Hành trình Tây Tạng: Cúi chào Kailash

Tina Thuỷ Nguyễn |

Trong ánh nắng giữa chiều thu vàng như mật rót, Kailash - Ngân Sơn lại đột ngột hiện ra, oai nghi, lung linh tuyết trắng. Tất cả chúng tôi, dường như nín thở, yên lặng xuống xe, chắp tay cúi chào núi thiêng lần cuối trong hành trình. Tôi thầm cảm ơn trời đất, mẹ thiên nhiên, cùng tất cả những ai đã tạo “duyên” để chúng tôi được chiêm bái núi thiêng. Một chút tự hào, tôi cũng thầm cảm ơn chính mình - người đàn bà ngoài 50 tuổi, gầy gò, bệnh tim, đã “vượt lên chính mình”, hoàn thành 3 ngày hành hương Kailash…

Đường đến với Kailash

Vợ chồng tôi đến Tây Tạng lần đầu vào năm 2011. Trước đó, anh Nguyễn Tường Bách (tiến sĩ vật lý, Việt kiều Đức, người biên dịch cuốn “Con đường mây trắng” của Anagarika Govinda) kể lại những chuyện về Tây Tạng sống động trong tập bút ký “Đường xa nắng mới” đã gieo vào tim vợ chồng tôi nỗi khao khát mơ hồ mà cháy bỏng về một ngày được cúi chào Kailash. Chúng tôi cất cẩn thận bản hướng dẫn chi tiết những món đồ cần chuẩn bị khi hành hương Kailash của đoàn anh Bách, trong đó có câu kết: “Yếu tố quan trọng nhất và cần tập trung chuẩn bị hàng đầu: Tu tập tâm linh…”.

Từ Mỹ trở về quê nhà, vợ chồng tôi lên kế hoạch luyện tập cho khỏe mạnh, chuẩn bị cho chuyến đi thiết trọng của đời mình. Để tăng thể lực, chịu đựng không khí loãng ở độ cao hơn 3.000m của Tây Tạng, anh quyết định tập… bơi. Còn tôi, khi biết tôi có ý định chiêm bái Kailash linh thiêng cao 6.714m, đi trọn vòng hành hương phía ngoài (outer kora), dài 52km, vượt đèo Drolma La cao 5.630m, cả nhà tôi can ngăn, lo sức khỏe của tôi - một người có tiền sử bệnh tim. Nhưng tôi quyết chí đi. Tôi “đại tu” sức khỏe của mình bằng việc chữa bệnh ở một ông thầy bấm huyệt. Rồi trước chuyến đi đôi tuần, chúng tôi theo học lớp tĩnh khí công dưỡng sinh - học luyện thở theo phương pháp của khí công sư Hoàng Vũ Thăng…

Trong cuốn “Con đường mây trắng”, A.Govinda có nói một ý, những ai đã đến được Ngân Sơn được coi là huynh đệ với nhau. Anh Nguyễn Tường Bách cũng nói với chúng tôi: “Theo tinh thần của A.Govinda, những ai đã đến đảnh lễ Kailash đều xem như ở trong một gia đình lớn”. Trong tinh thần này, chuyến hành hương núi thiêng mang lại cho chúng tôi hai người em: Cậu em - GĐ một Cty - biết lơ mơ về Tây Tạng, không chút khái niệm về núi thiêng Kailash, vô tình biết tới chuyến đi từ facebook của một người anh, cậu nổi hứng, gạt “núi” việc, quyết định “xách balô lên và đi”, cốt làm xanh sạch lại cái đầu chất chứa quá nhiều công việc của mình. Cô em đi Tây Tạng từ 2007, đến Kailash chỉ vì… tò mò, muốn thực nghiệm xem những gì người ta viết, nói về Kailash đúng không…

Kailash, như A.Govinad viết, là “viên ngọc trong tuyết” nằm trong dãy Himalaya, một trong những ngọn núi thiêng, nơi được gọi là “mandala (đồ hình vũ trụ thu nhỏ) vĩ đại của các vị Thiền Phật và Bồ tát” - nơi mà bất cứ một Phật tử nào cũng ao ước được tới một lần chiêm bái… Chúng tôi được biết, đặc biệt năm nay - 2014, theo lịch của người Tạng - năm con ngựa gỗ màu xanh lá - là năm trọng điểm của hành hương. Người ta ước tính, khoảng 60.000 người hành hương đến từ các nơi, chủ yếu là tín đồ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo và đạo Bonpo (đạo nguyên thuỷ của người Tây Tạng) chiêm bái Kailash trong năm 2014.

Ba ngày đầu, chúng tôi thăm Ymbulagang - cung điện cổ của vị vua Tây Tạng đầu tiên, ở Lhasa (thủ phủ của Tây Tạng) thì thăm cung điện Potala, chùa Jokang (Đại Chiêu), khu phố Barkhor trung tâm sầm uất, làm quen dần với độ cao. Thật kỳ diệu, chúng tôi không ai bị đau đầu vì hội chứng độ cao, nhưng “nhất cử nhất động” đều phải thật chậm rãi. “Sống chậm ở Lhasa”, cô em tôi, dù mệt nhọc, vẫn nói đùa. Sống chậm theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng, bởi, về mặt sức lực, dù có biết thở dưỡng sinh, thì những bước chân đầu tiên trên xứ Tạng, ở độ cao 3.600m, một chút đãng trí, bước nhanh theo thói quen bình thường như ở Sài Gòn, cũng đủ để thở dốc, tim đập loạn xạ ngay...

Ba ngày hành hương

Trong hành trình 15 ngày xứ Tạng huyền bí, có 3 ngày trọng đại nhất là thực hiện kora quanh Kailash. Khách hành hương, đi ôtô từ Lhasa phần nhiều đều theo lộ trình nhất định: Lhasa - Shigatse - Lhatse - Saga - Paryang - Darchen. Darchen - thị trấn ở độ cao 4.558m - là cửa ngõ duy nhất vào Kailash. Khi chúng tôi gần tới Darchen, Kailash đột ngột sừng sững hiện ra trong nắng chiều vàng ruộm giữa nền trời xanh trong vắt. Lần đầu tiên thấy núi thiêng, chúng tôi bàng hoàng trước vẻ đẹp uy nghi, lạ lẫm của ngọn núi. Anh hướng dẫn viên lại cười tươi: “Các bạn thật may mắn! Kailash mỉm cười với chúng ta. Có những đoàn hành hương, cả ba ngày không thấy núi vì mây bao phủ; có đoàn kém may hơn, ngay trong mùa hè cũng có bão tuyết, không thực hiện được kora...”.

 

 

Sáng ngày đầu tiên hành hương, từ Darchen chúng tôi đi ô tô đến Tarboche, ngôi làng ở vị trí xuất phát đi Kailash. Chúng tôi đi theo chiều kim đồng hồ với hy vọng gia tăng phước đức và trí tuệ. Quãng đường phải vượt là 16km, mất khoảng 6-7 giờ đi bộ, qua thung lũng Lhachu. Nếu đi ngựa, nhanh hơn một chút. Dù có đọc trước ghi chép rất thú vị về chuyến kora năm 2013 của nhà văn Trần Thuỳ Mai, chúng tôi vẫn bất ngờ vì việc bốc thăm ngựa và người nài ngựa. “Tội nghiệp” cậu em tôi, bốc thăm gặp phải cô gái Tạng xinh xắn nhỏ nhắn. Ái ngại vì cưỡi ngựa do phụ nữ dắt, cậu em, cứ một mực từ chối, nhưng, theo cách giải thích của người Tạng, bạn gắp phải thăm nào, số phận bạn gắn liền với con ngựa đó, và mối duyên nợ bạn đường - khách hành hương - ngựa - người nài ngựa ấy, dù chỉ trong 3 ngày, cũng được người Tạng gọi là “tiền kiếp”.

Chúng tôi đến khu lều trọ dưới chân Tu viện Dhira Phug ở độ cao 4.775m lúc trời sẩm tối. Kết thúc ngày đầu kora, cả “nhà” mệt nhoài, ngực tức, khó thở, đầu váng vất, mũi, họng đau rát, chảy máu. Ngay cả 3 anh người Tạng đi cùng - lái xe, hướng dẫn viên, cảnh sát du lịch - cũng ho, cảm lạnh. Một trận mưa đá bất thần ập xuống. Căn lều chúng tôi trú ngụ dưới chân núi Kailash rung rinh. Chúng tôi ngồi tĩnh lặng, cố gắng thở đều. Thấm mệt, tôi không sao ngủ được. Giữa đêm, tôi bước ra ngoài lều. Trong quầng sáng vằng vặc trăng mùa rằm tháng tám, Kailash lại lóng lánh tuyết, trầm mặc, huyền diệu và uy nghi. Tôi nghe hồn mình dâng tràn niềm xúc động cảm ơn sự huyền diệu của đất trời, và cảm nhận, đúng như A.Govinda đã viết: “Mở lòng để cho ngọn núi bao trùm lên mình, để cho uy lực của nó tràn ngập trong mình, mở lòng để đón cái thần của núi, để nó chiếm giữ…”.

Ngày hành hương thứ 2, điểm đến cuối ngày là Tu viện Zultul Phug ở độ cao 4.700m. Mệt, hồi hộp, nên bữa sáng ai ăn cũng ít. Tôi và cô em chỉ ăn nổi vài cái bánh quy. Lúc sau này, khi leo đèo Drolma La (5.630m), hai chúng tôi mới thấm “hệ quả” của việc không ăn bởi lúc đó, tất cả chúng tôi đều cảm thấy “mình không còn là mình nữa”. Thở dốc, tim đập gấp. Thiếu ôxy, khuôn mặt cô em tôi tím tái. Cô gần như ngừng thở. Ở đỉnh đèo Drolma La, như tất cả khách hành hương thường làm, chúng tôi bỏ lại một món đồ của mình như để “đền ơn đáp nghĩa lại quá khứ của mình”. Tôi nhìn xuống dưới chân đèo - một cái hồ màu lục thuần khiết - Hồ Đại từ bi, theo cách gọi của người Tạng hay hồ Gaurikund theo cách gọi của người Ấn Độ giáo. “Nơi đây, khách hành hương được thừa nhận là sinh vật mới”. Khi đã hoàn hồn, yên vị trong nhà trọ dưới chân Tu viện Zultul Phug, nhớ lại giây phút leo đèo Drolma La - ngọn đèo của “nữ thần từ bi cứu độ”, cũng còn được gọi là đèo Tử thần linh thiêng, chúng tôi mới thú nhận với nhau, vì quá mệt, không ai còn nhớ tới một vài “món” linh thiêng trên đèo mà khách hành hương cần thấy như rìu nghiệp lực, gương thần chết, khối đá nguyên sáu cạnh…

Ngày hành hương thứ 3, khởi hành từ chân Tu viện Zultul Phug, chúng tôi đi nốt 14km còn lại về Darchen. Đảnh lễ Kailash, đi thăm Tu viện Tholing ngàn năm tuổi, chúng tôi tới hồ thiêng Manasarovar ở độ cao 4.558m, hồ nước ngọt cao nhất ở “nóc nhà thế giới”. Người Tạng gọi hồ là Tso mapham - Hồ Đại lực chư Phật. Hồ cách Kailash hơn 20km. Thực hiện kora trong 3 ngày quanh hồ Manarasovar (84km), với các tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, với người Tạng cũng là một chuyến hành hương quan trọng của đời người. Lặng ngắm hồ trong chiều tà, giữa đêm, khi ánh trăng chan chứa như dát vàng lòng hồ và rọi sáng bờ hồ, sáng sớm, khi mặt trời mọc, trong lòng tôi lại dâng lên chan chứa niềm cảm khái và biết ơn trời đất…

Dù có những gian nan, trắc trở nhất định, nhưng chúng tôi đã thực hiện kora Kailash một cách suôn sẻ. Người ta thường nói, đến, chế ngự được “ngọn núi” trong lòng mình, mới là khó nhất. Là một Phật tử thuần thành, tôi thấy cũng đúng thôi. Nhưng về mặt thực tế, cơ thể học, vượt lên chính mình, có được “duyên” để đến với ngọn núi thiêng như Kailash bằng đôi chân chính mình, thì trải nghiệm thật sự này vẫn thú vị và quý giá hơn.

Thứ hai, 10.11.2014

Tina Thuỷ Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.