“Đàn con vàng” ở rừng nghèo Quảng Nam

THUỲ TRANG |

Chẳng ai nhờ cậy hay dù không có việc gì cần nhưng ông Danh, anh Nhiên và nhiều người dân thôn Đồng Cố, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng chạy xe vào rừng ngó nghiêng.

“Lên coi mấy đứa nó ra sao. Hôm thấy cả đàn ngồi trên cây da (cây đa), bữa thì xuống bìa rừng bóc lõi chuối ăn. Những ngày trời mưa mỗi con ngồi khum khum lại. Dễ thương lắm, thương hết sức rứa mà kêu bắt đi chỗ khác sao được” - ông Danh kể như khoe về những “đứa con vàng” - đàn voọc chà vá chân xám tại núi Hòn Dồ, loài linh trưởng chỉ có duy nhất ở Việt Nam đang được giới khoa học đỏ mắt tìm kiếm.

Hơn bốn mùa keo canh rừng, giữ voọc

Năm 2017, thông tin về đàn voọc chà vá chân xám được phát hiện tại Hòn Dồ, huyện Núi Thành (Quảng Nam) khiến các chuyên gia trong và ngoài nước chú ý. Ngay lập tức, tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh tại Đà Nẵng tiến hành kiểm tra kiểm đếm.

Qua ghi nhận, có hai đàn với khoảng 16 đến 20 cá thể được nhìn thấy. Vậy nhưng, loài linh trưởng chỉ có duy nhất tại Việt Nam lại đang phải sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng 5ha. Điều đó đã buộc nhiều người nghĩ đến phương án di dời đàn đi để đảm bảo sinh cảnh sống, nguồn thức ăn cho bầy voọc.

Bất ngờ là, ý định này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của cả chính quyền và người dân sở tại. “Cả nước mới biết đến đàn voọc gần đây chứ chúng tôi đã sống với nó bao lâu nay. Người dân đi rừng, đi rẫy nào cũng xem đàn voọc như bạn, như con mà nay bảo chuyển đi là sao được. Đó là của quý của chúng tôi, quý hơn cả vàng” - ông Danh, một trong số những người làng xung phong bảo vệ đàn voọc hơn 1 năm qua tỏ bày.

Chúng tôi tìm đến thôn Đồng Cố để tận mắt nhìn đàn voọc và nghe tâm tư của người dân trong việc bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này. Hay tin có đoàn chuyên gia đến xem voọc, mới bốn giờ sáng nhưng trạm kiểm lâm Hòn Dồ đã rộn ràng tiếng nói.

“Vài anh ở thị trấn đang chạy lên đi cùng. Nghe có ai đi xem voọc là họ hăng say lắm” - anh Phan Minh Huấn - kiểm lâm huyện Núi Thành, phụ trách trạm Hòn Dồ - vừa nói vừa rót nước mời những vị khách ở xa.

“Liệu có nhìn được voọc không các anh?” - một thành viên trong đoàn hỏi.

“Chắc chứ, buổi sáng chúng lên cây da tắm nắng, chừng 8 giờ là cả bầy mới rủ nhau đi tránh nóng rồi chiều mới ra lại. Sinh hoạt như bà con mình lên rẫy vậy đó” - anh Huấn cho hay. Nghe vậy nhưng anh Bùi Văn Tuấn - chuyên gia về các loại linh trưởng đi trong đoàn không giấu nổi vẻ thấp thỏm: “Phải nhìn thấy bằng được, chụp ảnh rõ thì càng hay, rồi chuyên gia cả nước và thế giới sẽ đổ thì đàn voọc mới có thể được bảo tồn tốt nhất”.

Ngồi quanh bàn, anh Huấn giới thiệu từng người trong tổ cộng đồng tự nguyện bảo vệ voọc do ủy ban xã thành lập hơn một năm nay khiến ai cũng ngạc nhiên. Người là “chức sắc” trong thôn, ông là chủ trại gà cho đến anh chuyên đi lấy mật, tất cả đều xung phong tuyến đầu khi hay tin cần giữ đàn voọc. Vậy nhưng khi được hỏi, họ chỉ cười nhắc: “Chúng tôi gắn bó với rừng, với đàn voọc nhiều năm qua. Chẳng ai nghĩ đây là công việc, ngày thì anh này đi, ngày thì ông kia đi. Vào để xem chừng có ai mang súng vào rừng không, có bẫy nào ở dưới đất không” - anh Huấn chia sẻ

Vậy nên mới có câu chuyện, dù chẳng có việc gì lên rẫy, lên rừng, chẳng cần là đoàn chuyên gia nào đến, các anh vẫn chia nhau lên xem đàn voọc. Anh Nguyễn Dư - Phó thôn Đồng Cố - nhẩm tính, hơn 20 năm trước, người dân nơi đây vẫn vào rừng săn bắn. Nhưng từ khi có quy định của Chính phủ, người ta bỏ hẳn. Mấy năm nay đã không còn có cây súng nào trong rừng Hòn Dồ.

Năm 2001, lần đầu tiên anh dẫn đoàn chuyên gia đi xem voọc chân xám. Lúc đó chưa có nhiều người biết về loài này, chính người dân cũng chẳng rõ về sự quý hiếm của nó nhưng họ vẫn ngó chừng.

Trời hừng sáng, từ Trạm kiểm lâm Hòn Dồ đi theo con đường vào rừng keo chừng 500m thì các anh ra hiệu dừng xe. Ông Danh chỉ tay về phía cây da cao: “Mấy đứa đó kìa”. Bầy voọc hiện ra dưới hừng đông, con thì đang ngồi bất động, con thì chuyền từ cành này qua cành khác. Đoàn nghiên cứu im ắng dõi theo từng nhất cử nhất động. Có người nhẩm đếm, một con, hai con, kia là con đực, đàn có ba con cái có bế theo con nhỏ, bầy này ít nhất cũng 10 cá thể!

“Có thể đi tới gần chúng nữa không các anh” - anh Tuấn hỏi. “Được, nhưng phải lội rừng qua phía bên kia. Tôi sẽ dẫn đường” - anh Dư xung phong đi. Rồi vừa chỉ tay về phía bầy voọc, ông Danh, anh Nhiên, anh Huấn kể cho chúng tôi nghe có hôm chúng nhảy qua những ngọn keo xuống đến tận bìa rừng. Hôm thì cả đàn ra chỗ bãi đá ngồi.

“Mấy ảnh lấy tay bóc lõi chuối ăn. Con mẹ đi đâu cũng ôm con non theo hệt như người mình vậy” - anh Nhiên nói với giọng hồ hởi. Voọc ở đây ăn đọt cây lan, cây da. Chúng ăn lá nhiều hơn quả, di chuyển trên ngọn nhanh hơn là dưới đất. Theo bầy nhiều năm, các anh tường tận đường đi nước bước của chúng như chuyên gia. Giấc nào thấy vắng ở cây da là mọi người chia nhau đi qua chỗ tảng đá bên kia rừng.

“Keo thu được hơn 4 lứa là gần 20 năm chúng tôi biết đàn. Nó dễ thương như vậy đó. Chúng ăn chay. Lông chúng mượt lắm. Hôm nào trời mưa là mấy anh ngồi khum lại nhìn thấy thương. Con người mình di dời đi cũng muốn tìm về chỗ cũ ở, sao bắt con vật thích nghi được. Mà bầy voọc thấy an toàn mới ở lại chứ không đã đi lâu rồi” - ông Danh nói, vẫn với giọng tự hào về “đàn con vàng”.

“Cả bầy sắp di chuyển xuống, mọi người nhìn nghe, từng con một chuyền cành rồi bật nhảy. Đẹp như vận động viên” - anh Nhiên chỉ tay về hướng cây da khi mặt trời đã lên cao. Và quả thật, hình ảnh bầy voọc gọi nhau đi trốn nắng sinh động chẳng sai gì lời kể. Nhiều người trong đoàn im lặng dõi theo với nụ cười mà mãi về sau, anh Tuấn mới dám nói: “Lúc đó xúc động quá!”.

Vận động dân trồng rừng cho voọc

Trên thế giới hiện nay, loài voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống tại 5 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Chỉ bấy nhiêu dữ liệu thôi cũng đã đủ hiểu, việc bảo tồn loài linh trưởng này đang được cả thế giới quan tâm. Từng là người đi khắp các cánh rừng tìm hiểu về các loài linh trưởng, anh Tuấn vẫn chưa hết xúc động khi tận mắt nhìn thấy những cá thể voọc chà vá chân xám ngay chính tại cánh rừng nghèo Quảng Nam.

“Voọc chà vá chân xám hiện nay đang có số lượng cá thể chỉ khoảng 1.000 con. Mắt nhìn đó, chụp ảnh rồi mà chẳng dám xem vì sợ mình bỏ lỡ một khoảnh khắc, một cơ hội hiếm hoi mà tôi may mắn có được trong đời” - anh Tuấn chia sẻ.

Rất nhiều nhà khoa học về linh trưởng, về động vật trên thế giới đã tìm đến anh Tuấn để tìm hiểu về voọc chân xám nhưng không có chuyến đi nào anh Tuấn cam kết có thể giúp họ nhìn thấy được chúng. Vậy nên nay, khi được những người dân nơi đây tận tình dẫn đường, chỉ cho từng tảng đá chúng ngồi, loài cây chúng ăn và ngắm chúng ngủ, chuyền cành, con mẹ bế con con lũ lượt giữa khu rừng nghèo chỉ vài cây cao đếm trên đầu ngón tay, anh vừa mừng vừa lo.

Nhiều người nói, Hòn Dồ đang có khoảng 3 đàn với trên 70 cá thể. Điều này cho thấy, việc kiểm cụ thể rất quan trọng để quyết định xem chúng cần bao nhiêu rừng để sống và phát triển bầy. Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, đơn vị tiên phong trong việc xây dựng dự án bảo tồn voọc chân xám - cho biết, theo nghiên cứu, cơ hội bảo tồn voọc chân xám ở Núi Thành rất cao.

“Hai gia đình voọc tại đây đang rất dễ dàng tiếp cận. Nếu được kiểm đếm cụ thể, nghiên cứu cả động thực vật của vùng, vận động người dân cùng bảo vệ thì địa phương có thể phát triển du lịch sinh thái trong tương lai”.

Nhưng, phục hồi rừng, tức là phải lấy lại đất từ người dân. Thôn Đồng Cố có 66 hộ dân chủ yếu làm rẫy, trồng keo là thu nhập chính. Trong khi đó, mục tiêu của huyện Núi Thành là mở rộng sinh cảnh sống cho cả đàn lên 30ha trong giai đoạn đầu. Việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng từ 10 đến 15 hộ dân. Sau đó phục hồi khoảng 800ha, số hộ dân bị ảnh hưởng sẽ gần như toàn thôn.

Trao đổi về điều này, ông Danh trầm ngâm: “Ảnh hưởng đến lợi ích của người dân thì phải làm cẩn thận và họp bàn nhiều. Nhưng tôi nghĩ, trả đất để giữ bầy voọc, cộng với việc có kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp, người dân sẽ ưng thuận”.

Tiếp lời, anh Tuấn nói ngay, chỉ cần bảo tồn được đàn voọc này thì cả giới chuyên gia linh trưởng sẽ đổ về đây nghiên cứu, rồi sẽ nhiều dự án bảo tồn mà người dân sẽ là đối tượng chính trong nhiệm vụ lớn này.

Anh quay sang nắm chặt tay chú Danh nhắn nhủ: “Nếu không có người dân đồng thuận bỏ săn bắn, giữ voọc thì loài linh trưởng quý hiếm này đã không còn tồn tại đến bây giờ. Vậy nên, bây giờ hay nhiều năm sau nữa, sự sống còn của đàn voọc chỉ có thể nhờ cậy vào người dân tại đây”.

Bằng cách gọi trìu mến như bạn, như con của những người dân Đồng Cố, kỳ vọng trên hoàn toàn có thể đưa Hòn Dồ trở thành cái tên nổi danh với không chỉ hình ảnh voọc chà vá chân xám mà bên cạnh đó là những người dân với màu áo tình nguyện bảo vệ “đàn con vàng”. 

THUỲ TRANG
TIN LIÊN QUAN

Quảng Nam xây dựng đề án bảo tồn voọc chân xám chỉ có ở Việt Nam

THUỲ TRANG |

Trên thế giới hiện nay, loài voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống tại 5 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Vì vậy, việc bảo tồn loài linh trưởng này đang được cả thế giới quan tâm.

Người dân Cơ Tu lưu luyến bàn giao cá thể Voọc chà vá chân nâu

L.P |

Một cá thể Voọc chà vá chân nâu được cặp vợ chồng người đồng bào dân tộc Cơ Tu chăm sóc và bàn giao cho cơ quan chức năng sau khi mua được từ người dân.

Máu thú hoang, từ vạc lửa đến “đỉnh trời”

DIỆP TUYẾT - TÂM NINH |

Sắm nhiều “vai diễn” khác nhau, đi khắp nhiều tỉnh, thành của Việt Nam và Lào, vào những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã tận thấy nhiều cảnh rợn người về các đường dây tàn sát, buôn bán, chế biến, chế tác các sản phẩm có được từ sự giết chóc trái luật pháp và thất nhân tâm đối với hoang thú. Những con khỉ, vượn, voọc, sơn dương, mèo rừng, báo hoa, hổ nguyên con... được ngã giá hàng trăm triệu với... khách sộp (nhóm nhà báo hóa trang). Họ cứ như mua bán con cá mớ rau. Không biết, một ngày có bao nhiêu ông ba mươi - “chúa sơn lâm” bị xẻ thịt nấu cao ở Việt Nam...

Khánh Hoà đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên năm Quý Mão

Thanh Hương |

Từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), du khách Trung Quốc trên chuyến bay thẳng của Vietjet đã “xông đất” sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà) rạng sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Nguyễn Huy Hoàng: Gạt làn nước xanh vươn tới đỉnh cao

HOÀI VIỆT |

Năm 2022 đã khép lại và nam tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã bước vào chu kỳ tập luyện mới của năm 2023. Không thể phủ nhận, Huy Hoàng là gương mặt thành công nhất của thể thao Việt Nam ở năm đã qua. Tuy nhiên, bản thân chàng vận động viên bơi của thể thao Quảng Bình và Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn khá dè dặt, rằng mình vẫn phải tiếp tục nỗ lực hướng đến các đỉnh cao của năm 2023 đầy quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về ba bài học chính sách tiền tệ

Hương Nguyễn |

Năm mới 2023 với những mục tiêu, thách thức mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Những nhịp chèo đua thuyền dậy sóng sông Cà Ty, Phan Thiết mùng 2 Tết

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty là nét văn hóa riêng biệt của người dân TP. Phan Thiết vào chiều mùng 2 Tết hằng năm. Năm nay có 9 đội đến từ các xã, phường có ngư dân đi biển ở TP.Phan Thiết. Trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân, du khách đứng chật kín 2 bên bờ sông, các vận động viên ra sức chèo dậy sóng sông Cà Ty.

Gánh nặng vô hình của lì xì

ANH HUY |

Mỗi khi Tết đến, có lẽ không ít người cảm thấy lo lắng và đau đầu, phải tính toán liệu lương, thưởng có đủ trang trải cho lì xì. Từ đó, lì xì trở thành một gánh nặng vô hình tùy vào thu nhập từng người.

Quảng Nam xây dựng đề án bảo tồn voọc chân xám chỉ có ở Việt Nam

THUỲ TRANG |

Trên thế giới hiện nay, loài voọc chà vá chân xám chỉ sinh sống tại 5 tỉnh của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Vì vậy, việc bảo tồn loài linh trưởng này đang được cả thế giới quan tâm.

Người dân Cơ Tu lưu luyến bàn giao cá thể Voọc chà vá chân nâu

L.P |

Một cá thể Voọc chà vá chân nâu được cặp vợ chồng người đồng bào dân tộc Cơ Tu chăm sóc và bàn giao cho cơ quan chức năng sau khi mua được từ người dân.

Máu thú hoang, từ vạc lửa đến “đỉnh trời”

DIỆP TUYẾT - TÂM NINH |

Sắm nhiều “vai diễn” khác nhau, đi khắp nhiều tỉnh, thành của Việt Nam và Lào, vào những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã tận thấy nhiều cảnh rợn người về các đường dây tàn sát, buôn bán, chế biến, chế tác các sản phẩm có được từ sự giết chóc trái luật pháp và thất nhân tâm đối với hoang thú. Những con khỉ, vượn, voọc, sơn dương, mèo rừng, báo hoa, hổ nguyên con... được ngã giá hàng trăm triệu với... khách sộp (nhóm nhà báo hóa trang). Họ cứ như mua bán con cá mớ rau. Không biết, một ngày có bao nhiêu ông ba mươi - “chúa sơn lâm” bị xẻ thịt nấu cao ở Việt Nam...