Lẫn lộn “thật - giả” rượu ngoại, xì gà...

HÀ ANH - ĐÌNH THẮNG |

Dịp tết đến, xuân về là nhu cầu về rượu ngoại tăng cao, một phần do thói quen tiêu dùng, một phần là để biếu tặng dịp tết như một phong tục. Mấy năm gần đây, ngoài rượu ngoại có một mặt hàng nữa cũng được tiêu thụ rất nhiều là xì gà. Có cầu thì có cung, khi nhu cầu tăng cao cũng là lúc các hoạt động làm giả, tiêu thụ rượu, xì gà không rõ nguồn gốc tăng mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng.

Trong khi đó, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều điểm rất hạn chế như lời Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Văn Ngọc khi tổng kết năm 2017 - triển khai nhiệm vụ 2018: “Lực lượng còn mỏng, trình độ chưa đồng đều”. Thậm chí, không ít trường hợp cơ quan quản lý thị trường thiếu trách nhiệm, “bảo kê” cho các cơ sở buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Kỳ 1: Rượu ngoại giả: Ngày càng tinh vi

Cuộc chiến chống rượu giả, rượu lậu đã diễn ra nhiều năm, thế nhưng, cho đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn mất niềm tin khi phải bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để mua những chai rượu ngoại. Điều đáng nói, để qua mặt người tiêu dùng và cơ quan chức năng, việc làm giả đang diễn ra hết sức tinh vi…

Phía sau rượu “xách tay” - dấu hỏi lớn về chất lượng

Anh Hải Minh - 1 công chức ở Cầu Giấy, Hà Nội - thừa nhận: “Hiện nay, khi đi mua rượu ngoại, không khác gì lạc vào ma trận, rất khó phân biệt thật giả. Vỏ thật, rượu giả, tem thật, rượu giả, vỏ giả là những hiện tượng báo chí phản ánh nhiều. Để “yên tâm” là mua được “hàng xịn” thì chúng tôi hay tìm đến những nơi bán hàng “xách tay”, yêu cầu là phải đầu đủ cả túi Seal (nilon dán ngoài của các cửa hàng miễn thuế ở sân bay) và Bill (hóa đơn). Thế nhưng, rất khó vì lấy đâu ra lắm “hàng xách tay” thế”.

Điều đáng nói là vào giữa năm nay, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2015/TT-BTC đã bổ sung: “Người xuất cảnh, nhập cảnh phải khai Tờ khai Hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh nếu thuộc các đối tượng: Có hàng hóa phải nộp thuế đối với rượu từ 20 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ vượt trên 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia vượt trên 3 lít…”. Chính quy định này đã khiến cho dân buôn hàng xách tay, trong đó có rượu ngoại gặp khó.

Thế nhưng, hàng thì vẫn đầy. Vậy ở đâu ra? Cuối năm 2017, Báo Lao Động đã có loạt bài về “thủ phủ xách tay” Nguyễn Sơn - Hà Nội và ghi nhận về hoạt động bán công khai rượu “xách tay” không nhãn mác được bán công khai.

Không những thế, phía sau mấy chữ “hàng xách tay” lại là dấu hỏi lớn về chất lượng. Theo tìm hiểu của Lao Động, cũng ngay ở Nguyễn Sơn thì không ít chủ buôn đã bán hàng trộn, nghĩa là, pha thêm hàng chất lượng thấp, hàng Trung Quốc vào các lô hàng xách tay từ các nước phát triển. Trong đó có mặt hàng rượu ngoại.

Theo tiết lộ của những “chuyên gia buôn rượu…xách tay” thì để tăng “niềm tin” cho khách hàng thì việc “chế tạo” ra những túi nilon miễn thuế (túi Seal) rất đơn giản, thậm chí cả hóa đơn chứng minh. “Con trâu còn…giả được nói gì đến cái thừng” - người này nói, miễn là đưa mẫu, đặt hàng thì chỉ vài ngày là có với số lượng…không hạn chế.

Với chiêu bài này, có nhiều sản phẩm là hàng giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng, được đưa từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam vào tiêu thụ trong thị trường nội địa. Khi trót lọt vào nội địa, các loại mặt hàng rượu này sẽ được gắn cái mác rượu ngoại xách tay để “đội giá”. Thậm chí được dán lại tem mác rượu nhập khẩu để lừa các thượng đế.

Qua điều tra, xác minh, có cửa hàng sẽ dán được tem vào những chai rượu xách tay chỉ cần báo trước 2 tiếng, dù trước đó là những sản phẩm không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam - cho biết: “Người tiêu dùng cứ nghĩ rằng, hàng xách tay thì sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn, yên tâm, nhưng theo tôi thì chưa chắc, vì đánh vào tâm lý người tiêu là hàng xách tay. Hàng xách tay thì có 3 vấn đề không kiểm soát được: Thứ nhất không rõ nguồn gốc, thứ 2, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, thứ 3, với kiến thức của người tiêu dùng như hiện nay, rất khó để phát hiện hàng thật hàng giả…”

Tang vật một vụ rượu giả, dán tem giả. Ảnh: PV
Tang vật một vụ rượu giả, dán tem giả. Ảnh: PV

Rượu ngoại giả - phần nổi của tảng băng

Theo quy định, rượu nhập khẩu không dán tem nhập khẩu sẽ bị coi là rượu giả. Với những trường hợp mua được rượu “xách tay thật” vẫn là may mắn. Để tăng lợi nhuận, nhiều gian thương đã lừa khách hàng bằng nhiều thủ đoạn. Lãnh đạo Quỹ chống hàng giả Việt Nam thông tin: “Thủ đoạn kinh doanh rượu giả của các đối tượng ngày càng tinh vi, đặc biệt là những nhãn rượu nổi tiếng trên thế giới: Thủ đoạn thứ nhất là làm giả toàn bộ, dùng chai rượu đã sử dụng, sau đó đóng rượu giả vào, sử dụng loại rượu kém chất lượng để đóng vào chai đó. Loại giả thứ 2 là giả toàn bộ từ chai, nút, nhãn mác được đưa vào từ nước ngoài và đóng chai tại VN”.

Điều đáng nói, dù có những nỗ lực nhưng việc phát hiện và xử lý các vụ liên quan đến rượu giả chẳng khác nào “muối bỏ bể” so với thị trường hoạt động nhộn nhịp gần đây.

Tại Hà Nội, dù có những “thủ phủ” rượu ngoại “xách tay” không tem nhãn như Nguyễn Sơn nhưng theo báo cáo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội thì riêng lĩnh vực ATTP đã kiểm tra, xử lý 251 vụ, phạt hành chính hơn 1,8 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 737,2 triệu đồng. Trong đó, đã kiểm tra 8 vụ, xử lý 7 vụ, phạt hành chính 48,5 triệu đồng đối với mặt hàng gia súc, gia cầm. Đối với mặt hàng rượu, đã kiểm tra 60 vụ, xử lý 48 vụ, phạt hành chính 157,65 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 111,9 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 2.203 lít rượu và 210 chai rượu các loại.

Rõ ràng, thực tế và số lượng vụ và sản phẩm bị tạm giữ, tịch thu là khá “khiêm tốn”.

Nghị định 105/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.11.2017 đã có những quy định khá cụ thể về kinh doanh rượu, trong đó có quy định về kinh doanh mặt hàng nhập khẩu rượu. Theo đó, doanh nghiệp có Giấy phép phân phối rượu được phép nhập khẩu rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu nhập khẩu, rượu phải được ghi nhãn hàng hóa, dán tem rượu, phải đáp ứng các quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế.

Vấn đề chất lượng rượu trở thành vấn đề nóng, nhất là dịp tết khi lượng rượu tiêu thụ tăng vọt, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội) cảnh báo: Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số ca ngộ độc rượu thường tăng mạnh nhất. Ngộ độc rượu không mới, dù đã được cảnh báo nhiều song, điều lo ngại nhất là tình trạng sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, dẫn đến ngộ độc methanol. Nguy cơ ngộ độc rượu càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây biến chứng cho người dùng, thậm chí tử vong.

Một số vụ sản xuất - buôn bán rượu giả lớn bị phát hiện gần đây

* Tháng 10.2017, hơn 300 chai rượu ngoại không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng Thanh Hóa thu giữ trong khi đang vận chuyển ra thị trường tiêu thụ. Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15, Bộ Công an) phối hợp với công an 4 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và Nghệ An triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán rượu giả liên tỉnh lớn nhất từ trước đến nay, thu giữ gần 5.000 chai rượu lậu và các dụng cụ sản xuất, pha chế rượu của các đối tượng trong đường dây này. Thủ đoạn sản xuất rượu giả của các đối tượng là dùng rượu Whisky nội pha với rượu ngoại và đóng chai, dán tem giả để đưa ra lưu hành trên thị trường.

* Tháng 11.2017, qua kiểm tra Chi nhánh Công ty sản xuất thương mại SPT đóng tại địa bàn huyện Bình Chánh, TPHCM, tổ công tác của Đội Quản lý thị trường số 4A thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 3.700 chai rượu sử dụng tem trong nước có dấu hiệu rượu giả, gồm các loại rượu Whisky, Rhum.

* Tháng 10.2017, Cục Hải quan cho biết, trong số 38 container hàng nhập khẩu được Hội đồng xử lý hàng tồn đọng Cục Hải quan TPHCM tiêu hủy trong 9 tháng năm 2017 có 108.300 chai rượu ngoại giả nhập khẩu được đóng trong 8 container. Số rượu này được nhập về cảng Cát Lái từ năm 2016, bao gồm nhiều loại: Black Lable, John Black, Janes; Red John.., nồng độ cồn 40%, có xuất xứ từ Đức, Australia, Scotland, Mỹ. Kết quả giám định của Trung tâm tiêu chuẩn kỹ thuật 3 cho thấy, toàn bộ số rượu này đã bị đóng cặn, kết tủa và chuyển màu, là rượu giả.

Kỳ 2: Trôi nổi Xì gà, trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?
HÀ ANH - ĐÌNH THẮNG
TIN LIÊN QUAN

Đề nghị giải phóng 13 hộ tại dự án Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm

Hiếu Anh |

Báo Lao Động vừa có loạt bài phản ánh nhiều bất thường tại dự án Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm. Cơ quan chức năng lên tiếng trả lời vụ việc.

"Hô biến" gầm cầu thành bãi trông giữ xe, bất chấp lệnh cấm của Bộ GTVT

Nhóm PV |

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu dừng tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu, nhưng đến nay nhiều gầm cầu vẫn bị "xẻ thịt" thành các điểm trông giữ xe ngày và đêm. Điều này hoàn toàn trái các quy định của nhà nước, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường và an toàn kết cấu hành lang cầu.

Dự báo thời tiết 10 ngày tới từ 4.4 đến 14.4 ở cả ba miền

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã đưa ra dự báo thời tiết 10 ngày tới (từ ngày 4.4 - 14.4.2023) ở các khu vực trên cả nước.

Hà Nội: Chợ tiền tỉ bỏ hoang, tiểu thương tràn ra đường buôn bán

KHÁNH AN - PHƯƠNG ANH |

Nhiều khu chợ tiền tỉ xây xong bỏ hoang, trong khi đó, tiểu thương lại tập trung buôn bán ngoài con đường cách chợ chưa đến 100m.

Công trình xây dựng sai phép ở khu biệt thự 5,2ha ở Hà Nội đã hoàn thiện

PHẠM ĐÔNG |

Cách đây một năm, UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng công trình số 9, nhà B, khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa. Dù vậy đến nay, sai phạm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

TPHCM: Cháy dữ dội căn nhà trên Quốc lộ 13, lan sang nhà bên cạnh

Chân Phúc |

Đến hơn 18h ngày 4.4, lực lượng chức năng đã cơ bản khống chế được ngọn lửa trong vụ cháy xảy ra tại 1 quán ăn nằm trên Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Con gái nhạc sĩ Phú Quang: Chưa nhận phí bản quyền âm nhạc từ khi cha qua đời

Mộc Anh |

Nghệ sĩ Trinh Hương - con gái nhạc sĩ Phú Quang - trả lời phóng viên Báo Lao Động liên quan đến vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc sau khi cha cô qua đời.

Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng tử vong tại trụ sở

PHÚC ĐẠT |

HUẾ - Đến trụ sở làm việc, nhân viên bàng hoàng khi phát hiện lãnh đạo phòng giao dịch tử vong.