Dâu xứ Đài về ngoại đón xuân

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU |

9 giờ sáng chuyến bay mới đáp xuống Cần Thơ, nhưng từ tờ mờ sáng rất nhiều thân nhân đã đứng ngồi khấp khởi trong khuôn viên sân bay, nhìn trời, nhìn đồng hồ mong cho thời gian trôi nhanh. Họ mong chờ chuyến bay đặc biệt đưa về quê nhà 89 cô gái Việt là con dâu của Đài Loan (Trung Quốc) đáp xuống miền Tây về với gia đình vui xuân, đón tết.

Thấy con về vui hơn tết

Ông Lý Khải Vinh (91 tuổi quê Sóc Trăng), nhà cách Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ hơn 80km đến từ rất sớm. Ông hết đứng lại ngồi, rồi ra ngoài nhìn lên bầu trờ Cần Thơ đầy mây. Những người bên cạnh trấn an “ Ông ơi, chưa tới giờ mà”. Ông Vinh cười, miệng méo xệch: “ Ờ, ờ, biết vậy, nhưng sao vẫn thấy nao nao…”.

Hơn 15 năm trước, miền quê còn lắm khó khăn, ông đành đứt ruột gả đứa con gái út đi lấy chồng ở xứ con ông và cả gia đình đều chưa bao giờ biết đến, dù thời đó, cụm từ “lấy chồng Đài Loan” không mấy xa lạ tại miệt Cần Thơ, Sóc Trăng. Lắm người gặp may mắn có được gia đình hạnh phúc, cũng có những cô gái miệt vườn sông nước đành chấp nhận số phận. Thân phận người con gái như “hạt mưa sa/ hạt vào đài cát, hạt ra ruộng đồng”. Ông Vinh ngậm ngùi tiễn đứa con gái út lấy chồng xa và chấp nhận “may nhờ, rủi chịu”…

Và lúc này đây, ngày cận Tết Mậu Tuất, ngồi tại Sân bay Cần Thơ đón con về sum vầy cùng gia đình vui xuân, đón tết, ông chặc lưỡi: “Nhờ trời thương, lấy chồng về Đài Loan (Trung Quốc), vợ chồng nó đều có việc làm ổn định. Mấy năm nay, tết nào nó cũng về quê ăn tết cùng gia đình tôi. Năm nay cũng vậy, nó điện thoại về biểu Tía (từ địa phương tương đương với Bố, Ba, Cha) đừng đi đón con vì sợ tui già yếu, nhưng ở nhà bồn chồn lắm. Không đi, chịu không được”.

Ông Đặng Văn Viễn (71 tuổi, quê Hậu Giang), suốt đêm không ngủ, mong cho trời mau sáng để cùng với người thân đi đón đứa con gái về nhà ăn tết. Gặp chúng tôi tại Sân bay Cần Thơ, khuôn mặt ông tươi rói. Ông chia sẻ: “Tôi có 2 đứa con gả chồng bên Đài Loan. Năm nay, chỉ đứa lớn cùng con của nó về thôi, đứa nhỏ điện về nói còn nhiều việc quá, không về được. Thôi kệ, 1 đứa về quê dịp tết là mừng lắm rồi. Vợ chồng tôi vui lắm, nguyên đêm qua có ngủ nghê gì được đâu, chờ cho trời mau sáng để đón con cháu. Thấy tụi nó về còn vui hơn tết nữa”.

Mùa xuân này, đối với bà Đỗ Thị Hường (56 tuổi, quê Hậu Giang) càng thêm ý nghĩa. Bởi đưa con mà cách đây hơn 10 năm, bà gả lấy chồng tận xứ Đài, biền biệt 10 năm chưa về lại quê nhà. Vậy mà “đùng một cái” con bà điện thoại về ngắn gọn: “Tết nay con sẽ về nhà”. Khỏi phải nói gia đình bà vui còn hơn tết.

Bà cười thật tươi “Không vui sao được.Từ khi gả nó tới giờ, có thấy mặt mày gì đâu. Năm nay nó về Việt Nam ăn tết, hổng vui sao được! Đêm qua có ngủ nghê gì đâu, chờ sáng gặp mặt con coi tròn, méo thế nào…” Rồi bà xởi lởi “Sau bao năm con chưa về ăn tết, năm nay con nó về, thật tình cả gia đình tôi mừng lắm”.

Nhìn những người cha, người mẹ, người chị… đứng ngồi tại sân bay chờ đón con, em của họ về quê nhà mới thấu hết nỗi mong chờ của người thân đón người thân trở về.

 Quây quần bên người thân tại Sân bay Cần Thơ.
Quây quần bên người thân tại Sân bay Cần Thơ.

Không đâu bằng tết quê nhà

9 giờ 9 phút ngày 10.2, chuyến bay hạ cánh. Những tiếng cười rộn rã hòa lẫn trong niềm vui hạnh phúc của thời khắc trùng phùng. Rồi những giọt nước mắt nghẹn dâng trong tiếng nấc rặt giọng miền Tây: “Cha ơi, mẹ ơi, con về rồi nè”… Rồi những cái vẫy tay đón chào. Và những đôi bàn tay ôm chặt người thân rất lâu và len lén lau những dòng nước mắt... Hơn ai hết họ thấm thía câu “phụ mẫu tình thâm”.

Mỗi người đều có quê để nhớ, có gia đình để thương, để hoài niệm về tuổi thơ. Mưa trên trời rơi xuống, người có phụ quê chứ quê hương đâu có phụ người. Đau đáu nhớ về quê vào những dịp cuối năm - nét văn hóa đẹp đẽ của người Việt. Có lẽ vì vậy, mỗi độ xuân về, có 1 dòng di dân ngược từ thị thành về các làng quê. Mọi người trở về sum vầy cùng gia đình vui xuân, đón Tết!

Chuyện tưởng như bình thường, đơn sơ vậy, nhưng đối với chị Lê Bích Tuyền (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) thật sự là 1 ước mơ lớn. Lấy chồng ở xứ Đài đã rất lâu, nhưng chưa có dịp dẫn con về thăm ông, bà ngoại. Quê ngoại đối với các con - chỉ qua lời kể của chị. Bây giờ đứng ở Sân bay Cần Thơ, đứng ở đất nước mình, chị vẫn còn tưởng trong mơ. Chị chia sẻ “ Đi xa ai cũng nhớ nhà. Mùa xuân về càng nhớ nhiều hơn. Nhất là hiện nay bên Đài Loan lạnh lắm. Năm nay về quê nhà ăn Tết em vui vô cùng”.

Chị Đặng Thị Đẹp cho biết, năm nay chị về nhà ăn tết cùng với con trai. “Đi xa thấy nhớ quê lắm, đặc biệt là nhớ hương vị tết ở quê mình. Về đây được gặp người thân tôi vui lắm. Người Việt mình có câu: Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy. Nó gợi nhắc đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Tết này, tui dẫn con về quê ngoại cho nó biết thế nào là tết ở Việt Nam”.

Cùng chung cảm xúc đó, chị Ngọc Mỹ (quê Trà Ôn, Vĩnh Long) nói: “Ngồi trên máy bay ai cũng nôn nao, hồi hộp mong cho mau xuống đất để chạy cái ào về nhà thôi. Bây giờ muốn mau mau tới nhà đi thăm bà con, bạn bè. Năm nào cũng vậy, gần Tết là tôi gác lại công việc để tranh thủ về quê ăn tết cùng với gia đình. Năm nào cũng về, nhưng năm nào cũng nôn nao, cũng rạo rực cả. Ông bà ta nói, không đâu bằng quê mình mà”.

Ở 1 góc bên nhà chờ, 1 cô gái lặng lẽ đẩy xe hành lý đi 1 mình không ai chào đón. Ánh mắt không kiếm tìm, vẻ mặt tươi roi rói hoàn toàn không như suy đoán của chúng tôi là “lạc mất người thân”. Trước thắc mắc của chúng tôi, cô cười thật tươi: “Năm nay, em về quê ăn tết trong… bí mật. Nói chơi vậy thôi chứ quê em ở Hậu Giang, cha mẹ tuổi già sức yếu, nên lần này về quê em không thông báo trước, sợ cha mẹ lo lắng, ngồi xe đi đón mệt nhọc. Về tới nhà, gặp nhau là bất ngờ luôn. Tết năm nay thiệt không gì hạnh phúc bằng. Vừa bước xuống sân bay mà đã mừng muốn khóc”.

Ông Đặng Văn Viễn, 71 tuổi, thức suốt đêm đến Sân bay từ rất sớm để đón con về quê ăn Tết.
Ông Đặng Văn Viễn, 71 tuổi, thức suốt đêm đến Sân bay từ rất sớm để đón con về quê ăn Tết.

Mở lòng nhìn bằng cặp mắt yêu thương

Đã có quá nhiều câu chuyện buồn về những thận phận của những cô gái Việt làm dâu nơi xứ người. Cũng lắm câu chuyện tại miền Tây về những đứa trẻ “ngoại” không nhập tịch. Và cũng có quá nhiều phân tích về nguyên nhân các cô gái miền Tây lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhiều đến mức, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á có hẳn đề tài nghiên cứu về vấn đề này.

Con số các cô gái Viêt Nam lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc) có thời điểm lên đến trên 40.000 người, chỉ tính từ giai đoạn cao điểm 1994 -2000. Đâu đó, người ta vẫn còn phân biệt với những cô gái lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc. Hiện con số hàng năm, các cô gái miền Tây lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc) đã ít đi, nhưng vẫn còn rất cao so với kết hôn với các nước khác.

Bà Trần Thị Hoa Ry - ĐHQH, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu - cho rằng, đã đến lúc cần có cái nhìn thiện cảm hơn đối với những cô dâu Đài Loan, Hàn Quốc gốc Việt. Không vì một vài trường hợp bị đối xử hà khắc mà lên án. Cũng đừng nhìn các cô gái miền Tây vì nghèo, vì muốn đổi đời mới lấy chồng Đài Loan.

Trong hàng chục ngàn cô gái miền Tây lấy chồng xa xứ, những người được/có thể trở về quê ăn tết là hạnh phúc. Biết làm sao được, cuộc sống vốn không mỉm cười với tất cả mọi người. Ở quê chồng, chắc các chị, các em quây quần bên mâm cơm gia đình, vẫn thắp nén hương cúng ông bà, tổ tiên nhớ về đất nước mến yêu...

Theo Vietnam Airlines, chi nhánh tại Cần Thơ, từ đây đến tết sẽ còn chuyến bay vào ngày 13.2, cất cánh từ Đài Loan (Trung Quốc) lúc 22 giờ 55 phút và đáp xuống sân bay Cần Thơ lúc 1 giờ 10 phút ngày 14.2, chở theo 114 hành khách chủ yếu là dâu Đài Loan về quê ăn Tết.

Chuyến bay khứ hồi, từ Cần Thơ đi Đài Loan (Trung Quốc) có 2 chuyến vào ngày 20.2, một chuyến khởi hành lúc 0 giờ 15 phút, chở 74 hành khách; một chuyến cất cánh lúc 3 giờ 45 phút, chở 129 hành khách.

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Sự thật phía sau “dịch vụ” xuất khẩu cô dâu: Lên mạng rao thân, mong tìm dâu hiền, rể thảo

Nhóm PV Bạn đọc |

Chỉ đến khi mắt thấy những lựa chọn, tai nghe những oán than và tự mình ngồi dự những tiệc hỷ chớp nhoáng kiểu “gặp sáng - cưới chiều”, chúng tôi mới thực sự thấu hết được sự bèo bọt, buồn thảm của những phận phụ nữ Việt chấp nhận lấy chồng ngoại. Lúc này, những cô gái trẻ măng căng tràn sức sống, chẳng khác gì “con cá, mớ rau” ngoài chợ…

Ấm áp trái tim Việt nơi đất khách

QUANG ĐẠI |

Là một cô dâu Việt, chị Trần Thị Hoa (được mọi người biết đến rộng rãi qua nick FB Quán Ngọc Hoa) đã thành lập Hội Cô dâu Việt tại Đài Loan (Trung Quốc), thường xuyên giúp đỡ các cô dâu Việt gặp khó khăn. Không những thế, các chị em còn trở thành chỗ dựa ấm áp, tin cậy của những lao động người Việt không may bị thương, hay tử nạn trên đất khách.

Gập ghềnh đường hồi hương của cô dâu Việt

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU |

Chỉ tỉnh riêng TP. Cần Thơ, từ 2005 - 2015 có đến 72.830 trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Trong đó, nhiều nhất là Hàn Quốc. Cái giá phải trả là có đến 14.871 trường hợp ly hôn. Hầu hết những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc sau ly hôn muốn quay về quê hương để sinh sống. Tuy vậy, đường về nước và việc tái hòa nhập với cộng đồng với họ không mấy dễ dàng.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Sự thật phía sau “dịch vụ” xuất khẩu cô dâu: Lên mạng rao thân, mong tìm dâu hiền, rể thảo

Nhóm PV Bạn đọc |

Chỉ đến khi mắt thấy những lựa chọn, tai nghe những oán than và tự mình ngồi dự những tiệc hỷ chớp nhoáng kiểu “gặp sáng - cưới chiều”, chúng tôi mới thực sự thấu hết được sự bèo bọt, buồn thảm của những phận phụ nữ Việt chấp nhận lấy chồng ngoại. Lúc này, những cô gái trẻ măng căng tràn sức sống, chẳng khác gì “con cá, mớ rau” ngoài chợ…

Ấm áp trái tim Việt nơi đất khách

QUANG ĐẠI |

Là một cô dâu Việt, chị Trần Thị Hoa (được mọi người biết đến rộng rãi qua nick FB Quán Ngọc Hoa) đã thành lập Hội Cô dâu Việt tại Đài Loan (Trung Quốc), thường xuyên giúp đỡ các cô dâu Việt gặp khó khăn. Không những thế, các chị em còn trở thành chỗ dựa ấm áp, tin cậy của những lao động người Việt không may bị thương, hay tử nạn trên đất khách.

Gập ghềnh đường hồi hương của cô dâu Việt

NHẬT HỒ - TRẦN LƯU |

Chỉ tỉnh riêng TP. Cần Thơ, từ 2005 - 2015 có đến 72.830 trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Trong đó, nhiều nhất là Hàn Quốc. Cái giá phải trả là có đến 14.871 trường hợp ly hôn. Hầu hết những cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc sau ly hôn muốn quay về quê hương để sinh sống. Tuy vậy, đường về nước và việc tái hòa nhập với cộng đồng với họ không mấy dễ dàng.