Gian nan xin “con giống”

Thùy Hương |

Hiện có nhiều phụ nữ độc thân muốn xin “con giống” từ các ngân hàng lưu trữ tinh trùng để thực hiện kỹ thuật IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Thế nhưng, số chị em độc thân xin được “con giống” rất ít và nhiều người phải đau đớn chấp nhận “bỏ cuộc” giữa chừng.
Khó trăm bề

8h30 sáng, bên ngoài hành lang Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia rất đông bệnh nhân đang chờ đến lượt khám. Tới trưa, số người đến ngày càng đông. Dù nhân viên của trung tâm đã chuyển thêm nhiều ghế nhựa, nhưng nhiều người vẫn phải đứng, hoặc ngồi ở cầu thang. Gương mặt ai cũng căng thẳng, lo lắng. Thậm chí, trước lúc khám và điều trị, có người còn lên tầng 8 tòa nhà E để... thắp hương cầu khấn.

Ngồi cạnh chúng tôi là chị Nguyễn Thị Sang (37 tuổi, Bắc Giang). Hôm nay, chị đưa bạn đi làm tinh dịch đồ để thực hiện IUI. Người đi cùng chị thực chất là người “bán giống”. Vì thế, suốt từ đầu buổi chị lo âu, thấp thỏm. Chị sợ “bạn” sẽ bỏ cuộc giữa chừng như lần trước, bởi quy trình phức tạp, thời gian kéo dài.

Chị Sang đã ly hôn và chưa có con. Trước đó, vì nhiều lý do, cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên vợ chồng chị chia tay. Sau khi ly hôn, chị không muốn bước tiếp, nhưng lại khao khát có mụn con để nương tựa lúc xế chiều. Chị muốn tự mình mang nặng đẻ đau, được mang thai, sinh con như những người phụ nữ khác, nhưng không chấp nhận hình thức “quan hệ trực tiếp” với người đàn ông khác. Nhờ bạn bè tư vấn, cách đây hơn 1 năm, chị đến trung tâm để đăng ký làm IUI. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị đủ điều kiện để làm mẹ. Thế nhưng, từ đó đến nay, thủ tục của chị chưa hoàn tất, bởi không có nguồn “con giống” để hoán đổi với mẫu đang lưu trữ ở trung tâm...

Chị Sang kể lại hành trình xin “con giống” gian nan của mình: Khi biết mình đủ điều kiện làm IUI, chị ra UBND xã xin xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân). Đồng thời, sao y các văn bản liên quan đến việc ly hôn, giấy chứng nhận đủ sức khỏe. Chị bảo, “nói thì tưởng đơn giản, nhưng phải chạy hết chỗ này đến chỗ kia cũng phải mất vài ngày”. Hồ sơ tạm ổn, vấn đề quan trọng nhất là phải có mẫu tinh trùng để hoán đổi với mẫu đang lưu trữ ở trung tâm khiến chị đau đầu. Ở quê, mối quan hệ của chị với bạn khác giới không nhiều. Chị đã nhờ bạn bè, người thân giúp đỡ, nhưng ai cũng từ chối vì đây là vấn đề nhạy cảm. Cực chẳng đã, chị phải lên mạng với lời rao “cần mua tinh trùng”.

Một thời gian sau khi đăng tải lời rao, một anh quê ở Hải Dương liên lạc với chị. Qua vài cuộc điện thoại, hai bên gặp nhau và thống nhất số tiền mua “con giống” là 5 triệu đồng. Chị đưa trước 1 triệu đồng, số còn lại sẽ thanh toán sau khi hoàn thành các thủ tục lấy mẫu. Hôm sau, chị cùng người ấy (“bạn”) tới trung tâm để làm các thủ tục ban đầu. Sau hơn 2 giờ chờ đợi, “bạn” được đưa đi xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh ta đủ sức khỏe và được hướng dẫn làm tinh dịch đồ. Việc này, chị phải mất 1 tuần mới hoàn thành.

Sau khi xem toàn bộ kết quả xét nghiệm và kiểm tra hồ sơ thấy đạt yêu cầu, bác sĩ hẹn chị ngày đến lấy mẫu trữ đầu tiên. Chị mừng lắm. Thế nhưng, đi lại nhiều lần, “bạn” cũng khó chịu. Vì vậy, mỗi hôm chị đều đưa cho “bạn” 200.000 đồng gọi là bồi dưỡng và hứa sẽ tăng thêm tiền khi hoàn thành “sứ mệnh cao cả”...

Bỏ cuộc

Đúng ngày hẹn, chị Sang đưa “bạn” đi lấy mẫu. Những tưởng như vậy là xong. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, sẽ phải tiếp tục đến để cho tiếp hai mẫu nữa. Sáu tháng sau ngày lấy mẫu cuối cùng, sau đó phải quay lại để kiểm tra HIV lần thứ hai. Nếu âm tính, thì mẫu “con giống” mới hợp pháp. Người bán giống hỏi: “Có nghĩa chúng tôi còn phải chờ ít nhất là 6 tháng nữa mới hoàn thành à”. Bác sĩ cho biết, đó là quy định. Nghe xong, người đàn ông đó đứng phắt dậy bảo: “Mỗi lần đi lại mất bao thời gian, chi phí xe cộ. Bây giờ hoặc cô muốn thì tôi “làm” trực tiếp, không thì tìm người khác”. Nói rồi, người ấy bỏ đi. “Tôi đứng chết chân tại chỗ, nước mắt trào ra, bác sĩ phải động viên mãi mới thôi” - chị Sang kể lại.

Quyết không bỏ cuộc, chị lại tìm người khác. Lần này, chị đã nâng giá mua lên hàng chục triệu đồng. Cũng đã có thêm 2 người đồng ý bán “con giống”, nhưng chỉ làm được 1-2 xét nghiệm, rồi thấy quy trình phức tạp, họ lại bỏ. Mỗi lần như vậy, chị đã khóc rất nhiều. Chị phải nghỉ làm cả tuần, tinh thần mới trở lại bình thường được. Chị Sang bảo, giờ đây, hạnh phúc lớn nhất là được mang trong mình mầm sống. Vậy mà sao khó thế!

Đợt này, chị lại tìm được một thanh niên khỏe mạnh, đang khó khăn về kinh tế để mua giống. “Nếu lần này không mua được “giống”, chắc tôi phải bỏ nguyện vọng làm IUI, mà xin con nuôi thôi. Chứ tình trạng này cứ kéo dài, ngoài chuyện tốn tiền bạc, chắc tôi rơi vào trầm cảm mất” - chị Sang chia sẻ.

Cũng như chị Sang, nhiều phụ nữ độc thân gặp khó khi muốn xin “giống” để làm thụ tinh nhân tạo. Chị Lê Thị Huyền (Phú Thọ) cho biết, lập gia đình đã được 6 năm nhưng đến nay chị vẫn chưa được hưởng cảm giác làm mẹ. Đến BV Phụ sản T.Ư làm xét nghiệm, kết quả cho thấy, sức khỏe và khả năng sinh sản của chị hoàn toàn bình thường. Nhưng kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của chồng cho thấy, không có tinh trùng. “Nhận kết quả từ tay bác sĩ, tôi chỉ chực òa khóc. Chẳng nhẽ, tôi không được làm mẹ ư” - chị Huyền ngậm ngùi kể.

Về nhà, chị bắt đầu hành trình chạy chữa cho chồng, song không có kết quả. Một lần, chị lên mạng đọc được bài viết về việc có thể xin được tinh trùng để thực hiện IUI. Chị bèn đến ngân hàng tinh trùng để làm thủ tục. Phía ngân hàng cho biết, sẽ cho chị mẫu tinh trùng nhưng chị cũng phải xin được mẫu khác thế vào. Từ đó, chị lên mạng đăng tin cần mua “con giống”.

Chị cũng đã gặp vài người đề nghị hiến. Nhưng khi tiếp xúc, mỗi người có một mục đích khác nhau. Có người thì bảo “không lấy tiền, chỉ cho trực tiếp”. Có người thì lại đòi giá rất cao, nhưng chỉ lấy một lần, không cần biết hiệu quả đến đâu, và những yêu cầu vô lý khác. Cũng có người đồng ý cùng chị đi làm các xét nghiệm, nhưng khi biết phải mất thời gian dài làm các xét nghiệm, kiểm tra chất lượng mới hoàn thành lấy mẫu, họ lại bỏ cuộc. “Tôi thấy thủ tục kéo dài, phải thực hiện nhiều xét nghiệm, đi lại nhiều lần nên người hiến cũng ngại. Cũng chính vì thế, đến nay tôi vẫn chưa tìm được người hiến. Nếu một thời gian nữa mà không xin được “con giống”, tôi phải bỏ cuộc thôi. Có thể, vợ chồng tôi sẽ xin một cháu bé để làm con nuôi cho vui cửa vui nhà và còn có chỗ dựa khi về già” - chị Huyền chia sẻ.

Khan hiếm nguồn hiến

Ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia - cho biết, mỗi năm trung tâm có khoảng 2.500 bệnh nhân đến thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có nhiều phụ nữ độc thân. Hầu hết chị em đều muốn làm IUI hoặc IVF để sinh con. Thế nhưng, số mẫu lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng rất ít, dẫn đến tình trạng khan hiếm. “Hầu hết các ngân hàng tinh trùng trên toàn quốc đều xảy ra tình trạng khan hiếm, chứ không chỉ riêng ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.

Theo ông Tiến, quy định cho phép phụ nữ đơn thân nhận tinh trùng từ người hiến tặng đã có từ năm 2003 và được cụ thể hóa bằng Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi có hiệu lực từ 2015. Từ trước đến nay, số người đến xin tinh trùng rất nhiều. Theo quy định, các chị phải tự xin “con giống” từ người thân để “hoán đổi”, bởi hiện bộ phận lưu giữ của ngân hàng, chủ yếu là người đến xin mà không có người hiến. Trung tâm cũng muốn giúp chị em, nhưng không đủ mẫu để cung cấp. Hơn nữa, do yêu cầu khắt khe nên quy trình xét duyệt hồ sơ, lấy mẫu tinh trùng cũng rất phức tạp, mất nhiều thời gian và có người xin được, có người không. Do đó, nhiều phụ nữ đã không được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ngay tại trung tâm, mỗi tháng cũng chỉ có vài trường hợp xin được tinh trùng để làm IUI hoặc IVF. “Khi nào chúng ta vận động được người dân đi hiến tinh trùng thành phong trào như hiến máu tình nguyện, thì các ngân hàng mới có sẵn nguồn cung. Lúc đó, chị em sẽ không phải vất vả để xin con giống nữa” - Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

* (Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Thùy Hương
TIN LIÊN QUAN

Hạnh phúc được làm mẹ sau 8 lần thụ tinh nhân tạo

L.Hà |

Tinh trùng dị dạng, đã tìm đến nhiều cơ sở y tế ở nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm mẹ nhưng không thành. Sau 8 lần thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (bằng kỹ thuật IVF) với bao gian nan, chị đã được làm mẹ.

Chữa vô sinh không cần thụ tinh trong ống nghiệm

Thùy Linh |

Ngày 6.4, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chính thức công bố việc tìm ra kỹ thuật mới chữa thành công 30% số ca vô sinh không cần đến thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Kỹ thuật nong vòi tử cung bằng catheter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng là kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Việt Nam, mở ra cơ hội có con cho hàng vạn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Hạnh phúc được làm mẹ sau 8 lần thụ tinh nhân tạo

L.Hà |

Tinh trùng dị dạng, đã tìm đến nhiều cơ sở y tế ở nước ngoài tìm kiếm cơ hội làm mẹ nhưng không thành. Sau 8 lần thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm (bằng kỹ thuật IVF) với bao gian nan, chị đã được làm mẹ.

Chữa vô sinh không cần thụ tinh trong ống nghiệm

Thùy Linh |

Ngày 6.4, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chính thức công bố việc tìm ra kỹ thuật mới chữa thành công 30% số ca vô sinh không cần đến thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Kỹ thuật nong vòi tử cung bằng catheter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng là kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Việt Nam, mở ra cơ hội có con cho hàng vạn cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.