Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh:

Dựng thương hiệu cho Khe Sanh

TRẦN ĐĂNG |

Địa danh Khe Sanh đã quá quen thuộc đối với nhiều người Việt Nam, vì nó gắn với chiến công lẫn đau thương mất mát trong chiến tranh. Sau cuộc chiến, có một lớp người sinh ra và lớn lên tại đây, muốn mọi người biết đến Khe Sanh dưới một lăng kính khác: Làm ra những sản phẩm mang thương hiệu đủ mạnh để bạn bè nhớ đến mình.

Nguyễn Văn Minh là người sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, ngay tại mảnh đất Khe Sanh, đang dốc lực để khẳng định điều đó bằng chính sản phẩm được làm ra tại quê hương anh. 

Ngang qua “cổng chào” để vào Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo, một thoáng ngạc nhiên trong tôi; thấy tôi có vẻ hụt hẫng trước cảnh đìu hiu này, Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Nhà máy sản xuất nước tinh lọc và nước đá sạch MV - giải thích: “Cổng chào này giờ để làm kỷ niệm thôi anh. Mình gia nhập vào sân chơi khu vực thì cũng đồng nghĩa với việc khai tử các cửa hàng miễn thuế tại Lao Bảo. Hết “miễn thuế” thì cái cổng chào này cũng theo chân…”. 

Nước uống MV được đánh giá là sản phẩm tốt, được nhiều người ưu chuộng. Ảnh: HT.
Nước uống MV được đánh giá là sản phẩm tốt, được nhiều người ưu chuộng. Ảnh: HT.

Tôi đã từng ngược xuôi đường 9 nhiều lần, cách nay đã mười năm, vẫn còn lưu giữ mãi hình ảnh của những dãy nhà nửa Lào nửa Việt, bên trong tràn ngập các loại hàng hóa “miễn thuế”, giờ nghe Minh nói vậy, tự dưng thấy “thiêu thiếu” một thứ gì đó mà không thể gọi thành tên. Bình tâm lại thì thấy thiếu điều này: Đã quen với các loại “ưu tiên” thời bao cấp, nên khi hết các loại ưu tiên ưu đãi thì hụt hẫng, vậy thôi.

Đó là nói đến lớp người trên dưới 60 tuổi như tôi, còn với lớp trẻ, họ luôn nghĩ khác, làm khác. Ví dụ bỏ việc nhà nước để ra ngoài làm, tức “tự biên chế” như Nguyễn Văn Minh, là một cách dấn thân mới mẻ, đầy khát vọng.

Tự biên chế

Nguyễn Văn Minh sinh năm 1976, nay cũng không còn trẻ nữa, song khi nghe anh nói “tôi bỏ biên chế để ra làm ngoài đã 15-16 năm rồi”, thì tôi thật sự ngạc nhiên vì lúc ấy, Minh chưa đến 30 tuổi. Để đi đến quyết định bỏ việc nhà nước, hẳn là Minh đã “bạc tóc” nhiều đêm.

“Ra trường, tôi lang thang cơ nhỡ một thời gian để tìm công việc mà mình ưng ý. Cũng đã bị một vài cơ quan Nhà nước chối từ, đến năm 2002, tôi “đậu” vào Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank). Một vài bạn bè nhắn tin chúc mừng như thể tôi được sa vào chĩnh nếp.

Làm tại thành phố tỉnh lỵ Đông Hà một thời gian ngắn, tôi xin về chi nhánh của Agribank tại Khe Sanh, ngay nơi mình sinh ra và lớn lên với mong muốn là góp sức xây dựng quê hương. Nhưng rồi cái “chĩnh nếp” mà nhiều người mơ ước ấy cũng không đủ lực để hút hết toàn bộ tâm trí tôi vào đấy.

Tôi quyết định bỏ việc để ra ngoài kinh doanh buôn bán trước sự ngỡ ngàng và có phần tiếc nuối của bao người. Có người còn bảo tôi “khùng” nữa. Nhưng tôi thì nghĩ khác: Phải có khát vọng và biến khát vọng ấy thành hiện thực thì mới mong thay đổi đời mình. Mỗi người đều cố thoát ra khỏi cái vỏ bọc “êm ấm” để dấn thân làm giàu thì quê mình cũng sẽ giàu theo rồi cả nước mạnh giàu”- Minh nói như trút nỗi lòng mình sau bao năm không biết “xả” vào đâu vậy.

Con đường “tự biên chế” của Minh thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng để từ bỏ một chỗ làm mà rất nhiều thanh niên ngày ấy mơ ước, Minh đã có một thời gian dài nghiền ngẫm trước khi đưa ra quyết định.

Không xài “tiền yên”

Trong buổi trò chuyện với Minh, tôi phát hiện ra một khái niệm về tiền, vừa quen vừa lạ. Đó là “không xài tiền yên”.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Yên là một ngoại tệ mạnh của Nhật, sao lại không dùng?”, Minh vừa cười vừa giải thích: “Sau khi nghỉ việc ở ngân hàng, tôi có tham gia kinh doanh nhà hàng dịch vụ ăn uống, khách cũng tấp nập lắm nhưng rất nhiều người ký sổ. Cuối năm, bảo kế toán mang sổ nợ đi đòi, nhiều con nợ nói cùng một câu: “Yên tâm đi, tôi trả ngay”.

Nhưng những con nợ ấy, hoặc là trả nhỏ giọt, hai là không trả đồng nào. Sau mỗi lần đi đòi nợ không được, về gặp tôi, cô kế toán lại nói: “Họ trả đồng yên rồi anh”.

Tôi hiểu, “đồng yên” này là cũng đồng nghĩa với… dẹp quán vì nghe mãi như vậy chỉ có sạt nghiệp”, anh Minh nhắc lại câu chuyện kinh doanh nhà hàng ăn uống của anh một thời bằng giọng buồn pha chút xót đắng. Không “yên tâm” với kiểu kinh doanh này, Minh xoay sang kiểu khác.

Ở Khe Sanh- Lao Bảo, nghe đến Tập đoàn Bảo Cường hẳn ai cũng biết. Nói “tập đoàn” cho có vẻ to tát, chính xác là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các loại mặt hàng tại Khu thương mại Lao Bảo và Khe Sanh. Họ sở hữu cả một chuỗi nhà hàng, khách sạn và là nơi tổ chức các sự kiện lớn tại vùng cao này. Minh đã tham gia và một thời lèo lái doanh nghiệp này với khá nhiều thành công, khẳng định một “thương hiệu mạnh” tại Lao Bảo-Khe Sanh.

Minh nhớ lại: “Hồi còn làm cho ngân hàng, tôi hay quan sát và thấy có nhiều khách du lịch, cả tây lẫn ta, hay vào khu trung tâm thương mại ở Lao Bảo để mua sắm. Vì là khu thương mại miễn thuế các mặt hàng, nếu buôn bán tại đây thì mình có rất nhiều ưu thế. Những năm đó (trước 2005), một số người mua bán tại khu thương mại này đem trà trộn hàng kém chất lượng vào để bán cho du khách nên dần dần mất khách.

Ông Lê Hữu Thăng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ - sau khi biết sự việc nên chỉ đạo phải có siêu thị tại khu thương mại chuyên bán hàng Thái Lan để lấy lại thương hiệu cho Lao Bảo. Đến cuối năm 2008, Nhà nước cho đấu giá thuê khu trung tâm thương mại, Tập đoàn Bảo Cường đã trúng thầu 600 mét vuông tầng 2 và biến thành nơi mua sắm hàng Thái lớn nhất tại vùng này.

Khách du lịch bắt đầu quay trở lại để tham quan, mua sắm trong khu thương mại. Thấy thuận lợi trong kinh doanh mua bán hàng Thái tại khu phi thuế quan này, năm 2011, chúng tôi mua luôn hệ thống siêu thị của một doanh nghiệp khác cạnh đó.

Nhưng cũng chỉ được 3 năm, đến 2014, Nhà nước bắt đầu cắt giảm các phần ưu đãi, hàng hóa không cho nhập miễn thuế vào bán ở các khu trong trung tâm thương mại Lao Bảo nữa, tôi buộc phải chuyển sang một hướng khác”.

Sản phẩm nước uống MV. Ảnh: HT.
Sản phẩm nước MV đã vào thị trường Lào. Ảnh: HT.

Khát vọng xây thương hiệu cho Lao Bảo

Chỉ vào một “núi” nước uống đóng chai đang chất đầy lên xe trước cổng nhà máy, mang thương hiệu MV, Minh giải thích: “Hồi còn buôn bán tại trung tâm thương mại Lao Bảo, tôi cứ đau đáu với câu hỏi: Tại sao tận ngoài Hà Nội, tít trong nam miền Trung mà họ mang nước uống và bán tại Quảng Trị vẫn lời, trong khi mình ở tại chỗ mà không sản xuất nước để bán?

Tôi nghĩ đến sản xuất loại nước tinh khiết phải được làm trên một dây chuyền công nghệ hiện đại, không những tiêu thụ tại Đông Hà hay Lao Bảo mà nó phải “vượt biên” sang Lào và Mukdahan (dân mình gọi tắt là Mục) - một tỉnh ở đông bắc Thái Lan. MV là viết tắt của tên tôi- Văn Minh, vừa là muốn gửi gắm chút khát vọng rằng sản phẩm của mình, đại diện cho Việt Nam, sớm có mặt tại Mục. MV cũng được hiểu là Mukdahan- Việt Nam”.

Khát vọng là vậy, song để có nguồn nước đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm để sản xuất là chuyện không dễ dàng. Minh đi tìm nguồn nước để thỏa nỗi khát vọng. Hóa ra là nó nằm ngay trong vườn nhà anh, ven một sườn đồi - nơi trước đây, mỗi mùa nắng hạn, cả xóm đến lấy nước giếng nhà Minh về dùng.

“Thợ khoan nước bảo, phải khoan 169m mới gặp nước nhưng mới khoan 69m, nước đã phun trên 30m rồi”, Minh nhớ lại cái giây phút vỡ òa khi tìm ra nguồn nước cho thương hiệu MV của mình. Mang đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị để họ phân tích mẫu. Kết quả tốt ngoài mong đợi.

Đầu năm 2017, Minh mạnh dạn đầu tư trên 10 tỉ đồng bằng một dây chuyền công nghệ hiện đại của Mỹ để cho ra lò mỗi giờ 5.000 lít nước và 1.000 két nước đóng chai chuyển ra thị trường tiêu thụ. Thương hiệu nước MV lập tức chiếm lĩnh thị trường. 50 công nhân trực tiếp sản xuất và hàng trăm đại lý là đồng bào Vân Kiều đã giúp cho MV đủ mạnh để chen chân rồi thế chỗ cho hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai tại Quảng Trị, có mặt hầu khắp các thôn cùng xóm vắng của Quảng Trị.

“Vạn sự khởi đầu nan nhưng như vậy đã là tốt rồi, song cái đích để MV nhắm đến không chỉ là Quảng Trị, tôi muốn loại nước mang thương hiệu của vùng quê nghèo này có mặt tận Lào và trên đất Thái nữa”, Minh chia sẻ.

Với công suất và quy mô của nhà máy như vậy, so với “người ta” thì cũng chưa là gì, song điều tôi muốn nói là khát vọng lớn của chàng trai sinh sau năm 1975 này, ngay tại vùng đất mà mỗi khi nhắc tới là người ta nghĩ đến chiến tranh, bom đạn và gian khó... Minh và thế hệ của anh ở Khe Sanh đã và đang làm thay đổi cách nghĩ ấy của mọi người.

“Nguyễn Văn Minh là một doanh nhân có khát vọng, dám nghĩ dám làm; đặc biệt là trong Minh luôn có động lực và tình yêu mảnh đất Khe Sanh nơi anh sinh ra, lớn lên. Trên cương vị Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lao Bảo, Nguyễn Văn Minh có những đóng góp tích cực, hiệu quả, nhất là trong phong trào khởi nghiệp”(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng).
 
TRẦN ĐĂNG
TIN LIÊN QUAN

Hưởng ứng cuộc thi viết về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh: 4.0 ở vùng biên ải

TRẦN ĐĂNG |

Ông Pả Dỏ, 60 tuổi, người dân tộc Vân Kiều mở smartphone bấm tạch tạch bằng hai ngón tay trông rất rất sành điệu, khoe: “Chỉ cần ấn vô chỗ này này, là tui có thể nối mạng với nhà máy sắn, gửi cho họ một thông báo là ngày nào thu hoạch, yêu cầu họ  điều xe đến chở, lập tức sẽ được đáp ứng ngay, khỏi phải chạy xe máy mấy chục cây số ngồi chầu chực đăng ký ở nhà máy”.

Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh: Những mầm xanh trên chiến trường xưa

QUANG ĐẠI – CÔNG SANG |

Ngót 20 năm từ ngày thành lập (1999), Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu IV) đã gắn bó, đồng cam cộng khổ với đồng bào Hướng Hóa, Cam Lộ (Quảng Trị), chung tay giúp người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới, cho mạch sống trên mảnh đất là chiến trường xưa ngày càng dồi dào, khỏe khoắn.

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

TÂM AM - VŨ VĂN NINH |

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.

Hà Nội dự báo số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao vào đầu tháng 4

PHẠM ĐÔNG |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường dự báo đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao sẽ gây ra tình trạng ùn tắc.

Lãi suất ngân hàng hôm nay 10.3: Top ngân hàng lãi suất cao nhất tháng 3

Hương Nguyễn |

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Lãi suất cao nhất thị trường lên tới 10% cho kỳ hạn 13 tháng. Cập nhật trọn bộ lãi suất Agribank, SCB, Sacombank, Vietcombank... mới nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Song Minh |

Ngày 10.3.2023, ông Tập Cận Bình được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 3 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Kiến nghị phương tiện quá hạn đăng kiểm 15 ngày được di chuyển

Hiếu Anh |

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt đăng kiểm.

Cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu sẵn sàng quay lại công việc

Hiếu Anh |

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, Cục Đăng kiểm kêu gọi cán bộ đã nghỉ hưu tham gia công tác đăng kiểm.

Hưởng ứng cuộc thi viết về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh: 4.0 ở vùng biên ải

TRẦN ĐĂNG |

Ông Pả Dỏ, 60 tuổi, người dân tộc Vân Kiều mở smartphone bấm tạch tạch bằng hai ngón tay trông rất rất sành điệu, khoe: “Chỉ cần ấn vô chỗ này này, là tui có thể nối mạng với nhà máy sắn, gửi cho họ một thông báo là ngày nào thu hoạch, yêu cầu họ  điều xe đến chở, lập tức sẽ được đáp ứng ngay, khỏi phải chạy xe máy mấy chục cây số ngồi chầu chực đăng ký ở nhà máy”.

Bút ký - Phóng sự dự thi về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh: Những mầm xanh trên chiến trường xưa

QUANG ĐẠI – CÔNG SANG |

Ngót 20 năm từ ngày thành lập (1999), Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu IV) đã gắn bó, đồng cam cộng khổ với đồng bào Hướng Hóa, Cam Lộ (Quảng Trị), chung tay giúp người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới, cho mạch sống trên mảnh đất là chiến trường xưa ngày càng dồi dào, khỏe khoắn.

Người giữ linh hồn của chiến thắng Khe Sanh

TÂM AM - VŨ VĂN NINH |

Năm mươi năm trôi qua, tuổi nhân sinh cũng ở hàng thất thập, song ông vẫn nhớ vẹn nguyên từng gốc cây, từng cơn mưa trên mảnh đất Khe Sanh ngày còn chìm trong đạn bom, khói lửa.