Lãng mạn trong vườn đạn đá

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu đặt chân tới những khu vườn, khu gò đồi phủ đầy đạn làm bằng đá ở quanh thành Nà Lữ, đền Vua Lê (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), tôi đã rất ngạc nhiên, bật ra hàng chục câu hỏi lãng mạn chưa được giải đáp. Anh chủ khu vườn ngàn vạn viên đá được đẽo tạc công phu ấy thấy tôi thích thú, bèn mỉm cười...

Kho đạn đá lớn nhất Việt Nam

Ít lâu sau, xe tải của Bảo tàng Cao Bằng lên chở tới hơn 3.000 viên đạn đá về. Kỳ cọ, đánh số, thì khu gò đồi ấy trở thành nơi giữ kỷ lục: Kho đạn đá lớn nhất Việt Nam. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Cao Bằng - bà Ngô Thị Cẩm Châu - số đạn đá bảo tàng “thâu lượm” về cất giữ, trưng bày, chính xác đã lên tới 3.285 viên.

Cuối năm 2017, trở lại mảnh đất địa đầu, “non nước Cao Bằng” kỳ ảo, giở mạng ra đọc, thấy hàng chục tờ báo đăng tin, cách đây chưa lâu, ở Thành nhà Hồ, di sản văn hóa lịch sử lừng danh ở Thanh Hóa, các nhà khoa học đào được hơn... 100 viên đạn đá. Thấm thía gì, đúng loại đạn đá như thế, ở thành Nà Lữ thì nhiều vạn viên, “hóa khí mạnh” này phủ kín cả những ngọn đồi, cả các rông núi bạt ngàn. Trên mặt đất nhiều, đào xuống sâu còn nhiều hơn, bà con đem vào lò nung vôi, làm đá xây nhà, khách tham quan, ai hứng thì xin vài tải bỏ lên cốp xe...

 
 
 
Đạn đá phủ kín các rông núi, các quả đồi, bà con đào lên, cả khu vực mênh mông chứa nhiều vạn viên đá tròn xoe được tạo tác công phu thế này. 

Với nhiều người, thành Nà Lữ, đền Vua Lê và các triền đồi chi chít, ken dày, phủ kín đạn đá như vậy, là một thế giới cực kỳ bí ẩn. Ai chế tác, các viên tròn đó là tạc đạn diệt kẻ thù, phòng đạo tặc, hay là con lăn vận chuyển xây đền chùa? Sao kho đạn khổng lồ còn đó, lại không thấy khẩu súng bắn đá, súng thần công nào đâu nhỉ? Sao bao năm lịch sử thành Nà Lữ kiên cường thế, mà kho đạn đá không được bắn, vì nếu bắn thì các xóm làng xung quanh phải có “đạn lạc tên rơi” chứ, đằng này tuyệt nhiên không.

 
Đền vua Lê ở Hòa An, khu vực có những quả đồi phủ kín đạn đá. 

Suốt bao năm, bà con làm nhà, sinh con đẻ cái trên các triền đồi phủ kín đạn đá, họ quen rồi, nhưng niềm tự hào thì vẫn dường như rất tinh khôi. Họ bảo, đó là vật quý của vua quan vệ quốc. Các vương triều xưa chống giặc giã, an dân nhờ vào kho đạn này đấy chứ.

Một góc vẻ đẹp của thiên nhiên khu vực thành Nà Lữ, đền Vua Lê.
Một góc vẻ đẹp của thiên nhiên khu vực thành Nà Lữ, đền Vua Lê.

Tài liệu còn chép nguyên vẹn: Thành Nà Lữ được khởi dựng bằng đất từ năm 285, tương đương thời Tấn Vũ Đế (Trung Quốc), đến đời Đường thì Tiết độ sứ Cao Biền cho xây dựng tươm tất. Đến thế kỷ XI, thời nhà Lý, Nùng Trí Cao đã lấy thành Nà Lữ làm nơi chiêu binh mãi mã.

Năm 1431, Vua Lê Lợi thân chinh cầm đại binh đi dẹp giặc phản nghịch ở các vùng biên viễn, rút kiếm đề thơ trên nhiều vách đá sông Đà của Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu rồi lên Cao Bằng đánh Bế Khắc Thiệu do nghi ngờ Thiệu dung túng Trần Nguyên Hãn làm phản.

Sau khi “quân giặc nghe tiếng gió thổi hạc kêu cũng đủ bạt vía kinh hồn” trước oai dũng của mình, triều đình cho lập sinh từ thờ vua ở gò Con Rồng, vị trí đền Vua Lê hiện nay (di tích quốc gia, trong khu vực thành Nà Lữ). Đặc biệt, đến năm 1595, thời Vua Mạc Kinh Cung, thành được sửa chữa, tu bổ, xây thêm nhiều cung điện và các xưởng chế tác vũ khí. Rộng tới 357ha, thành do nhà Mạc gia cố xây dựng có cổng vô cùng kiên cố bằng các thân gỗ nghiến tròn cổ thụ, xây gạch vồ, chân thành làm bằng đá tảng lớn.

Với một lịch sử bề thế, trùng điệp các vương triều, các thủ lĩnh tù trưởng chiếm cứ suốt nhiều thế kỷ như vậy, khu vực thành Nà Lữ, đền Vua Lê đã phủ kín huyền thoại, mỗi bước chân mỗi lớp lang là nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử và tộc người. Câu hỏi đặt ra là, vương triều nào, lực lượng chiêu binh mãi mã nào đã có súng bắn đá, đã chế tác đạn đá để vệ thành? Hay là tất cả?

Theo ông Phạm Ngọc Bổng, hơn 70 tuổi, người hiện đang trông coi di tích đền Vua Lê, nhiều năm sống ở địa phương và tiếp xúc với hầu hết các tài liệu nghiên cứu về thành Nà Lữ, thì, Vua Lê ghé qua khu vực dẹp giặc phản nghịch trong rất ít ngày. Chắc chắn đạn đá không phải do ông cắt cử người chế tác. Thời xa xưa, ông Nùng Trí Cao thì chưa biết đến súng thần công. Chỉ có thể là thời nhà Mạc. Điều này đã được Viện Khảo cổ kết luận sau khi trực tiếp đào khai quật và “moi” lên cả núi đạn đá, đạn sắt từ “Vườn Đạn Đá”.

Lịch sử Việt Nam ghi rõ: Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung lên làm vua, nhà Mạc chỉ tồn tại được có 66 năm. Tuy nhiên, hậu duệ của nhà Mạc như Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ vẫn tiếp tục đương đầu với nhà Hậu Lê thời kỳ trung hưng. Nhà Mạc cát cứ ở vùng Cao Bằng mênh mông hiểm trở mãi đến tận năm 1677.

Ngay cả khi đã thất thủ ở kinh đô, vương triều Mạc không còn trị vì nữa, thì con cháu nhà Mạc vẫn kiên trì xây thành lũy, đồn binh, các căn cứ quân sự hùng mạnh của mình ở “Cao Bằng tuy tiểu” những 83 năm nữa. Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị quân sư xuất chúng của nhà Mạc, khi Vua Mạc cho sứ giả về xin cao kiến đã đưa ra lời sấm nổi tiếng muôn đời: “Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thế” - đất Cao Bằng tuy nhỏ nhưng có thể giúp đã giúp tựa lưng vững chãi để trụ được tới vài đời!

Điều này thể hiện rõ hơn, khi lật lại các trang bề thế về lịch sử vũ khí quân sự chống giặc phương Bắc của cha ông ta.

Hồi Ngô Quyền chống Nam Hán kéo mãi cho đến tận thời Trần chống Nguyên Mông, vẫn chưa thấy có tài liệu nào chép về việc cha ông ta sử dụng súng thần công đánh giặc. Sớm nhất, là ở cuối triều Trần, tướng Trần Khát Chân có dùng súng thần công đánh quân Chiêm Thành. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Khát Chân liền ra lệnh các cây Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết”.

Ông Hồ Nguyên Trừng (con đầu của Vua Hồ Quý Ly) sinh vào khoảng năm 1374, tức là thế kỷ XIV, đã được vinh danh là “ông tổ của súng thần công”. Ông được coi là thiên tài quân sự, là tổng công trình sư của hệ thống phòng tuyến dọc các dòng sông từ Hà Nội, sang Thái Bình, đến Hà Nam Ninh.

Sách “Vân Đài loại ngữ” nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Con trai của Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã sáng tạo ra phương pháp làm súng “thần cơ thương pháo”. Loại súng này được đúc bằng sắt hoặc đồng, có nhiều cỡ, lớn thì kéo xe, nhỏ thì dùng giá đỡ hay vác vai. Oái oăm thay, sau này, vì muốn bảo vệ tính mạng của cha mình (Hồ Quý Ly), Hồ Nguyên Trừng đã phải tuân lệnh giặc, “hàng thần lơ láo phận mình ra đâu” để sang Trung Quốc, phục vụ trong xưởng đúc súng của nhà Minh. “Thiên tài” vũ khí và quân sự này đã được phía nhà Minh vô cùng trọng dụng, sử nhà Minh chép rõ, họ thắng giặc là nhờ sử dụng “súng thần” của Hồ Nguyên Trừng. Sau khi ông chết, nhà Minh sắc phong làm “Thần Hỏa Khí”. Thậm chí, ông Lê Quý Đôn còn đầy tự hào viết trong “Vân Đài loại ngữ”: “Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”.

Do thế, mấy trăm năm sau, đến thời Mạc, súng thần công phát triển “rực rỡ” là đúng.

Cần được giữ gìn và bảo vệ

Trở lại câu chuyện của những rừng đạn đá, vườn tạc đạn cổ xưa và cả những rông núi ốp kín đá hình tròn được gọt đẽo công phu. Tài liệu chính thức được cung cấp bởi lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, từ các năm 2001-2004, cán bộ địa phương đã thâu lượm nhiều đạn đá về phân loại và lưu giữ đến hơn 3.000 viên. Với kích cỡ, chất liệu gạch đá khác nhau.

 
Đạn đá được Bảo tàng Cao Bằng đem về trưng bày bảo quản. 
 
 
Đến năm 2014, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành đào thám sát ở khu này. Rất đáng tự hào và ngạc nhiên, chỉ một hố thám sát đào ở độ sâu mới 0,3m; chỉ đào trên diện tích đúng 3m2, các nhà khoa học đã phát hiện tới 577 viên đạn đá tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là 37 viên đạn sắt, cùng nhiều mảnh gạch cổ và ngói âm dương. Vậy là súng thần công đã ngự ở đây rất nhiều, cả kho đạn sắt và đạn đá cũng được xây dựng để phòng thủ.
 
 

PGS-TS Trình Năng Chung - chuyên gia khảo cổ nổi tiếng, người chỉ đạo cuộc khai quật trên - đã nhận định: Đây là kho đạn đá, đạn sắt lớn nhất Việt Nam từng được khai quật và lưu giữ. Nó là minh chứng cho nghệ thuật quân sự bậc thầy của nhà Mạc, cùng với hệ thống thành quách, công sự quy mô, họ còn biết xây dựng nhiều xưởng chế tác vũ khí lớn, với lực lượng pháo binh và hỏa khí cực mạnh. Đó là một phần lý do quan trọng để nhà Mạc dù thất thủ ở kinh đô, vẫn có tới hơn 80 năm hùng cứ trên vùng biên tái Cao Bằng.

Với giá trị muôn một ấy, với lịch sử kiêu hùng ấy, vườn đạn đá khổng lồ, các quả đồi chứa đựng kỷ lục đáng tự hào của Việt Nam nên được tôn vinh xứng tầm. Nên có các cuộc về nguồn ngay tại thực địa, để không bỏ phí sức hấp dẫn vốn có của nơi này. Thay vì chúng bị quên lãng, vùi lấp, thất lạc, hủy hoại dần như hiện nay.

ĐỖ DOÃN HOÀNG
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.