BÚT KÝ- PHÓNG SỰ DỰ THI VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH:

Đất lành Khe Sanh

BÍCH LIÊN |

Những người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh như chúng tôi vẫn thường tự hỏi: Nơi miền tây của tỉnh Quảng Trị ấy, tại sao lại có một vùng đất mang tên Khe Sanh, tại sao Pháp và Mỹ bằng mọi cách phải chiếm được mảnh đất này, và tại sao Khe Sanh, cả quá khứ và hiện tại, lại được nhắc nhiều đến thế...

Tìm hiểu, khám phá về một mảnh đất từng được nhiều người nhắc đến, suy cho cùng là để hiểu và yêu thêm những giá trị vốn có trong lòng mảnh đất đó. Chúng tôi đặt cho mảnh đất đó một cái tên khá mỹ miều: Đất lành Khe Sanh.

Hồi ức về một vùng đất chết…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khe Sanh bao gồm hầu như toàn bộ huyện Hướng Hóa hiện nay, được quân đội Mỹ thiết lập căn cứ mang tên căn cứ Khe Sanh, với hy vọng ngăn chặn được sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của Quân đội nhân dân Việt Nam, cắt được đường mòn Hồ Chí Minh.

Những năm 1965 - 1966, quân đội Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa đã xây dựng Khe Sanh thành cứ điểm lớn nhất trong tuyến phòng thủ đường 9. Khe Sanh cùng với Làng Vây, Tà Cơn trở thành ba mắt thần của hàng rào Macnamara. Chính vì vậy, mảnh đất Khe Sanh vốn phải chịu sự tàn phá nặng nề, khốc liệt của chiến tranh, được cả thế giới biết đến Khe Sanh như là “Điện Biên Phủ thứ hai” hay là  chốn “địa ngục trần gian” theo cách nghĩ của lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ...

Bước ra từ đống hoang tàn, đổ nát do chiến tranh để lại, đất và người Khe Sanh phải “gồng mình” để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Tháng 9 năm 1975, 2.665 hộ dân với 12.099 nhân khẩu từ huyện Triệu Phong được chuyển lên vùng Khe Sanh theo chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Ông Lê Đình Thi, nguyên là Bí thư Đảng ủy Thường trực Ban chỉ đạo kinh tế mới đường 9 - Khe Sanh, một trong những người trực tiếp đưa những hộ dân đầu tiên từ Triệu Phong lên lập nghiệp tại vùng đất Khe Sanh nhớ lại: Nhân dân Triệu Phong 9 xã dưới xuôi lên kinh tế mới. Tôi làm Bí thư quận nhì Thừa Thiên Huế, sau rút ra làm thường trực Ban chỉ đạo. Trước khi đưa dân lên, những người trong Ban chỉ đạo phải đi khảo sát từ làng Cát, Rào quán lên Lao Bảo và các bản làng. Lúc bấy giờ hoang vu, bom đạn ngổn ngang, đường sá cây cối um tùm, còn khó khăn vất vả. Đưa lực lượng đi khảo sát xong lại tiến hành công cuộc rà phá bom mìn, họp đi họp lại nhiều lần sau đó bàn cụ thể xã nào đi, nên ở vùng nào chỗ nào...

Nỗ lực làm sạch bom mìn tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Sang.
Nỗ lực làm sạch bom mìn tại huyện Hướng Hóa. Ảnh: Công Sang.

Ông Lê Đình Thi nhắc lại với chúng tôi nhiều lần, rằng Khe Sanh những ngày sau giải phóng là một cả một sự hoang tàn đổ nát với chi chít những hố bom, hố pháo, cùng với đó, thời tiết ở đây khác hẳn so với đồng bằng, rét cắt da cắt thịt, mưa thì dầm dề ngày này sang ngày khác, sương mù dày đặc vào những tháng của mùa đông và mùa xuân, nhiều hộ dân không trụ lại được đã bỏ vào Nam. Công tác vận động nhân dân bám đất khai hoang, lập làng dường như trở thành một cuộc cách mạng mới.

Khe Sanh - Hướng Hóa có 3 dân tộc anh em cùng chung sống là dân tộc Kinh, Vân Kiều và Pa Cô. Trước khi hàng nghìn hộ dân từ Triệu Phong được di dân lên xây dựng vùng kinh tế mới, dân cư ở Khe Sanh phần lớn là người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dân tộc Vân Kiều, Pa Cô là những người một lòng theo Đảng, theo cách mạng, góp phần rất lớn vào thắng lợi của các chiến dịch tại chiến trường Khe Sanh. Sau giải phóng, họ ở sâu trong những cánh rừng với cách canh tác nông nghiệp lạc hậu. Lên với vùng đất mới, để có thể cùng chung sống và tiếp xúc với người đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, những người đi lên từ vùng đồng bằng ngày ấy phải nhờ đến những người dân bản địa.

Bà Hồ Thị Hương năm nay hơn 70 tuổi, hiện ở khóm 6, thị trấn Khe Sanh. Bà là người dân tộc Vân Kiều, nhân dân khóm 6 cũng phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều với nếp nhà sàn đặc trưng. Bà Hương sớm thoát ly gia đình theo cách mạng, từng là đại biểu Quốc hội khóa V, khóa VI. Những ngày đầu thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới đường 9 - Khe Sanh, bà chính là cầu nối cho sự giao lưu giữa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô với những người được di dân từ đồng bằng lên.

Mấy chục năm trôi qua, bà vẫn nhớ như in ngày đầu người dân vùng đồng bằng lên với Khe Sanh, chất giọng chất phác, bà kể: “Khi nớ, Ban Dân vận tỉnh Quảng Trị, thanh niên, phụ nữ đưa dân lên, tôi là người trực tiếp đón dân từ đồng bằng lên. Xe tải đưa lên “đổ” luôn bên hố bom, coi như cúi đầu khóc thương dân. Dân thì nửa khóc nửa cười, khóc cười vì thấy độc lập tự do, thấy đất đai rộng lớn để mần ăn. Với sự cần cù, chịu khó của những người đi kinh tế mới, chỉ sau mấy tháng thì họ có nhà ở, rẫy nương, rẫy sắn lên cao, Khe Sanh bớt đi nhiều hố bom, hố pháo, phấn khởi lắm”.

Vượt qua khó khăn trước mắt, xóa đi những tàn dư của chiến tranh bằng cách tận dụng hố bom làm ao nuôi cá, tận dụng những lợi thế vốn có của vùng đất đỏ ba-zan, những cư dân mới bắt tay vào công cuộc khai hoang, phát triển sản xuất, cùng dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, khoanh vùng đất sản xuất, dần dần hạn chế cách canh tác lạc hậu tồn tại lâu nay tại các bản làng của huyện Hướng Hóa…

Đất lành Khe Sanh

“Đất lành chim đậu”, nơi mảnh đất biên giới nằm về  phía tây của tỉnh Quảng Trị, Khe Sanh – Hướng Hóa có khí hậu ôn hòa, khá lý tưởng cho việc đưa vào trồng những loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những loại cây đem đến quả ngọt và có thể khẳng định được thương hiệu trong tương lai không xa nếu con người vẫn cần mẫn, sáng tạo và biết tưới tắm vào đất nhiều trăn trở, đam mê...

Một ngày đầu tháng 5, nhận được lời mời của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hướng Hóa, chúng tôi được đến tham quan vườn trồng măng tây của một hộ gia đình tại thị trấn Khe Sanh. Men theo con đường đất đỏ ba-zan, băng qua những đồi càphê sây trái, chúng tôi đến được với khu đất rộng gần 3ha, nơi trồng măng tây xanh và một số cây trồng mới của gia đình bà Lê Thị Hiền ở khóm 1, thị trấn Khe Sanh. Giữa mùa hè, những luống măng tây vẫn lên xanh, tươi tốt, nhiều đọt măng mới mập mạp vươn mình trên nền đất một thời là hố bom, hố đạn đã được chủ nhân nơi đây khai hoang, san lấp, cải tạo lâu năm.

Dẫn chúng tôi đi tham quan thành quả măng tây xanh mà vợ chồng bà dồn tâm huyết đầu tư, vừa đi bà Hiền vừa nói: “Vợ chồng tôi khai hoang khu đất này đã hơn 20 năm. Những ngày đầu đến đây lập nghiệp, đường đi lại khó khăn, hoang vu, nhiều hố bom, hố pháo còn sót lại nên chúng tôi chỉ trồng được cây càphê mít, càphê chè và đào ao thả cá.

Những năm gần đây, được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích của Đảng, nhà nước, chúng tôi tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, vay vốn ưu đãi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Sau một thời gian tìm hiểu điều kiện khí hậu, đất đai ở vùng này, tháng 7.2017 vợ chồng tôi quyết định triển khai chuyển phần diện tích đất trồng càphê đã già cỗi, không hiệu quả và một phần bỏ hoang lâu nay để trồng 0,5ha măng tây xanh. Nhờ khí hậu thuận lợi, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây phát triển tốt và đã cho thu hoạch như mong đợi”.

Bà Hiền còn nói với chúng tôi rằng, đất ở Khe Sanh rất tốt, hầu như trồng cây gì cũng cho quả, cũng mang lại thu nhập nếu chịu khó bỏ công đầu tư, chăm sóc nên thời gian tới, trên diện tích 3ha đất của gia đình, vợ chồng bà sẽ mở rộng trồng thêm măng tây xanh và các loại cây đem lại giá trị kinh tế cao khác.

Thị trấn Khe Sanh về chiều. Ảnh: Công Sang.
Thị trấn Khe Sanh về chiều. Ảnh: Công Sang.

Đến Khe Sanh hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của mảnh đất từng được ví là “vùng đất chết” này. Đặc biệt. vào những ngày đầu tháng 6, đi dọc con đường 9 huyền thoại hay rẽ vào các xã phía bắc, hướng sân bay Tà Cơn, tuyến đường Lìa, ta dễ dàng bắt gặp màu xanh ngút ngàn của những đồi càphê, những vườn trái cây trĩu quả như vải thiều, nhãn, xoài, bơ… Chưa kể đến những loại cây có giá trị kinh tế cao được các doanh nghiệp ở nơi khác đầu tư trồng trên mảnh đất này như mắc-ca, sa-chi đang góp phần đưa thương hiệu của vùng đất Khe Sanh ra với bạn bè trong nước và quốc tế.

50 năm sau ngày được giải phóng, dấu tích của cuộc chiến đã dần lùi xa, trong mỗi người dân của mảnh đất Hướng Hóa còn mãi niềm tự hào về một thời oanh liệt. Đó chính là tiền đề để họ gây dựng cuộc sống mới. Mảnh đất mang nhiều vết tích của đạn bom ngày nào giờ được phủ xanh bằng những vườn cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao.

Sự khởi sắc của nơi từng được xem là mảnh đất chết như Khe Sanh là minh chứng cho ý chí, sức mạnh và sự hồi sinh diệu kỳ sau chiến tranh. Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những gì đang hiện diện, mỗi người con Hướng Hóa hôm nay có thể thở phào nhẹ nhõm và có cơ sở để nuôi lớn niềm tin về một vùng đất lành nơi miền tây của tỉnh Quảng Trị này. Nơi đây, càphê Khe Sanh đã có tên trong bản đồ càphê nổi tiếng thế giới, tinh bột sắn Sê Pôn đã khẳng định được mình, xuất khẩu ra nhiều châu lục…

Và tin chắc rằng, chẳng bao lâu nữa, tại vùng đất Khe Sanh này sẽ có thêm nhiều loại cây trái, hoa quả làm nên thương hiệu toàn cầu như chính tên gọi Khe Sanh.

 
 
 
BÍCH LIÊN
TIN LIÊN QUAN

Quảng Trị: Tổ chức chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh”

HƯNG THƠ |

Tối 17.6, tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh” đã diễn ra.

Vùng biên tự quản và “Kèn A man không thể thổi một mình”

HOÀNG VĂN MINH - HƯNG THƠ |

Biên giới Việt - Lào dọc Quảng Trị những ngày tháng 6. Đã nếm trải đủ cả cảm giác biên cương phên dậu dọc dặm dài đất nước nhưng không ở đâu chúng tôi có được cảm giác bình yên và máu thịt gắn bó như ở chốn này. Sự máu thịt dùng dằng của bên nớ bên ni như một khúc hát của người Vân Kiều ở dọc biên “kèn A man không thể thổi một mình”...

Sắc áo cam làm nên nguồn sáng cho đất ba- zan

PHAN VĂN VĨNH |

Trong sự trở mình, lớn mạnh của Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị) 25 năm lại đây, ngành điện và những người thợ điện luôn sâu nặng một tình cảm và quyết tâm cao cho tiến độ, chất lượng từng công trình, từng dự án về điện cho vùng đất nghĩa tình này.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Quảng Trị: Tổ chức chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh”

HƯNG THƠ |

Tối 17.6, tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chương trình giao lưu “Nghĩa tình Khe Sanh” đã diễn ra.

Vùng biên tự quản và “Kèn A man không thể thổi một mình”

HOÀNG VĂN MINH - HƯNG THƠ |

Biên giới Việt - Lào dọc Quảng Trị những ngày tháng 6. Đã nếm trải đủ cả cảm giác biên cương phên dậu dọc dặm dài đất nước nhưng không ở đâu chúng tôi có được cảm giác bình yên và máu thịt gắn bó như ở chốn này. Sự máu thịt dùng dằng của bên nớ bên ni như một khúc hát của người Vân Kiều ở dọc biên “kèn A man không thể thổi một mình”...

Sắc áo cam làm nên nguồn sáng cho đất ba- zan

PHAN VĂN VĨNH |

Trong sự trở mình, lớn mạnh của Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị) 25 năm lại đây, ngành điện và những người thợ điện luôn sâu nặng một tình cảm và quyết tâm cao cho tiến độ, chất lượng từng công trình, từng dự án về điện cho vùng đất nghĩa tình này.