Đường về cổ tích

BÚT KÝ CỦA VĨNH QUYỀN |

Tên cái sân bay bao năm tôi chưa trở lại tự nhiên chen vào cuộc thoại chẳng định trước. Là lúc Aiko, cô cháu từ Nhật, gọi điện báo kế hoạch chuyến về quê ngoại đầu tiên đến chi tiết lịch trình đáp xuống Đà Nẵng “thành phố đáng sống” tôi đang ở rồi cùng nhau ra Huế bằng ôtô thì tôi buột miệng: Cậu muốn đón cháu tại Phú Bài.

Sau vài giây im lặng trôi chậm, tôi sáng tỏ cái lý nào vừa đẩy đưa tôi đến sự điều chỉnh ấy. Thì ra ký ức tôi vẫn cất giữ hình ảnh sân bay Phú Bài (Huế) như một không gian ly biệt nơi lần lượt diễn những vở buồn kẻ ở người đi không hẹn ngày trở lại mà tôi luôn thủ vai kẻ ở. Trong số người đi ấy có mẹ của Aiko - cô em họ lớn lên cùng tôi dưới mái vương phủ thời không vua chúa khiến đôi khi tôi quên mình là đứa con một chơ vơ. Phải chăng chọn sân bay này cho lần đón tiếp này theo đường dẫn vô thức là cách kết thúc tính một chiều bất công nó dành cho tôi cho đến nay?

Từ hướng Đà Nẵng ra, tôi rẽ phải vào sân bay Phú Bài. Tất cả đổi thay sau những lần nâng cấp chuẩn quốc tế. Lâng lâng vui và không ngạc nhiên trước cái mới hiển nhiên nhưng vẫn thoáng ngậm ngùi khối kiến trúc đồ sộ chồng lấp cực đoan lên hình ảnh một sân bay nhỏ xinh những năm bảy mươi còn sót trong tôi.

Ở sảnh đón, tôi bâng khuâng ấm áp nhận ra hầu hết khách đến thực ra là khách về. Mấy ngày cuối năm âm, người Huế khắp nơi bôn ba về nhà ăn tết. Năm nay, Aiko - mà chúng ta có thể rộng lượng xem là một người Huế lai - cũng về nhà ăn tết, dẫu cháu sẽ trọ khách sạn Century. Nhưng chẳng sao, bởi khái niệm nhà của “chiếc lá rơi” này là Huế, không chỉ Huế ngày thường mà chính là Huế cổ tích.

Thư điện tử mới nhất của Aiko có đoạn khiến tôi bỏ hoang một chiều cho xót xa: “Vậy là vào tuổi hai lăm, cháu đã mồ côi mẹ hơn hai mươi năm, đôi khi giật mình lo sẽ đến ngày ký ức về mẹ phai nhòa, thậm chí như một tệp tin rỗng nếu không kể vài tấm ảnh cũ và mảnh ghép đài các từ họ của mẹ gắn vào tên của cháu: Tanaka Tonnu Aiko. Cháu muốn ít nhất một lần được đến xứ sở của mẹ, thăm nếp nhà ở đó mẹ sinh ra lớn lên, dạo trên những cung đường, những nhịp cầu mẹ ngày xưa qua lại, soi bóng mình vào dòng sông mẹ từng soi bóng thời con gái để nhận được nhiều hơn, sâu thêm hình ảnh mẹ và để hoàn thiện bản thân”.

Cách trung tâm thành phố tám cây số, tôi rẽ trái lên núi Tam Thai, nói cậu sẽ đưa cháu viếng lăng các vua Nguyễn, nhưng đầu tiên phải là lăng vị vua không lăng cho đến mùa thu bốn năm trước. Không hỏi nhưng ánh mắt Aiko là câu hỏi ngỡ ngàng thậm chí không hiểu. Với nụ cười kẻ tự cho phép kiêu hãnh trước việc làm không tưởng của mình, tôi tiếp: Là thời điểm cậu hoàn công công trình xây lăng vua.

Đứng lặng trước kiến trúc chưa đủ thời gian khoác chiếc áo phong rêu cổ kính và có quy mô khiêm nhường trông như một mô hình lăng tẩm giữa rừng thông rực rỡ nắng trưa, Aiko nói, cháu muốn biết khởi duyên của việc xây dựng này. Trong lúc hai cậu cháu thắp hương và thu nhặt lá thông khô phủ vàng trên nền bửu thành, tôi nói về hai người bạn - những người đã dẫn tôi đến đây.

Một buổi tối, nhà báo Lê Thanh Phong từ Sài Gòn gọi điện cho tôi nói có việc lớn anh nhất định phải tham gia vì anh là người “được chọn”. Chuyện như thực như mơ nhưng giọng Phong không đùa, trái lại quan trọng và xúc động. Tâm trạng ấy dễ hiểu bởi riêng ý tưởng về Huế xây lăng vua của Phong nghe đã ngông cuồng và đầy cảm hứng lịch sử. Tôi bảo, cần hỏi ý kiến hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và phủ Văn Lãng, nếu có đồng thuận, tôi sẽ góp phần nghiên cứu thiết kế và đích thân trông coi công trình. Phong chuyển máy cho anh Bạch Ngọc Thạch, người phát tâm lo liệu chi phí xây lăng sau lần viếng phần mộ đơn sơ đến mủi lòng của Hiệp Hòa, một vị vua triều Nguyễn sống bi kịch, chết oan thảm. Sau vài phút trao đổi, tôi đã đồng lòng với suy nghĩ của Thạch: Chúng ta xây lăng vua Hiệp Hòa là thể hiện tấm lòng trân trọng của hôm nay với quá khứ, ngoài ra không mục đích nào khác.

Tôi cũng chia sẻ với Aiko mấy mẩu chuyện “lạ” về hậu duệ nhà vua. Người cháu nội Bửu Trác làm đến thống chế nhất phẩm triều đình thời Khải Định lại là một trong số những nhân vật hiếm hoi thời bấy giờ tại Việt Nam thấy trước sự kết thúc không xa và không cưỡng được của chế độ quân chủ và sớm hướng đến một nền cộng hòa. Tư tưởng tiên phong ấy không chỉ khiến triều đình Huế mà cả chính phủ bảo hộ Pháp lo ngại dẫn đến việc ông bị tước tôn tịch, cách chức và đày ra Lao Bảo.

Thống chế Bửu Trác có đến ba người con đứng vào hàng ngũ Việt Minh chống Pháp, trong đó Vĩnh Tập - chính trị viên Trung đội 9 cảm tử thuộc Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa, Trung đoàn Trần Cao Vân khi mười tám tuổi là nhân vật huyền thoại.

Cuối mùa mưa năm 1946, Vĩnh Tập chỉ huy trung đội tham gia tập kích nhà hàng Chaffanjon, nơi tập trung quân Pháp. Hỏa lực địch mạnh, trận đánh kéo dài, 3 giờ sáng có lệnh rút quân ra căn cứ. Đơn vị cảm tử di chuyển sau cùng, bị đánh chặn dữ dội phải cố thủ trong một ngôi nhà hai tầng, nay thuộc Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Thừa Thiên Huế. Đến 3 giờ chiều hôm sau, vẫn còn tiếng súng bắn trả, Pháp quyết định điều hai xe cứu hỏa đến phun xăng thiêu sống đội quân quyết tử. Lửa cháy ngùn ngụt, sau tiếng nổ vang dội toàn thành phố, ngôi nhà tầng đổ rụi, tiếp tục cháy đến trưa hôm sau, tất cả chỉ còn là đống tro bụi nghi ngút khói.

Mùa hè năm 1992, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh cải tạo một phần kiến trúc, lúc đào nền đến độ sâu 0,7m gặp hai bộ hài cốt. Hài cốt nằm chung súng ngắn Saint-étient và dao găm được xác định là chính trị viên Vĩnh Tập, hài cốt cao lớn khác thường bên cạnh là trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao. Sâu thêm 0,5m gặp tiếp mười lăm bộ hài cốt nằm sát vào nhau, lẫn cùng súng đạn, lựu đạn, kiếm, mũ sắt và cả một thẻ bài nhôm khắc tên Phùng Huấn – Vệ quốc đoàn Thuận Hóa.

Hiện trường khai quật và đội hình hài cốt làm sáng tỏ tình tiết cái kết bi tráng của mười bảy dũng sĩ. Họ không thành tro bụi trong lửa thù mà tổ chức chiến sĩ rút xuống tầng hầm trước, hai chỉ huy đánh mìn xong mới rút, ngôi nhà vụn vỡ thành “huyệt lửa chôn chung”, tên bản thảo thiên hùng ca dành cho các anh của Phùng Quán, vốn là cậu bé đội viên liên lạc mặt trận Huế ngày ấy.

Nhà thơ viết về giây phút cuối của Vĩnh Tập, chắt nội vua Hiệp Hòa: Đất ơi! Con nguyện yêu người với tất cả máu xương / Với tất cả cuộc đời con mười tám tuổi / Con vui sao khi nghĩ tới gương mặt người trong tương lai / Rửa sạch hết lửa, máu và bùn tươi vui chói lọi…

Aiko theo lễ tân đi nhận phòng, tôi ngồi chờ ở sân hoa mặt sau khách sạn hướng ra sông Hương, lòng nặng trĩu khoảng trống cô cháu sắp phải tiếp nhận. Chưa tàn điếu thuốc, Aiko đã trở lại, vẫn với bộ cánh mặc suốt ngày đường. Biết cháu nóng lòng thăm mái nhà xưa của mẹ như lịch trình đề ra, nhưng tôi bảo, chúng ta lên sân thượng, tiệc tẩy trần chờ cháu trên đó, toàn món Huế. Tôi nghe giọng mình ngượng ngập.

Chỉnh lại vị trí hai chiếc ghế nhà hàng sắp sẵn, tôi mời Aiko ngồi vào ghế do tôi chọn. Nói cám ơn và vui vẻ vâng lời nhưng Aiko không giấu được băn khoăn trước cử chỉ có phần khó hiểu của tôi. Vào bữa, hai cậu cháu nói chuyện nhát gừng, lại là chuyện tôi không am hiểu: Nghệ thuật ẩm thực. Bỗng tôi buột miệng: Tôn nữ xứ Huế nhưng mẹ cháu chẳng biết nấu nướng chi cả. Aiko che miệng cười khúc khích. Tôi cười theo. Từ đó, hồi ức về cô em thân thiết cứ nối tiếp hiện ra, dẫu không thành dòng liền lạc nhưng cũng đủ cho Aiko thích thú hóng chuyện và có thể hình dung phần nào bóng dáng mẹ từ tuổi thơ đến thời thiếu nữ.

Mỗi mùa hè, tôi được gửi về phủ học tiếng Pháp với người chú họ, nhớ lần đầu gặp nhau, em tôi mới lên mười, trông như con trai, hai anh em chơi đùa với nhau trong khu vườn gần mười nghìn mét vuông, tôi dạy em trò đánh kiếm, đá banh cho có bạn chơi cùng. Vài năm sau, tôi vui buồn lẫn lộn khi ngỡ ngàng thấy em tôi là con gái thực sự. Em dưỡng tóc bôm-bê thành tóc thề chấm vai, mặc áo dài trắng đồng phục nữ sinh trung học Đồng Khánh, ra đường với nón lá che nghiêng duyên dáng. Thêm vài năm nữa, mỗi lần gặp nhau nhớ chuyện đá banh, đánh kiếm hồi nào, hai anh em lại cười ngặt nghẽo.

Tiệc tẩy trần dài theo những mẩu chuyện như không bao giờ kết thúc, cho đến khi trở chiều. Trong lúc tôi châm thuốc lá, Aiko bảo, cậu ơi chúng ta đi thăm nhà mẹ nhé. Tôi khẽ lắc đầu nhìn khói thuốc tan nhanh trước mặt: Ngôi nhà xưa ấy không còn nữa cháu à. Aiko ngậm ngùi nhưng không thất vọng như tôi tưởng, lại là người nói ra lời an ủi: Vẫn còn trong cậu đó thôi. Cám ơn cậu đã truyền ký ức về mẹ cho cháu. Tôi bảo, cậu sẽ bù đắp khoảng trống kia cho Aiko bằng không gian này, trước khi lên đường du học, mẹ cháu đòi cậu đưa đến đây ăn kem, nơi mẹ cháu thỉnh thoảng đến đón khoảnh khắc dòng sông chuyển màu, cậu ở đây, mẹ cháu ở đó, đúng chỗ cháu bây giờ.

Như không có gì thay đổi qua thời gian dâu bể, trước mặt tôi và Aiko, có thể cả em tôi nữa, mặt trời đáp khẽ hướng đầu nguồn, loang khắp mặt sông xanh một màu cam rực rỡ, rồi mặt trời lặn hẳn, đỏ cam yếu dần chuyển sang tím ngát.

BÚT KÝ CỦA VĨNH QUYỀN
TIN LIÊN QUAN

Lãng mạn trong vườn đạn đá

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu đặt chân tới những khu vườn, khu gò đồi phủ đầy đạn làm bằng đá ở quanh thành Nà Lữ, đền Vua Lê (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), tôi đã rất ngạc nhiên, bật ra hàng chục câu hỏi lãng mạn chưa được giải đáp. Anh chủ khu vườn ngàn vạn viên đá được đẽo tạc công phu ấy thấy tôi thích thú, bèn mỉm cười...

“Thành phố hòa bình” ở miền đất thiêng

LAM CHI - HƯNG THƠ |

Đã từ rất lâu rồi, tỉnh Quảng Trị - nơi chịu nhiều đau thương, mất mát vì chiến tranh - đã ấp ủ việc xây dựng 1 thành phố - là biểu tượng của hòa bình trên nền móng miền đất thiêng Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Những người đi xuyên rừng

TÂM NINH |

“Cái đáng sợ nhất khi đối mặt với rừng già là gió Lào, ruồi vàng, bọ chó, những đám cháy rừng theo kiểu xoắn ốc, lửa tạt tứ bề. Rồi những ngày đi bộ mang vác theo hành lý…” - những điều Nguyễn Thành Vinh - Trạm Phó trạm kiểm lâm Púng Luông (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) ám ảnh nhất. Bất chợt, anh Vinh đổi giọng tươi hẳn lên, “nhưng vài hôm không đi lại thấy nhớ cái cảnh đẹp lung linh của núi rừng ấy chứ...”

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Lãng mạn trong vườn đạn đá

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu đặt chân tới những khu vườn, khu gò đồi phủ đầy đạn làm bằng đá ở quanh thành Nà Lữ, đền Vua Lê (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), tôi đã rất ngạc nhiên, bật ra hàng chục câu hỏi lãng mạn chưa được giải đáp. Anh chủ khu vườn ngàn vạn viên đá được đẽo tạc công phu ấy thấy tôi thích thú, bèn mỉm cười...

“Thành phố hòa bình” ở miền đất thiêng

LAM CHI - HƯNG THƠ |

Đã từ rất lâu rồi, tỉnh Quảng Trị - nơi chịu nhiều đau thương, mất mát vì chiến tranh - đã ấp ủ việc xây dựng 1 thành phố - là biểu tượng của hòa bình trên nền móng miền đất thiêng Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị).

Những người đi xuyên rừng

TÂM NINH |

“Cái đáng sợ nhất khi đối mặt với rừng già là gió Lào, ruồi vàng, bọ chó, những đám cháy rừng theo kiểu xoắn ốc, lửa tạt tứ bề. Rồi những ngày đi bộ mang vác theo hành lý…” - những điều Nguyễn Thành Vinh - Trạm Phó trạm kiểm lâm Púng Luông (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) ám ảnh nhất. Bất chợt, anh Vinh đổi giọng tươi hẳn lên, “nhưng vài hôm không đi lại thấy nhớ cái cảnh đẹp lung linh của núi rừng ấy chứ...”