Đỉa đói” vét ruột sông Đồng Nai

K’LIỆP |

Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác cát lòng sông Đồng Nai - đoạn giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Phước, thế nhưng hoạt động khai thác cát trên dòng sông này vẫn diễn ra phức tạp, rầm rộ. Hàng chục tàu hút cát với công suất lớn ngang nhiên hút cát, khiến hai bờ sông sạt lở nghiêm trọng, người dân mất đất, bức xúc...

Khai thác cát khắp nơi

Nhiều hộ dân tại thôn Vĩnh Ninh và thôn 3 xã Phước Cát 2 (Cát Tiên, Lâm Đồng) cho biết, mỗi ngày trên nhiều đoạn sông Đồng Nai thuộc địa bàn từ sáng sớm nhiều tàu hút cát hoạt động rầm rộ. Những giờ cao điểm, ít nhất 10 tàu cát, nối đuôi nhau hút cát.

Anh Đ.K.D (ngụ thôn 3) cho biết, hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai đã tồn tại rất lâu, nhiều tàu khai thác cát ngang nhiên hoạt động, bất chấp sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương, cơ quan chức năng. “Tàu hút cát nổ máy hút cát tạo ra tiếng động râm ran trên sông cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, khi nhận được tin báo của người dân, công an xã Phước Cát 2 có mặt thì tàu hút cát nhổ neo, chuyển sang hút cát bên bờ thuộc địa phận Bình Phước… nên lực lượng chức năng rất khó để xử lý “cát tặc” - anh Đ.K.D nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, tại hai thôn Vĩnh Ninh và thôn 3, ngoài những người ở nơi khác đến, người tham gia trên tàu hút cát là dân lao động ở địa phương làm thuê. Một “cát tặc” cho biết, mỗi tàu hút cát có 4-5 người tham gia, sau khi hút đầy cát, tàu sẽ di chuyển về bãi cát nằm trong khu vực, rồi tiếp tục quay đầu hút tiếp. Mỗi ngày trung bình từ 2-3 chuyến/một tàu hút cát.

Ngày 23.8.2017, trao đổi với phóng viên, anh D.L (ngụ thôn Vĩnh Ninh) cho biết: “Mới hôm qua, hôm kia và nhiều ngày trước, trên đoạn sông Đồng Nai thuộc xã Vĩnh Ninh, bên bờ sông gần miếng đất của gia đình tôi, có 7-10 tàu hút cát ngang nhiên hút. Hôm nay, chúng biết các anh đến nên chỉ còn 2 tàu này khai thác”.

Theo anh D.L, ngoài “cát tặc” là người dân từ nơi khác đến làm cho chủ tàu hút cát, thì một số người dân tại thôn Vĩnh Ninh và thôn 3 được chủ tàu thuê làm. Mỗi khi có cơ quan chức năng hoặc người lạ xuất hiện tại địa phương là báo cho “cát tặc” chuẩn bị đối phó. “Có các anh ở đây, chúng không dám manh động hút cát, chứ vài bữa nữa, khi các anh về, hoạt động khai thác đâu lại vào đó. Hàng chục con tàu nối đuôi nhau hút cát cả ngày lẫn đêm. Người dân chúng tôi chửi khan giọng, cầu cứu khắp nơi… Giờ chẳng biết phải làm sao” - anh D.L bức xúc.

Anh Đ.K.D cho biết, người làm công ăn lương khoán từng chuyến, trung bình “cát tặc” thu về từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/mỗi ngày khi làm thuê cho các chủ tàu hút cát. Những người làm thuê ở đây cho rằng, khai thác cát là chủ con tàu, là doanh nghiệp… còn họ chỉ là người làm nên vô tội… chủ sai đâu làm đó.

Qua tìm hiểu, sau khi hút cát lòng sông Đồng Nai khu vực thôn Vĩnh Ninh và thôn 3, số tàu cát trên di chuyển, đem cát hút được bơm lên bãi chứa cát. Số cát này, họ tiếp tục bán lại cho một số doanh nghiệp và người có nhu cầu với giá theo thỏa thuận.

Liên quan đến vấn đề khai thác cát tại địa bàn xã Phước Cát 2, anh H.V.S cho biết, khi phản ánh vụ việc, anh đã nhiều lần bị cá nhân, tổ chức đe dọa. Thậm chí đã bị đánh đập, vì thế nhiều người dân tại địa phương rất ngại vì sợ chúng đánh.

Sông Đồng Nai sạt lở nghiêm trọng tại hai bên bờ - đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng. Ảnh: K.L

Vét trơ ruột sông

Sau khi được anh H.V.S cung cấp thông tin, chúng tôi có mặt tại thôn Vĩnh Ninh, thôn 3 thuộc xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. Tại đây, việc nhiều tàu cát khai thác cát với công suất lớn đã gây ra nhiều hệ lụy, gây sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng đến cây trồng và vật nuôi…

Sáng 23.8, chúng tôi ghi nhận hình ảnh nhiều con tàu hoạt động khai thác cát. Tại đây, các tàu di chuyển từ sáng sớm, hoạt động khai thác cát rầm rộ, nhiều tàu cát công suất lớn. Hầu hết các tàu đều không có số hiệu và vị trí khai thác cát. Các con tàu cắm neo, nằm ở vị trí giữa sông, vòi hút cát thì hướng cả hai bên bờ. Tại một khúc sông có đến 2 con tàu khai thác cát công suất lớn đang hoạt động.

Đang hút cát bên địa phận Lâm Đồng, một số tàu hút cát thấy chúng tôi cầm máy quay ghi hình, chúng nhổ neo cho tàu dạt về phía bờ bên kia (địa bàn Bình Phước) và tiếp tục hút cát… như nơi không người. Được biết, vị trí những tàu hút cát này hoạt động nằm trong phạm vi khai thác của Cty TNHH SX-TM-DV T.Ph (phạm vi xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) do UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy phép khai thác cát, khai thác đến hết ngày năm 2018.

Trên địa bàn huyện Cát Tiên có 6 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát bao gồm 5 tổ chức và một cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 9 giấy phép và đang hoạt động khai thác trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn các xã: Đức Phổ, Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Phước Cát 1, Phước Cát 2 và thị trấn Cát Tiên.

Tổng công suất khai thác của 9 giấy phép trên địa bàn huyện là 95.100m3/năm với chiều dài đoạn sông khai thác là 32.320m. Qua tìm hiểu, 6 đơn vị trên là DNTN Xuân Trường, DNTN Xuân Hà, Cty TNHH Lâm Phong, Cty TNHH Mạnh Hà, Cty TNHH TM-SX-DV Thanh Hằng và hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Dương.

Ngoài ra, trên dòng sông này UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép khai thác cát (địa phận xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) cho Cty Cổ phần công trình giao thông Đồng Nai. Chiều dài đoạn sông khai thác là 13.370m, công suất khai thác 80.000m3/năm, hoạt động 11 năm. Phía UBND tỉnh Bình Phước cũng cấp giấy phép khai thác cát cho Cty TNHH SX-TM-DV Tường Phát (phạm vi xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) với chiều dài đoạn sông khai thác là 5.000m, công suất 40.000m3/năm, khai thác đến hết ngày năm 2018.

Anh Trần Xuân Như bức xúc, tàu cát hoạt động trên địa bàn rất tấp nập, hằng ngày có hàng chục tàu hút cát hoạt động, chúng hút cát cả ngày lẫn đêm và gây sạt lở đất nghiêm trọng. “Đã nhiều lần tôi phản ánh lên cơ quan chức năng nhờ can thiệp, nhưng không thể giải quyết dứt điểm”. Bà Nguyễn Thị Phú cho biết: “Tôi có miếng đất này chủ yếu để trồng cỏ cho bò ăn, thế nhưng tàu hút cát đã ngang nhiên hút cát bên phần đất của tôi, khiến đất sạt lở, giờ đất thành sông. Tôi không biết phải làm sao”.

Ông Đoàn Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên - thừa nhận, tình trạng dọc bờ sông thuộc địa phận xã Phước Cát 2 sạt lở là có. Theo ông Nam, người dân cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do tình trạng khai thác cát. Vị Chủ tịch xã này cho biết thêm, một đoạn sông dài chưa tới 500m, một ngày có khoảng 4 tàu khai thác cát hút cát, mỗi tàu khai thác ít nhất 4 chuyến. Trung bình một ngày UBND xã nhận trên 5 tin báo của người dân về việc tàu hút cát trái phép. Xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra, hầu hết các tàu hút cát đứng giữa sông, nhưng vòi hút thì đặt bên Lâm Đồng, khi biết lực lượng chức năng đến, các tàu này rời đi, chỉ ít phút sau lại quay lại hút tiếp, lúc này chuyển vòi hút sang bờ phía Bình Phước.

Hàng loạt DN vi phạm

Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) từ năm 2016 đến nay, qua công tác kiểm tra, ngành chức năng huyện đã xử lý vi phạm hành chính 49 trường hợp vi phạm các quy định về khai thác cát với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng. Các lỗi vi phạm trong hoạt động khai thác cát chủ yếu là khai thác sai vị trí theo giấy phép được cấp, khai thác gần bờ, khai thác sai thời gian quy định, tình trạng khai thác làm sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân...

Vi phạm hầu hết là các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Tính đến nay, tại xã Quảng Ngãi có 155 hộ dân có đất bị sạt lở bờ sông Đồng Nai với tổng diện tích đất sạt lở là 89.801m2, trong đó diện tích đất sạt lở trong giấy chứng nhận sử dụng đất (GCN QSDĐ) là 10.814m2. DNTN X.H đã đền bù được 145 hộ dân với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, tại xã Phước Cát 1, xã Đức Phổ (phạm vi khai thác của DNTN X.TR và Cty TNHH M.H)... cũng để xảy ra tình trạng sạt lở đất bờ sông gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 2185/UBND-ĐC về việc phòng, chống vi phạm phát luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có văn bản gửi đến UBND tỉnh Bình Phước đề nghị không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát) tại sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa Lâm Đồng và Bình Phước; giấy phép đã cấp trước đây hết hạn thì đề nghị không gia hạn, cấp lại. Phía tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 5.2011 đã thực hiện ngừng cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai thuộc ranh giới 2 huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh giáp ranh với 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Sở TNMT Lâm Đồng cho biết, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng việc khai thác cát của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 3 tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai - Bình Phước. Theo đó, 7 tổ chức, cá nhân được tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát thuộc địa bàn huyện Đạ Tẻh sẽ tạm dừng khai thác trong thời gian 2 tháng và 9 tổ chức, cá nhân khác thuộc khu vực huyện Cát Tiên phải dừng khai thác trong 3 tháng.

K’LIỆP
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.