CUỘC THI BÚT KÝ - PHÓNG SỰ VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH:

Lần đầu lên Khe Sanh

HỒ SỸ BÌNH |

Một buổi tối cách đây gần 15 năm, đang ngồi với nhau trong vườn ở Faifo, Đà Nẵng, nhà văn Hoàng Trọng Dũng mới hỏi: “Lâu ni tình trạng bệnh tình của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đến đâu rồi?”. Anh Dũng là giám đốc khách sạn Faifo, trước đó lần nào anh Tường vào Đà Nẵng, anh Dũng rất quý mến đều mời về Faifo ở lại và “cúc cung phục vụ”.

Cái đêm anh Tường bị tai biến hôn mê là trong mùa World Cup năm 1998. Tôi trả lời: “Anh Tường đang lên Khe Sanh ở lại trên đó để chữa bệnh”. “Sao mà lên đó, ai chữa cho anh?…”. Tôi chỉ trả lời đại khái do mình chỉ biết thông tin không rõ lắm. “Rứa thôi, mai đi Khe Sanh thăm anh Tường. Ai đi…”, anh Vĩnh Quyền nổi hứng. Vậy là cả nhóm gồm họa sĩ Vũ Dương, anh Lê Diễn và tôi đều đồng ý với anh Quyền mai lên Khe Sanh thăm tác giả Ai đã đặt tên cho dòng sông.

Đêm đó, tôi khó ngủ, cảm thấy rất háo hức bởi không chỉ được lên thăm anh Tường mà còn được lần đầu lên Khe Sanh dù rằng Khe Sanh, đường 9 đã có mặt trong ký ức của tôi như một nỗi hẹn hò rất dịu dàng trong tâm thức trở về trong những năm còn trong khói lửa chiến tranh. Trong những câu chuyện của bố, rất nhiều lần những địa danh Khe Sanh, đường 9, Savannakhet được nhắc lại như những kỷ niệm khó quên.

Những năm cuối thập niên 30 thế kỷ trước, bố làm lục lộ - ngành cầu đường bây giờ - đã làm đường 9 qua tận bên Lào. Cung đường ấy, ngày ấy Pháp đã cho phu phen làm mất rất nhiều năm và “làm lui làm tới nhiều lần”, bố nói. Song song với việc xây dựng đường sá, giao thương hàng hóa miền xuôi miền ngược thì ở Hương Hóa, Khe Sanh, thời ấy các vùng phụ cận đã có nhiều người Pháp đến lập đồn điền như Ala Ô-pơ-ri (đồn điền Tân Lâm), Rôm (Rào Quán) La Van (Lao Bảo) Poa-lan (Khe Sanh). Trong một bút ký viết khi vượt qua đường 9, anh Tường kể lại chuyện được càphê của bà Rôm, cũng là một đồn điền gần đường 9…

Ngày hội đại đoàn kết của đồng bào thiểu số ở Hướng Hóa. Ảnh: KH.
Ngày hội đại đoàn kết của đồng bào thiểu số ở Hướng Hóa. Ảnh: KH.

Bố nói “Người Pháp kinh thật, họ muốn khống chế toàn Đông Dương nên hồi đầu thế kỷ XX đã tập trung mở đường”. Điều này thì bố đã lầm. Thật ra, theo Đại Việt sử ký, từ sau năm 1471 đã hình thành một giao lộ ven núi để vượt qua biên giới rồi, đã từng có những hoạt động ngoại giao giữa nước ta và Ai Lao thời ấy. 

Đọc lại sử cũ, tôi ngộ ra nhiều điều về tầm quan trọng của đường 9 và vùng núi non phía tây nam Quảng Trị đã được quan quân nhà Lê đặt chân đến để mở đường và cai quản. Chao ơi, đường thượng đạo xuyên sơn đi lại ngày ấy khó khăn biết dường nào dù đấy là vùng đất hiểm yếu nhưng rất ư là trọng yếu mang tính chiến lược.

Nhất là cái địa danh Viên Kiều, đã xuất hiện từ rất sớm trên bản đồ dư địa chí về vị trí chiến lược quan trọng của mình. Mà Viên Kiều chính là Khe Sanh ngày nay.

Theo Ô Châu cận lục, nguồn Viên Kiều được nhắc đến là nơi cư trú của các làng bản thổ dân châu Sa Bôi. Đặc sản có ngà voi, ngựa, trâu, thảm hoa, gai sợi, gấm thổ trắng có hoa, vải bông trắng. Còn Phủ biên tạp lục lại ghi nhớ: Cai quan áp thu thuế công thì nộp tiền 104 quan, chiếu mây 2 đôi, tạp hương 2 sọt nhỏ, đèn nến “mãn đường” 2 chiếc, 60.000 tàu lá nón.

Và chưa hết, giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của khu xưởng chế tác đồ đá lớn nhất, điển hình nhất ở miền Trung tại Sepu, Tà Pằng, Cù Bai, Bản Hoong miền tây bắc Hướng Hóa, chứng tỏ sự có mặt từ rất sớm một cộng đồng cư dân có trình độ cao về kỹ thuật sản xuất công cụ đá cung cấp cho các cư dân vùng đồng bằng ven biển, chứng tỏ trình độ kỹ thuật đã phát triển và hoạt động kinh tế ổn định.

Đằng sau những phát hiện ấy của khảo cổ giúp cho người đời sau thấy trên vùng đất Hướng Hóa xa xưa đã xuất hiện một cộng đồng cư dân có trình độ văn minh, thậm chí mua bán theo kiểu sơ khai đổi chác đã có mặt trên vùng đất này.

Và lịch sử suốt mấy thế kỷ thăng trầm không phải vô tình đã chọn Khe Sanh là một điểm nóng, một vùng đất mang vác những nhiệm vụ quan yếu từ thời bình đến thời chiến, một vị trí chiến lược về mặt quân sự mà bên này bên kia đều muốn sở hữu.

Sự kỳ lạ của Khe Sanh, Hướng Hóa dù chỉ là một vùng biên của tổ quốc thế nhưng suốt mấy trăm năm đầy biến động bể dâu, mỗi giai đoạn lịch sử dù trong thời bình hay thời chiến đều đặt Khe Sanh, Hướng Hóa vào một vị trí cực kỳ quan trọng. Tôi mơ hồ trong một cảm giác trở lại về ký ức về một vùng đất chưa hề đặt chân đến nhưng đã hiện diện trong tâm trí của tôi từ những năm mới lớn bên cha.

Chúng tôi ra Huế, ghé thăm anh Thái Ngọc San và anh Trần Vàng Sao rồi về nhà người em vợ của anh Quyền trên Kim Long ở lại. Sáng ngủ dậy chỉ kịp rửa mặt là a lê, “Đi cho kịp không thôi lên Khe Sanh mà về lại trong ngày là không kịp”, anh Quyền giục. Xe ra tới Đông Hà thì Lâm Chí Công (báo Lao Động) đã chờ sẵn ở đó. Trên đường đi, chúng tôi ghé lại ăn trưa tại quán bên đường ở Đak Rông, lên tới Khe Sanh cũng đúng ngọ.

Anh chị Tường được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị cho xe vào Huế đón ra.  Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa bố trí chỗ ăn nghỉ chu đáo tại nhà khách của ủy ban huyện để chữa bệnh. Chỗ ở ngay ngã tư của thị trấn khá là mát mẻ nhiều cây xanh. Cảm tưởng như Khe Sanh đón một người con của mình đi xa mới về bằng sự yêu thương và tự hào.

Anh Tường từng tham gia chiến trường Khe Sanh, từng vượt đường 9 trong khói lửa ngày trước và đã có những trang tuyệt bút về vùng đất này.. Anh từng xúc động viết tặng người Vân Kiều Hướng Hóa đầy ơn nghĩa: Tâm hồn Vân Kiều vốn thế/ Giúp đời chẳng quản công lênh…

Đã lâu cũng gần 4 năm rồi kể từ cái đêm định mệnh cũng ngồi với chúng tôi tại Faifo, anh đã bị tai biến, hôn mê gần 3 tháng trời, giờ mới gặp lại nhau. Chúng tôi luôn theo dõi về tình hình đi tìm thầy chữa bệnh của anh.

Tội cho chị Dạ, người suốt gần ba năm đã gồng gánh mang vác áo quần, soong nồi cõng chồng đi chữa bệnh khắp nơi: Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Giang vô cùng vất vả. Vẫn là một mình chị lo nấu ăn, mớm thức ăn, cõng đi vệ sinh, giặt giũ… nghĩa là làm đủ mọi công việc để chăm sóc chồng.

Chị gầy đi thấy rõ. Chị viết những câu thơ nặng trĩu nỗi thương khó đầy nước mắt nhưng mạnh mẽ không cùng... Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/ nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/ bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/ giữa tháng ngày trĩu nặng/ em đứng thẳng người/ cho anh tựa vào em…

Dạo ấy chúng tôi vẫn không thể tin nổi điều kỳ diệu đã xảy ra ở Khe Sanh vì hơn hai năm trời đi chữa bệnh khắp nơi bệnh tình chẳng có dấu hiệu gì thuyên giảm, thế mà sau thời gian lên Khe Sanh chữa chạy thấy có sự chuyển biến tốt. Chị Dạ không giấu được lạc quan, cho biết:.. “Giọng nói đỡ ngọng hơn, mặt mũi không bị lệch nữa, có thể tự ngồi dậy và vung tay được mấy lần”.

Cù Bai không chỉ được biết đến là trọng điểm đánh phá ác liệt những năm chiến tranh, mà giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của khu xưởng chế tác đồ đá lớn nhất. Ảnh: Hưng Thơ.
Cù Bai không chỉ được biết đến là trọng điểm đánh phá ác liệt những năm chiến tranh, mà giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của khu xưởng chế tác đồ đá lớn nhất. Ảnh: Hưng Thơ.

Chuyện thật khó tin, “thầy” chữa bệnh là một người đàn bà trạc 50 tuổi tên Gái làm nghề quét chợ Khe Sanh, nói như Ngô Minh, một người mù chữ lại chữa bệnh cho người có một bồ chữ. Đang đến giờ “thầy” đến chữa bệnh. Anh em tôi tranh thủ một vòng lên Lao Bảo.

Lần đầu tiên, tôi thấy Trung tâm thương mại Lao Bảo. Trước hết là hình ảnh của quy hoạch khu đô thị và thương mại hài hòa với những công trình khá ấn tượng, tất cả mang một ngôn ngữ kiến trúc của Lào pha lẫn chút âm hưởng Việt, hiện đại mà vẫn lắng đọng.

Tôi không khỏi nhớ đến những câu thơ của Ngô Kha trong Trường ca hòa bình viết trong những ngày mà vùng đất Khe Sanh chìm ngập trong khói súng và sự hủy diệt của chiến tranh: Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ một thị trấn yêu kiều trên ngõ Làng Vây. Kỳ lạ thay sức tiên cảm của nhà thơ. Vâng, tôi tin rằng chỉ có nhà thơ mới có những phát ngôn đầy tính “tiên tri” như thế đối với hiện thực đô thị vàng, thị trấn yêu kiều vùng biên Khe Sanh.

Chúng tôi trở lại thăm anh Tường sau cuộc chẩn bệnh “có một không hai” của thầy Gái. Cách chữa bệnh của “thầy” qua từng giai đoạn, chích lể cho ra máu độc rồi lấy giấy đốt bỏ trong bầu giác, rồi trùm mền xông, bấm huyệt đủ cả. Dễ sợ nhất là lấy mẻ chai nhúng vào rượu Tân Long rồi lể vào đầu lưỡi chảy cả máu. Chẳng hiểu sao mà không nhiễm trùng mới lạ.

Còn nhà văn thì dù đau đớn kinh khủng nhưng vẫn chịu đựng. Khát vọng được trở lại cuộc sống một cách bình thường đã giúp anh vượt qua mọi đau đớn, nhức buốt. Cả anh và chị đều có niềm tin là anh sẽ trở lại như bình thường trước đây. Nhưng rồi sau khi đã bôn ba cơm đùm gạo bới vợ theo chồng mà bệnh tình của anh Tường chẳng có chuyển biến gì tốt hơn...

Trời đã về chiều, Lâm Chí Công nhắc, về thôi không thì mấy anh về Đà Nẵng không kịp. Vậy mà mấy lần cứ lần lữa, bịn rịn mãi không rời được, vì anh Tường cứ nhìn theo, ngọng nghịu “Chơi đã,… chơi đã”. Anh em chúng tôi, ai cũng xúc động lòng mãi rưng rưng. Đêm đó phải ngủ lại Đông Hà, chúng tôi rời Khe Sanh đã chập choạng tối.

HỒ SỸ BÌNH
TIN LIÊN QUAN

Khe Sanh - nửa thế kỷ hòa bình

PHẠM XUÂN DŨNG |

Vậy là cuộc thi bút ký, phóng sự do Báo Lao Động phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh 9.7.1968 - 9.7.2018 vừa mới khép lại và tập sách “Khe Sanh - Nửa thế kỷ hòa bình” ghi nhận thành quả đã kịp ra đời với 50 tác phẩm báo chí chọn lọc.

Cô gái Pa Cô đi tải đạn

QUANG ĐẠI - CÔNG SANG |

Lục lọi mãi, mẹ Hồ Kăn Choong (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) mới tìm ra được kỷ vật từ chiến trường Khe Sanh. Mẹ xòe ra 10 chiếc kim bằng bạc, dài ngắn khác nhau, cười hiền: “Đây là y cụ mẹ đã giúp rất nhiều đồng đội thoát lưỡi hãi tử thần trong chiến tranh”.

Truyền thống anh hùng và tiếng còi tàu rộn rã

DƯƠNG ÁNH HỒNG |

Ngược dòng chảy của thời gian, lật mở từng trang lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hướng Hóa mới thấy sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh, cần cù trong lao động sản xuất mà cha ông để lại như những viên ngọc lấp lánh tỏa sáng với giá trị to lớn cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau.

Những hạn chế trong việc ghi tên cả gia đình vào một sổ đỏ

Cát Tường - Thái Mạnh |

Các chuyên gia cho rằng, không nên ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình sử dụng đất vào chung một sổ đỏ như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hà Nội dự báo số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao vào đầu tháng 4

PHẠM ĐÔNG |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường dự báo đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao sẽ gây ra tình trạng ùn tắc.

Chính sách visa cứng nhắc sẽ cản trở phát triển du lịch

Mai Anh |

Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do Báo Thanh Niên tổ chức đã diễn ra sáng 10.3 với sự tham dự của đại diện nhiều Bộ, ngành nhằm đưa ra những giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch hiện nay.

Lãi suất ngân hàng hôm nay 10.3: Top ngân hàng lãi suất cao nhất tháng 3

Hương Nguyễn |

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Lãi suất cao nhất thị trường lên tới 10% cho kỳ hạn 13 tháng. Cập nhật trọn bộ lãi suất Agribank, SCB, Sacombank, Vietcombank... mới nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Song Minh |

Ngày 10.3.2023, ông Tập Cận Bình được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 3 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Khe Sanh - nửa thế kỷ hòa bình

PHẠM XUÂN DŨNG |

Vậy là cuộc thi bút ký, phóng sự do Báo Lao Động phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh 9.7.1968 - 9.7.2018 vừa mới khép lại và tập sách “Khe Sanh - Nửa thế kỷ hòa bình” ghi nhận thành quả đã kịp ra đời với 50 tác phẩm báo chí chọn lọc.

Cô gái Pa Cô đi tải đạn

QUANG ĐẠI - CÔNG SANG |

Lục lọi mãi, mẹ Hồ Kăn Choong (khóm 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị) mới tìm ra được kỷ vật từ chiến trường Khe Sanh. Mẹ xòe ra 10 chiếc kim bằng bạc, dài ngắn khác nhau, cười hiền: “Đây là y cụ mẹ đã giúp rất nhiều đồng đội thoát lưỡi hãi tử thần trong chiến tranh”.

Truyền thống anh hùng và tiếng còi tàu rộn rã

DƯƠNG ÁNH HỒNG |

Ngược dòng chảy của thời gian, lật mở từng trang lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hướng Hóa mới thấy sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh, cần cù trong lao động sản xuất mà cha ông để lại như những viên ngọc lấp lánh tỏa sáng với giá trị to lớn cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau.