Đỏ-đen lấy chồng xa xứ: Nỗi buồn phụ nữ Việt

Hoàng Văn Minh - Trần Lưu |

Trên mạng đang dậy sóng với link và ảnh chụp lại từ một bộ phim Hàn Quốc mang tên “Nông dân hiện đại” phát hành vào tháng 10.2014. Trong phim, người mẹ nhìn thấy con trai mình say bí tỉ, nằm ngủ quên trong nông trại, liền vừa lay con dậy vừa quát: “Này, tỉnh dậy”. Sang Deok - con trai người phụ nữ ngồi dậy, nói: “Mẹ à, con nhất định sẽ kết hôn”.

50% và 100%

Em có muốn lấy chồng nước ngoài không?”, chúng tôi hỏi Mỹ - cô bé mới quen ở xã Anh Thạnh 1 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), nơi có hơn 300 trường hợp lấy chồng nước ngoài vào một tối muộn trong quán ăn. Không ngần ngại, Mỹ lắc đầu nói “không” kèm nụ cười thờ ơ. “Trong ấp em có rất nhiều chị lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… nhưng em chưa bao giờ nghĩ tới. Em có nghề nghiệp ổn định (thợ làm tóc) và em không muốn rời cù lao”. Hỏi những người bạn rất xinh của Mỹ ngồi cùng bàn, ai cũng trả lời bằng cái lắc đầu. 

Điều này khác hẳn với một đêm gần nhất cách đây 5 năm, cũng tại cù lao này, mong ước được lấy chồng nước ngoài mà chúng tôi gặp luôn lồ lộ không che giấu và cả cù lao đang sốt nóng hầm hập. Ông Đoàn Phước Tùng - Chủ tịch UBND xã An Thạnh 1 lý giải: “Ngày càng có nhiều cô gái ở Cù Lao Dung nói không với lấy chồng nước ngoài bởi nhận thức của người dân đã có chuyển biến cùng việc nâng cao trình độ học vấn. Với lại, họ cảm thấy sợ bởi có quá nhiều bài học về sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… dẫn đến nhiều bi kịch ly tán, bạo hành, giết người… mà báo chí đã thông tin”. Nói vậy là nhiều năm nay, An Thạnh 1 và Cù Lao Dung không còn ai lấy chồng nước ngoài nữa? Ông Tùng nói: “Tất nhiên là còn, nhưng chọn lọc hơn. Nếu như ngày xưa các cô gái ở đây hồn nhiên lấy chồng chui qua đường biên giới (các nhà môi giới tập hợp các cô gái tại một điểm ở vùng giáp biên Campuchia, thường là Long An để những người Hàn Quốc, Đài Loan đến lựa chọn) thì bây giờ họ có quyền lựa chọn ngược lại thông qua mai mối giới thiệu của gia đình, người thân đi trước”.

Bây giờ thì ở An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3…, những địa phương có người lấy chồng nước ngoài nhiều nhất Cù Lao Dung cũng như nhiều vùng khác ở miền Tây mà chúng tôi đi qua, chuyện được kể nhiều nhất không phải là những bi kịch về con lai vô thừa nhận, bạo hành, giết người… mà là niềm hạnh phúc âm ỉ của người thân. “Đa số người có chồng nước ngoài đều mang lại thay đổi về cuộc sống, vật chất không chỉ cho cá nhân họ mà còn cả với người thân ở Việt Nam”, ông Đoàn Phước Tùng nói, rồi ví dụ cho chúng tôi nghe về hàng chục trường hợp giàu sang, hạnh phúc, gởi tiền về cho người thân cất nhà, mua sắm… ở địa phương. 

Đặc biệt ông Tùng tự hào về một nhân vật đã rất nổi tiếng trên báo chí Việt Nam tên A Sị, con rể người Đài Loan của An Thạnh 1 mang về cho Cù Lao Dung giống xoài đặc biệt làm đổi đời bao nhiêu gia đình nông dân. Hay một con rể người Đài Loan khác của Cù Lao Dung, Giám đốc Cty TNHH giày da Mỹ Phong (đóng ở Trà Vinh) đã và đang tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động ở khu vực đồng bằng và tổ chức công đoàn của công ty này là một điểm sáng trong việc bảo vệ lợi quyền người lao động…

Và bây giờ đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe những ví von nghẹn đắng dù không phải không có lý: Nếu lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, tỉ lệ sung sướng và bất hạnh là 50-50, thậm chí 70 -30. Những người ví von giải thích: Lấy chồng nước ngoài thì hên xui và thường hên nhiều hơn xui. Nhưng nếu lấy một người cùng ấp, cùng xã, thì hình ảnh tương lai mà họ nhìn thấy được là sẽ sống trong cảnh nghèo khó cùng một người đàn ông lười lao động, lại nát rượu và suốt ngày đánh đập vợ y như mấy gã hàng xóm và cha mình.

Có con đường nào khác?

Trở lại với lời thoại có sang Việt Nam cũng không lấy được vợ trên phim Hàn. Đó là bộ phim được chiếu trên Đài Truyền hình quốc gia SBS phủ sóng khắp Hàn Quốc. Ngoài ra phim còn có nhiều phụ đề tiếng Trung, Nhật, Việt, Anh… để phục vụ cho các thị trường đã và đang sốt phim Hàn trong khu vực. Lúc này trên các diễn đàn, câu chuyện về cái chết tức tưởi của “cô dâu Việt” Nguyễn Thị Thanh Ngân và người cha ở TPHCM không gom đủ tiền để qua Hàn Quốc mang xác con về lại được xới lên kèm những con số giật mình: Tại Hàn Quốc hiện có ước chừng khoảng 50.000 cô dâu Việt. Mỗi năm trung bình có khoảng 3-5 vụ phụ nữ Việt lấy chồng bị sát hại mà cơ quan lãnh sự Việt Nam được biết. Câu hỏi đặt ra là ai và vì sao, phụ nữ Việt Nam lại bị đánh đồng và rẻ rúng đến như vậy trong mắt người nước ngoài?

Tên facebook của mình, nhà báo Đức Hoàng của Báo Lao Động (Hoàng Hối Hận) viết: “Thật ra là, mình nghĩ các bạn ít xem phim Hàn nên mới bị sốc, kích thích và tức giận trước câu thoại này. Trong “Secret Reunion” (2010), một phim nằm trong top 40 phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Hàn Quốc, thì “cô dâu Việt” còn bị bêu riếu bằng cả cốt truyện chứ không phải là một câu thoại. Song Kang-ho, cựu sếp phản gián Hàn Quốc, sau khi thất bại trong một chiến dịch ngăn cản ám sát và hy sinh nhiều đồng đội, bị cho về vườn. Anh này lập hẳn một văn phòng thám tử tư với ngành hẹp là đi bắt lại cô dâu Việt Nam bỏ trốn. Họ lùa chị em như lùa vịt, chạy le te mấy chục phút phim. Không nên chỉ trích biên kịch của cái phim truyền hình có cái thoại ở dưới là “ấu trĩ”, mà có lẽ nên nhìn nhận rằng đó là một vấn đề đang được xã hội Hàn Quốc ý thức một cách đông đảo. 

Nhưng mình cũng không đủ kiến thức về xã hội Hàn Quốc để kết luận rằng tâm lý coi thường Việt Nam có tồn tại sâu rộng ở nước họ không. Hay là với họ, đây cũng là một “vấn nạn” của thiểu số: Một số gã đàn ông sang Việt Nam lấy vợ về, kéo theo bao nhiêu hệ lụy, nào là bạo hành, giết người, tự vẫn, bỏ trốn và trở thành nhập cư bất hợp pháp... Có thể chính xã hội Hàn Quốc cũng đang bức xúc trước thực trạng này...”.

Buồn, xót xa, đau đớn… nhưng rồi chúng tôi tự hỏi khi bình tâm lại: Người ta nhận xét như vậy có oan cho phụ nữ Việt Nam không? Và câu trả lời là hình như không oan mấy. Hãy nghe lời thẳng thắn của anh Lộc, người đàn ông từng mất vợ sắp cưới vì lấy chồng Đài Loan ở xã Hưng Thành (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu): “Mấy hôm nay đọc báo, xem mạng tui cũng bức xúc lắm nhưng nói trắng ra, phần lớn các cô gái miền Tây nhắm mắt đưa chân lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc chủ yếu vì tiền, vì áp lực muốn được đổi đời của bản thân và cha mẹ”. Một quan chức đầu tỉnh xin giấu tên ở Đồng bằng sông Cửu Long chua chát hơn: “Làm sao đòi hỏi người ta tôn trọng khi chính bản thân mình còn không biết tôn trọng bản thân, thậm chí tự rẻ rúng bằng cách xếp hàng để họ lựa chọn rồi chấp nhận kết hôn với một người lạ để thu lại, đôi khi chỉ có 10 triệu đồng và không biết điều gì đang chờ đón mình ở bên kia? 

Chính tôi chứng kiến nhiều người bà con, sang làm dâu xứ người với bao khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, nhưng hành trang họ mang theo chỉ là khát khao đổi đời cùng sự mơ mộng điên rồ kiểu “lấy chồng Hàn Quốc để được sung sướng, được ngắm hoàng hôn trên đảo Jeju (vốn nổi tiếng qua các bộ phim Hàn chiếu ở Việt Nam); hoặc lởn vởn với những câu hỏi như mình sẽ gởi về nhà được bao nhiêu tiền để giúp đỡ cha mẹ? Và qua đó, thay vì chịu khó học hỏi để hòa nhập thì lại ép chồng và nhà chồng phải gởi tiền về Việt Nam cho cha mẹ mình…”.

Hoàng Văn Minh - Trần Lưu
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.