Đảo chè - “bức tranh họa đồ” xứ Nghệ

HƯƠNG THỦY |

Những đồi cây công nghiệp xanh trên vùng đất cằn sỏi đá, đảo chè Thanh Chương (Nghệ An) như một nàng công chúa ngủ quên trên vùng đồi Tây Nghệ An bỗng được đánh thức với một vẻ đẹp tân kỳ và quyến rũ.

"Vịnh Hạ Long" xứ Nghệ

Du khách lên thuyền tham quan đảo Chè. Ảnh: Hương Thủy
Du khách lên thuyền tham quan đảo Chè. Ảnh: Hương Thủy

Trong các tour du lịch về quê hương xứ Nghệ gần đây, bãi biển Cửa Lò, làng Sen quê Bác, hay Phượng Hoàng Trung Đô... là những danh lam thắng cảnh quen thuộc. Cùng cánh đồng hoa Nghĩa Đàn, có thể coi đảo chè Thanh Chương đã trở thành một địa chỉ mới mẻ và đang có lực hấp dẫn đặc biệt mà nhiều du khách theo “chủ nghĩa xê dịch” không muốn bỏ qua.

Dù đã nhìn thấy vẻ đẹp mê hồn của vùng đảo chè Thanh An trong các trang viết du lịch nhưng hầu hết du khách vẫn chưa thỏa mãn bởi chưa một lần được đến với nàng tiên xinh đẹp vừa mới bừng tỉnh dậy.

Sau gần một tiếng đồng hồ đi xe từ TP Vinh, chúng tôi đến địa phận xã Thanh An lúc ánh nắng mặt trời buổi ban mai vẫn dịu mát. Qua những cánh đồng xanh, mùi hương của đất của lúa thổi vào ngực làm cho ai cũng phấn chấn.

Đến với Thanh An là đến với đất chè xanh. Những ngọn đồi đầy như mâm xôi nhìn từ xa ngỡ như mấy con ốc khổng lồ khoác những tấm áo màu xanh tơ được họa tiết bằng những nét vẽ kỳ công của hàng trăm luống chè đều tăm tắp.

Đó là những đồi cây san sát một cách ngẫu hứng đang đứng soi bóng dưới dòng nước trong xanh. Ngồi trên ca nô đẹp như thuyền rước dâu chở vào tận trung tâm đảo chè, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện về danh lam thắng cảnh độc đáo này.

Anh Trung –người điều khiển ca nô cho biết: “Nhiều năm trước đây những đồi sim hoang dại được người dân khai phá để trồng chè. Sau công trình thủy lợi ngăn đập Cầu Cau, toàn bộ nơi này đã biến thành đảo chè vì nước trong đập lớn bao bọc xung quanh”.

Một công đôi việc, không ngờ công trình thủy lợi lớn nhất Thanh Chương đã sinh ra một điểm du lịch mới. Ngay cả những chủ nhân trồng chè lâu năm nơi đây cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp có một không hai của những đảo chè mọc lên tưởng như chỉ có trong mơ.

Như sơn nữ vùng đất xa xôi ít người biết tới, đảo chè Thanh Chương bỗng biến thành hoa hậu khu du lịch địa phương đẹp mê hồn trong mắt của những người biết làm kinh tế. “Ban đầu chỉ có vài người dân trong huyện đến tham quan nhưng lâu dần tiếng lành đồn xa, lan ra ngoài tỉnh đến nay nơi nào cũng biết đến đảo chè Thanh Chương làng tui” - chị Phương, phụ chồng lái ca nô khoe.

Trong nắng mai, chiếc thuyền máy ưỡn ngực rẽ nước băng băng qua những “ốc đảo xanh”. Cảnh đẹp nơi đây như có thỏi nam châm vô hình hút hồn khiến nhiều người không thể thờ ơ. Giữa không gian tĩnh mịch, chiếc thuyền chăm chỉ ướt nhẹ vòng quanh các hòn đảo lớn nhỏ khoác tấm áo màu xanh mượt mà của cây. Tiếng máy ca nô rền vang đến đâu tầm mắt mở rộng ra đến đó trong chuyến picnic đầy hứng khởi trên mặt nước.

Du khách ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại đảo Chè. Ảnh: Hương Thủy
Du khách ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại đảo Chè. Ảnh: Hương Thủy

Mỗi khoảng không gian mở ra là một lần du khách trầm trồ trước phong cảnh thơ mộng, bình yên. Người thì vén tấm rèm ca nô lên để nhìn cảnh vật qua cửa sổ, người lại chạy ra trước mũi tàu để ghi lại những khoảnh khắc đẹp bằng điện thoại. Toàn bộ đảo chè dần dần lọt vào những thước phim quay chậm của đôi mắt đủ sắc màu cây lá. Âm thanh của chim chóc làm nên bản nhạc du dương và ánh nắng lấp lánh như đang nhảy múa trên mặt nước xanh lam. Say sưa ngắm cảnh đẹp, có ai đó thốt lên: “Ôi, Vịnh Hạ Long ở vùng đất xứ Nghệ”.

Bao nhọc nhằn bon chen của cuộc sống như tan biến lẫn vào sương khói phía xa xa. Đến một “hòn đảo” lớn, chiếc thuyền máy giảm tốc độ và dừng lại để cập bến. Lúc này trên bến cạnh đó đã có 4, 5 chiếc tàu đậu san sát để chờ khách tham quan. Ai cũng thầm nghĩ, vô cùng cảm ơn ban tổ chức kỷ niệm 40 năm khóa 16 khoa Văn Trường ĐHSP Vinh ra trường đã cho chúng tôi một chuyến khám phá về đảo chè của vùng đất Thanh Chương mới lạ.

Tầm nhìn du lịch từ đảo chè

Cảnh đẹp đảo Chè làm say lòng du khách. Ảnh: Hương Thủy
Cảnh đẹp đảo Chè làm say lòng du khách. Ảnh: Hương Thủy

Đường dốc quanh co nhưng không ngăn nổi bước chân của du khách dù lúc này ánh nắng mặt trời bắt đầu gay gắt hơn. Trong những hàng chè thẳng lối, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng những cô gái hóa trang thành thiếu nữ miền núi để chụp hình làm kỷ niệm.

Rất nhiều đôi trai gái cũng tìm mọi cách để có những phút giây lãng mạn bên vườn chè. Ngắm đồi chè lúc đi thuyền máy đã mê hồn, nhưng lúc lên cao nhìn xuống ngắm toàn bộ khung cảnh của đảo chè, ai cũng thấy đẹp gấp nhiều lần. Những đồi chè nơi đây đã tạo nên từng nét họa thủy mặc đầy thơ mộng cho bức tranh quê hương xứ Nghệ tha thiết chào mời như trong câu ca dao: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”.

Nhìn bức tranh giữa núi rừng khoáng đạt, nhiều người lại liên tưởng đến vẻ đẹp có một không hai của ruộng bậc thang vùng núi Tây Bắc chẳng khác chiếc váy xòe sặc sỡ của thiếu nữ miền sơn cước mà mỗi hàng chè là một đường chỉ thêu của tấm thổ cẩm thiên nhiên.

Vào mùa cưới có rất nhiều đôi uyên ương chọn các đảo chè để làm “phim trường” thỏa thuê tạo dáng lưu lại những khoảnh khắc hạnh phúc. Du khách nào mỏi thì dừng chân bên vài lán lợp tre nứa sơ sài thưởng thức kẹo cu-đơ và bát nước chè xanh - hai đặc sản nổi danh của Nghệ Tĩnh.

Chưa dừng lại ở đó, chiếc thuyền máy lại làm người dẫn đường đưa chúng tôi đi một vòng quanh đập Cầu Cau. Bức tranh sơn thủy hữu tình kéo dài mãi tựa hồ đang ngồi trên chiếc tàu lớn dạo chơi giữa kỳ quan Vịnh Hạ Long. Đang mùa hè, đi qua những đầm sen nở bạt ngàn tỏa mùi hương thơm ngát làm nhẹ lòng du khách giữa trời trưa nắng.

Thỉnh thoảng bắt gặp vài con chim sả cần mẫn bói cá tạo nên nét chấm phá của bức họa đồ. Vừa mời gọi mua trà, chị Phương vừa tiếp tục câu chuyện trên quãng đường ngắn. “Huyện Thanh Chương có hơn 4.000 hécta chè, riêng ở đây tính diện tích cả đập Cầu Cau cũng có đến 82 ha, nếu mà đi bộ cũng mỏi cả chân. Cũng nhờ có đảo chè này mà nhiều người dân có thêm công ăn việc làm đặc biệt là được đón tiếp nhiều du khách từ mọi nơi về đây, làng tui không còn là vùng đất “khỉ ho cò gáy” như xưa” – người phụ nữ 40 tuổi nở nụ cười tươi.

Theo tuyến ngao du ngược phía tây Nghệ An, tiềm năng du lịch không chỉ có đảo chè mà còn nhiều cảnh sắc, làng nghề độc đáo khác. Làng gốm Trù Sơn hàng trăm năm nay vẫn giữ được hồn quê qua chiếc nồi đất ấm đất mộc mạc. Yên Thành đang cố gắng ghi tên mình vào bản đồ du lịch địa phương bằng cánh đồng nuôi cừu. Nhiều hang động như Thẩm Ồm (Quỳ Châu), hang đá Mặt Trắng Bài Sơn (Đô Lương), thác Xao Va (Quế Phong), Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông)... còn ẩn chứa tiềm năng dồi dào du lịch xanh.

Người dân có quyền tự hào vì đất xứ Nghệ có bề dày lịch sử và văn hóa dài rộng. Bên cạnh việc chăm lo gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa, người làm du lịch còn phải biết tạo nên các điểm đến hấp dẫn. Có như vậy du lịch của Nghệ An mới có cơ hội cất cánh bay xa mà đảo chè Thanh Chương là một minh chứng.

HƯƠNG THỦY
TIN LIÊN QUAN

Sâu thẳm, mênh mông sông Hiếu ở miền Tây xứ Nghệ

VĂN HIỀN |

Mênh mông đất đai, đồi núi, dằng dặc sông suối, sâu thẳm và bất tận nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Đó là miền Tây xứ Nghệ, mời gọi du khách, các nhà đầu tư đánh thức, khai mở những tiềm năng, giá trị của Đất và Người. Một trong số đó là dòng sông Hiếu...

Chát mặn mồ hôi hạt muối xứ Nghệ

TRẦN HỮU VINH |

Những hạt muối mặn mòi vị biển, mặn chát vị mồ hôi, người làm muối xứ Nghệ quê tôi phải gồng mình dưới nắng nóng gió Lào nhưng tâm hồn họ luôn lạc quan, yêu đời và son sắt như câu ca dao có tự ngàn xưa: “Tay bưng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Lam giang – trầm tích và hồn cốt xứ Nghệ

CÔNG KIÊN |

Trải dài trên không gian địa lý của xứ Nghệ từ thuở khai thiên lập địa, sông Lam chảy mãi trong tâm tưởng của người dân xứ sở gió Lào và kết đọng thành dòng chảy lịch sử của một vùng quê văn hiến.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Sâu thẳm, mênh mông sông Hiếu ở miền Tây xứ Nghệ

VĂN HIỀN |

Mênh mông đất đai, đồi núi, dằng dặc sông suối, sâu thẳm và bất tận nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Đó là miền Tây xứ Nghệ, mời gọi du khách, các nhà đầu tư đánh thức, khai mở những tiềm năng, giá trị của Đất và Người. Một trong số đó là dòng sông Hiếu...

Chát mặn mồ hôi hạt muối xứ Nghệ

TRẦN HỮU VINH |

Những hạt muối mặn mòi vị biển, mặn chát vị mồ hôi, người làm muối xứ Nghệ quê tôi phải gồng mình dưới nắng nóng gió Lào nhưng tâm hồn họ luôn lạc quan, yêu đời và son sắt như câu ca dao có tự ngàn xưa: “Tay bưng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Lam giang – trầm tích và hồn cốt xứ Nghệ

CÔNG KIÊN |

Trải dài trên không gian địa lý của xứ Nghệ từ thuở khai thiên lập địa, sông Lam chảy mãi trong tâm tưởng của người dân xứ sở gió Lào và kết đọng thành dòng chảy lịch sử của một vùng quê văn hiến.