Làng lưu dân “vô thừa nhận”

Hữu Long |

Mấy chục năm “nhảy dù” vào rừng sinh sống, lưu dân tại tiểu khu 547 (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) sống trong tình cảnh... “vô thừa nhận”; không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân. 

Để hạn chế tình trạng phá rừng, tỉnh Đắk Lắk đã nhường một phần đất rừng để người dân tại tiểu khu 547 dựng nhà sinh sống, nhưng cũng từ đây, hàng loạt hệ lụy nối tiếp…

Sống trong rừng thẳm

“Đường vào tiểu khu 547 thuộc lâm phần quản lý của Cty Buôn Ja Wam mùa này trơn nhãy bởi mưa rừng như trút nước. Vào rừng lỡ gặp mưa là khỏi có đường về!” - ông Lê Quang Hòa - Trưởng phòng QLVBR thuộc Cty Buôn Ja Wam - nửa đùa nửa thật. Nói vậy, nhưng ông Hòa cũng đồng ý đưa chúng tôi vào mục sở thị “làng giữa rừng” trên chiếc xe máy lốp quấn xích.

Khoảng 2 tiếng đồng hồ đi xe máy có thể vào tiểu khu 547, nhưng chúng tôi buộc phải đi đường vòng vì tuyến đường độc đạo đang được một nhóm công nhân thi công làm cầu dân sinh. “Họ - những người dân các tỉnh phía Bắc ban đầu chỉ một số hộ vào rừng sinh sống.

Thấm thoắt vài chục năm sau, giờ họ phá rừng ầm ầm, lấn đất sản xuất. Anh nhìn xem, ban quản lý rừng mất nhiều năm để kêu gọi họ ra ngoài sinh sống không được, giờ địa phương lại xây thêm vài cây cầu bêtông dẫn vào làng thì làm sao chúng tôi giữ rừng và kêu gọi dân trong rừng ra bên ngoài được!” - ông Hòa thốt lên.

Không giống như suy nghĩ về hình những lưu dân nhút nhát, tránh người lạ vào làng tại một số địa phương ở Tây Nguyên mà chúng tôi từng gặp, người dân tại tiểu khu 547 lại xem đoàn cán bộ và đoàn nhà báo là khách quý, sẵn sàng trò chuyện nhưng không quên thủ thế.

“Nhà báo vào trò chuyện tìm hiểu cuộc sống của bà con thì được, chứ bảo chúng tôi ra khỏi làng là không được đâu!” - ông Lù A Sìn (50 tuổi) thẳng thắn.

Ông Sìn là một trong những người dân gốc Hà Giang đầu tiên vào khu vực tiểu khu 547 để lập làng. Ông kể, cách đây gần 20 năm, cuộc sống ở quê cũ quá nghèo khó nên việc rời làng vào Tây Nguyên tìm cuộc sống khác là điều cực chẳng đã.

Thời gian đầu vào khu vực tiểu khu 547, rừng bạt ngàn, đất màu mỡ nên bà con có phá rừng để lấy đất dựng nhà, trồng trọt chăn nuôi. Một thời gian sau, khi tỉnh Đắk Lắk giao khu vực đất này cho Cty Buôn Ja Wam quản lý thì người dân đã sinh sống ổn định từ lâu. Và cũng từ đó bắt đầu hàng loạt câu chuyện đáng buồn…

Trong nhiều năm liền, giữa lực lượng bảo vệ rừng và người dân tại tiểu khu 547 liên tiếp xảy ra các vụ xung đột dữ dội, đã không ít trường hợp người đổ máu, kẻ tù tội.

Xung đột dai dẳng mãi đến khi lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trực tiếp vào rừng đối thoại với người dân mới có dấu hiệu tạm “đình chiến” với lời hứa tỉnh sẽ bố trí đất bên ngoài rừng để người dân sinh sống.

“Những người dân ra khu vực ngoài rừng do Nhà nước xây dựng là những người không có đất sản xuất, mới từ ngoài quê tôi vào thôi. Riêng bà con sống mấy chục năm trong rừng như chúng tôi, có nhà cửa, đất rẫy… thì làm sao bỏ hết tất cả để ra ngoài được” - ông Sìn lý giải.

Cuộc trò chuyện tạm ngắt bởi hàng loạt tiếng động cơ xe máy ngoài bìa rừng càng lúc càng gần. Một nhóm người trên 4 chiếc xe máy lầm lũi tiền vào làng. Người mang dao, kẻ vác rựa rảo bước đến khu vực đông người.

Sau một lúc tạm lánh, ông Lê Quang Hòa mới... xuất hiện. Trái với suy nghĩ về một cuộc chiến trong rừng sắp xảy ra, hai bên gặp nhau từ thủ thế liền nở nụ cười, bắt tay siết chặt.

“Đây là những lưu dân được nhà nước bố trí đất ở tại tiểu khu 544, 540 nhưng họ chỉ xây nhà ngoài đó ở thôi. Hằng ngày, họ vào lại nơi ở cũ để sản xuất, trồng trọt. Anh em chúng tôi đi tuần tra thường xuyên nên chuyện giáp mặt nhau không còn là xa lạ” - ông Lê Quang Hòa giải thích.

Ông Lù Văn Hòa (63 tuổi) - 1 trong nhóm 4 người vừa vào làng, kể: Khu tái định cư cho dân di cư tự do ở tiểu khu 544, 540 mà nhà bố trí cho bà con thì có nhiều cái lợi như xây dựng trạm y tế, trường học, có hệ thống điện… nhưng nhà nước lại quên bố trí đất sản xuất cho bà con.

Chính vì vậy nên mới có chuyện, một bộ phận người dân sống ở ngoài rừng nhưng vẫn vào rừng sản xuất, làm ăn. “Chúng tôi đồng ý ra khu vực nhà nước tái định cư là bởi muốn trẻ con được đến trường, được hưởng những chính sách tối thiểu của một công dân như cấp hộ khẩu, chứng minh thư, được đi bầu cử… Còn để nuôi sống gia đình, chúng tôi phải trở vào làng cũ để trồng trọt, chăn nuôi chứ không thì lấy gì mà sống” - ông Lù Văn Hòa nói.

Công ty lâm nghiệp “thả tay”

“Hơn 358ha đất lâm nghiệp trong lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wam bị người dân lấn chiếm trong mấy chục năm qua quả là con số rất lớn nhưng để thu hồi số diện tích này là điều không thể dễ dàng” - chia sẻ của ông Trần Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wam.

Ông Lâm thừa nhận có tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng và đã nhiều lần báo cáo lên tỉnh đề xuất phương án xử lý. “Vào những năm 2010, tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu công ty lấy 15ha đất lâm nghiệp để kêu gọi người dân sống trong rừng ra bên ngoài.

Thế nhưng, sau khi sử dụng đất lâm nghiệp xây dựng nhà cửa, trường học cho đồng bào, họ lại quay vào rừng để sản xuất. Chưa hết, từ 15ha đất bố trí ban đầu, họ tiếp tục lấn chiếm, phá hơn 30ha đất. Vậy là mục tiêu bố trí chỗ ở cho dân di cư tự do ra khỏi rừng bị… phá sản” - ông Lâm nói.

Câu chuyện tại Cty Buôn Ja Wam không phải là thiểu số, bởi hàng loạt các công ty lâm nghiệp tại Tây Nguyên sau khi được giao đất, giao rừng đã bị người dân lấn chiếm có sự buông lỏng quản lý chủ rừng hoặc nhiều lý do khác nhau.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT Đắk Lắk - cho rằng, nguyên nhân để mất rừng tại Đắk Lắk là do cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương; một nguyên nhân quan trọng được ông Dương chỉ rõ đó là việc địa phương chưa giải quyết đồng bộ, hài hòa giữa các vấn đề tác động đến công tác bảo vệ rừng; bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư từ việc bố trí đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân…

“Để giải quyết đồng bộ hàng loạt các nguyên nhân này không chỉ một cấp, một ngành mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của địa phương và trung ương” - ông Dương nói.

Dự án sắp xếp dân DCTD bị “treo”

Tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 (kế thừa các dự án đang triển khai chưa hoàn thành giai đoạn 2005-2013) và định hướng đến năm 2020.

Theo đó, tổng số dự án đầu tư, sắp xếp ổn định dân DCTD giai đoạn 2013-2016 rà soát xây dựng 17 dự án, đã phê duyệt 15 dự án và đang triển khai thực hiện 13 dự án.

Nguyên nhân được UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ ra là do vốn đầu tư hạn hẹp, không đồng bộ; về cơ bản các dự án đã thực hiện một số hạng mục công trình thiết yếu, nhưng chưa hoàn chỉnh, một số dự án đã sắp xếp các hộ vào điểm quy hoạch của dự án, một số đang triển khai...

Thống kê tại tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1976 - 2016 đã có hơn 59.000 hộ - 290.00 khẩu của 60 tỉnh thành trong cả nước di cư tự do đến cư trú trên địa bàn 15 huyện, thị xã...

Họ sống xen kẽ trong cộng đồng các dân tộc tại chỗ; một số khác được sắp xếp vào các vùng dự án ổn định dân di cư tự do.

Sở NNPTNT Đắk Lắk chỉ ra rằng, dân di cư tự do ngoài tỉnh đến địa phương chủ yếu là nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh vùng núi phía Bắc, cư trú tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của nhiều tỉnh...

Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.