28 năm sự kiện Gạc Ma (14.3.1988 - 14.3.2016):

Gạc Ma - “vết sẹo” trong lòng dân Việt (Kỳ 2): Tháng 3 ở nhà cựu binh Hiền

PHÓNG SỰ CỦA ĐẶNG TRUNG KIÊN |

Tháng 3, tôi đến xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thăm anh Trương Văn Hiền - một trong 9 cựu chiến sĩ bị Trung Quốc bắt tù đày sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Anh bảo, Gạc Ma máu thịt vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng nên từng người Việt phải nhớ, những người như anh lại càng không được quên. Nhưng hỏi chuyện gia đình mới biết, điều đáng buồn là gia cảnh vẫn “rớt mồng tơi” do không còn sức khỏe của anh vẫn không có gì thay đổi. Anh gần như bị lãng quên sau một thời gian có vài đoàn thăm hỏi, hỗ trợ một ít tiền cách đây đã mấy năm.

Phận người sau cuộc chiến
Cứ vào những ngày tháng 3, những ký ức đau thương và hào hùng lại ùa về trong tâm trí anh Hiền, cộng hưởng với những cơn đau hành hạ từ các vết thương trong trận hải chiến 28 năm trước ở Gạc Ma. Anh tâm sự: “Ngày cũng như đêm, những hình ảnh tang thương, ác liệt của trận đánh không cân sức, rồi những năm tháng tù đày nơi đất khách không chịu để đầu óc tôi được yên”.
Thước phim ký ức bắt đầu từ ngày 14.3.1988, ngày không thể nào quên với mỗi người dân Việt. Anh Hiền, lúc ấy thuộc một đơn vị đo đạc hải đồ, đi trên tàu HQ 604 đến các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma với nhiệm vụ khảo sát, đo đạc phục vụ việc xây dựng và bảo vệ đảo. Sau nhiều giờ gây hấn trong khu vực gần đảo Gạc Ma, Trung Quốc xả pháo bắn xối xả vào tàu HQ 604, cho đến lúc con tàu bị chìm. Anh Hiền bị trúng nhiều mảnh pháo, gãy xương sườn bên phải, gãy tay trái, giập mắt trái, máu tuôn xối xả. Khi con tàu sắp chìm, anh lấy hết sức nhảy qua một thùng dầu nổi lên, ngồi bám chặt để khỏi bị sóng hất văng xuống biển. Anh Hiền nhớ lại: “Thấy có người ngồi trên, giặc tiếp tục xả súng bắn chìm thùng dầu. Tôi cố dùng hai chân và một tay còn lại bơi vào đảo Gạc Ma, nhưng đạn địch bắn xối xả về hướng đó nên phải bơi ngược ra biển”.
May mắn thay, lúc anh Hiền sắp đuối thì anh Dương Văn Dũng - hiện đang ở Đà Nẵng, bị bệnh ung thư - phát hiện còn sống. Anh Dũng vừa bơi giữa làn đạn địch, vừa đẩy một tấm ván đến chỗ anh Hiền và hỏi bị thương hả, anh Hiền nói gãy tay rồi. Anh Dũng cởi áo buộc anh Hiền vào tấm ván, rồi vừa bơi vừa đẩy đồng đội từng bước ra khỏi vùng đạn địch. “Cứ như thế lênh đênh trên biển, rồi tôi ngất lịm, lúc tỉnh dậy đang ở một nhà tù ở Quảng Đông, Trung Quốc” - anh Hiền kể.
Suốt năm đầu chịu cảnh tù đày nơi đất khách, 9 cựu chiến sĩ Gạc Ma bị biệt giam, mỗi người một phòng. “Hằng ngày chúng tra hỏi, đánh đập tôi để khai thác thông tin quân sự, tôi chỉ nói mới được huấn luyện 3 tháng, vừa ra Gạc Ma đã bị thương và bị bắt nên không biết gì” - anh Hiền nói. Năm sau hết bị đánh, nhưng vẫn biệt giam, đến giờ vệ sinh anh Hiền mới được giải ra ngoài. Đi qua các phòng khác, thấy đồng đội mình bị giam nhưng không biết tên tuổi, quê quán từng người. Các anh nhìn rõ nhau, lòng tha thiết muốn gọi mà không thể cất lời. Mãi đến năm thứ ba các anh mới được gặp nhau hằng ngày, chia sẻ với nhau nỗi đau thân xác, nỗi nhớ quê hương và lòng căm thù giặc cướp. Sau 3 năm tù đày, các anh được phía Trung Quốc trao trả, về nước một thời gian rồi phục viên.
Cuộc sống ở làng quê - xã Hương Phong, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh - quá khó khăn, anh Hiền mang thân xác đầy thương tật cùng đôi mắt mờ, hòa cùng dòng người đi Tây Nguyên mưu sinh. Từ đó câu chuyện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Gạc Ma của Việt Nam, chuyện những người con Việt nằm lại biển sâu, hay sống sót chịu cảnh tù đày rồi trở về mang thương tật như anh Hiền ít được nhắc đến. Cũng từ đó, anh Hiền bắt đầu một cuộc sống mà cho đến nay, như anh nói với tôi: “Thôi kệ chú ạ, đời người sướng khổ do cái số”. Anh lấy vợ, được gia đình vợ cho mảnh đất dựng căn nhà tạm, đứa con trai đầu lên 10 tuổi mới có em gái vì… bố mẹ nghèo quá. Nhìn chị Thúy khỏe mạnh hơn người, cứ tưởng sẽ bù đắp một phần sức khỏe anh đã cống hiến cho tổ quốc. Vậy mà lấy nhau được vài năm chị kêu đau lưng, không làm được việc nặng, sau nữa đi không thẳng, ngồi lâu cũng chẳng được. Bây giờ thì anh chị biết, người bị bệnh thoát vị đĩa đệm là mất sức lao động vĩnh viễn, còn phẫu thuật thì khả năng rủi ro cao nên không dám mạo hiểm. “Bác sĩ bảo khi nào hết đi nổi mới mổ, bởi vì có rủi ro thì hậu quả cũng chỉ tới mức nằm một chỗ”. Vậy là thôi, anh Hiền đi làm thợ hồ, đứa con trai đầu cũng nghỉ học sớm theo bố phụ hồ nuôi mẹ và đứa em gái năm nay mới học lớp 5. Tôi hỏi dạo này làm gì, anh bảo đầu năm chẳng ai xây cất nên đi tưới cà phê mướn, ngày công được 180.000, nhưng nắng thế này vài bữa cạn nước là hết việc. Chợt anh ngẩn người ra: “Nếu năm ngoái hai bố con không bị xù mất 30 triệu tiền công thì giờ cũng đỡ lo hơn”.
“Xin lỗi vì... chưa làm nhà được”
Những người như anh Hiền không còn ai biết, họ chìm khuất trong bộn bề khó khăn đời thường, cho đến vài năm gần đây... Đoàn Thanh niên TCty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp - thuộc Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng - hỗ trợ 35 triệu đồng, Cty Đạm Phú Mỹ 50 triệu đồng, một bác sỹ ở BVĐK Thiện Hạnh Đắk Lắk 20 triệu đồng. Có được số tiền này vợ chồng anh liền vay mượn thêm để xây lại ngôi nhà vốn đã quá dột nát, nhưng cũng chỉ làm được phòng ngủ và nhà bếp, còn phần trước - gồm phòng khách và mái hiên - vẫn chưa có. Do vậy Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã kịp thời hỗ trợ anh 50 triệu đồng để hoàn thiện căn nhà. Cách đây gần 2 năm, chính tôi cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk đã đến trao số tiền trên cho gia đình anh. 
Nhưng giờ trở lại, tôi bất ngờ vì phần trước căn nhà vẫn là... bãi đất trống. Anh Hiền phân bua: “Thật ngại với sự quan tâm của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và của Báo Lao Động, vì tôi đã dùng số tiền đó để... trả nợ”. Nhưng cũng không trách được anh, bởi lúc đó xây dựng phần sau của căn nhà đã hết 250 triệu, mà cộng các khoản hỗ trợ chỉ được 105 triệu. Mà đã vay thì phải lo trả thôi. Anh bảo mùng 4 tết vừa rồi, có một đồng đội cũ tìm đến tận nhà, tự giới thiệu “tao tên Chương quê Quảng Bình, tao làm ở Chi cục Thuế huyện Krông Bông, cùng tỉnh Đắk Lắk luôn”. 
Thế là hai anh em cùng mở đĩa DVD xem lại trận hải chiến Gạc Ma, anh Chương nói lúc đó tao ở trên đảo, tao đứng cạnh lá cờ Tổ quốc vừa được cắm lên này. Còn mày trên tàu HQ 604. Tao lên đảo vì tao ở E83 công binh, đi xuồng nhôm chuyển vật liệu vào xây dựng đảo. Hồi đó tao sĩ quan chỉ huy, thượng úy mà, chú mày là lính thôi. Đấy đấy, giờ là chúng bắn mày, nhưng không trúng tao, sau đó tao bơi ra tàu HQ 505. Rồi anh em ôm nhau, nức nở khóc vì xúc động. Anh Hiền kể tiếp: “Mùng 4 tết anh Chương lên nhà tôi, mùng 10 tôi xuống huyện Krông Bông tìm nhà anh ấy. Anh thì chỉ làm chân bảo vệ ở Chi cục Thuế huyện thôi, nhưng mừng vì nhà cửa đàng hoàng rồi, hai đứa con đều làm cán bộ, giáo viên cả”. 
Rồi anh khoe thêm, từ tháng 9.2015, mỗi tháng đã được nhận được 791.000 đồng/tháng, là chế độ trợ cấp cho người bị địch bắt, tù đày. Trễ muộn đến một phần tư thế kỷ, số tiền cũng không lớn, và anh phải mất hơn 5 triệu đồng chi phí cho chuyến về đơn vị cũ ở Hải Phòng làm lại quyết định phục viên - văn bản có ghi rõ thời gian bị tù đày ở Trung Quốc. Nhưng dù thế, vẫn hơn là không có gì.
Chuyện vui nữa của anh là việc Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Khu Tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma ở Khánh Hòa. Anh tâm sự: “Tôi biết thông tin qua truyền hình và một số đồng đội được đi dự lễ khởi công về kể lại. Công trình tưởng niệm 64 đồng đội của chúng tôi, những người đã hi sinh để bảo vệ Gạc Ma, nhưng chúng tôi luôn thấy có phần vinh dự của mình trong đó. Có khu tưởng niệm rồi, Gạc Ma càng được nhắc nhớ nhiều hơn, tôi mừng lắm”.

Ước một đôi bò và con đi học tiếp

Do vợ chồng bệnh tật, anh Hiền không dám ước mơ gì nhiều. Anh chị chỉ mong ước có được một đôi bò sinh sản để làm vốn chăn nuôi, đây là công việc phù hợp với sức khỏe của vợ anh. Điều ước thứ hai của anh là đứa con trai duy nhất - em Trương Viết Thống, năm nay 20 tuổi, đã bỏ học năm lớp 11 - có điều kiện để học tiếp THPT hoặc học nghề. Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Trương Văn Hiền, xin vui gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, địa chỉ: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; ĐT: 04.39232748/0983.971.279; hộp thư: tlvlaodong@gmail.com; hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương VN, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc gửi về: Trương Văn Hiền - thôn 3, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk; ĐT: 0934874873.

 


PHÓNG SỰ CỦA ĐẶNG TRUNG KIÊN
TIN LIÊN QUAN

Bức thư cuối cùng của Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma

LÊ PHI LONG |

Ngày chúng tôi đến xã Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) để trao số tiền 30 triệu đồng từ Quỹ XHTT Tấm lòng vàng Lao Động cho mẹ Hồ Thị Đức – mẹ LS, AHLLVTND Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma – mẹ mừng lắm, mừng vì bàn thờ cho LS Phương đã được đặt trong phần nhà mới xây sạch sẽ và ấm cúng hơn xưa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát gỡ vướng cao tốc Bến Lức - Long Thành

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 13.3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn công tác Trung ương thị sát dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua TPHCM.

Nỗi sợ về SVB kế tiếp bao trùm Phố Wall

Quý An (theo Wall Street Journal) |

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực đang lao dốc trước mối lo: SVB sụp đổ mới chỉ là khởi đầu cho cơn ác mộng.

Sau loạt bài của Báo Lao Động, Công ty Haprosimex trả 7,8 tỉ tiền nợ Bảo hiểm Xã hội

Hà Anh |

Theo thông tin từ BHXH TP.Hà Nội, ngày 13.3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (Công ty Haprosimex) vừa nộp thêm 3 tỉ đồng vào BHXH huyện Gia Lâm để trả một phần tiền nợ BHXH trong thời gian qua.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình hoạt động trở lại

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Sau gần 1 tháng phải tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, sáng 13.3, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình (tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) đã hoạt động trở lại.

Lừa chuyển nhượng sổ đỏ đất, mạo danh Facebook chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Ngày 13.3, Công an tỉnh cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam một đối tượng lừa đảo người dân với số tiền hàng chục tỉ đồng.

U23 Việt Nam thay đổi kế hoạch thi đấu giao hữu trước thềm Doha Cup 2023

MINH PHONG |

Đội tuyển U23 Việt Nam sẽ có trận giao hữu với câu lạc bộ Phú Thọ trước khi lên đường sang Qatar tham dự giải Doha Cup 2023.

Nam diễn viên gốc Việt đoạt Oscar 2023: Vợ từng nói, thời của tôi sẽ đến

Chí Long |

Quan Kế Huy chính thức trở thành diễn viên đầu tiên giành tượng vàng Oscar với chiến thắng thuyết phục tại mùa giải năm nay.

Bức thư cuối cùng của Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma

LÊ PHI LONG |

Ngày chúng tôi đến xã Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) để trao số tiền 30 triệu đồng từ Quỹ XHTT Tấm lòng vàng Lao Động cho mẹ Hồ Thị Đức – mẹ LS, AHLLVTND Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma – mẹ mừng lắm, mừng vì bàn thờ cho LS Phương đã được đặt trong phần nhà mới xây sạch sẽ và ấm cúng hơn xưa.