Hẹn mùa ra khơi!

LÂM HƯNG THƠ |

Những ngày cuối năm, trời không nắng, gió lạnh kèm mưa rả rích, chúng tôi lại đi dọc các vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị để gặp những ngư dân từng xuất hiện trên báo Lao Động với vẻ mặt buồn so sau sự cố cá chết do Formosa gây ra. Khác với tiết trời, khác với những hình ảnh buồn trước kia, nay thuyền thúng không còn sấp ngửa trên đụn cát, lưới không còn vo tròn vứt chỏng chơ ở góc nhà. Dù chưa đủ đầy để dùng câu “trên bến dưới thuyền”, nhưng ngư dân gần bờ đã lấy lại phần nào niềm tin, bởi cá đã kéo nhau trở về, những con thuyền cũ kỹ, nhỏ thó đã được nâng cấp, lưới đã được vá lành để chuẩn bị cho vụ mùa mới: Mùa ra khơi

Cá khoai “gọi” tết

Áp Tết Dương lịch, không khí lạnh ập về khiến những ngư dân ở vùng bãi ngang của tỉnh Quảng Trị chậc lưỡi tiếc rẻ, bởi mùa cá khoai chỉ mới bắt đầu được vài hôm, thuyền mới ra khơi đã phải “phanh” lại vì thời tiết. Cũng vào thời gian này năm ngoái, chúng tôi lang thang ở vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng của huyện Triệu Phong (Quảng Trị), lúc đó nhà nào cũng vắng bóng, ngư dân đều ra biển. Thôn 6 của xã Triệu Lăng có 300 hộ, thì có đến 167 chiếc thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, thời điểm đó mỗi người ra khơi vài giờ là kiếm hơn 500.000 đồng, trúng mánh thì vài triệu. Cứ nhớ mãi lời của anh Trần Luân - Trưởng thôn 6 của xã Triệu Lăng, rằng: “Ngày nào cũng thu nhập chừng này là ổn, là dân bãi ngang có tết rồi”. Anh Luân còn kể, trước kia giá cá khoai rẻ như bèo, thậm chí cho còn không ai ăn, nên ngư dân đem vào làm thức ăn cho lợn. Nhưng rồi bỗng nhiên người dân ưa chuộng, cứ mỗi kilôgam cá khoai mua tại bến đã 70.000 đồng/kg, trong lúc thuyền chỉ đi tầm 6 hải lý là đã đầy khoang, nên ngư dân bãi ngang mừng khôn xiết.

Mưa rả rích kèm rét, nên bây giờ dọc các bờ biển bãi ngang tạm vắng bóng tàu gần bờ, chỉ duy nhất ngư dân Trần Hồng Lĩnh (SN 1983, trú tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đang loáy hoáy với chiếc tàu 45CV vừa mới nâng cấp. Từ lúc sự cố cá chết, anh Lĩnh không ra khơi, nhưng khi biết mình sẽ nhận được hơn 90 triệu đồng tiền đền bù, anh lập tức lật ngửa chiếc thuyền 10CV bấy lâu nay bỏ không để tu sửa. Từ 10CV, tàu được nâng cấp lên thành 45CV và được “hạ thủy”, đi biển trở lại cách nay chưa đầy 1 tuần với 2 chuyến. Hai chuyến đi nhưng như lời anh Lĩnh nói, là chuyến đi đầy hy vọng, đem lại niềm tin cho anh cũng như các bạn thuyền: “Chúng tôi bủa lưới bắt cá khoai. Bất ngờ là mới đầu vụ nhưng cá khoai rất nhiều, dự báo năm nay nhiều hơn năm trước. Bắt được cá rồi thì lo giá cả rẻ rúng, nhưng không ngờ được thu mua cao, không có cá mà bán thôi” - anh Lĩnh vui mừng.

Hai chuyến ra khơi xa nhất chưa đến 6 hải lý, mỗi chuyến vài giờ đồng hồ nhưng anh Lĩnh đã thu về hơn 10 triệu đồng từ số cá khoai đánh bắt được. Mới đầu vụ và thời tiết không tốt cho lắm, nhưng vẫn bắt được cá khoai, biết tin này ngư dân nào cũng rạo rực, đặc biệt là vùng bãi ngang. “Trời rét và biển động nên chỉ được từng ấy, chứ mấy ngày tới ấm lên thì chắc chắn cá sẽ về nhiều hơn. Giá hiện tại cao nhất 100.000 đồng/kg, nếu thấp xuống 70.000 đồng/kg vẫn lãi. Trời yên biển lặng là ra khơi để đánh bắt để bù lại thời gian nằm bờ mấy tháng nay” - anh Lĩnh cười tươi rói. Không chỉ anh Lĩnh, mà bây giờ, đến các vùng bãi ngang nghèo của huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng ở tỉnh Quảng Trị, nơi nào cũng đã và đang tất bật, nóng lòng đợi biển êm ả để ra khơi với mùa cá khoai. “Ngư dân chúng tôi nói đùa rằng “cá khoai gọi tết”, vì không chỉ mùa cá này sẽ cho thu nhập khá, mà dịp tết hầu như gia đình nào ở đây cũng làm nồi lẩu, nồi cá khoai kho khô để mừng năm mới” - anh Lĩnh cho hay.

Ngư dân tu sửa, nâng cấp tàu thuyền, đợi thời tiết ổn định sẽ vươn khơi . Ảnh: H.T

Vụ mùa mới...

Lúc mới xảy ra sự cố cá chết, lão ngư Trương Xuân Thiệt ở thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) là người mà chúng tôi tiếp xúc đầu tiên. Với gương mặt nhăn nhúm, ủ rũ khi ngồi bệt trên bãi cát cạnh chiếc thuyền và mớ lưới, ông Thiệt đã không thốt nên lời. Bây giờ, ghé ngang qua nhà, ông Thiệt tay bắt mặt mừng, kể rằng mới nhận được 65 triệu đồng tiền đền bù cách nay gần 1 tháng. Tiền đền bù đó, ông Thiệt không tiêu pha một đồng vào việc riêng, mà tập trung cho hai chiếc thuyền 8CV và 10CV cùng một mớ vàng lưới mới tinh.

Ông Thiệt kể, vừa sắm một số vàng lưới loại mới mà ở địa phương chưa ai sử dụng. Ông Thiệt mua loại lưới này ở miền Nam, dự định sẽ đi vài chuyến thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ mua thêm để dùng cho cả hai chiếc thuyền của gia đình. “Mấy hôm nay mưa gió, biển dữ dằn quá. Khoảng dăm bữa nửa tháng nữa là êm, ấm lên tí là cha con tui lại ra biển thôi. Hôm rồi chúng tôi đi một chuyến, tranh thủ ra mấy lý coi răng, thì cũng bắt được một mớ cá nên ai cũng hy vọng” - ông Thiệt nói, rồi khoe hai chiếc thuyền và đồ nghề vừa mới tu sửa, nâng cấp.

Những vết sơn trên chiếc thuyền đã khô, những vàng lưới đã nêm chì, vào phao sẵn sàng, hai người con trai của ông Thiệt là anh Trương Xuân Sỹ và Trương Xuân Lành cũng không còn tha phương đi làm thợ “đụng”, mà trở về quê để chuẩn bị vươn khơi cùng bố - đó là niềm động viên, giúp lão ngư ở tuổi 70 này thêm vững tin vào một vụ “mùa” mới. Thêm nữa, 4 tháng trước ông Thiệt đánh bắt được mấy tạ cá trích, do lo ngại cá bị nhiễm độc nên ông đưa vào hũ để ủ lấy mắm chứ không bán. Số nước mắm thu được này, ông Thiệt nhờ đứa cháu đưa đi xét nghiệm, cho kết quả an toàn nên ông rất hài lòng. “Thuyền sẵn sàng rồi, lưới sẵn sàng rồi, tinh thần của chúng tôi cũng phấn khởi, chỉ mong vụ cá tới đến nhanh để còn có cái mà ăn tết” - ông Thiệt chia sẻ.

Cá khoai mới vào vụ, nhưng ngư dân dự báo được mùa, được giá.

Thuyền vừa cập bờ sau chuyến ra khơi hôm 26.12, anh Phan Thanh An (khu phố An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) tranh thủ nghỉ ngơi mấy ngày, vừa tránh đợt áp thấp. Chuyến rồi, chỉ chưa đầy 2 ngày ra khơi nhưng chiếc thuyền 135CV của anh An thu được 40 triệu đồng, trừ đi chi phí thì lãi 30 triệu đồng. Bấy lâu nay, anh An cùng bạn thuyền đánh bắt cách bờ khoảng 20 hải lý, gần khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) với nghề lưới bùng nhùng và câu vàng. Mỗi chuyến đi trên tàu của anh An có khoảng 7 người với thời gian ra khơi 2 - 3 ngày, các loại cá bắt được chủ yếu là cá thu, cá quỵt. “Trước, giá các loại cá áng chừng 100.000 đồng/kg, nay giảm xuống khoảng 80.000 đồng/kg. Nhưng may mắn là vùng đánh bắt của chúng tôi nay sản lượng cá đã ổn định, nên cũng có đồng ra đồng vào” - anh An cho hay. Có thu nhập, tới đây anh An còn được nhận tiền đền bù do sự cố môi trường, nên ngư dân này dự định sẽ nâng cấp cả máy và chiếc thuyền để vững vàng hơn trên biển.

Cũng chung tâm trạng như những ngư dân mà chúng tôi đã gặp, ông Nguyễn Văn Khiến (trú tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) đang sửa sang, lắp chiếc máy mới cho chiếc thuyền 9CV của mình. Từ ngày nhận được tiền đền bù, ông Khiến cứ mải mê với những vàng lưới và máy móc ở chiếc thuyền này. Nghề gắn với ông từ tấm bé đến bây giờ, nên ông không có ý định rời biển, rời nghề đánh bắt cua, cá, ghẹ ven bờ dù sự cố môi trường như một cơn lốc làm kiệt nguồn thủy sản ở nơi đây. Ông Khiến bảo “nghề nào nghiệp nấy, vụ cá nam vừa rồi cá tôm vắng bóng, đánh bắt thất bại. Chừ thì hy vọng vụ tới, bởi đợt rồi bạn thuyền của tôi ra khơi và đã thu được thành quả. Ngư dân chỉ mong vậy, có thuyền, có lưới, có cá thì đợi tiết trời ổn định, vào vụ là vươn khơi mà kiếm sống thôi”.

Thuyền sẵn sàng rồi, lưới sẵn sàng rồi, tinh thần của chúng tôi cũng phấn khởi, chỉ mong vụ cá tới đến nhanh để còn có cái mà ăn tết” - lão ngư Trương Xuân Thiệt ở thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) chia sẻ.
LÂM HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Những mùa tôm thăng trầm

Ghi chép của Nhật Hồ |

Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch trở thành “thủ phủ” tôm Việt Nam. Ngày 5.12, tại Bạc Liêu, khi làm việc với 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng một lần nữa xác định: Xây dựng Bạc Liêu là trung tâm vùng nguyên liệu tôm Việt Nam, đồng thời đề nghị Bạc Liêu chuẩn bị hạ tầng cơ sở để quy hoạch vùng sản xuất tôm giống của ĐBSCL. Và cũng từ đó, câu chuyện nuôi tôm trở nên "nóng bỏng" trên các diễn đàn chính sự ở Bạc Liêu.

Làng chài sẽ lùi vào kí ức

Thùy Trang |

Giữa năm 2016, TP Đà Nẵng có kế hoạch giảm số lượng tàu công suất nhỏ hơn 20CV. Điều này đồng nghĩa với những làng chài ven biển Nam Ô, Thọ Quang, Mân Thái sẽ gần như sạch bóng thuyền thúng. Câu chuyện về những người dân chài tối ra khơi, sáng về tôm cá đầy khoang trong nay mai cũng sẽ trở thành kí ức ngay giữa vùng đất biển.

Những "Tấm lòng vàng" kịp thời tiếp sức cho người vùng lũ

Hoàng Văn Minh |

Hơn 1,2 tỷ đồng – con số tạm thời - của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân Bình Định trong dịp này cũng không phải là ít, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể so với những mất mát và khó khăn mà người dân ở đây đã và đang chịu đựng. Sẽ là một mùa Tết đói kém của người dân vùng rốn lũ Bình Định và miền Trung. Nhưng có thể, sắp tới sẽ là một mùa Tết ấm áp và hạnh phúc nếu có nhiều hơn những “tấm lòng vàng”, nhiều hơn những tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước…

Người Hòn Sơn chật vật giữ nghề nước mắm truyền thống

LÊ TUYẾT |

Nghề làm nước mắm, khai thác thủy hải sản là nghề chính của dân đảo Hòn Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Giai đoạn hưng thịnh, nghề làm nước mắm truyền thống ở đây có tới vài chục nhà thùng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, số nhà thùng trên đảo cứ giảm dần, giờ chỉ còn ba hộ bám nghề. Khi lượng cá giảm sút, nghề nước mắm truyền thống bị cạnh tranh bởi nước mắm công nghiệp, họ - những người làm nước mắm thùng ở Hòn Sơn, muốn giữ được nghề của ông cha không phải là chuyện dễ dàng, mà ở đó còn có cả sự hy sinh.

Hình nộm rồng bốc cháy, hàng trăm người xin lửa cầu may đêm giao thừa

QUÁCH DU - HOÀNG DƯƠNG |

Thanh Hóa - Năm nào cũng vậy, cứ đêm giao thừa, dân làng Đồng Bồng (xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) lại huy động thanh niên trai tráng đi rước lửa từ trong ngôi đền ra đình làng để làm lễ, sau đó châm lửa vào hình nộm một con rồng (đã được chuẩn bị trước), để dân trong làng châm lửa mang về nhà, cầu may một năm mới an khang thịnh vượng.

Táo Quân 2023 trào lộng với hình ảnh dàn Táo nhảy điệu "đúng hay sai"

Mi Lan |

Tại Táo Quân 2023, khán giả được nhắc nhớ lại những khoảnh khắc đầy dấu ấn của chương trình suốt 20 năm lên sóng.

Người dân phố cổ tất bật bày biện mâm lễ cúng giao thừa

NHÓM PV |

Trên các tuyến phố Hàng Thiếc, Hàng Buồm, Hàng Nón, nhiều gia đình tất bật bày biện mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời, chờ thời khắc chuyển sang năm mới Quý Mão.

Lên phố xem bắn pháo hoa Hồ Gươm, "méo mặt" giá gửi xe máy 100.000 đồng

Nhóm PV |

Càng gần giao thừa, lượng người đổ về các điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội càng lớn. Lượng người càng tăng, các điểm trông giữ xe càng đua nhau tăng giá, có nơi còn báo giá 100.000 đồng/xe. Còn người dân thì đành phải ngậm ngùi cho qua vì có muốn cũng chẳng còn lựa chọn khác.

Những mùa tôm thăng trầm

Ghi chép của Nhật Hồ |

Bạc Liêu là tỉnh duy nhất của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch trở thành “thủ phủ” tôm Việt Nam. Ngày 5.12, tại Bạc Liêu, khi làm việc với 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng một lần nữa xác định: Xây dựng Bạc Liêu là trung tâm vùng nguyên liệu tôm Việt Nam, đồng thời đề nghị Bạc Liêu chuẩn bị hạ tầng cơ sở để quy hoạch vùng sản xuất tôm giống của ĐBSCL. Và cũng từ đó, câu chuyện nuôi tôm trở nên "nóng bỏng" trên các diễn đàn chính sự ở Bạc Liêu.

Làng chài sẽ lùi vào kí ức

Thùy Trang |

Giữa năm 2016, TP Đà Nẵng có kế hoạch giảm số lượng tàu công suất nhỏ hơn 20CV. Điều này đồng nghĩa với những làng chài ven biển Nam Ô, Thọ Quang, Mân Thái sẽ gần như sạch bóng thuyền thúng. Câu chuyện về những người dân chài tối ra khơi, sáng về tôm cá đầy khoang trong nay mai cũng sẽ trở thành kí ức ngay giữa vùng đất biển.

Những "Tấm lòng vàng" kịp thời tiếp sức cho người vùng lũ

Hoàng Văn Minh |

Hơn 1,2 tỷ đồng – con số tạm thời - của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân Bình Định trong dịp này cũng không phải là ít, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể so với những mất mát và khó khăn mà người dân ở đây đã và đang chịu đựng. Sẽ là một mùa Tết đói kém của người dân vùng rốn lũ Bình Định và miền Trung. Nhưng có thể, sắp tới sẽ là một mùa Tết ấm áp và hạnh phúc nếu có nhiều hơn những “tấm lòng vàng”, nhiều hơn những tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước…

Người Hòn Sơn chật vật giữ nghề nước mắm truyền thống

LÊ TUYẾT |

Nghề làm nước mắm, khai thác thủy hải sản là nghề chính của dân đảo Hòn Sơn (xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Giai đoạn hưng thịnh, nghề làm nước mắm truyền thống ở đây có tới vài chục nhà thùng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, số nhà thùng trên đảo cứ giảm dần, giờ chỉ còn ba hộ bám nghề. Khi lượng cá giảm sút, nghề nước mắm truyền thống bị cạnh tranh bởi nước mắm công nghiệp, họ - những người làm nước mắm thùng ở Hòn Sơn, muốn giữ được nghề của ông cha không phải là chuyện dễ dàng, mà ở đó còn có cả sự hy sinh.