất, chăm lo chuyện học hành… cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Ngọc : “Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực tài chính của tỉnh có hạn. Tỉnh không thể giải quyết ngay tức thời… Phải có thời gian mới có thể lo chuyện đất, chuyện nhà, cuộc sống cho cả ngàn con người. Đời sống bà con khó khăn, nhưng nhất quyết, địa phương không để dân đói”. 

Riêng về vấn đề hộ tịch, ông Ngọc khẳng định, tỉnh đang tiến hành xác minh lai lịch để cấp quốc tịch cho người dân; còn những trẻ sinh ở Việt Nam, thì địa phương làm giấy khai sinh tức thời. Chuyện bà con có quốc tịch Việt Nam là không còn xa vời; vấn đề là sớm hay muộn thôi. “Sau khi Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện các thủ tục cấp quốc tịch, cấp hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân ngay cho tất cả những người dân hiện chưa có giấy tờ tùy thân” - ông Ngọc cam kết.

CAO NGUYỄN ĐÔNG ANH
TIN LIÊN QUAN

Ngàn dặm dưới đáy biển

Nguyễn Huy Minh |

Lẽ thường con người vốn được sinh ra để đi lại, làm lụng trên mặt đất bằng. Một số ít trong chúng ta không ngừng nuôi khát vọng bay cao vào không trung hoặc đi sâu xuống lòng đại dương. 40 năm qua, ở Việt Nam tồn tại một nghề chuyên nghiệp hết sức đặc biệt: Làm việc dưới đáy biển. Giữa muôn trùng nước, công việc này đầy rẫy áp lực, theo đúng nghĩa đen của nó.

Khi cái chết là quà tặng cho sự sống

GHI CHÉP CỦA KHƯƠNG QUỲNH |

Ngày 25.8, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. Quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn 2 năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân.

Lũ quét ở mỏ vàng Mà Sà Phìn

LONG NGUYỄN |

Đường đi vào khu vực bị lũ quét (thuộc địa phận thôn Mà Sà Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) rất hiểm trở, nhiều đoạn đường bị sạt lở, ôtô không vào được. Từ địa điểm cầu bị sập đến thôn Mà Sà Phìn còn khoảng 15km, trong đó có khoảng 4km phải lội bùn. Nhưng đến chiều 23.8, PV Báo Lao Động đã tiếp cận được những tốp thợ mỏ đi ra từ trong “vùng lõi” của khu hầm vàng bị lũ quét, sạt lở đất tối 19.8, khiến 2 công nhân chết, 4 người khác bị thương nặng.

Dự báo bão sai, ai chịu thiệt?

GHI CHÉP CỦA KHÁNH VŨ - MINH BẰNG |

Mới có 3 cơn bão từ đầu năm tới giờ mà thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn “về cơ bản” là… sai cả 3! Hà Nội chiều 19.8 hứng bão bất ngờ, may mà dân tự lo thân nên không nhiều tổn thất. Biết rằng, dự báo thì cũng chỉ là… dự báo, nhưng trước mỗi cơn bão, người dân cứ phải đắn đo xem ông “dự” có chuẩn xác không thì người làm công tác dự báo phải hoàn thiện chính mình!

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Ngàn dặm dưới đáy biển

Nguyễn Huy Minh |

Lẽ thường con người vốn được sinh ra để đi lại, làm lụng trên mặt đất bằng. Một số ít trong chúng ta không ngừng nuôi khát vọng bay cao vào không trung hoặc đi sâu xuống lòng đại dương. 40 năm qua, ở Việt Nam tồn tại một nghề chuyên nghiệp hết sức đặc biệt: Làm việc dưới đáy biển. Giữa muôn trùng nước, công việc này đầy rẫy áp lực, theo đúng nghĩa đen của nó.

Khi cái chết là quà tặng cho sự sống

GHI CHÉP CỦA KHƯƠNG QUỲNH |

Ngày 25.8, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. Quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn 2 năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân.

Lũ quét ở mỏ vàng Mà Sà Phìn

LONG NGUYỄN |

Đường đi vào khu vực bị lũ quét (thuộc địa phận thôn Mà Sà Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) rất hiểm trở, nhiều đoạn đường bị sạt lở, ôtô không vào được. Từ địa điểm cầu bị sập đến thôn Mà Sà Phìn còn khoảng 15km, trong đó có khoảng 4km phải lội bùn. Nhưng đến chiều 23.8, PV Báo Lao Động đã tiếp cận được những tốp thợ mỏ đi ra từ trong “vùng lõi” của khu hầm vàng bị lũ quét, sạt lở đất tối 19.8, khiến 2 công nhân chết, 4 người khác bị thương nặng.

Dự báo bão sai, ai chịu thiệt?

GHI CHÉP CỦA KHÁNH VŨ - MINH BẰNG |

Mới có 3 cơn bão từ đầu năm tới giờ mà thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn “về cơ bản” là… sai cả 3! Hà Nội chiều 19.8 hứng bão bất ngờ, may mà dân tự lo thân nên không nhiều tổn thất. Biết rằng, dự báo thì cũng chỉ là… dự báo, nhưng trước mỗi cơn bão, người dân cứ phải đắn đo xem ông “dự” có chuẩn xác không thì người làm công tác dự báo phải hoàn thiện chính mình!