Đua bò Bảy Núi, càng sửa càng sai

Trúc Huệ |

Tại lễ hội đua bò Bảy Núi (tỉnh An Giang) lần thứ 22 - 2013, báo Lao Động đăng phóng sự “Đua bò Bảy Núi bên bờ vực mất trắng” phản ánh nạn khai thác áp đặt đã để các yếu tố kinh tế “thế dần” chất văn hoá trong loại hình sinh hoạt cổ truyền độc đáo của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Phóng sự được đông đảo dư luận ủng hộ. Đặc biệt, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - ông Nguyễn Minh Nhị - đã có bài viết trên báo An Giang bày tỏ đồng tình với những vấn đề báo Lao Động đặt ra. Trước áp lực dư luận, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh. Nhưng trớ trêu, sau sửa, vấn đề đã sai lại càng sai…

Lần thứ 23 buồn…

Dù đã được Trung tâm Thể dục - Thể thao (TDTT) huyện Tịnh Biên xác nhận: “Không tổ chức đua bò trong dịp lễ Dolta năm 2014”, nhưng với tất cả sự cẩn trọng về mùa giải đầu tiên sau bước chấn chỉnh của tỉnh An Giang, tôi nấn ná… ngòi bút với hy vọng chờ kỳ tích vào phút… “bù giờ”. Vì vậy, đến những ngày cuối năm 2014, thời điểm cuối cùng của tháng diễn ra lễ Dolta của đồng bào Khmer Bảy Núi, tôi trở lại Tịnh Biên để xác tín. Trái với bao kỳ vọng về không khí sôi nổi mùa đua bò và đúng “bài bản” sau chấn chỉnh, sân đua bò huyện Tịnh Biên “vắng như chùa Bà Đanh”.

Trong khi đó tại sân chùa Tà Miệt (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), mùa đua bò lần thứ 23 được tổ chức lấy lệ. Cũng như hàng chục ngàn người hâm mộ có mặt tại sân đua, tôi như chìm trong biển thất vọng trước sự nhạt nhoà bao trùm toàn cuộc chơi. Không chỉ dùng máy hát đĩa để thay cho màn trình diễn của dàn diễn viên nhạc ngũ âm như nhiều năm trước, cuộc đua còn có quá nhiều hình ảnh làm “xốn mắt” người hâm mộ, như sử dụng trang phục áo thun với hàng chữ quảng cáo nhà tài trợ cho người tham gia thi đấu; rút ngắn cuộc đua từ 2,5 vòng sân (80 x 160m) xuống còn 1 vòng. Và càng buồn hơn là hầu như bò đua bản địa của vùng Bảy Núi với dáng nhỏ, gọn màu vàng, lem tự nhiên gần như mất hút trên sân đua. Bởi ngoại trừ con bò Phèn mà chúng tôi đã nhắc đến trong các phóng sự trước, toàn sân đua “rặt” bò màu trắng, dỏng cao, tức bò lai, nhập từ Campuchia.

Đến thời điểm phát thưởng, Giải đua bò huyện Tri Tôn 2014 trở nên đìu hiu 

Vì sao nơi tổ chức lấy lệ, nơi bỏ hẳn? Theo công văn số 1896/VPUBND-VX do Phó Văn phòng UBND tỉnh An Giang Võ Hùng Dũng ký ngày 14.6.2014, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về “chủ trương tổ chức đua bò Bảy Núi lần thứ 23 - 2014”, thì từ năm 2014, việc tổ chức đua bò gắn với lễ Dolta hằng năm ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên sẽ do mỗi huyện tự phối hợp với các chùa Nam tông Khmer thực hiện, nhưng không được tổ chức bán vé. Có thể kêu gọi xã hội hoá để giảm chi phí tổ chức của huyện và đồng bào dân tộc”. Chính điều này đã đẩy hai địa phương vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một thành viên trong ban tổ chức giải đua bò huyện Tri Tôn năm 2014 (xin giấu tên) bức xúc: Nếu không duy trì đúng quy mô thì dễ làm hụt hẫng tâm lý bà con dân tộc, còn nếu duy trì thì càng khó, vì điều này cũng đồng nghĩa địa phương phải “gánh” toàn bộ công việc mà trước đây do nhiều cơ quan cấp tỉnh phối hợp thực hiện, nhất là đối với địa phương đặc thù: Dân tộc, miền núi, biên giới… như Tri Tôn và Tịnh Biên”.

Theo Trung tâm TDTT huyện Tri Tôn, do tại chỗ không có nhiều doanh nghiệp lớn, mức hỗ trợ khá hạn chế, có doanh nghiệp chỉ ủng hộ 200.000 đồng nên ban tổ chức phải chia nhau ra ngoài huyện vận động khoảng 40 đơn vị mới kiếm được 100 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để duy trì cái hình thức… chứ chưa thể chạm tay vào chất lượng cuộc đua. “Trước, đây là sân chơi của 60-70 đôi bò xuất sắc được tuyển chọn từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống, nên chất lượng đua rất cao” - ông Phạm Tấn Đức - thành viên ban tổ chức giải đua bò huyện Tri Tôn 2014 - thừa nhận: “Do nhiều lý do, trong đó có lý do chi phí hẹp nên huyện chỉ có thể kêu gọi các chủ bò trong địa phương tham gia nên tốc độ đua không đồng đều”.

“Mất bò” vẫn chưa… lo làm chuồng

Tại vòng đua bò huyện Tri Tôn năm 2014, tôi đặc biệt quan sát con bò Phèn - đại diện hiếm hoi của bò đua Bảy Núi “chuẩn”. Năm nay con Phèn mang số đeo 39 và cũng như năm trước, do không có bò bản địa “xứng đôi” nên người ta “cáp” nó với con bò sắc lông trắng được nhập từ Campuchia có dáng vóc cao to hơn hẳn. Tận mắt chứng kiến cảnh con Phèn dễ dàng loại đôi bò số đeo 38 ngay lần thi đấu đầu tiên, tôi thắp lên kỳ vọng: Những thay đổi từ năm đầu… “đổi mới” đua bò Bảy Núi sẽ giúp nhà cựu vô địch xoá cái “dớp” thất bại do những rắc rối từ quy định thi đấu để trở lại vị trí quán quân. Nhưng không, ngay lần đua thứ 2, con Phèn đành dừng cuộc chơi, nhìn đối thủ đủng đỉnh về đích. “Không chỉ riêng con Phèn, mà nhiều đôi bò bị thua… không phải do đối thủ mạnh, hay nó đã ở bên kia sườn dốc phong độ, mà do những bất cập của “Điều lệ thi đấu” - ông Đoàn Văn Lai - nguyên Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang - nhận xét. Sau bước xuất phát ngon lành, con bò “lính mới” bất ngờ chạy tạt… kéo con Phèn trượt ra khỏi giới hạn đường đua và theo “Điều lệ đua bò” do ngành TDTT tỉnh soạn vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đôi của con Phèn bị loại. “Điều này không chỉ làm giảm sự sôi động của cuộc đua, mà còn trái với “luật chơi” của đồng bào trong phum, sóc trước đây” - ông Chau Kim Sêng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang - bức xúc: “Hồi cha, chú tôi tổ chức đua, không có quy định: “Bò tạt ra khỏi đường đua, bị loại” như thế này”.

 

 

Chuyện con Phèn “cô đơn” vì không có bò bản địa “xứng đôi” và thực trạng bò đua - đặc sản vùng Bảy Núi - đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì tập quán thiến (hoạn) bò đực từ nhỏ và nhất là phong trào sind hoá đàn bò… đã được các nhà chuyên môn nhận thấy và bắt tay can thiệp từ nhiều năm trước. Cụ thể, đầu năm 2010, Sở KHCN An Giang và các nhà khoa học di truyền Đại học Cần Thơ tìm thấy tiếng nói chung trong nghiên cứu đề tài “Chọn lọc, bình tuyển và nhân giống đàn bò tại Tri Tôn, Tịnh Biên phục vụ cho lễ hội đua bò truyền thống của đồng bào Khmer An Giang”. Theo đó, đề tài thực hiện trong 3 năm (2010 - 2013) với mục tiêu: Duy trì ổn định nguồn gene quý hiếm của giống bò đua nhằm tạo ra thương hiệu đặc trưng của giống bò vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, sau khi bảo vệ xong đề cương thì công trình ngừng thực hiện vì chính “người trong cuộc” cho rằng không có giống bò đua. Từ đó đến nay mọi chuyện vẫn nằm trong im lặng.

Đây không phải lần đầu những người có trách nhiệm ở An Giang “chưa chuyển hoá” những ý kiến đóng góp cho tiến trình bảo tồn và phát triển cho hoạt động đua bò Bảy Núi của các nhà khoa học. Từ năm 2012, tại hội thảo khoa học về đua bò Bảy Núi, nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết đã minh chứng và khẳng định đua bò là “lễ hội” và đề xuất hướng bảo tồn. Điển hình là ThS Nguyễn Thanh Phong (Đại học An Giang), sau khi viện dẫn nhiều nguồn tài liệu chứng minh: Lễ hội đua trâu, bò là đặc sản của các nước Đông Nam và Nam Châu Á và không đơn thuần thể hiện thái độ yêu quý, mà còn là sùng bái trâu, bò. Trong đó do những đặc trưng tôn giáo, phong tục tập quán, cộng với hình thái riêng mà đua bò Bảy Núi có những nét đặc sắc riêng: Gắn liền với chùa chiền, diễn ra trong dịp lễ cúng ông bà với quy tắc chơi khá hoàn chỉnh… để đề xuất bảo tồn theo hướng “lễ hội”. Cụ thể hơn, PGS-TS Phan Yến Tuyết (Đại học KHXHNV TPHCM) cho biết thêm: “Từ hình ảnh người điều khiển dùng vật nhọn làm con bò chảy máu, chúng tôi nghĩ đến khả năng đây là một trong những nghi lễ mang sắc thái Saman giáo xa xưa liên quan đến tế thần rừng của người Khmer, vì Bảy Núi là vùng rừng núi? Phải chăng việc gây máu chảy trên thân bò trong hoạt động đua bò chính là vết tích nghi thức ma thuật tưới máu trên cánh đồng với ý nghĩa để ruộng lúa được màu mỡ. Có thể do quá lâu đời và do nhiều biến động trên vùng đất này nên ý nghĩa sâu xa của nghi thức tế thần rừng đã phôi phai, không còn được định danh?”. Qua đó các tác giả kiến nghị đường hướng cho địa phương khôi phục, bảo tồn những giá trị truyền thống mang ý nghĩa tâm linh của đồng bào Khmer trong hoạt động đua bò, tức phần “lễ”.

Tiếc thay “mất bò vẫn chưa lo… làm chuồng”, đến nay những góp ý này chưa có cơ hội khởi động. Tại sao chúng ta thích chọn cái cuối cùng, để rồi phải đối mặt với những mất mát trong tương lai không bao giờ có thể mua lại được bằng tiền? Xin nhường câu trả lời cho người có trách nhiệm.

Trúc Huệ
TIN LIÊN QUAN

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Móc túi người về hưu: Từ gửi tiền nhờ giữ hộ đến bỗng dưng... trúng thưởng

Bảo Hân |

Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều đối tượng, hình thức lừa đảo nhắm tới những người đã về hưu – những người có khoản tiền dành dụm và thường không rành về công nghệ.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.

Đội tuyển Việt Nam cần làm gì trên đất Thái?

TAM NGUYÊN |

Sự thay đổi của huấn luyện viên Park Hang-seo và bản lĩnh của các cầu thủ là thứ đội tuyển Việt Nam cần…