Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ ở miền núi Nghệ An

KỲ 1: Tan nát vì nạn buôn người sang Trung Quốc

Quang Đại |

Thời gian gần đây, tại các huyện miền núi Nghệ An liên tục xẩy ra các vụ bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc gây hoang mang cho các gia đình. Đầu tháng 5.2016, công an huyện Tương Dương đã giải cứu thành công một vụ bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc, bắt giữ 3 đối tượng, trao trả bé gái 3 tuổi cho gia đình.

 

Bà Moong Thị Lợi và cháu bé mòn mỏi đợi mẹ trở về 

 

Cha mẹ bán con

Phụ nữ từ các vùng miền núi Nghệ An sang Trung Quốc, già, trẻ, có chồng hay chưa đều được chấp nhận, nhưng sẽ được trả theo các mức giá khác nhau cho đàn ông lấy về làm vợ, từ 100 đến 200 triệu đồng. “Người mình họ ngã giá như mua rau, mua cỏ”, một cán bộ công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thốt lên chua chát.

Bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) chỉ cách QL7 khoảng 1km, nhưng đường lên dốc đứng, ngoằn ngoèo. Những căn nhà nhỏ của người Khơ Mú quanh co sườn đồi. Nhiều người già ngồi trên nhà sàn nhìn ra. Đàn lợn con chạy loăng quăng tìm thức ăn. Đằng sau khung cảnh yên bình đó là những bi kịch thắt lòng của tệ nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc. Được anh Minh, công an viên của bản dẫn đường, đi qua mấy đoạn dốc cheo leo, chúng tôi tới nơi trú ngụ của ông Moong Văn Tà (47 tuổi). Ông Tà đen nhẻm, da mọc đầy mụt cóc sần sùi, đang nhóm bếp. Căn lều ông ở rộng chừng hơn chục mét vuông, phên liếp cũ sờn, trống hơ hoác. Vợ ông vừa mất do đau ốm, hai đứa con trai đều bị tai nạn thành tật, một chột mắt, một chân gãy hai khúc, đi khập khiễng. Con gái ông là Moong Thị Tà (SN 1999), mất tích đã mấy năm, nghi bị đưa sang Trung Quốc lấy chồng. Nhờ anh Minh hỏi hộ bằng tiếng Khơ Mú (ông Tà không nói được tiếng Kinh), ông Tà trả lời “Có, nhớ lắm”, rồi im, ngơ ngác, đôi mắt thất thần.

Ngay chính em gái công an viên Minh là Moong Thị May (SN 1982) cũng bỏ đi khỏi nhà đã ba năm, không có tin tức, để lại hai con nhỏ. Mẹ chị May, bà Lợi ngồi ôm đứa cháu dại gầy gò, tay mân mê tấm thẻ chứng minh nhân dân chị May bỏ lại, mối liên lạc duy nhất đối với con gái. “Ơ, ở bản ni người mất tích nhiều lắm, số thì bị bắt đem đi, số thì đi lâu rồi không liên lạc về nhà”, trưởng bản Xeo Văn Dung nói. Em Moong Thị Ngọ (SN 2000) bị bắt đi đã bốn năm, gia đình không có tin tức. Nhẩm tính, có 14 -15 người đi Trung Quốc từ 5 - 6 năm, không liên lạc với gia đình. Chỉ vào cái lều của gia đình Xeo Văn Phing nay đã bỏ hoang, Minh kể: “Phing lấy vợ là Chanh, đã có ba con, vợ chồng cãi nhau nên Chanh bỏ sang Trung Quốc lấy chồng đã hai năm. Vừa qua, Chanh về tự đưa đứa con gái nhỏ sang Trung Quốc, Phing đóng lều về ở với anh trai”. Bi hài hơn, Moong Văn Huyên vừa mới cưới Moong Thị Khăm khoảng chừng ba, bốn tháng, khi Huyên đi rẫy, Khăm kêu ốm rồi bỏ đi Trung Quốc lấy chồng. Theo phong tục, phía nhà Khăm đã thỏa thuận đền bù cho Huyên 20 triệu để lấy vợ mới, nhưng nay Huyên vẫn chưa lấy. Lại có trường hợp đã lấy chồng bên Trung Quốc, nhưng sau trở về lấy chồng người Việt.  

Trưởng bản Xeo Văn Dung bức xúc: “Ở bản này có mấy trường hợp cha mẹ bán con, tôi đã đề nghị lên xã xử lý, nhưng chưa thấy có ý kiến gì”. Ngồi trên nhà sàn, vừa ăn chuối mỏ giang, ông Dung nói oang oang: “Nhà con H. cạnh đây này, vừa rồi bố mẹ nó mới bán con sang Trung Quốc, nói là được trả 120 triệu”. Được biết, H. hoàn cảnh éo le, bố mất, mẹ lấy chồng. H. lớn lên phổng phao như bông hoa giữa núi rừng, được người mối lái đưa sang Trung Quốc lấy chồng, sau khi sang và lấy chồng trót lọt thì tiền mới được đưa về cho gia đình. Một số trường hợp môi giới đến, thỏa thuận với gia đình, sau khi đưa người sang Trung Quốc lấy được chồng thì về đưa cho gia đình khoảng vài chục triệu.

 

Ông Moong Văn Tà, bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm nhớ con gái mất tích đã nhiều năm 
nhưng bất lực 

Tự bán mình

Danh sách phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn bán người tại cơ quan chức năng huyện Kỳ Sơn có 25 người, trẻ nhất 15 tuổi, lớn tuổi nhất là 33. Đây chỉ là các nạn nhân được cơ quan chức năng phát hiện, giải cứu từ các chuyên án điều tra. Một số kẻ đem các băng đĩa có quay cảnh đám cưới cô dâu Việt và chú rể Trung Quốc rầm rộ về chiếu cho bà con xem để làm mồi nhử, rồi hứa trả cho gia đình nhiều tiền. “Đối với nhiều người dân ở đây, vài chục, một trăm triệu là số tiền quá lớn”, chị Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn phân tích. Việc thỏa thuận, trao đổi với gia đình chỉ bằng miệng, phía gia đình đồng thuận, không có đơn từ. Trong thực tế, số nạn nhân còn lớn hơn nhiều, không ít trường hợp tự đi, tự bán mình.

Đến bản Huồi Thợ, tình cờ chúng tôi gặp chị Moong Thị May (SN 1989), vừa từ Trung Quốc về. May cao lớn, da hơi ngăm đen, rất khỏe mạnh. Lấy chồng cách đây 10 năm, đã có 2 con, nhưng chồng nghiện ngập, ly hôn, con đứa theo bố, đứa mẹ nuôi. Năm 2010, có người giới thiệu đi sang Trung Quốc, biết là để lấy chồng, May cũng chấp nhận. Khi May đi, người môi giới có đưa cho bố mẹ 5 triệu. Sang Trung Quốc, không có giấy tờ gì nên phải đi đường mòn. Cưới chồng (cùng tuổi, là trai tân) được một năm, sinh được con trai thì chồng đi lao động tại Malaysia, ba năm không về. Buồn chán, May đưa con trai là bé Thiên Thiên về Việt Nam. May cho biết gia đình chồng ở vùng ngoại ô Bắc Kinh (?), làm rẫy, thu nhập bình thường, cuộc sống cũng không quá vất vả. Bên đó cũng có nhiều người Việt lấy chồng Trung Quốc, chị em thỉnh thoảng liên hệ với nhau, mỗi người mỗi cảnh. May nói, người Trung Quốc lấy vợ Việt vì họ không đủ tiền cưới vợ trong nước. Người may mắn lấy được chồng khá thì đỡ, còn lấy phải chồng nghèo thì cũng vất vả. Hỏi, chồng có biết em đã có chồng mà vẫn lấy à, May cười: “Lúc đầu thì chưa biết, giờ thì biết rồi”. Sau khi lấy chồng, thỉnh thoảng May cũng được cho tiền về thăm nhà, chi phí đi về mỗi lần khoảng 3,5 triệu. May cũng nói chưa quyết định có trở lại Trung Quốc hay không. May nói thạo tiếng Bắc Kinh, nhưng không biết viết chữ, bé Thiên Thiên cũng chưa học được tiếng Việt. Khi tôi hỏi bằng tiếng Trung Quốc: “Thiên Thiên có nhớ bố không?”, bé nhìn mẹ cười, không trả lời.

Bản Lưu Thắng nằm cách trung tâm xã Chiêu Lưu khoảng 10km, 113 hộ thì có đến 83 hộ nghèo, còn lại 30 hộ cận nghèo, có vài chục thanh niên nghiện hút. Dân không có ruộng, mỗi nhà có hai mảnh rẫy, trỉa một yến (10kg) giống, tốt thì thu được 200 kg thóc, xấu thì chỉ được 100 kg; nhà nào giỏi mới đủ gạo ăn, còn thì thiếu đói triền miên. Dân sống du canh, năm nay làm mảnh này, năm sau đi mảnh khác. “Ơ, đừng đưa lên báo, xấu hổ lắm”, trưởng bản Cụt Thanh Sơn nói. Hỏi chuyện phụ nữ lấy chồng Trung Quốc, công an viên xóm Moong Văn Hải cẩn thận giở cuốn sổ ghi chép, rà lại, rồi cho biết từ 2011 đến nay có 62 phụ nữ của bản đang ở Trung Quốc, chủ yếu lấy chồng bên đó. Anh Hải đánh dấu sau mỗi cái tên đi đã lâu không liên lạc, tổng cộng có 11 người. Có người còn đưa cả chồng Trung Quốc về thăm nhà. Ban đầu một vài người đi, rồi về rủ rê, dụ dỗ người nhà sang bên đó, không báo với chính quyền địa phương.

Đang nói chuyện, vừa gặp Trưởng Công an xã Chiêu Lưu Lê Thanh Bình đi vào, ông lắc đầu: “Chúng tôi đã về làm việc với bà con, cảnh báo, răn đe nhiều về việc tự ý bỏ đi làm ăn xa, nhưng dân họ không nghe; vì đi bên ấy có tiền”. Nếu ở bản Huồi Thợ có tình trạng buôn bán người, thì ở bản Lưu Thắng, là việc nạn nhân “tự bán mình”. Cán bộ bản cho hay, họ tự đi một khoảng từ sáu tháng đến một năm, sau gửi tiền về cho gia đình, thấp nhất 20 triệu, cao thì 50 - 60 triệu, chỉ gửi có một lần. Tại Lưu Thắng, sau nghèo đói, là cảnh các gia đình tan nát vì cha mẹ mất con, chồng mất vợ. Ông Cốc Phò Hường vợ bỏ đi năm 2014, con trai là Cốc Văn Nghệ mới cưới vợ, vợ cũng bỏ đi. Nay hai cha con thui thủi đi làm rẫy. Có trường hợp cả gia đình 4 chị em gái rủ nhau đi Trung Quốc, mẹ đi rồi về lén chồng đưa con gái đi.

Họ mua người như mua rau, mua cỏ
Qua công tác điều tra, công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Phụ nữ Việt đưa sang Trung Quốc được “định giá” khác nhau, tùy theo độ tuổi, ngoại hình, đã có chồng hay chưa. Mức “giá” dao động từ 45 – 50 nghìn nhân dân tệ (khoảng 150 - 180 triệu VND), số tiền này môi giới đưa cho gia đình một phần, còn lại bỏ túi. “Họ ngã giá, mua người mình như mua rau, mua cỏ”, một cán bộ công an huyện Kỳ Sơn chua chát. Một nguồn tin khác cho biết “giá” phụ nữ Việt kịch trần là 280 triệu, “nhưng xấu quá họ không lấy”, nguồn tin nói.

 

 

QUANG ĐẠI

Quang Đại
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.