Làng Khe Chữ chật vật trong nhà tạm

Lam Phương |

Gần 2 tháng sau trận lở núi “lớn chưa từng có” tại Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), mọi thứ vẫn còn ngổn ngang lắm. Dù chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời người dân, dựng nhà mới tại khu tái định cư Khe Chữ, nhưng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân vẫn chật vật trong những ngôi nhà tạm giữa mưa rét của mùa đông vùng cao.

Chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng

Gần 2 tháng qua, 144 hộ dân của thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân ngày ngày sống chen chúc trong những ngôi nhà tạm, những lán trại dựng hờ che bằng bạt nhựa. Ban ngày mưa ướt nhếch nhác, ban đêm, rét buốt. Người già, trẻ nhỏ lạnh cóng trong những căn nhà tạm bợ, ẩm thấp và ướt át.

Trận lở núi kinh hoàng xảy ra hồi đầu tháng 11 vẫn chưa thôi ám ảnh họ. Khi nhắc lại về buổi chiều đáng sợ đó, ánh mắt họ còn in hằn sự run rẩy và hoảng loạn: Một ngôi làng tựa lưng vào núi sống yên bình bao đời nay bỗng ầm ầm đổ rạp. Những vạt rừng giúp họ làm kinh tế, kiếm chén cơm nay lại “giận dữ” lấy hết những gì họ có. Kho thóc mới thu bị vùi trong đất, ướt mưa, nảy mầm xanh rì một góc. Con gà, con lợn nhẩn nha kiếm ăn không chạy thoát khỏi cơn cuồng nộ của núi. Hai đứa trẻ lên mười đang bắn bi trước sân đùng một cái mấy ngày sau mới tìm ra xác, bàn tay dập nát vẫn còn nắm chặt viên bi… “Núi cho chúng tôi tất cả nhưng cũng lấy của chúng tôi tất cả, giờ chúng tôi chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng” - cụ Hồ Văn Tiêng (75 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Vân) thốt lên đau đớn.

Sau đợt lở núi, bộ đội, dân quân về làng vận động người dân di dời đến nơi ở mới. Không đi thì ở lại cũng khó sống, mà đi thì biết lấy gì mà sống. Bao nhiêu ruộng vườn, đất đai, tài sản đều ở làng cũ. Giờ chuyển đến nơi ở mới biết lấy đất đâu mà làm, biết lấy cái gì mà ăn. Nói thì nói vậy, nhưng rồi họ cũng phải đùm túm, dắt díu nhau đi. Vì không đi, ở lại, biết núi lở khi nào, biết bị chôn sống ra sao. Thế là cả làng dắt nhau đi. Từ làng cũ đến nơi ở mới cũng phải mấy cây số đường bùn, lầy lội. Người già, con nít được đưa lên xe bộ đội chở đi. Thanh niên trai tráng người vác túm gạo, người gùi mớ quần áo, phụ nữ thì bồng bế con lợn, con gà. Cứ thế họ dắt nhau đi. Cả làng gọi đấy là một cuộc “di dân lịch sử”. Vì chưa bao giờ họ phải bỏ làng để đi xa và đi đông như vậy.

Những ngôi nhà tạm của bà con Ca Dong trong khi đợi nhà mới
Những ngôi nhà tạm của bà con Ca Dong trong khi đợi nhà mới. Ảnh Lam Phương

Hiến đất dựng làng

Khu dân cư Khe Chữ được chọn đặt ở một khu đất tương đối bằng phẳng, rộng 36 hecta, bao bọc xung quanh là đất sản xuất của nhân dân. Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Khe Chữ là khu vực do người dân lựa chọn và đồng thuận. Hầu hết người dân đều có đất sản xuất ở đây nên rất thuận tiện trong trồng trọt, làm kinh tế. Mặt khác, khu vực Khe Chữ khá bằng phẳng, tránh được chuyện sạt lở về lâu dài.

Từ khi biết được kế hoạch di dân về Khe Chữ, ông Hồ Văn Vàng (65 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Vân) bàn với vợ hiến đất cho huyện để dựng nhà, lập làng, mở đường giao thông. Ngày các cán bộ xã, huyện đến vận động dân làng hiến đất, ông Vàng và vợ gật đầu cái rụp. Gần 6.000m2 đất rừng đang trồng keo, trồng quế được ông hiến tặng cho huyện để san ủi, lập làng. Ngày xe múc, xe đào đến giải phóng mặt bằng, san lấp đất đai, ông Vàng cứ đội áo mưa lội sình sịch trong bùn lầy sờ từng cây quế vì… tiếc. Xe múc đi đến đâu, ông lại lội bùn đến đó nhắn nhủ: “Con đào giùm gốc quế lên cho bố để bố mang đi trồng nơi khác, còn keo thì con cứ nhổ đi để lấy đất”.

Hỏi vì sao lại hiến nhiều đất thế, ông Vàng thật thà: “Giờ bố không hiến đất thì bà con không có chỗ ở. Bố chịu khó một chút để bà con có chỗ ở cũng tốt mà. Phần đất bố hiến cũng giúp khoảng 45 nhà có chỗ ở đấy”. “Mà giờ bố hiến hết đất rồi bố không còn đất sản xuất nữa, bố sợ cả nhà bố đói. Mà chắc cũng không sao, bố chịu khó đi xa một chút làm rẫy cũng được. Không thì bố xin cơm bà con. Mình cho đất bà con ở thì chắc bà con không bỏ mình chết đói đâu” - nói xong, ông Vàng cười khề khà.

Ngoài ông Vàng, gần 20 hộ dân khác có đất rừng ở Khe Chữ cũng tình nguyện hiến tặng để dựng làng. Người có ít hiến ít, người có nhiều hiến nhiều. Người ít thì khoảng trăm mét vuông, người nhiều lên đến vài nghìn mét vuông. Thế nhưng tuyệt nhiên, không một ai đòi đền bù tiền đất, dù chỉ là 1 nghìn đồng.

Ông HồVăn Vàng (áo trắng, bên phải)cùng người thân chen chúc trong căn  nhà tạm chưa đầy 10m 2 .  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Ông Hồ Văn Vàng (áo trắng, bên phải)cùng người thân chen chúc trong căn nhà tạm chưa đầy 10m 2 . Ảnh: LAM PHƯƠNG

Cố gắng ổn định nơi ở trước Tết

Nơi ở mới chẳng có gì ngoài những ngôi nhà ở tạm. Gọi là nhà cho sang chứ thực ra là những cái lều với sàn đan bằng cây rừng và che bạt. Trong nhà chẳng có gì ngoài tấm chiếu, cái chăn được những đoàn từ thiện dưới xuôi lên cho trước đó. Mỗi nhà đốt một bếp lửa ở giữa để sưởi ấm cho gần chục con người đang chen chúc trên sàn gỗ ẩm ướt. Trời vẫn mưa suốt ngày đêm không nghỉ. Ban ngày, nhiệt độ chừng 16, 17 độ; ban đêm có khi xuống còn 6, 7 độ C. Bếp lửa được đốt liên tục, củi được chêm vào luôn tay để giữ cho nhiệt độ trong căn lều luôn được ấm.

Gia đình bà Hồ Thị Em (69 tuổi, trú thôn 2) chuyển đến khu tái định cư mới Khe Chữ được gần 2 tháng nay. Hai vợ chồng bà đều già yếu nhưng còn chăm sóc một đứa em và một người anh bị mù cùng mẹ già ngoài 80 tuổi. “Chúng tôi chuyển lên đây ngoài hai bàn tay trắng và con người thì chẳng có gì khác. Hằng ngày nấu cơm bằng gạo của huyện cấp, uống nước từ suối bộ đội dẫn về và đắp chăn của đoàn từ thiện dưới xuôi lên cho” - bà Em kể.

Ông Hồ Văn Vàng (65 tuổi) - người hiến gần 6.000m2 đất, kể: Nhà ông may mắn có được ngôi nhà rẫy để tá túc chứ không thì rét không chịu nổi. Ngôi nhà được dựng từ mấy năm trước để tiện nghỉ ngơi trong những ngày lên Khe Chữ làm rẫy. Nay chuyển lên đây định cư, căn nhà rẫy của ông được che chắn thêm bạt làm thành nơi ở kiên cố cho gần mười con người lớn, bé. Vợ chồng ông Vàng có cả thảy 4 người con. Ba đứa con lớn lập gia đình ở xa, đứa con trai út đi bộ đội đóng quân ở huyện Núi Thành. Từ ngày xảy ra lở núi, đường xá trắc trở, ba đứa con lớn chưa một lần về thăm nhà. Đứa út đi bộ đội chỉ kịp gọi điện hỏi thăm vài câu vì sóng điện thoại chập chờn. “Vợ chồng tôi may còn cái nhà rẫy để ở, chứ không cũng khó sống, vì ban đêm lạnh lắm” - ông Vàng giãi bày.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, tính đến nay, công tác cắm mốc, phân lô cho từng hộ đã gần hoàn tất, trung bình mỗi hộ được phân từ 300 - 350m2. Lực lượng bộ đội và dân quân tại chỗ đã di dời được gần 100 hộ đến nơi ở tạm, công tác tháo các ngôi nhà cũ và vận chuyển đến nơi ở mới đang được diễn ra khẩn trương với mục tiêu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 20 ngày để dân có nhà mới đón Tết. Ngoài ra, để bà con sớm ổn định tại nơi ở mới, huyện Nam Trà My đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 7.000 cây giống các loại (gồm 5.000 cây quế Trà My, 1.000 cây giổi rừng, 1.000 cây đinh lăng) để bà con trồng trong vườn nhà, làm kinh tế, tạo kế sinh nhai.

Trong chuyến kiểm tra tình hình xây dựng khu dân cư Khe Chữ mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đánh giá cao những nỗ lực của huyện Nam Trà My trong việc hỗ trợ người dân chuyển đến nơi ở mới. Ông Thu cam kết: “Tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ hết sức cùng với huyện Nam Trà My để sớm ổn định nơi ở cho hơn 144 hộ dân, giúp bà con ổn định nơi ở trước Tết để an cư lập nghiệp”.

Lam Phương
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam cán mốc 7 triệu tài khoản chứng khoán: Làm gì để nâng cao chất lượng?

Đức Mạnh |

thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế, nhưng vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực.

"Đụng lợn" ăn Tết: Nét đẹp văn hóa làng quê xưa nay

HỮU CHÁNH |

Mỗi độ Tết đến, nhiều gia đình nông thôn lại chung nhau mổ một con lợn, rồi chia phần, dân gian gọi là "đụng lợn". Một tập tục rất thú vị, một nét đẹp trong văn hóa đón Tết vui xuân của người dân làng quê từ xưa tới nay.

Nếu chọn Philippe Troussier, nên học theo Nhật Bản?

TAM NGUYÊN |

Cách bóng đá Nhật Bản sử dụng huấn luyện viên Philippe Troussier có thể là cách VFF cân nhắc học hỏi…

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Ngọc Vân |

Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Các địa điểm vui chơi thú vị tại TPHCM dịp Tết Quý Mão

Huỳnh Phương |

Để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các khu vui chơi Đầm Sen, Suối Tiên có nhiều ưu đãi và hoạt động xuyên Tết.

Khởi tố thêm 12 đối tượng tại một trung tâm đăng kiểm ở Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Ngày 20.1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 12 đối tượng để điều tra về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 60-05D, ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa. Các quyết định và lệnh nói trên đã được Viện KSND tỉnh Đồng Nai phê chuẩn.

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?