Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm chiến thắng Khe Sanh:

Khe Sanh – những mùa 20 tuổi

LÊ THỊ HIỆP |

“Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa”. Đại úy Lê Trọng Vớt (thôn Bái Sậy, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) kể lúc xưa từng có cuốn sổ cũ ghi những câu thơ, những bài hát của tuổi trẻ như thế.

Thuở ấy ông và đồng đội trẻ lắm, yêu đời và rắn rỏi kiên cường đến kỳ lạ. Ông bảo đó là những năm tháng “Tuổi 20 gửi lại chiến trường”.

Tôi hỏi chuyện chiến tranh, chuyện ông và đồng đội ở Khe Sanh, ông giọng buồn buồn: “Mấy bữa trước là ngày giỗ của thằng bạn, nó chết ở Khe Sanh… Chiến tranh biết kể gì bây giờ.

Đại úy Lê Trọng Vớt xem lại những kỷ vật của chiến trường, nhớ về những người bạn của mình.
Đại úy Lê Trọng Vớt xem lại những kỷ vật của chiến trường, nhớ về những người bạn của mình.

Chiến tranh nhiều kỷ niệm buồn, kỷ niệm chua xót, mất mát, đắng cay. Ta nói tuổi trẻ hào hùng, nhưng nó không hoa mỹ như cháu nghe đâu mà trần trụi và đớn đau lắm.

Từng đi qua cuộc chiến mới thấm thía hết được. Mình còn sống mình ăn mừng chiến thắng nhưng nhiều đứa bạn mình, đồng bào mình đã tan vào đất có biết mùi thắng lợi thế nào đâu…”.

Nơi “mùi sống”, “mùi chết” đan xen

Vào với chiến trường Khe Sanh, đại úy Lê Trọng Vớt thuộc Lữ đoàn 241 pháo cao xạ 14,5 ly và tên lửa A72 vác vai - Sư đoàn 367. Nhiều vũ khí đạn dược được hành quân đem từ Bắc vào chiến trường. Đơn vị được lệnh đóng quân tại Khe Sanh làm nhiệm vụ yểm trợ, các sư đoàn bộ binh 304, 390… yểm trợ bảo vệ thành cổ Quảng Trị.

Có lần ông Vớt cùng Ban chỉ huy đi công tác, bị pháo giàn từ biển bắn lên, sau đó rơi vào tọa độ tấn công của B52. Chỉ cần nghi ngờ có hoạt động của bộ đội là chúng rải bom rất khốc liệt.

Hết loạt bom anh em cào bới đất tìm chỉ huy, tìm đồng đội. Đất cát vùi lem không nhận ra mặt mũi từng người, anh em chỉ vội đếm số lượng.

Họp mặt đồng đội 241 pháo cao xạ năm 2012. Trong ảnh đại úy Lê Trọng Vớt thứ 2 từ trái sang.
Họp mặt đồng đội 241 pháo cao xạ năm 2012. Trong ảnh: Đại úy Lê Trọng Vớt thứ 2 từ trái sang, hàng trước.

Sau khi may mắn tìm đủ đồng đội, ông Vớt bất chợt hỏi chỉ huy: “Anh ơi, em còn sống không?”. “Để tao ra hỏi thằng B52, nó đánh dở thế”. Anh em cười òa, mếu máo ôm nhau khóc, vỗ vai nhau phủi bụi đất Khe Sanh mù mịt mũi tai. Mặt ai nấy được bom Mỹ phủ đất ngụy trang như đặc công. Nước mắt xẻ đất thành từng đường thẳng, xiên vẹo vọ trên má.

Ông bảo những lúc như vậy trên trận địa có rất nhiều mùi. Đó là mùi hôi rình của đất cát, chua lòm của mồ hôi, nước mắt. Đặc biệt là “mùi còn sống” của đồng đội. Và “mùi chết”, “mùi mất quân số” là lúc nào cào bới đồng đội mà cay nhòe mắt tìm máu xương anh em, trộn cùng mùi đất Khe Sanh đặc đạn pháo. Cái mùi ấy bao lần nhắm mắt ngửi thì bấy lần đớn đau. Vẫn biết người nằm cứ nằm, người sống chiến đấu tiếp nhưng cái mùi mất quân số nó khó khăn để chấp nhận lắm.

Ông bảo “thuở ấy đánh nhau quyết tử là công việc hằng ngày như các cháu dắt xe đi làm mỗi sáng, khi lui lại về lán hậu cứ cùng anh em, có khi lại hát hò kể chuyện cho vui”. Không ai sợ và nghĩ đến cái chết, trận nào cũng là quyết tử. Đôi khi hỏi nhau lao xao “về rồi à, có bị xẻ chỗ nào không”, “bắn trúng mấy cái”, “vẫn còn nhỉ, làm ly nước mát, nhỡ mai mốt đi không kịp uống, nước xịn đấy”…

Đơn vị nhiều anh có người thương, nhiều anh chưa kịp tiếp xúc tán tỉnh ai, vào chiến trường chả có cô nào để thầm thương trộm nhớ. Rảnh rỗi của những chàng trai, chuyện thích nhất là hát và kể nhau nghe về người yêu. Ai yêu rồi thì háo hức kể, cũng chưa chắc là thật, chưa yêu thì mặt nghệt ra và thường phải đi làm việc vặt để người có người thương kể chuyện, nhớ về các cô gái.

Thư và ảnh của các cô ở chiến trường là tài sản quý giá. Cô nào là người yêu của anh nào, quê quán ở đâu thậm chí bố mẹ vợ tương lai tên gì anh em thân nhau biết hết. Cái ảnh đen trắng như 4 ngón tay bọc ni lông cất kỹ trong ba lô hoặc túi áo ngực. Mấy đứa coi nhau như anh em, tài sản quý giá thi thoảng còn được đưa ra làm phần thưởng mỗi trận xuất kích: Bắn cháy một máy bay thì được xem ảnh người yêu của đứa khác. Bắn rơi tại chỗ thì được giữ ảnh cả ngày. Bắn rơi cái thứ 2 được đọc cả thư…

Bất chợt ông cười một hồi như chuyện mới xảy ra: “Có thằng ở Hậu Lộc (Thanh Hóa), nó bắn rơi được tận 5 cái máy bay. Về lán, anh em có mấy cái ảnh các cô nộp hết cho nó. Không có thư, còn mấy điếu thuốc lá cuốn nó thu sạch… phải xin mãi mới được trả…”.

Bánh chưng rớm máu đồng đội

Ở Khe Sanh, ông Vớt là một giao liên trận địa kiêm bảo vệ chỉ huy. Khe Sanh lúc này dù đã giải phóng nhưng chỉ hoàn toàn là bộ đội, không có dân. Trong rừng sâu có một số ít đồng bào người dân tộc Vân Kiều trốn chiến tranh, thi thoảng họ ra xin lương thực của bộ đội, không thể làm ăn hay sản xuất được gì.

Các địa điểm quyết liệt trước như Làng Vây, sân bay Tà Cơn đều trống trơn chỉ còn đồn bốt cũ của địch. Đây là những tọa độ đã lộ nên bộ đội ta không sử dụng ở những khu vực này. Lán hậu cứ, hầm hào được xây dựng bí mật trong rừng.

Cuộc sống đời thường của đại úy Lê Trọng Vớt. Hòa bình, nghỉ hưu ông về với ruộng vườn đất quê và rất thích nuôi thỏ, nuôi ong.
Cuộc sống đời thường của đại úy Lê Trọng Vớt. Hòa bình, nghỉ hưu ông về với ruộng vườn đất quê và rất thích nuôi thỏ, nuôi ong.

Thực tế mặt đất chúng ta kiểm soát nhưng trên bầu trời không quân Mỹ oanh tạc, bất cứ một nghi ngờ nào có bộ đội chúng đều rải bom rất thảm khốc. Năm 1972, với thế giằng co trên bàn đàm phán Paris, khi tiếng súng trên chiến trường chưa nghiêng về ta hay địch thì cuộc đàm phán ở Paris chỉ như “cuộc nói chuyện giữa những người điếc”. Thành cổ Quảng Trị là mục tiêu giành giật của Mỹ để tạo sức ép đàm phán.

Năm 1968, Khe Sanh từng là lá chắn sống đánh trận nghi binh quyết liệt cùng với chiến dịch Nậm Bạc để thu hút lực lượng địch và tạo đòn bất ngờ cho toàn đô thị miền Nam, thì giờ đây một lần nữa vì mục tiêu lớn Khe Sanh là lá chắn sống, tập kết binh lực, yểm trợ chiến đấu bảo vệ thành cổ.

Ông Vớt vẫn nhớ những khẩu hiệu thuở Khe Sanh lửa đạn: “Bí mật, an toàn, ngụy trang kín đáo”, “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Bộ đội còn - Quảng Trị còn”!

Ông Vớt nhớ mãi mùa Tết ở Khe Sanh 1972. Tết đó chuẩn bị thịnh soạn lắm, có hẳn thịt lợn và gạo nếp để nấu bánh chưng. Không khí Tết rộn ràng hậu cứ Khe Sanh trước cả tuần. Mấy anh ngâm gạo nếp còn đùa nhau: “Gạo hậu phương đấy, đố tụi mày hạt nào là của người yêu tao cấy, hạt nào là của mẹ tao gửi vào”. Mấy anh em hùa vào: “Ừ thì của nhà mày hết”. Rồi nhét đầy miệng mấy đứa bạn toàn gạo trắng tươi.

Kế hoạch gói bánh ăn Tết được thao thức cả tuần. Mấy anh thái thịt lợn còn hò nhau: “Sau này hết đánh nhau, tao nuôi cả đàn lợn, tết nào tao cũng gọi tụi bay đến ăn bánh toàn thịt không cần gạo nếp…”. Bất ngờ một loạt bom rải trúng khu vực lán, 2 đồng chí báo vụ hi sinh. Gạo nếp nhuộm máu tươi đồng đội, đất cát trộn vùi rổ gạo dở dang. Anh em nhòe cay cồn cào tận đáy mắt, không ai phân biệt được trong cái rổ ấy gom về đâu là xương máu đồng chí mình và đâu là thịt chuẩn bị gói bánh.

Hôm đó chỉ huy đến xốc lại tinh thần anh em: “Chiến tranh là mất mát, các đồng chí phải vững tinh thần vì hòa bình cho con cháu. Sau này sẽ có những cái Tết rộn mùi bánh chưng, hồng sắc đào phai khi hòa bình”. Anh em lặng lẽ đãi cát sạn, gói rổ bánh chay, có hai cái cúng mời hai đồng chí đã hi sinh.

Ông Vớt đã đi qua một cái tết Khe Sanh đầy mất mát như thế. Giờ già rồi, nhiều khi ngại gói bánh tết, chợt nhớ mấy cái bánh khổ cực rớm máu đồng đội ở chiến trường… lại đi bày biện để gói. Tết hòa bình mới đủ đầy, ấm no làm sao!

Nếu không có hòa bình…

Sau Hiệp định Pari, đơn vị ông Vớt được lệnh rút ra ngoài chuẩn bị cho các nhiệm vụ khác. Ông tạm biệt Khe Sanh, tạm biệt Quảng Trị từ ấy. Sau này đôi lúc đồng đội cũ họp mặt, gặp lại nhau trong những năm tháng ấm no hơn, những người lính cũ lại hỏi nhau: “Nghe nói trong ấy giờ phát triển, giờ tươi đẹp lắm!”.

Và nếu không có hòa bình, công sức và ước mơ của các ông về những cái bánh chưng toàn thịt, nhưng cô gái chờ đợi ở hậu phương, những tấc đất Khe Sanh, những đồn bốt ở Làng Vây, ở sân bay Tà Cơn không thể có ngày đơm hoa kết trái ngọt được. Nếu không có hòa bình mọi thứ chỉ là mơ ước dở dang. 

Ông Vớt trầm ngâm, bảo ước mơ lớn nhất của đời mình là được thảnh thơi nuôi thỏ, nuôi ong chứ không hề thích cầm súng đánh nhau. Ông bảo không ai nghĩ đi chiến đấu để được làm anh hùng, được tôn vinh, được trả công, mà chỉ mong con cháu mình không phải đánh nhau như mình nữa, gian khổ lắm.

“Giữa con người với nhau mà nói, nếu các bác hồi ấy bắn rơi một máy bay, thì cái tên phi công kia chết suy cho cùng cũng là con người. Có điều khi nó rải bom nó có nghĩ dân mình, bộ đội mình là con người không thôi. Ta hay địch chết đều là mạng người cả, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thì phải tiêu diệt… Nhưng mà thôi cứ hòa bình là tốt nhất” – ông Vớt nói.

 
 
 

LÊ THỊ HIỆP
TIN LIÊN QUAN

Khe Sanh yêu kiều

LÂM CHÍ CÔNG |

Năm 1968, nhà thơ - chiến sĩ Ngô Kha viết: “Rồi sẽ thấy, và nhất định thấy. Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo. Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây”. Nửa thế kỷ sau, dự cảm đó đã thành hiện thực.

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

TÂM AM - VŨ VĂN NINH |

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.

Về một người anh hùng của trận đánh Khe Sanh

NGUYỄN NGỌC DIỄM |

“Đánh giặc xong là về nhà thôi. Tôi không nghĩ mình sẽ là anh hùng”.  Ông Nguyễn Văn Nhương (quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nói chân thành như vậy khi nhìn lại cuộc đời gần 30 năm binh nghiệp của mình. Ông Nhương đã tham gia 175 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay, diệt 2 xe tăng và 54 tên địch, trong đó có chiến công tại sân bay Tà Cơn, góp công vào chiến thắng Khe Sanh lịch sử.

Hà Nội dự báo số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao vào đầu tháng 4

PHẠM ĐÔNG |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường dự báo đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao sẽ gây ra tình trạng ùn tắc.

Lãi suất ngân hàng hôm nay 10.3: Top ngân hàng lãi suất cao nhất tháng 3

Hương Nguyễn |

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Lãi suất cao nhất thị trường lên tới 10% cho kỳ hạn 13 tháng. Cập nhật trọn bộ lãi suất Agribank, SCB, Sacombank, Vietcombank... mới nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Song Minh |

Ngày 10.3.2023, ông Tập Cận Bình được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 3 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Kiến nghị phương tiện quá hạn đăng kiểm 15 ngày được di chuyển

Hiếu Anh |

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt đăng kiểm.

Cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu sẵn sàng quay lại công việc

Hiếu Anh |

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, Cục Đăng kiểm kêu gọi cán bộ đã nghỉ hưu tham gia công tác đăng kiểm.

Khe Sanh yêu kiều

LÂM CHÍ CÔNG |

Năm 1968, nhà thơ - chiến sĩ Ngô Kha viết: “Rồi sẽ thấy, và nhất định thấy. Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo. Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây”. Nửa thế kỷ sau, dự cảm đó đã thành hiện thực.

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

TÂM AM - VŨ VĂN NINH |

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.

Về một người anh hùng của trận đánh Khe Sanh

NGUYỄN NGỌC DIỄM |

“Đánh giặc xong là về nhà thôi. Tôi không nghĩ mình sẽ là anh hùng”.  Ông Nguyễn Văn Nhương (quê ở xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) nói chân thành như vậy khi nhìn lại cuộc đời gần 30 năm binh nghiệp của mình. Ông Nhương đã tham gia 175 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay, diệt 2 xe tăng và 54 tên địch, trong đó có chiến công tại sân bay Tà Cơn, góp công vào chiến thắng Khe Sanh lịch sử.