Ia H’Drai, gỗ lậu tập kết công khai

Đình Văn |

Gỗ được cưa, xẻ tại Campuchia sau đó được kéo về Việt Nam, qua đường biên. Huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) là nơi trung chuyển. Hàng chục bãi tập kết, với rất nhiều phách gỗ nằm rải đều tại đây. Đã hình thành “tập đoàn” lâm tặc, với mô típ hoạt động rất “xã hội đen”. Khu vực này có 3 Đồn biên phòng của Kon Tum trấn ải, tuy vậy gỗ vẫn “đầu xuôi đuôi lọt”.

“Thánh địa” gỗ lậu

C - tên của người dẫn đường - nói với tôi rằng, ở huyện Ia H’Drai, gỗ lậu tập kết rất công khai. Các băng nhóm đầu nậu từ nhiều tỉnh, thành chọn đây làm “cứ địa” để làm ăn. Việc mua bán, ngã giá diễn ra ngay tại vùng biên hai nước Campuchia - Việt Nam.

Lán trại dựng lên, các đường mòn được khai mở, gỗ từ Campuchia mặc nhiên cứ thế tuồn sang. Việc của đầu nậu là rất đơn giản, dùng máy cày kéo từng phách gỗ một về bãi tập kết. Đợi đêm xuống, cẩu lên xe tải, ung dung về xuôi, 70% số lượng gỗ lậu được đưa về qua địa bàn tỉnh Gia Lai.

Huyện biên giới Ia H’Drai mùa này ngút ngàn tầm mắt rừng caosu bát ngát. Bề ngoài rất yên bình, nhưng bên trong âm thầm diễn ra những “cuộc chiến” khốc liệt của tệ nạn buôn bán gỗ lậu. “Thiên thời, địa lợi” hiện tại đang thuộc về các đầu nậu khi chính quyền huyện Ia H’Drai đang hối hả, bận bịu với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trụ sở các cơ quan hành chính, vì vừa tách huyện. Thêm nữa, vị trí đắc địa nơi vùng biên giáp ranh tỉnh Ratanakiri (Campuchia) với nhiều lối mở được xẻ ra, trở thành đất làm ăn cho các băng nhóm buôn bán gỗ.

Không khó để phát hiện các bãi gỗ tập kết tại huyện Ia H’Drai. Khu vực làng Thanh niên (xã Ia Dom), tại đây 3 bãi gỗ liên tiếp, nằm ngay sát đường. Gỗ tròn và gỗ xẻ nằm chồng nhau, la liệt với mỗi phách dài 3-5m, đường kính 60cm. Đi thêm 200m, gỗ công khai bỏ dọc trên đường tuần tra của biên phòng. Đi sâu vào rừng caosu, bãi tập kết đầu tiên hiện ra. Gỗ tròn đưa từ Campuchia sang, ngay sau đó được cắt gọt bìa, thành hộp vuông bằng cưa xăng, mùn cưa rải vàng cả khu vực. Cạnh đó, nhiều lóng gỗ kiền kiền nằm ngay bên dưới tấm bảng gắn trên cây caosu với dòng chữ: “Cty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Nông trường 1, lô 132”.

Con đường đất đỏ vào rừng caosu bị vệt bánh xe cày nát, hằn lún. Những chiếc xe tải chở gỗ từ bãi ra đường lộ ngang nhiên, nhưng chẳng ai dại lên tiếng để mang họa vào thân. Bãi tập kết này ở cột mốc số 13, của một người tên Tân, chỉ có con đường ra duy nhất đi ngang qua Đồn Biên phòng Suối Cát, bãi gần nhất chỉ cách đồn này khoảng 300m.

Dọc đường vùng biên, C vắn tắt: “Ở đây, trên dưới 10 bãi gỗ”. Quay ngược trở ra, chúng tôi tiếp cận bến bãi ở cột mốc 33. Tại một lối mở được rào chắn lại, bên trong là 2 bãi gỗ gõ và kiền kiền nằm sát nhau. Hơn 50 phách gỗ đỏ au, nằm ẩn dưới tán cây rậm rạp. Phách nào phách nấy dài đến 5m, dày 40cm. Gỗ được đưa từ các lối mở, chờ đêm xuống, chất lên xe tải, băng rừng về xuôi. Điều nhận biết là trên đầu mỗi phách gỗ đều có ký hiệu: “HL” của một chủ gỗ tên Hòa. Tại bãi các lối mở được rào chắn ngụy trang nhưng thực chất bên trong là bãi tập kết.

Băng qua các con suối lầy lội, lởm chởm đá. Một bên là vách đá, một bên là vực. Sẩy chân chỉ có nước bỏ mạng. Hổn hển qua khỏi con dốc thì đến bãi gỗ thứ ba ngay tại cột mốc số 14. Bến bãi này, chỉ sót lại 5-7 lóng gỗ tròn, trong đó có lóng to đến 3 người ôm, đường kính hơn 1,5m. Gỗ bị mưa rừng giội vào, bên ngoài ẩm mốc, bên trong thớ thịt rất đẹp. Trên mỗi lóng gỗ đều ký dòng chữ: “Lương MC”. “Đây là tên của chủ bãi này. Trên một vùng rộng lớn, một đầu nậu có thể bao chiếm nhiều bến bãi khác nhau” - C thông tin.

Gỗ lậu tại vùng biên huyện Ia H’Drai, Kon Tum. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Dễ dàng qua mặt biên phòng

Vòng xuống đến khu vực rừng caosu của Nông trường Suối Đá (Cty Caosu Sa Thầy), tại lô 62, PV Báo Lao Động tận thấy hai bãi gỗ khủng nằm án ngữ tại đây. Gỗ chồng chất, với hơn 10 phách gỗ to tướng, mỗi phách dài 4-6m, rất dày. Cách đấy chưa đến 100m, là bãi 8 phách gỗ nằm san sát. Gỗ ở đây là gõ, giá trị lớn. C băn khoăn: “Bãi này chưa có ký hiệu, có thể là một tay đầu nậu mới nổi”.

Dọc đường lô caosu, vài ba lóng gỗ nằm vương vãi, chưa kéo vào bãi tập kết. Bãi này, cách đường tuần tra của biên phòng chưa đến 200m. Cũng trên cung đường này, nhánh đối diện vào lô caosu khác là bến bãi 15 phách gỗ. Chúng vừa được kéo từ vùng biên Campuchia sang, bùn còn chưa khô hẳn, vương vãi khắp các thân gỗ. Đường vào bến bãi, bị vệt bánh xe cày xới, tan hoang. Không khó nhận ra vị trí, khi số gỗ nằm ngay ở lô caosu 14A của Nông trường Suối Đá.

Nhiều bến bãi mọc lên đương nhiên lán trại theo đó cũng được dựng theo. Lán phủ bằng bạt, chống đỡ bằng các cọc gỗ chắc chắn. Bên trong nhiều can xăng loại 20L, lốp xe tải nằm lăn lóc, võng ngủ, thức ăn dự trữ phục vụ cho việc trung chuyển gỗ lậu.

Tại cột mốc 22, tôi và C “vào thăm” một lán trại của nhóm người Campuhia đang trú ngụ, nấu nướng nằm trên đất Việt Nam. “Đây là chốt gác của Biên phòng Kon Tum bỏ lại, giờ họ (người Campuchia) tận dụng, sửa chữa vào ở nhằm đưa gỗ từ Campuchia về Việt Nam”, C tỏ ra am hiểu. Thật bất ngờ, lán này không xa Trạm Biên phòng Suối Đá (Đồn Biên phòng Sa Thầy).

Ở khu vực vùng biên hai nước, tôi và C dễ dàng nghe tiếng xe máy cày gầm rú. Những chiếc xe máy cày vặn hết ga để leo đồi từ nước bạn qua Việt Nam, khói xe tỏa xanh cả một góc. Tiếng xe ngày một gần, sát hơn, C kéo tay tôi nói: “Tìm chỗ nấp để xem máy cày kéo gỗ vào bãi”.

Một chiếc máy cày màu xanh nước biển kéo theo phách gỗ dài 4m, lặc lè bò lên con dốc cao chót vót, lội qua con suối, lừ lừ tiến vào bãi. C phân tích: “Ở đây, gỗ kéo từng lóng một vào bãi bằng cáp tời, kéo đầy thì dừng lại, khuya chờ xe tải vào xuất đi”. Trong đêm, 3 lóng gỗ mới toanh được đưa vào bãi, tiếng xe gầm vang, nhưng chẳng thấy lực lượng biên phòng xuất hiện.

Theo điều tra, tất cả các xe gỗ muốn ra khỏi huyện Ia H’Drai buộc phải đi trên các đường tuần tra biên giới rồi ra QL14C, và phải qua 3 Đồn Biên phòng gồm Đồn Biên phòng Suối Cát, Đồn Biên phòng Hồ Le và Đồn Biên phòng Sa Thầy cùng 1 trạm gác liên ngành có barie phân cách ranh giới hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Cấp cao hơn nên vào cuộc

Tôi đặt lên bàn làm việc của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum - đại tá Phạm Ngọc Phú - tất cả những hình ảnh ghi lại được. Ông Phú tỏ ra bất ngờ: “Tôi chưa nắm được, sẽ chỉ đạo anh em báo cáo ngay”. Đồng thời, xin PV mô tả vị trí các cột mốc có bãi tập kết để có phương án xử lý. Tuy vậy, ông Phú “nghi vấn” các bãi gỗ này khả năng sót lại của các DN nhập khẩu gỗ trước đó mà chưa vận chuyển hết.

Trả lời vấn đề này tại trụ sở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (CCKL Kon Tum) - ông Trương Văn Tuấn - phản bác: “Bây giờ toàn bộ trên đường biên, các Cty xuất nhập khẩu gỗ không còn tồn một lóng gỗ nào cả. Từ ngày 30.6, các cơ quan chức năng đi kiểm tra toàn bộ, thì gỗ đã không còn ở đường biên mà đưa vào các kho xưởng của họ hết rồi”.

Khẳng định “trên khu vực này, toàn bộ rừng tự nhiên thuộc Việt Nam là không còn, khả năng đặt dấu hỏi là gỗ được kéo từ Campuchia về”, Phó Chi cục trưởng CCKL Kon Tum - ông Nguyễn Hoài Tâm nhấn mạnh: “Khi tỉnh Kon Tum thành lập tổ liên ngành kiểm tra, giám sát tất cả các hàng hóa, không riêng gì gỗ từ Campuchia sang Việt Nam, qua lại tất cả các lối mở, tỉnh đã giao quyết định cho biên phòng thì biên phòng phải chịu trách nhiệm chính”.

Khu vực biên giới náo động tiếng xe máy cày, xe tải gầm rú với hàng chục bãi gỗ nằm san sát. Việc trung chuyển gỗ lậu ung dung đi qua nhiều trạm gác của các Đồn Biên phòng Kon Tum.

Ai bảo kê, ai tiếp tay? Câu trả lời đang đợi sự kiểm tra chấn chỉnh ở cấp cao hơn.

* Sau khi xem hình ảnh PV cung cấp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum - ông Bùi Thanh Bình - khẳng định ngay: “Rõ ràng về nguyên tắc, (gỗ) nằm trong vùng quản lý đường biên là trách nhiệm của biên phòng, và thứ hai là chính quyền sở tại”. Ông nói thêm, phải xem lại trách nhiệm của biên phòng, nếu có chuyện gỗ lọt qua được khu vực huyện Ia H’Drai. Đồng thời, ông Bình cam kết có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

* Khu vực huyện biên giới Ia H’Drai được Bộ Quốc phòng đầu tư hẳn con đường bêtông ximăng thẳng tắp. Nay, nhiều đoạn đã bong tróc, vỡ vụn do xe tải chở gỗ đè sập. Đã có 13 trụ bêtông hạn chế chiều cao bị các băng nhóm đầu nậu đập bỏ, trơ cả khung sắt. Nếu không đập bỏ thì xe tải chở gỗ lậu của chúng không qua được.

Đình Văn
TIN LIÊN QUAN

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.