Gian nan cuộc chiến chống “bảo kê” máy gặt lúa

QUANG ĐẠI |

Tình trạng côn đồ lộng hành, “bảo kê” máy gặt lúa nhằm thu lợi bất chính, thực chất là “móc túi” người nông dân, đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau vẻ yên bình của nông thôn, đang tồn tại những thế lực ngầm đen tối, thách thức cơ quan chức năng.

Rải “chông” sắt, “bảo kê” máy gặt

Sau vụ thu hoạch hè - thu, tôi về Bắc Thành, địa phương “có tiếng” về nạn “bảo kê” máy gặt của huyện Yên Thành (Nghệ An). Bà Nguyễn Thị Phương (55 tuổi), xóm 5, kể: “Vụ trước, tôi khổ ngao ngán vì lúa đã chín, kêu mãi máy gặt không đến, cầm bì đợi cả đêm. Có khi họ gặt ruộng bên cạnh, nhưng không gặt cho ruộng mình”. Ông Trần Danh Lương - Chủ tịch UBND xã buồn bã phân trần: “Nạn “bảo kê” máy gặt lộng hành làm chúng tôi rất vất vả. Chúng đã phân chia vùng ruộng rồi, máy nào không được phép thì cách một bờ ruộng cũng không được xuống gặt”. Theo ông Lương, do các chủ máy gặt từ địa phương khác đến, có một số thế lực ngầm nắm quyền điều khiển, chúng bảo kê tất cả máy gặt, yêu cầu phải nộp tiền “tô” trên đầu sào, và hoạt động theo phân vùng chúng đã định sẵn. Giá gặt, cũng do chúng quy định, mức 180 - 250 nghìn/sào, rất cao so với vụ trước. Hỏi, vậy sao chính quyền, công an không ra tay, ông Lương nói: “Bọn chúng hầu như không xuất hiện, mà chỉ đạo qua điện thoại. Các chủ máy gặt cũng không dám khai báo. Họ sợ trên đường về sẽ xảy ra chuyện”.

Các chủ máy gặt méo mặt, nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nông dân cũng khốn khổ vì gọi máy khó khăn, có khi phải chờ chực cả đêm ngoài đồng mà cũng không được, giá thì “cắt cổ”. Làm ra hạt lúa phải vất vả một nắng hai sương, lợi nhuận không đáng kể, lại bị nạn bảo kê lộng hành, dân quá bức xúc. Có người đã lên tận trụ sở xã chất vấn chính quyền. Cán bộ xã như ngồi trên đống lửa. Theo tính toán sơ bộ của ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, nếu mỗi đầu sào bọn bảo kê thu 20.000đ, thì với diện tích 300ha tại Bắc Thành, mỗi vụ, chúng đút túi không dưới hàng trăm triệu.

Vào 1h30 phút ngày 1.9, khi 2 người dân trong xã gọi máy gặt về đồng, xuất hiện một số đối tượng ngăn chặn, yêu cầu phải nộp 20.000đ/sào. Công an có mặt, bọn này mới rút lui. Nhưng vào trưa hôm sau, hai tên xuất hiện tại ruộng và lại yêu cầu chủ máy phải nộp tiền “bảo kê”. Công an, cán bộ xã đã mời các đối tượng này về làm việc; và sau đó bàn giao cho công an huyện điều tra. Trong hai đối tượng này có một là người địa phương.

Từ thời điểm máy gặt đập liên hợp về Yên Thành, đã xuất hiện nạn “bảo kê”. Ảnh: Q.Đ

Ngay tại thị trấn Yên Thành, vẫn không thoát nạn “bảo kê” máy gặt. Chủ tịch UBND thị trấn Phan Doãn Hữu cho biết: “Vụ gặt lúa đông xuân 2016 trên địa bàn thị trấn bà con nông dân bị một số đối tượng trong và ngoài thị trấn liên kết với nhau tự nâng giá, ép dân, gặt ruộng lớn, ruộng bé không gặt, giá từ 200 - 220 nghìn đồng/sào, gây bức xúc cho dân”. Tại xã Nhân Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, một số đối tượng môi giới đưa máy từ địa phương khác về gặt cho bà con, với giá từ 180 - 220 nghìn đồng/sào. Một cán bộ địa phương cho biết những người môi giới, “cò” đã “ăn quá dày” từ tiền mồ hôi nước mắt của nông dân, thực chất chủ máy gặt chỉ thu khoảng 110.000đ/sào.

Bài học đắt giá

Trước tình trạng côn đồ, “bảo kê”, “cò” máy gặt hoành hành, các địa phương đã tìm giải pháp ngăn chặn. Tại Bắc Thành, sau khi họp thống nhất, UBND xã giao lực lượng công an xã xây dựng kế hoạch bảo vệ máy gặt vụ hè thu; tăng cường tuần tra, ký cam kết với các chủ máy phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, đăng ký tạm trú; không được thu quá mức 160.000đ/sào (ruộng sâu không quá 180.000 đồng). Đồng thời mỗi chủ máy gặt nộp 2 triệu đồng; sau vụ thu hoạch nếu thực hiện đúng cam kết sẽ được hoàn tiền. Tại xã Hoa Thành, HTX nông nghiệp đứng ra ký hợp đồng với 16 chủ máy gặt, yêu cầu các chủ máy phải gặt hết diện tích được chia, thu 150.000đ/sào. Mỗi máy nộp 1,5 triệu phí dịch vụ và 5 triệu đồng đặt cọc, nếu sau này không làm hư hỏng cầu cống thì sẽ được hoàn lại tiền cọc. UBND thị trấn Yên Thành cũng ký hợp đồng với các chủ máy gặt, yêu cầu không được thu quá 150.000đ/sào; mỗi chủ máy nộp 3 triệu đông tiền đặt cọc. Xã Nhân Thành giao HTX nông nghiệp ký hợp đồng, cam kết với các chủ máy gặt không được thu quá 150.000đ/sào, và thu phí dịch vụ 1 triệu đồng/máy.

Những giải pháp nói trên đã lập tức đem lại hiệu quả. Tại xã Bắc Thành, sau khi thực hiện chủ trương ký cam kết, tình hình hoạt động của các máy gặt đã ổn định, “cò” và “bảo kê” không còn đất hoạt động; công tác thu hoạch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, không còn cảnh nông dân ôm bì méo mặt chờ bên bờ ruộng cả đêm như trước. “Dân rất phấn khởi. Nhưng cán bộ cũng vất vả, bí thư, chủ tịch, trưởng công an suốt ngày đứng giữa ruộng”, bà Trần Thị Mùi, xóm trưởng xóm 5 cho hay. Các địa phương khác cũng chấm dứt được nạn “cò mồi”, “bảo kê”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, có nhiều thông tin cho rằng Công an xã Bắc Thành và một số địa phương khác đã thu tiền “bảo kê” các chủ máy gặt. “Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương báo cáo, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Thực chất việc ký hợp đồng với các chủ máy gặt là tốt, chống được nạn “cò”, giảm giá cho dân, thu hoạch nhanh, gọn. Tuy nhiên, cái sai của Bắc Thành là công an thu tiền bảo lãnh hợp đồng, nên bị hiểu nhầm sang “bảo kê”. Đây là bài học đắt giá”, ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trao đổi. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện video clip Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành ngăn cản không cho máy gặt vào đồng, với lý do máy chưa đăng ký, chưa ký hợp đồng với UBND thị trấn. Xã Hoa Thành cũng “cấm cửa” các máy gặt không ký hợp đồng. Cái lý của chính quyền là chủ máy chưa ký hợp đồng, chưa nộp bảo lãnh, nếu vào gây hư hỏng kênh mương thì ai chịu trách nhiệm; tuy nhiên, trong thực tế không có văn bản nào quy định yêu cầu máy gặt vào đồng phải đăng ký, ký hợp đồng hoặc nộp tiền bảo lãnh.

Có một thực tế: Nạn “cò”, “bảo kê” lộng hành, nhưng cơ quan chức năng đã không kịp thời ra tay dẹp loạn, để các địa phương phải tự giải quyết, dẫn đến những bất cập, sai sót. Một số tên giang hồ cộm cán tổ chức bảo kê máy gặt đã được người dân, cán bộ địa phương “điểm danh” như Đ.S, D.T… nhưng vẫn chưa bị “sờ gáy”. Một thực tế nữa: Trước nạn “bảo kê” hoành hành, dù với hình thức nào, các chủ máy gặt phải nộp tiền phí cho các hợp tác xã, tiền “bảo lãnh”…thì mới được yên ổn làm ăn. Trong khi, không có quy định của pháp luật buộc họ phải làm như vậy.

Dí dao vào cổ chủ máy vòi tiền

Tại Yên Thành, được biết, đến thời điểm hiện nay, UBND huyện đã yêu cầu cơ quan công an điều tra, xác minh nạn “bảo kê” máy gặt, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, chưa thấy thông báo khởi tố vụ án nào. Trong khi đó, tại Đô Lương, nhiều tay “anh chị” bảo kê máy gặt đã bị xử lý. Vừa qua, Công an huyện Đô Lương bắt khẩn cấp 4 đối tượng Nguyễn Xuân Việt (xã Thượng Sơn); Đặng Văn Sen (xã Quang Sơn); Nguyễn Công Quyết; Lê Văn Phú (cùng trú xã Thịnh Sơn) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Nhóm người này đã đe dọa, buộc chủ máy gặt là ông Nguyễn Công Kỷ (xã Thái Sơn) nộp tiền bảo kê 10 triệu đồng cả mùa vụ hoặc 30.000đ/sào. Khám xét nơi ở các đối tượng, cơ quan công an thu được một lượng lớn hung khí gồm 7 thanh đao, kiếm; 9 ống tuýp sắt, 265 viên đạn loại FIOCCHI - SKEET. Trước đó, vào ngày 7.6, Viện KSND huyện Đô Lương phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam Nguyễn Hồng Điệp và Thái Văn Hiệp trú xã Thịnh Sơn về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đối tượng Hiệp đã dùng dao dí vào cổ một chủ máy gặt, yêu cầu nộp 1,5 triệu đồng. Tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), vào tháng 6.2016, công an cũng đã bắt 4 đối tượng, gồm: Phạm Quang Minh (khu phố Hưng Thịnh), Phạm Ngọc Trung (phường Sông Trí, TX Kỳ Anh) và Nguyễn Tiến Dũng, Hồ Công Huy (thôn Bắc Sơn, xã Kỳ Thọ). Các đối tượng đã dùng vũ khí, hung khí tấn công, uy hiếp để cưỡng đoạt 1 triệu đồng của chủ máy gặt. Tại một số địa phương khác của Hà Tĩnh cũng có dư luận phản ánh về hiện tượng bảo kê máy gặt.

Nhiều mảnh ruộng huyện Yên Thành (Nghệ An) đã bị kẻ xấu rải “chông” bằng những thanh thép phi 6 uốn cong, cắm sâu xuống mặt ruộng. Nếu máy gặt bất cẩn đi vào, sẽ bị hư hỏng, thiệt hại lớn. Do đó, chủ máy gặt không dám tự do gặt lúa cho dân theo yêu cầu của các hộ, mà phải tuân thủ lệnh của những kẻ giấu mặt.

Nạn nhân đích thực của nạn “bảo kê” máy gặt là những người nông dân cơ cực, một nắng hai sương mới có hạt lúa, lợi nhuận còm cõi, thậm chí thua lỗ vì giá phân bón, dịch vụ quá cao. Giá máy gặt xấp xỉ hàng tỉ đồng là quá sức với nông dân. Dẹp nạn côn đồ lộng hành, có giải pháp quản lý máy gặt hợp lý, đúng luật để dân yên ổn làm ăn là một yêu cầu bức thiết trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hiện nay.

QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

“Cỏ Mỹ” mua bán công khai giữa Hà Nội

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ |

Mặc dù đã bị liệt vào danh mục các chất ma túy và bị cấm mua bán, nhưng ở thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, tại khu vực Hà Nội, “cỏ Mỹ” vẫn đang được bày bán tương đối công khai trên mạng xã hội cũng như ngoài đời.

Biển nước dưới chân, “bom nước” lơ lửng trên đầu

HÀ ANH CHIẾN |

Những cơn mưa liên tiếp trong các ngày qua không chỉ khiến TPHCM “thất thủ”, mà ngay cả các đô thị lớn thuộc một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng chìm ngập trong biển nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân. Chưa dừng ở đó, các chuyên gia thủy lợi cảnh báo, nếu mưa lớn kéo dài, các hồ thủy điện tích đủ nước sẽ biến thành “quả bom nước” xả lũ xuống hạ nguồn để bảo vệ hồ, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho người dân.

Nạn tham nhũng đất rừng ở Đắk Nông

ĐẶNG TRUNG KIÊN |

Ở Đắk Nông, Trưởng Công an huyện, các Phó Công an xã, em vợ Phó Công an xã... đều được Cty lâm nghiệp Thuận Tân (huyện Đắk Song) “giao khoán” hàng chục hécta đất rừng dọc quốc lộ 14C để sản xuất nông-lâm kết hợp. Không lâu sau, tất cả rừng giao khoán đều bị phá sạch và biến thành nhà ở, vườn tiêu, cà phê bạt ngàn để thu lợi. Còn vợ Phó Bí thư thường trực Huyện ủy không đứng ra nhận khoán, mà ngang nhiên bao chiếm luôn đất rừng do Cty lâm nghiệp Thuận Tân đang quản lý.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

“Cỏ Mỹ” mua bán công khai giữa Hà Nội

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ |

Mặc dù đã bị liệt vào danh mục các chất ma túy và bị cấm mua bán, nhưng ở thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, tại khu vực Hà Nội, “cỏ Mỹ” vẫn đang được bày bán tương đối công khai trên mạng xã hội cũng như ngoài đời.

Biển nước dưới chân, “bom nước” lơ lửng trên đầu

HÀ ANH CHIẾN |

Những cơn mưa liên tiếp trong các ngày qua không chỉ khiến TPHCM “thất thủ”, mà ngay cả các đô thị lớn thuộc một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng chìm ngập trong biển nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của người dân. Chưa dừng ở đó, các chuyên gia thủy lợi cảnh báo, nếu mưa lớn kéo dài, các hồ thủy điện tích đủ nước sẽ biến thành “quả bom nước” xả lũ xuống hạ nguồn để bảo vệ hồ, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho người dân.

Nạn tham nhũng đất rừng ở Đắk Nông

ĐẶNG TRUNG KIÊN |

Ở Đắk Nông, Trưởng Công an huyện, các Phó Công an xã, em vợ Phó Công an xã... đều được Cty lâm nghiệp Thuận Tân (huyện Đắk Song) “giao khoán” hàng chục hécta đất rừng dọc quốc lộ 14C để sản xuất nông-lâm kết hợp. Không lâu sau, tất cả rừng giao khoán đều bị phá sạch và biến thành nhà ở, vườn tiêu, cà phê bạt ngàn để thu lợi. Còn vợ Phó Bí thư thường trực Huyện ủy không đứng ra nhận khoán, mà ngang nhiên bao chiếm luôn đất rừng do Cty lâm nghiệp Thuận Tân đang quản lý.