“Đụng chuyện” mới nghĩ ra giải pháp...

HOÀNG VĂN MINH - TRẦN LƯU |

Dạo một vòng quận 1 của TPHCM sau một tháng ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải ngừng xuống đường “giải cứu”, hóa ra vỉa hè lại bị lấn chiếm đâu vào đấy như ngày cũ. Chợt nhớ chiến dịch “giải cứu lợn” vẫn đang còn thời sự và bao chiến dịch “giải cứu” khác tiếp đuôi nhau, từ cá sấu tới trứng gà… Giật mình thấy, vỉa hè và cây trồng vật nuôi của đất nước mình sao mà giống nhau...

Lợn, cá sấu, trứng gà… và tiếp theo?

Xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn ở tỉnh Tiền Giang, những ngày này đi đâu cũng nghe người chăn nuôi “than vắn thở dài” vì giá quá thấp, đầu ra khó khăn, nợ nần chồng chất. Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Văn (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông) mặt như nhà có tang, không phát được câu nào tròn hơi bởi ông nuôi 120 con lợn thịt, 12 con nái, 2 đợt xuất chuồng vừa qua, gia đình ông chịu lỗ tròn… 400 triệu đồng.

Giá xuống thấp kéo dài, những đàn lợn thịt không có khả năng cầm cự vì đại lý thức ăn không bán thiếu nên ông đành phải bán hết số con nái, với giá 1,2 triệu đồng/tạ và giảm đàn lợn thịt xuống còn 80 con để lấy tiền mua thức ăn cho số lợn còn lại. Mới đây, thương lái vào trả giá quá rẻ nên ông đành mổ thịt, bày bán cho người dân mỗi ký chưa quá 30.000 đồng. Ông than: “Tiền lãi của những năm nuôi lợn được giá, gia đình tui tích lũy làm vốn, đầu tư tái sản xuất. Nhưng 6 tháng qua, giá xuống thấp, tiền tích lũy nhiều năm đã cạn vì bù lỗ, tui phải vay thêm 80 triệu đồng từ ngân hàng để tiếp tục o bế đàn lợn còn lại, mong giá tăng trở lại để gỡ vốn, song viễn cảnh đến nay vẫn không có gì sáng sủa”.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch UBND xã Xuân Đông - kể: Trước đây, xã có trên 50.000 con lợn/800 hộ nuôi thì hiện nay chỉ còn khoảng 30.000 con/300 hộ. Trong đó, nhiều hộ nuôi nhỏ, lẻ phải treo chuồng, còn các trang trại cũng giảm đàn; nhiều hộ nợ nần chồng chất do thua lỗ trong suốt thời gian dài.

Tương tự ông Văn, hơn 4 tháng nay, ông Phan Văn Công (xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) như ngồi trên đống lửa, với trại lợn hơn 1.000 con, trung bình 1 ngày, đàn lợn tiêu tốn hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn và công chăm sóc. Lứa lớn thì đã quá ngày xuất chuồng, tốn thêm chi phí chăn nuôi nhưng lại càng khó bán vì loại lợn này giá bán còn thấp hơn so với loại chưa đủ tạ.

“Gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi lợn, tui thấy chưa năm nào lại rớt giá thê thảm như lúc này. Lợn nái vẫn đẻ, con giống tiếp tục lớn, đồng nghĩa với việc tiền dần dần mất khỏi túi nông dân. Còn chấp nhận bán cho thương lái thì chịu lỗ hơn 1 triệu đồng/con. Những năm trước, lợn con giống từ 12-20kg có giá trung bình 1,2 triệu đồng/con thì nay phải mất 3 con mới thu về được 1,2 triệu đồng”.

Thế còn chiến dịch “giải cứu lợn” đang được Bộ NNPTNT tiến hành suốt hơn cả tháng nay? Cả ông Văn và ông Công đều trả lời “có biết khi xem đài, nhưng thực tế thì chưa thấy về đến”. Hỏi tiếp lên trên thì được hay tại Tiền Giang, dự kiến cuối tháng 5 này mới “sẽ triển khai các điểm bán bình ổn giá thịt lợn”.

Còn ở Hậu Giang, địa phương còn gần 42.000 con lợn gần xuất chuồng, nhưng chưa có nguồn tiêu thụ. Sở Công Thương tỉnh vừa có buổi làm việc với các cửa hàng và đơn vị kinh doanh thực phẩm để tìm hướng giúp đỡ các hộ chăn nuôi. Và giải pháp được thống nhất cao là quản lý tốt các khâu trung gian, chọn ra một số doanh nghiệp đầu mối thu mua, sau đó cung cấp cho thị trường chung trong tỉnh thay vì thu mua và giết mổ tràn lan như hiện nay. Trước mắt, tỉnh sẽ mở 4 điểm bán bình ổn giá và triển khai các chương trình kết nối tiêu thụ.

Và trong khi chiến dịch “giải cứu lợn” chưa thấy kết quả đâu vào đâu thì ở Đồng Nai tuần trước, nhiều hộ nuôi cá sấu lại kêu các cấp giải cứu cá sấu vì nuôi nhiều quá giờ bán không ai mua, bị ép giá. Gần nhất, cũng bắt đầu từ Đồng Nai (và chắc chắn sắp tới là nhiều địa phương khác), người dân lại kêu giải cứu gà và trứng gà công nghiệp bởi lý do tương tự. Sau gà là gì? Chưa tới cũng đoán được sẽ là vịt, là dưa hấu, là cam, là mía đường… Nói chung sẽ là nhiều những sản phẩm liên quan đến vật nuôi cây trồng của nước nhà.

Bài học học hoài không thuộc...

Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, ông Võ Quang Huy - một nông dân ở ấp Thuận Hoà (xã Hiệp Hoà, Đức Hoà, Long An), thời điểm này đang được mệnh danh là “vua chuối” ở Đồng bằng sông Cửu Long - đã nêu lên một thực trạng cay đắng và đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Tính dự báo của chúng ta rất yếu và có phần lỗi của báo chí - ông nói - Ví dụ truyền thông nói cam đang lên giá và đi tìm các mô hình trồng cam hiệu quả để khuyến khích người khác làm theo, nhưng không dự báo được ngày mai sẽ thế nào, hệ quả là trồng ra nhiều, bán không ai mua. Nhà nước cũng vậy, không ai nói cho dân biết cam đang lên giá nhưng trồng ra bán cho ai, trồng bao nhiêu thì vừa, nhu cầu của thị trường ra sao? Tóm lại thiếu thông tin thị trường, lao động nông thôn vừa thiếu vừa yếu, lại không quản lý được; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ... là những khó khăn cơ bản của ngành nông nghiệp hiện nay, cũng là những khó khăn tôi đang gặp phải”.

Tính dự báo được Tiến sĩ Đỗ Võ Anh Khoa - Trưởng Bộ môn Chăn nuôi Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ - cụ thể bằng ví dụ về “giải cứu lợn”, rằng “nguyên nhân cơ bản nhất đến từ việc Bộ NNPTNT không nắm được chính xác và kịp thời về tổng đàn của toàn quốc do tình trạng bảo hộ và khuyến khích cho các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ nên không dự báo, cảnh báo được thị trường và sức tiêu thụ”.

Dưới góc nhìn của GS-TS - Anh hùng Lao Động Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, vì có quá ít sự can thiệp về mặt chính sách, tổ chức của Nhà nước hoặc can thiệp, tổ chức chưa hiệu quả nên hiện nông dân của chúng ta đang phải tự bơi lấy. “Họ đang kinh doanh bằng... tai. Tức nghe lời ngon ngọt của các thương lái mà số đông là thương lái Trung Quốc nên hàng hóa chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch. Cả nông dân và thương lái đều làm ăn kiểu ăn xổi, chẳng có ràng buộc gì với nhau nên điệp khúc được mùa mất giá do bị ép giá cứ lặp đi lặp lại suốt bao nhiêu năm nay. Tóm lại, số phận của nông dân chúng ta đã và đang nằm trên thớt của thương lái nước ngoài”.

Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho rằng: Câu chuyện thịt lợn rớt giá, tắc đầu ra vốn không mới, nó chỉ là “giọt nước tràn ly” về câu chuyện bài học thị trường của ngành nông nghiệp, mà đến nay vẫn học hoài không thuộc.

Theo ông Hiệp thì từ nhiều năm qua, hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, từ lúa gạo đến con tôm, con cá chủ yếu là các mặt hàng nông sản đều lâm vào cảnh tắc đầu ra. Vấn đề bất cập nhất là chúng ta đợi “đụng chuyện” mới nghĩ ra giải pháp, mà không chủ động trước, chỉ theo đuôi các sự kiện và đi khắc phục hậu quả. Đây là cách làm theo lối “tiểu nông” truyền thống, trong khi cơ chế thị trường đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải nắm bắt quy luật cung-cầu. Việc kêu gọi giải cứu lợn là một nỗ lực, một nghĩa cử đáng trân trọng của cộng đồng, nhưng khi chúng ta tập trung vào thịt lợn, vậy còn những mặt hàng khác sẽ ra sao, rõ ràng là không ổn và đây cũng không phải là giải pháp căn cơ.

“Ngay bây giờ, ngành chức năng phải có sự sắp xếp lại và chủ động, không chạy theo đuôi các sự việc nữa, chúng ta phải vận hành theo cơ chế thị trường với “quy luật ngàn đời” là mối quan hệ cung-cầu, quy luật giá trị. Sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết nhưng không phải can thiệp hành chính, hoặc bằng những giải pháp “tình cảm” (tất nhiên vẫn có những tác động nhất định). Về lâu dài phải điều tiết từ chính sách, từ quy hoạch, cơ chế cho việc vận hành. Một con lợn xuất chuồng phải có quá trình, sao việc đó lại không được tính ngay từ đầu?” - ông Hiệp đặt vấn đề.

Suy cho cùng, chuyện “giải cứu” vỉa hè quận 1 (TPHCM) của ông Đoàn Ngọc Hải và chuyện “giải cứu” tất tần tật từ cây trồng đến vật nuôi lại có môi tương quan hữu cơ với nhau. Một nền kinh tế nông nghiệp quanh năm suốt tháng chờ “giải cứu” bằng lòng thương là không thể chấp nhận.

Việc “giải cứu” khẩn thiết nhất, thiết nghĩ, chính là sự “giải cứu” cho những người làm chính sách lâu nay đang “theo đuôi” sự kiện. Nếu không, trả lời cho câu hỏi sau lợn, cá sấu, gà… sẽ là gì cứ dài ra và lặp lại không hồi kết.

HOÀNG VĂN MINH - TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Công nhân mong chờ nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với mức thu nhập

KHÁNH LINH |

Đối với người lao động xa quê vào miền Nam lập nghiệp, sinh sống, với mức lương công nhân chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, việc mua được 1 căn nhà ở để ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp” đang ngày càng xa tầm với khi giá bất động sản ngày một tăng.

Ngày đầu đi làm, lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất tăng cao kỷ lục

KHÁNH LINH |

TPHCM - Sân bay Tân Sơn Nhất ngày hôm nay 27.1 (tức mùng 6 tháng Giêng) tiếp tục nâng số lượng chuyến bay và hành khách đến, xác lập kỷ lục khách giai đoạn cao điểm sau Tết.

Cận cảnh bức tranh gỗ lũa độc nhất miền Tây

Tạ Quang |

An Giang - Ông Nguyễn Văn Nghỉ (44 tuổi, huyện Chợ Mới, An Giang) đang sở hữu bức tranh gỗ lũa có chiều dài 24,5m, rộng hơn 2m được coi là độc nhất miền Tây.

50 năm Hiệp định Paris (1973-2023): Ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris

THEO TTXVN |

Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam hơn 20 năm đấu tranh kiên cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục nỗ lực, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Quốc hội; đóng góp chung vào thành công của cả nhiệm kỳ.

Vì sao người Hàn Quốc chi tiêu cho hàng xa xỉ nhiều nhất thế giới?

Thanh Hà |

Những người chi tiêu xa xỉ nhất thế giới là người Hàn Quốc, theo báo cáo của Morgan Stanley.

Đường phố TPHCM thông thoáng ngày làm việc đầu năm

Minh Quân - Anh Tú |

TPHCM – Sáng 27.1 (mùng 6 Tết), ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, những tuyến đường cửa ngõ đổ vào trung tâm TPHCM thông thoáng, khác hẳn hình ảnh kẹt xe những ngày bình thường. 

Tiến Linh, Đặng Văn Lâm… vào Top 5 giải Quả bóng vàng Việt Nam 2022

NGUYỄN ĐĂNG |

Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh, thủ môn Đặng Văn Lâm… là 2 trong số 5 cầu thủ lọt vào Top 5 của hạng mục Quả bóng vàng (QBV) nam Việt Nam năm 2022.