BÚT KÝ- PHÓNG SỰ DỰ THI VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH:

Doan Thương ở Ka Tăng

ĐẮC THÀNH - ĐỨC NGHĨA |

Vùng đất biên ải này ngày đầu lập nghiệp đã “đãi” chị bằng những trận sốt rét rừng, những ngày đói triền miên, những hình ảnh chết chóc khiếp đảm do bom mìn sót lại gây nên. Nhưng cũng tại chốn này, chị mới thấm thía được thế nào là sự sẻ chia, tình người trong lúc khốn khó.

Để rồi hôm nay, khi mà đã có của ăn của để, chị lại thôi thúc mình làm nhiều việc ý nghĩa để trả nợ ân tình. 

Vùng biên ải đầy “hào phóng” mà chúng tôi đang nói đến là Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Còn chị, tên cúng cơm đầy đủ là Nguyễn Thị Thương, năm nay 62 tuổi; chị em phụ nữ Vân Kiều gọi chị bằng cái tên gọn hơn: Doan Thương (Thương người Kinh).

Hơn 30 năm sinh sống, nếm trải đủ đắng cay ngọt bùi ở vùng đất này, là người Kinh hẳn hoi nhưng chị Thương tự tin nhận mình là người của dân bản Ka Tăng và chưa lúc nào chị thôi trăn trở với câu hỏi làm gì cho Ka Tăng?

Khai sinh nghề… thoát nghèo

Trong ký ức của chị Hồ Thị Thương, vùng đất Ka Tăng ngày trước chỉ có vài chục nóc nhà của người đồng bào Vân Kiều sinh sống. Sát khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sầm uất ngày nay, chỉ là những ngọn đồi cao ken dày tre nứa, cây rừng và chỉ lưa thưa nhà ở.

Năm 1986, lúc quyết định rời miệt biển Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) lên vùng biên ải này lập nghiệp, chị Thương nghĩ đơn giản rằng chỉ đi làm ăn vài năm để kiếm chút vốn lận lưng về quê khởi nghiệp. Nhưng rồi, trời se duyên để chị gặp người thanh niên Vân Kiều vạm vỡ và hiền lành như củ sắn, củ khoai và qua quá trình tìm hiểu họ đã quyết định nên nghĩa vợ chồng.

Những bỡ ngỡ đầu tiên khi về làm dâu nhà chồng ở vùng cao rồi cũng qua đi. Chị Thương dần dần bắt nhịp cuộc sống. Cũng như những người phụ nữ Vân Kiều ở Ka Tăng, chị Thương đầu tắt mặt tối phát nương, trỉa lúa, trồng ngô, chăm sắn… Và dù làm đủ việc nặng nhọc, nhưng cái ăn cho gia đình vẫn thiếu. Có khi mùa giáp hạt đến, gia đình chị không có lấy củ sắn mà ăn.

“Đói ăn đã đành, ở Ka Tăng, tôi còn bị ám ảnh bởi cảnh chết chóc do bom đạn phát nổ trong lúc phát rừng làm rẫy. Những hình ảnh khiếp đảm đó cứ xảy ra liên tục, khiến tôi cảm thấy chùn chân và có lúc muốn trở về quê”- chị Thương, ái ngại kể.

Quá khó khăn, ám ảnh nên chị Thương đành giao lại việc nương rẫy cho người chồng đảm nhiệm. Sau khi “giã từ” cái cuốc, cái rựa trên tay, chị chuyển sang nghề mới: Gánh hàng thuê. “Thời điểm đầu năm 1990, việc mua bán, trao đổi hàng hóa ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo diễn ra khá nhộn nhịp. Tôi cùng một số người dân khác xin gánh hàng thuê từ thị trấn Lao Bảo sang Lào và ngược lại với quãng đường gần hai cây số.

Mỗi ngày gánh thuê như vậy, mỗi người thu nhập được khoảng 10- 15 ngàn đồng. Có đồng ra đồng vào nên cuộc sống gia đình cũng đỡ hơn trước rất nhiều”- chị Thương, nhớ lại.

Một hôm, khi gánh hàng thuê qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chị Thương thấy người đàn ông nước Lào sử dụng chiếc xe kéo rất lạ lẫm. Chiếc xe tuy chở đầy rác, nhưng ông này kéo rất nhẹ, tựa như đang “trôi” trên đường. Lân la bắt chuyện, người này cho biết, đây là xe kéo dùng để chở rác rất hiệu quả mà ông ta mò mẫm sáng chế.

Chị Thương trò chuyện với những người phụ nữ kéo xe ở vùng biên Hướng Hóa. Ảnh: Đ.N
Chị Thương trò chuyện với những người phụ nữ kéo xe ở vùng biên Hướng Hóa. Ảnh: Đ.N

Sau khi chăm chú xem người đàn ông “làm xiếc” trên đường, chị Thương nhìn xuống đôi quang gánh nặng trĩu trên vai của mình và hôm ấy chị vỡ ra được nhiều chuyện. Rồi sau một đêm gác trán trằn trọc, chị Thương nảy ra sáng kiến là mượn chiếc xe kéo này đưa về Ka Tăng để thuê thợ mộc làm ra một chiếc như vậy.

“Việc này cũng không dễ dàng gì bởi người ta sợ tôi lấy mất xe của họ. Tôi phải thuyết phục, ghi giấy cam kết, người ta mới cho tôi mượn chiếc xe kéo này với giá 5.000 đồng/ ngày. Số tiền này lúc đó, tính ra bằng nửa ngày công gánh hàng mệt nhọc của tôi”- chị Thương, kể.

Sau khi “mượn” được chiếc xe kéo trên, chị Thương đưa đến xưởng mộc của một người dân ở thị trấn Lao Bảo nhờ làm với tiền công tương đương 3 chỉ vàng hồi đó. Sau một tuần đục đẽo, lắp ráp người thợ mộc đã bàn giao cho chị chiếc xe kéo mới tinh, chắc chắn. Và đây là chiếc xe kéo chở hàng hóa đầu tiên, trong số gần 100 chiếc đang hoạt động ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hiện nay.

Chị Thương phấn khởi kể rằng, từ khi có chiếc xe kéo việc vận chuyển hàng hóa diễn ra vô cùng thuận lợi. Lượng hàng hóa ngày một nhiều nên tiền công vận chuyển vì thế tăng cao. Một mình làm không xuể, chị Thương rủ thêm nhiều chị em Vân Kiều ở Ka Tăng cùng làm. Sau mỗi cuốc xe chở hàng, tiền công được chia đều cho từng người và mỗi ngày họ đều trích lại vài nghìn đồng bỏ quỹ để… đóng thêm một chiếc xe kéo khác.

Việc làm ăn thuận lợi nên chiếc xe kéo thứ 2, thứ 3, thứ 4… và đến nay đã có gần 100 chiếc ra đời. Các chị em hành nghề xe kéo đã lập thành một tổ gọi là Tổ xe kéo tự quản Ka Tăng để giúp đỡ nhau cùng tiến. Nhiều phụ nữ Vân Kiều ở Ka Tăng không có việc làm ổn định, đều được chị Thương “kéo” vào tổ xe kéo làm việc với nguồn thu nhập ổn định.

“Cũng nhờ việc kéo xe chở hàng nên nhiều chị em Vân Kiều có của ăn của để. Từ đói nghèo, bằng việc kéo xe, chị em sắm được tivi, xe máy, xây được nhà cửa”- chị Thương vui mừng.

Trả ơn… củ sắn

Hơn 30 năm lăn lộn nơi biên ải, bây giờ chị Thương sống cùng 4 người con trong một căn nhà khang trang, nằm sát nách Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Người chồng của chị giờ cũng đã thành người thiên cổ. Chị Thương nói, để có được hôm nay, chị đã nỗ lực vươn lên không biết mệt mỏi.

“Nhưng nếu không có sự sẻ chia từ những gùi lúa, củ sắn đến lời động viên của bà con thì tôi khó lòng nào mà bám trụ được với mảnh đất này. Khi mình khó khăn bà con sẵn lòng giúp đỡ, nên bây giờ tôi phải cố gắng hết mình để trả nợ ân tình ngày trước”- chị Thương tâm sự.

Tấm ảnh chị Thương chụp chung với những chị em  khác trong lần ra Hà Nội nhận bằng khen là mình chứng sinh động cho những việc làm mà chị mang lại cho phụ nữ vùng biên Hướng Hóa này. Ảnh: Đ.N
Tấm ảnh chị Thương chụp chung với những chị em khác trong lần ra Hà Nội nhận bằng khen là mình chứng sinh động cho những việc làm mà chị mang lại cho phụ nữ vùng biên Hướng Hóa này. Ảnh: Đ.N

Nhớ hôm chúng tôi tìm đến nhà chị Thương, thấy trên tường nhà chị treo rất nhiều bằng, giấy khen. Hỏi ra mới hay, ngoài bươn chải mưu sinh, chị Thương còn đảm nhiệm chức Chi hội trưởng phụ nữ Ka Tăng nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Mới đây, chị được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận Ka Tăng cùng với đó là chức Tổ trưởng Tổ kéo xe tự quản Ka Tăng.

Năm 2016, chị Thương vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mời ra gặp mặt và tặng bằng khen kèm số tiền thưởng 20 triệu đồng. Điều lạ lùng là, sau khi nhận được tiền thưởng chị Thương đã “ôm” tất cả số tiền này để… mua dê tặng cho những phụ nữ nghèo ở Ka Tăng.

“Năm ấy, khi có 20 triệu đồng tiền thưởng trong tay, tôi đã quyết định mua 8 con dê giống để tặng cho 8 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở Ka Tăng. Và đến nay, số dê giống này đã sinh ra nhiều dê con khác, chị em phấn khởi vô cùng”- chị Thương, cười nói.

Ngoài việc lấy tiền thưởng mua dê cho phụ nữ nghèo, năm vừa qua, chị Thương còn bỏ tiền túi hơn 7 triệu đồng hỗ trợ thêm 2 gia đình nghèo ở Ka Tăng để mua bò giống. Nhiều người dân được chị Thương hỗ trợ, lúc đầu e ngại không nhận thì được chị “trấn an”: “Vì thương bà con còn nghèo nên tôi hỗ trợ chút ít tiền bạc để có được “cần câu” mà vươn lên trong cuộc sống. Ơn gùi lúa, củ sắn xưa kia bà con giúp đỡ tôi nhớ mãi trong lòng”.

Trước lúc chia tay, chúng tôi hỏi chị bây giờ con cái đã lớn khôn, nghề nghiệp ổn định, chị có muốn về trở quê cũ? Chị Thương cười tươi, lại nhắc câu “tui là người của dân bản Ka Tăng” nên sẽ ở mãi ở vùng biên ải này…

Hôm đưa chúng tôi đi thăm những hộ dân được tặng dê giống, chị Thương chia sẻ thời gian tới sẽ tiến hành quay vòng đàn dê để những chị em nghèo khác có “cần câu” vượt khó. “Cách đây vài hôm, khi mở lời nói về chuyện này, những chị em đã nhận dê giống năm 2016 đều đồng ý trao lại một con cho chị em nghèo khác. Thấy chị em vui mừng gật đầu, tôi đã bật khóc khi nghĩ tấm lòng bà con Ka Tăng bao năm rồi vẫn vậy: nghĩa tình, sẻ chia, đùm bọc nhau trong lúc khốn khó”- chị Thương rưng rưng.

 
 
ĐẮC THÀNH - ĐỨC NGHĨA
TIN LIÊN QUAN

Ký ức Khe Sanh

TRẦN ĐỨC CHÍNH |

Cách đây 50 năm có lẻ, tôi là phóng viên đầu tiên của báo Lao Động đạp xe từ Hà Nội vào Vĩ tuyến 17. Một mình lẽo đẽo trên con đường số 1 nắng chang chang. Đi đường gặp gì ăn nấy tới chỗ hoang vắng thì tự nấu cơm bằng hộp đựng sữa Liên Xô, hái nắm lá rau tàu bay nấu canh, xong bữa. Gặp nhà dân ngủ nhờ, nằm đâu cũng ngủ được.

Khe Sanh bây giờ, một chiến trường khác…

LÂM HƯNG THƠ |

Anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan từ Cần Thơ, hẹn gặp nhà báo Trần Đăng Mậu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị để xin gợi ý… đề tài trước khi lên Khe Sanh.

Lao Bảo nhớ khổ, thương nghèo

HOÀNG VĂN MINH |

Nhớ khổ thương nghèo là một trong những thuộc tính đáng yêu của con người. Và đó cũng là một phần làm nên lịch sử. Với người Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) bây giờ, họ càng có cớ để mà nhớ, mà thương những ngày đầu từ dưới xuôi gồng gánh, dắt díu nhau lên chốn rừng thiêng nước độc ngày ấy để lập nghiệp.

Hà Nội dự báo số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao vào đầu tháng 4

PHẠM ĐÔNG |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường dự báo đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao sẽ gây ra tình trạng ùn tắc.

Lãi suất ngân hàng hôm nay 10.3: Top ngân hàng lãi suất cao nhất tháng 3

Hương Nguyễn |

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Lãi suất cao nhất thị trường lên tới 10% cho kỳ hạn 13 tháng. Cập nhật trọn bộ lãi suất Agribank, SCB, Sacombank, Vietcombank... mới nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Song Minh |

Ngày 10.3.2023, ông Tập Cận Bình được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 3 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Kiến nghị phương tiện quá hạn đăng kiểm 15 ngày được di chuyển

Hiếu Anh |

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt đăng kiểm.

Cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu sẵn sàng quay lại công việc

Hiếu Anh |

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, Cục Đăng kiểm kêu gọi cán bộ đã nghỉ hưu tham gia công tác đăng kiểm.

Ký ức Khe Sanh

TRẦN ĐỨC CHÍNH |

Cách đây 50 năm có lẻ, tôi là phóng viên đầu tiên của báo Lao Động đạp xe từ Hà Nội vào Vĩ tuyến 17. Một mình lẽo đẽo trên con đường số 1 nắng chang chang. Đi đường gặp gì ăn nấy tới chỗ hoang vắng thì tự nấu cơm bằng hộp đựng sữa Liên Xô, hái nắm lá rau tàu bay nấu canh, xong bữa. Gặp nhà dân ngủ nhờ, nằm đâu cũng ngủ được.

Khe Sanh bây giờ, một chiến trường khác…

LÂM HƯNG THƠ |

Anh bạn đồng nghiệp cùng cơ quan từ Cần Thơ, hẹn gặp nhà báo Trần Đăng Mậu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị để xin gợi ý… đề tài trước khi lên Khe Sanh.

Lao Bảo nhớ khổ, thương nghèo

HOÀNG VĂN MINH |

Nhớ khổ thương nghèo là một trong những thuộc tính đáng yêu của con người. Và đó cũng là một phần làm nên lịch sử. Với người Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) bây giờ, họ càng có cớ để mà nhớ, mà thương những ngày đầu từ dưới xuôi gồng gánh, dắt díu nhau lên chốn rừng thiêng nước độc ngày ấy để lập nghiệp.