“Trận địa thác” trên sông
Chúng tôi thật sự không nhớ đã bao lần ngược xuôi, lên xuống thác ghềnh nơi đầu nguồn dòng Nậm Nơn. Mỗi chuyến đi thêm một trải nghiệm thú vị nhưng ấn tượng chung vẫn là vẻ đẹp hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội của dòng sông và tài nghệ của những người lái thuyền qua lại nơi đầu nguồn con sông nổi tiếng xứ Nghệ này.
Mới đây, chúng tôi lại có dịp trở lại thượng nguồn sông Nậm Nơn cùng các chuyên gia du lịch mạo hiểm đến khám phá, tìm hiểu hệ thống thác ghềnh nơi đây để lập kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch mới cho Nghệ An. Qua một số con thác, ai nấy đều trầm trồ trước những cảnh hùng vĩ và reo vui khi được ngồi thuyền vượt thác, leo ghềnh.
Ngồi cùng thuyền, ông Nguyễn An – một chuyên gia ở thành phố Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi đã đến nhiều nơi, khám phá nhiều con sông nhưng Nậm Nơn đã cho tôi một ấn tượng hết sức đặc biệt. Trong đó, khung cảnh hoang sơ, thác ghềnh dữ dội và cuộc sống bản làng ở đôi bờ mang lại niềm xúc cảm và khát khao được khám phá”.

Khởi nguồn từ nước bạn Lào, dòng Nậm Nơn “nhập tịch” vào Việt Nam ở địa bàn xã Keng Đu, qua Mỹ Lý (Kỳ Sơn), xuôi về Tương Dương và hợp lưu với dòng Nậm Mộ ở Cửa Rào (xã Xá Lượng) để “khai sinh” nên dòng sông Lam. Hiện tại, phần lớn sông Nậm Nơn đã thành lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đoạn qua Keng Đu và Mỹ Lý được xem là thượng nguồn với hàng trăm thác, ghềnh lớn nhỏ làm nên nét đặc trưng. Từ bến đò bản Xiềng Tắm (trung tâm xã Mỹ Lý) ngược lên bản Keng Đu (xã Keng Đu), hành trình lần lượt qua bản Yên Hòa, Xằng Trên. Đến khe Huồi Mai là nơi phân định biên giới hai nước Việt - Lào, nghĩa là dòng Nậm Nơn từ đây thuộc về hai quốc gia, phía hữu ngạn là Việt Nam, phía tả ngạn là nước bạn.

Phía Việt Nam có ba bản, gồm Xốp Dương, Cha Nga (xã Mỹ Lý) và Keng Đu (xã Keng Đu). Phía bên kia có các bản: Xốp Dương, Cành Cò, Xốp Cắng, Xốp Xán và Piêng Xang, thuộc huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào). Trên hành trình ấy, thuyền phải vượt qua hàng chục con thác lớn nhỏ, đầu tiên là Cành Cạp (tiếng Thái nghĩa là đá nhọn và dày như những chiếc răng nằm khít nhau) với vô số những hòn đá bày binh bố trận giữa lòng sông.
Để đảm bảo an toàn, hành khách phải lên bờ đi bộ men theo vách đá lởm chởm, chỉ hai người điều khiển con thuyền vượt thác. Chiếc thuyền luồn lách qua từng kẽ đá rồi leo ngược lên dòng thác cuộn chảy, bọt nước tung trắng xoa, chiếc chân vịt xoay tít, động cơ gầm rú ầm ào.
Qua Cành Cạp đến Cành Lẹt (đá xếp chồng lên nhau), rồi Cành Xạt với 3 khối đá chắn ngang dòng chảy tạo thành 3 lạch nước cùng vô số đá ngầm phía dưới. Tiếp đến là Cành Ngôn với một hòn đá lớn, chung quanh là 3 hòn đá nhỏ hơn cùng ra sức chặn dòng; Cành Hón (thác Nhím) với hòn đá nằm ngang dòng trông như con nhím đang xù lông tự vệ; Cành Mai, Cành Mỡ cũng không kém phần nguy hiểm.
Và không thể không kể kể đến Cành Xạc (thác Chày) và Cành Sộc (thác Cối) – một sự ví von độc đáo của cư dân bản địa. Cành Xạc tuy ngắn nhưng nước đổ xuống từ trên cao xuống thành một cột trắng xóa, tựa như chiếc chày dội xuống từ trên cao khiến dưới chân thác nước réo sùng sục.
Cành Sộc có lẽ đừng đầu về độ dài, với khoảng 2 km, có thể khẳng định gần như không con thác nào trên dòng Nậm Nơn sánh kịp. Hai bên đá dựng thành vách, giữa lòng sông có đến trăm xoáy nước do độ dốc của dòng chảy và vô số hòn đá nằm ngổn ngang.
Những cao thủ vượt thác leo ghềnh
Chúng tôi ngồi trên chiếc thuyền máy do ông Lương Văn Hòa ở bản Xiềng Tắm (Mỹ Lý) cầm lái. Mỗi lần vượt thác, vẻ mặt của ông Hòa hiện lên những nét lo âu, bởi chỉ cần một sơ sẩy dù rất nhỏ, một cái chèo lệch nhịp hoặc một cái bẻ lái quá tay có thể thuyền sẽ va vào đá vỡ toang hoặc lật, chìm, mạng sống của cả chủ và khách hoàn toàn phó mặc cho dòng nước và những bãi đá.
Tuy nhiên, chuyện vượt thác ghềnh đối với ông Hòa đã trở nên bình thường, vì ông sinh ra và lớn lên bên dòng Nậm Nơn, từ nhỏ đã ra sông bơi lội, lớn lên mưu sinh bằng việc chèo thuyền đánh cá và chở khách xuôi ngược dòng sông.
Ông và những người làm nghề lái thuyền chở khách dọc sông Nậm Nơn thuộc thông từng bụi cây, vách đá dọc sông và cả những tảng đá ngầm dưới mặt nước. Hiểu rõ đặc điểm của từng con thác, dòng xoáy để đánh lái mỗi khi điều khiển con thuyền đi qua. Họ thực sự là “cao thủ” trong việc lên thác, xuống ghềnh, bởi đó là việc mưu sinh hàng ngày, là miếng cơm, manh áo cho cả gia đình.
Theo lời ông Hòa, hầu hết đàn ông người Thái ở các bản Hòa Lý, Xốp Tụ, Xiềng Tắm, Xằng Dưới, Xằng Trên và Cha Nga... đều có thể lái thuyền vượt thác, vì đó là công việc gắn với nhu cầu đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ chài cá, mà khi lên rẫy thăm lúa, lên rừng lấy gỗ, đến bản khác thăm nom họ hàng hay xuống chợ đều phải đi trên con thuyền nhỏ, những thác ghềnh trên sông trở nên quen thuộc.
Cũng xuất phát từ nhu cầu đi lại nơi vùng sông nước Nậm Nơn nên các bản làng ven sông có thêm nghề lái thuyền chở khách. Những người lái thuyền khách thực sự là “cao thủ” trong việc lên thác, xuống ghềnh, vì đó là công việc hàng ngày, là miếng cơm, manh áo của cả gia đình họ.
Cách đây mấy năm, chúng tôi đã có dịp đi thuyền của ông Kha Văn Nam (bản Xằng Trên) ngược sông lên bản Cha Nga và được chứng kiến tài nghệ vượt thác, né đá của người đàn ông này. Có cảm giác như việc luồn lách giữa các luồng lạch và né “trận địa đá” đối với ông giống như một tài xế ôtô điều khiển xe chạy giữa con đường bằng phẳng.
Nhìn những người lái thuyền vượt thác Nậm Nơn, chúng tôi lại liên tưởng đến hình ảnh và tài nghệ của những người lái đò sông Đà được nhà văn Nguyễn Tuân khắc họa từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Năm xưa cụ Nguyễn Tuân đi thực tế ở Tây Bắc và viết nên tùy bút “Người lái đò sông Đà” nổi tiếng, nếu cụ đi ở đầu nguồn Nậm Nơn chắc hẳn sẽ có thêm một thiên tùy bút một chín một mười. Khi chúng tôi chia sẻ loạt ảnh vượt thác Nậm Nơn lên mạng xã hội Facebok đã nhận được khá nhiều comment (bình luận) tương tự. Chủ tài khoản facebook Quân Doanh đã bình luận: “Nếu ngày xưa cụ Nguyễn Tuân ở đây, kiểu gì cũng có tác phẩm “Nghệ sỹ trên dòng Nậm Nơn” các bạn nhỉ?”. Chủ tài khoản facebook Meg Gie viết: “Xem hình, em cũng có cảm giác choáng ngợp, hồi hộp và say sưa như đọc cụ Nguyễn miêu tả sự hùng vĩ, dữ dằn nhưng cũng tuyệt đẹp của sông Đà”.
Trên hành trình xuôi dòng trở lại Xiềng Tắm, nét mặt ông Lương Văn Hòa đầy vẻ suy tư. Ông chia sẻ: “Mấy năm nay, nhà nước đầu tư mở tuyến đường bộ dọc sông, vào đến bản Cha Nga nên phần lớn mọi người đều đi bằng đường bộ. Tuy còn gập ghềnh, trắc trở nhưng vẫn nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn so với đường sông. Cuộc sống những người hành nghề lái thuyền chở khách rơi vào khó khăn, thi thoảng mới có khách đi một chuyến”.
Ngồi cùng thuyền, ông Nguyễn An động viên: “Ông cứ yên tâm, rồi đây dòng sông và những thác ghềnh hiểm trở và bản sắc văn hóa bản làng nơi đây sẽ là những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách khắp mọi miền. Lúc ấy, rất cần những người lái thuyền siêu hạng chở khách khám phá, trải nghiệm cảm giác mạnh khi lên thác, xuống ghềnh”.
Theo ông An, với tiềm năng sẵn có, sông Nậm Nơn có thể khai thác, phát triển loại hình du lịch mạo hiểm bằng hình thức du thuyền và tổ chức các môn thể thao dưới nước. Và có thể kết hợp xây dựng loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng bằng cách khai thác vẻ đẹp, đời sống và văn hóa của bản làng đồng bào Thái dọc bờ sông.
Mỗi lần nhớ về miền rẻo cao biên giới Nghệ An, hình ảnh con sông Nậm Nơn với bao thác ghềnh hiểm trở và những con người lái thuyền vượt thác lại hiện về như những thước phim. Đó là hình ảnh về sự kỳ vĩ, dữ dội của thiên nhiên và bản lĩnh, tài hoa của cư dân sông nước.