Hành trình tìm mẹ

PHÓNG SỰ CỦA THANH HẢI |

“Bạn Dư chết thế cho tôi trong trận chiến đấu. Tôi được sống sót nên phải hoàn thành bổn phận làm con của Dư, tìm và chăm sóc mẹ già của bạn. Đó là lẽ thường ở đời. Chúng tôi đã thế mạng cho nhau, kẻ được sống, người đã hy sinh”. Cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Dũng (quê Nha Trang) đã bắt đầu câu chuyện chiến chinh của mình trong ngày khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Cam Ranh giữa tháng 7.2017…

Định mệnh

Cựu binh Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1966, trở thành thương binh 2/4 khi tham gia bảo vệ đảo đá Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Nhưng không phải là trong trận hải chiến 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh ngày 14.3.

Dẫu giấy chứng nhận thương binh ghi rõ địa danh chiến trường, nhưng Dũng không kể chi tiết về trận chiến. Anh nói, bảo vệ các bãi đá, đảo chìm đảo nổi ở Trường Sa không chỉ mỗi trận hải chiến Gạc Ma. Xương máu của nhiều người con đất Việt đã và vẫn đổ xuống thầm lặng.

Tôi không hiểu thấu hết tổn thương trong tâm hồn anh, nhưng cũng cảm nhận được phần nào nỗi đau khi anh nhấc chân bị thương trên đôi nạng gỗ. “Mấy hôm nay trở trời, vết thương lại hành hạ nên tôi không thể đưa mẹ đi khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh được. Buồn vì không đến được để thắp cho những người anh em một nén nhang. Họ đã chết cho tôi được sống”.

Dũng kể, “Tôi là bộ đội thông tin thuộc Phòng Tham mưu, C5, Lữ đoàn 146 nên thường xuyên theo tàu ra các đảo ở Trường Sa. Tăng đầu tôi được điều theo các tàu xây dựng đảo Châu Viên vào tháng 10.1987. Đặc biệt từ năm 1988, khi có chiến dịch CQ88, chúng tôi di chuyển như con thoi đến các đảo ở Trường Sa. Tôi nhớ, trước Tết âm lịch năm 1988, khi vừa về đến Vũng Tàu, ngày 18 tháng chạp, chúng tôi nhận được lệnh di chuyển về Cam Ranh để ra Gạc Ma. Các quân binh chủng tham gia chuyến đi ấy đều có mặt tại quân cảng từ trước Tết, tuy nhiên chuyến đi đó bị hoãn lại nhiều lần.

Tập trung ngày 18 rồi bị khất lại đến 23, mãi đến 25 tháng giêng âm lịch mới chính thức xuất phát. Đối với các binh chủng khác, kể từ khi nhận được lệnh thì coi như cấm trại, luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Riêng với lính thông tin, trước khi xuất quân ít nhất một ngày đều phải lên báo cáo chỉ huy để kiểm tra lại lần cuối các thiết bị, khí tài, phương tiện truyền tin… và giọng nói. Trước ngày lên đường, chẳng biết sao tôi lại bị tắt tiếng, nói chuyện còn không ra hơi nên lập tức bị đình chỉ.

Lúc bấy giờ, chỉ huy điều người thay thế tôi là bạn Phan Tấn Dư. Cũng cùng quê Phú Khánh (gồm hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà bây giờ), cùng đơn vị nhưng Dư là anh nuôi, chỉ biết sơ về nghiệp vụ thông tin. Khi nhận được lệnh ra Gạc Ma thay thế cho tôi, cậu ấy vui lắm, bởi khi ở nhà chỉ quẩn quanh trong bếp, phục vụ đến 5 suất ăn mỗi ngày - theo ca trực của các tốp quân trong đơn vị. Chúng tôi đâu có ngờ đấy là chuyến đi cuối cùng của Dư. Bạn ấy đã thay thế tôi để cùng nằm lại biển lạnh Trường Sa với 63 người đồng đội khác”.

Cựu binh Nguyễn Văn Dũng - người thế mạng với liệt sĩ Gạc Ma - Phan Tấn Dư bên “nhà giàn” Thiên Phước, Nha Trang. Ảnh: THANH HẢI

Tìm mẹ

“Dư đã hy sinh, bạn ấy đã chết thay cho tôi, điều ấy cứ làm tôi day dứt mãi. Và rồi chúng tôi cũng được điều động theo những con tàu biển, tiếp tục ra Trường Sa nhiều lần nữa. Trong lòng mình, tôi luôn tâm niệm là sẽ tìm cho bằng được gia đình Dư, nói với mẹ Dư là lẽ ra con mới là người hy sinh, lẽ ra anh ấy phải còn vui vầy nuôi quân và về với mẹ. Nhưng rồi đời lính mãi đó đây, tôi lại còn bị thương. Mặt khác, thông tin của bạn cũng mịt mù chỉ với mấy dòng vắn tắt là quê Phú Khánh.

Từ ngày ra quân, tôi liên tục đi tìm gia đình Dư, nhưng mãi đến năm 1995 - tức 7 năm sau ngày Dư hy sinh, tôi mới đến được nhà bạn ấy. Nhà của Phan Tấn Dư ở tận xã Phú Thạnh, huyện miền núi Tây Hoà, Phú Yên. Lúc ấy, mẹ Dư, cụ bà Lê Thị Niệm đã 92 tuổi. Con đường đất lầy lội lên miền quê nghèo càng làm tôi thêm xót xa. Mẹ Niệm có đến 13 người con, nhưng về già lại ở riêng một mình trong căn nhà nhỏ.

Ngày tôi đến, bà ôm tôi oà khóc: “Vì quá nhiều con nên đến đứa thứ 10 thì mẹ đặt tên cho nó là Dư. Hai đứa em gái sau cùng là con Thừa, con Thải. Có lẽ vì mẹ đặt nó tên Dư để rồi suốt đời mẹ thiếu nó phải không con…?”. Tôi không cầm được nước mắt, ôm chặt mẹ vào lòng và xin làm con nuôi bà từ đấy - anh Dũng kể.

Cũng từ đó, mẹ Niệm như vui trở lại. Bà nói có cảm giác như thằng Dư đã quay về với mẹ. Mỗi năm, cựu binh Nguyễn Văn Dũng có ít nhất 3 lần ra Phú Yên để thăm nuôi, chu cấp cho mẹ Niệm, đó là những ngày Tết, ngày giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư và ngày 27.7 hằng năm. Từ đó, Nguyễn Văn Dũng lại trở thành “người thế mạng” cho liệt sĩ Phan Tấn Dư để chăm sóc mẹ già lúc ốm đau, cô quạnh.

Cũng chính vì thường xuyên đi Phú Yên để phụng dưỡng mẹ Niệm, cựu binh Dũng đã kết nối được rất nhiều đồng đội nguyên là cựu binh Gạc Ma - Trường Sa của cả hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà. Ngày 14.3 hằng năm là ngày sinh hoạt chung của hội cựu chiến binh Gạc Ma hơn 20 năm nay.

Cụ Hà Thị Liên, mẹ liệt sĩ Gạc Ma Đào Kim Cương bịn rịn mãi bên di ảnh của con tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: THANH HẢI

Điểm hẹn Thiên Phước

Thêm một may mắn nữa đến với cựu binh Nguyễn Văn Dũng, là đầu những năm 2000, khi tỉnh Khánh Hoà quyết định mở tuyến đường mới ven biển, nối dài đường Trần Phú ra cửa ngõ phía bắc TP.Nha Trang đã đi ngang qua mảnh đất rừng nhà anh. Dũng đã mở một nhà hàng sát mép nước và đặt tên là Thiên Phước, nghĩa là lộc trời cho.

Ở đây, Dũng không chỉ làm nhà hàng hải sản nhô ra biển mà anh còn dựng cả “nhà giàn” để trồng rau, nuôi cá như ở Trường Sa. Nhà hàng Thiên Phước không chỉ là nơi kinh doanh, mưu sinh kể từ ngày ra quân mà còn là điểm hẹn, nơi gặp mặt thường niên của bạn bè, cựu binh Gạc Ma, bộ đội Trường Sa. Nguyễn Văn Dũng đã mời nhiều đồng đội, con em các cựu binh Trường Sa quây quần về đây cùng làm ăn, chia sẻ ngọt bùi.

Hôm trước của dịp khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tôi đã ra nhà hàng Thiên Phước tìm cựu binh Nguyễn Văn Dũng. Anh nói giọng buồn buồn “Mấy hôm nay trở trời, vết thương đã hành hạ nên có lẽ tôi không thể đi thắp hương được cho đồng đội. Tôi đã nhờ vợ chồng Sinh, Thải - đứa em út thay mẹ Niệm ra Khu tượng đài thắp hương cho Dư. Mẹ cũng đã 99 tuổi rồi, không đi xa được. Nhưng tôi tin là Dư đã an lạc ở cõi vĩnh hằng vì tôi đã thay anh ấy lo cho mẹ được chu toàn”.

Đêm trước của lễ khánh thành giai đoạn 1 - Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, gần một trăm nhà sư cùng tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội phật giáo VN tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Hơn 6.000 ngọn nến được thắp lên dọc cầu nối tâm linh bằng dải khăn sô trắng, bắc từ biển lên khu mộ gió sau tượng đài.

Đoàn người rước có mặt gần đủ 64 thân nhân gia đình các liệt sĩ. Mỗi người bê một khay đựng tấm áo len và cây nến để đưa các anh từ biển về tượng đài. Không hiểu sao, chị Phan Thị Thải lại bê đúng khay có tên liệt sĩ anh mình là Phan Tấn Dư. Ai cũng lặng người trong không khí trang nghiêm, trong ánh nến lung linh huyền ảo của đêm ấy. Và một điều tôi biết chắc là thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma rất yên lòng.

Cụ bà Hà Thị Liên, mẹ của liệt sĩ Đào Kim Cương, quê Hà Tĩnh cứ lấn quấn mãi bên di ảnh của con tại nhà lưu niệm. Bà miết hai bàn tay nhăn nheo lên phiến đá lạnh rồi áp mặt hôn liên tục lên di ảnh của con. Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của liệt sĩ Lê Thế thì vừa khóc, vừa cười, bà bịn rịn bên di ảnh của con không chịu đi.

Chứng kiến được các mẹ, vợ, con liệt sĩ Gạc Ma hoan hỉ, hài lòng khi đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, tôi chợt nhận ra, không chỉ có cựu binh Nguyễn Văn Dũng - người thế mạng cho liệt sĩ Phan Tấn Dư đã lo chu toàn cho mẹ liệt sĩ. Những người dân nước Việt sống trong hòa bình hôm nay đều có trách nhiệm làm “người thế mạng”, chăm lo cho thân nhân các gia đình liệt sĩ, những người có công, đã hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc.

“Tôi sợ người ta đem di ảnh con mình rồi để nơi nắng gió ngoài trời, nhưng bây giờ vào đây, thấy ảnh con được đặt trang trọng trong không gian trưng bày các hiện vật Gạc Ma, bên cạnh các đồng đội nên tôi rất vui và yên lòng”.
PHÓNG SỰ CỦA THANH HẢI
TIN LIÊN QUAN

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: “Cũng là mộ phần của con tôi!“

Thanh Hải |

Nhiều mẹ liệt sĩ Gạc Ma đã có mặt tại Cam Ranh, Khánh Hòa để tham gia sự kiện khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giai đoạn 1. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của phần lớn các mẹ cao tuổi với ước vọng sẽ được "đoàn tụ" với con mình...

Tri ân những chiến sĩ Gạc Ma bằng tất cả tình yêu, tâm huyết

TRẦN VƯƠNG |

“Gạc Ma - Gạc Ma” là tên bức tranh đang được họa sĩ Vũ Công Khương thực hiện nhằm chung tay cùng bạn đọc cả nước ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa). Đây là tác phẩm tâm huyết, chuyển tải thông điệp ngợi ca những tấm gương chiến sĩ anh dũng đã hi sinh vì Tổ quốc.

Sập cửa hàng tiện lợi ở TPHCM, nghi có người mắc kẹt bên trong

Chân Phúc |

TPHCM - Cửa hàng tiện lợi nằm trên đường Vĩnh Hội (quận 4) bất ngờ bị sập, hiện lực lượng chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp cứu nạn cứu hộ.

Lì xì mùa Tết hết cả tháng lương

Phương Minh |

"Để chuẩn bị tiền lì xì một mùa Tết đi tong cả tháng lương của tôi, thậm chí phải hơn khi tiền lì xì cũng leo thang theo giá cả" - chị Phạm Ngọc Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về việc lì xì đầu năm.

Hàng nghìn người lỉnh kỉnh đồ đạc xuống Ga Thanh Hóa để về quê đón Tết

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023, tại nhà Ga Thanh Hóa đã đón hàng nghìn người về quê ăn Tết. Tại đây, nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc, “tay xách nách mang” hối hả ra xe người thân chờ sẵn để về đón Tết đoàn viên cùng gia đình.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma: “Cũng là mộ phần của con tôi!“

Thanh Hải |

Nhiều mẹ liệt sĩ Gạc Ma đã có mặt tại Cam Ranh, Khánh Hòa để tham gia sự kiện khánh thành Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giai đoạn 1. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của phần lớn các mẹ cao tuổi với ước vọng sẽ được "đoàn tụ" với con mình...

Tri ân những chiến sĩ Gạc Ma bằng tất cả tình yêu, tâm huyết

TRẦN VƯƠNG |

“Gạc Ma - Gạc Ma” là tên bức tranh đang được họa sĩ Vũ Công Khương thực hiện nhằm chung tay cùng bạn đọc cả nước ủng hộ xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa). Đây là tác phẩm tâm huyết, chuyển tải thông điệp ngợi ca những tấm gương chiến sĩ anh dũng đã hi sinh vì Tổ quốc.