Đám cưới công nhân

HƯNG THƠ - ĐẮC THÀNH |

Nắng vàng ở đâu “gom” hết về trên đất cố đô, làm rực rỡ thêm những con đường xứ Huế - nơi có đoàn rước dâu của đám cưới công nhân tập thể do Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức sáng 28.7 - đúng ngày kỷ niệm 88 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.

Một hàng dài cô dâu - chú rể được “rước” bằng xe xíchlô. Đã 8 tháng từ lúc nảy nở việc tổ chức đám cưới cho công nhân (CN), những cán bộ Công đoàn đã nói hết lời, mời hết sức và nỗ lực hết mình để tổ chức cho ngày vui của 22 cặp đôi CN. Những người có mặt ở đám cưới đặc biệt này đều hết lời khen ngợi, bởi ngày vui này chẳng khác nào một câu chuyện “cổ tích”...

Xuyên qua “giông bão”

Một tuần trước, khi mọi thứ chuẩn bị cho đám cưới này đã hòm hòm, thiệp hồng đã gửi, thì chị Ngô Thu Hương - Trưởng ban tuyên giáo LĐLĐ tỉnh viết lên facebook với tâm trạng lo lắng: “Bão vào đúng chi cái dịp ni”. Rứa là bão số 4 vào Huế thiệt, gió giật rầm rập kèm mưa to, không lo sao được vì đất Huế hễ cứ mưa là mưa hoài không dứt. May mắn vừa hết bão, nắng lên le lói chút, nhưng chưa ai kịp mừng thì lại nghe áp thấp chuẩn bị tràn về, có nguy cơ thành bão số 5.

Vì thế, một ngày trước khi đám cưới được tổ chức, chị Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng bày tỏ sự âu lo: “Đêm qua, có ngủ được đâu. Mưa ầm ầm, tôi đã lên phương án nếu mưa thì rước dâu trong mưa vậy, nhưng chỉ sợ mưa Huế thì buồn”. Ai cũng lo lắng như vậy, nhưng sáng 28.7, đúng 88 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và cũng là ngày lành để tổ chức đám cưới tập thể, thì bất ngờ nắng vàng ươm. Mới 6h sáng, nắng đã phủ lên chiếc cổng có dòng chữ “Đám cưới tập thể công nhân lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ nhất năm 2017” ở số 2 đường Đống Đa - Huế. Đây là trụ sở của LĐLĐ tỉnh, và cũng là địa điểm tập kết của các cặp chú rể, cô dâu để trang điểm và lên xích lô diễu phố đến nơi làm lễ cưới.

“Đám cưới xuyên qua giông bão” - anh Nguyễn Văn Thạnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nói, khi vừa tất bật đón khách, vừa tiếp chuyện với người thân của các cô dâu chú rể. “Giông bão” mà anh Thạnh nói đến ở đây, không chỉ vấn đề về thời tiết, là bão số 4 và áp thấp, mà còn là những lễ nghi, phong tục về chuyện cưới hỏi ở trên mảnh đất cố đô này. Như câu chuyện của chị Hoài Hương kể, rằng sau khi lên ý tưởng về đám cưới tập thể, đơn vị đã “tham vấn cộng đồng” thì gặp hai luồng ý kiến, đồng ý cũng nhiều nhưng không đồng tình cũng không ít. Không đồng tình ở chỗ, ở Huế người lao động ngoại tỉnh hầu như vắng bóng, còn người lao động nội tỉnh thì không có nhu cầu.

“Nhưng người làm công đoàn như mình thì nắm rõ, có nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm. Nên cuối cùng ban thường vụ quyết tâm thực hiện, dù biết sẽ rất khó khăn” - chị Hoài Hương, cho hay. Sau khi tìm hiểu các điều kiện thực tế, kế hoạch về đám cưới được xây dựng, nhưng khó khăn là bị động về đối tượng tham gia khiến các cán bộ Công đoàn nhíu mày.

Thế rồi, thông tin về đám cưới tập thể với nhiều phúc lợi ưu đãi đối với người tham gia đám cưới xuất hiện đầu tiên trên Báo Lao Động, các báo Trung ương, địa phương ngay sau đó nhận thấy ý nghĩa của chương trình nên cũng chung tay tuyên truyền. Chẳng bao lâu, cán bộ Công đoàn nắm được một số hoàn cảnh, sau khi đến vận động, giải thích thì các cặp đôi đồng ý. Tưởng đã qua được cửa khó, nhưng khi các cặp đôi về bàn với gia đình, thì gặp phải sự phản ứng.

“Làm chi mà bôi bác rứa, không có thì thôi chứ làm chi mà đám cưới tập thể” - alo qua điện thoại, một cặp đôi nức nở kể lại với cán bộ Công đoàn về lời nói của gia đình khi đề cập đến đám cưới tập thể. Ngay sau đó, cán bộ tuyên giáo của Công đoàn về tận nhà, phối hợp với địa phương đến nói chuyện nhỏ nhẹ với gia đình CN. Bắt đầu bằng sự hiểu biết về phong tục lễ nghi cưới hỏi, tiếp đó là những lợi ích, ý nghĩa mà đám cưới tập thể mang lại, dần dà những bậc song thân phụ mẫu cũng xuôi, và đồng ý cho con mình được tổ chức đám cưới...

Thở phào nhẹ nhõm sau khi đã có 22 cặp đôi CN đăng ký tham gia chương trình, toàn bộ cán bộ LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành phân công cụ thể công việc từng người. “Đám cưới con mình lo lắng 1, thì đám cưới này lo lắng gấp 22 lần. Và giờ phút này, thấy cô dâu, chú rể bước lên lễ đài để làm lễ cưới, chúng tôi vui không thể kể xiết” - chị Hoài Hương, cười tươi rói.

Các cặp đôi cô dâu chú rể tham gia đám cưới tập thể do LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Ảnh: HƯNG THƠ

Niềm hạnh phúc cho bao người

Dù rất muốn được một lần khoác lên mình chiếc áo cưới, rất muốn được lên xe hoa đường đường chính chính về nhà chồng như bao nhiêu bạn đồng trang lứa khác, thế nhưng, vì cuộc sống gia đình khó khăn mà nhiều CNLĐ ở Huế chọn ở với nhau trước, rồi khi có điều kiện thì cưới... sau. Dự đám cưới của các cặp đôi này, tận mắt chứng kiến được những ánh mặt rạng ngời, những nụ cười hạnh phúc của các cô dâu chú rể mới thấu hiểu hết được những niềm sung sướng của họ. Niềm hạnh phúc không chỉ xuất phát từ cô dâu, chú rể khi được khoác lên mình chiếc áo cưới, mà những ông bố, bà mẹ là bậc thân sinh của các cặp đôi cũng cảm động, mừng rơi nước mắt.

Chọn cho mình bàn tiệc ở gần sân khấu, bà Lê Thị Minh Tâm (SN 1956) và Lê Thị Kính (SN 1953) là mẹ của cô dâu Nguyễn Thị Bích Châu và mẹ của chú rể Đỗ Văn Cuộc cứ ngoái trước, nhìn sau. Đến khi thấy hai người con của mình rạng rỡ bước lên sân khấu, hai bà mẹ mắt cười, rồi sau đó là mắt rươm rướm. “Ở nhà chỉ có hai chị em, nó là chị đầu, thế nhưng vì cuộc sống quá khó khăn mà tôi không thể tổ chức được cho con một đám cưới” - bà Tâm bộc bạch. Như nhà cô dâu, gia đình chú rể cũng chung hoàn cảnh. Bởi vậy, khi chứng kiến hai người con của mình đứng trên lễ đài sang trọng để làm lễ kết hôn, hai bà mẹ đã xích lại gần nhau hơn... “Ba nó thì mất cách đây gần 10 năm, tôi lam lũ cày cuốc để nuôi nấng, cơm ăn bữa thiếu bữa no. Cũng vì hoàn cảnh nên chúng tôi lơ đi lễ cưới, hôm ni may có tổ chức Công đoàn đứng ra tổ chức, con tôi mới có được một lễ cưới trọn vẹn” - bà Kính chia sẻ.

Không riêng gì hoàn cảnh của chị Châu, anh Cuộc, những cặp đôi đến với đám cưới tập thể này ai cũng có những khó khăn, những nỗi niềm riêng. Mỗi người làm việc ở một Cty, nhưng ở họ đều có chung một mong muốn được hạnh phúc. Vì vậy, khi cô dâu được tạo điều kiện khoác lên mình chiếc váy cưới, chú rể sang trọng trong bộ áo vét lịch lãm, họ không giấu được niềm vui mừng. Trong giây phút hạnh phúc ấy, những đôi vợ chồng vừa mới tác hợp đã không quên gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các cơ quan, chính quyền và đặc biệt là LĐLĐ tỉnh đã tổ chức cho họ một buổi tiệc đầy niềm vui.

“Tổ chức Công đoàn đã hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng của chúng tôi, từ đó đã mang lại niềm hạnh phúc thực sự trong ngày vui hôm nay. Đây là một dấu mốc đẹp và đầy kỷ niệm, những giây phút chúng tôi không thể nào quên được” - cặp đôi Lê Thị Mộng và Ngô Hiền đại diện 22 cặp đôi nói trước bà con hai họ và toàn thể lãnh đạo, khách mời ở đám cưới tập thể.

Chị Nguyễn Khoa Hoài Hương nhấn mạnh rằng, dù những người lao động là các cặp đôi tham gia đám cưới tập thể ở đây có hoàn cảnh khác nhau đi chăng nữa, nhưng đều là thành viên trong “mái nhà chung” Công đoàn. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh xác định phải có trách nhiệm chung tay vun đắp cho hạnh phúc của đoàn viên. “Hôm nay, LĐLĐ tỉnh đã biến ước mơ các các anh chị trở thành hiện thực, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng, hạnh phúc trên nét mặt, đôi mắt của các đôi lứa. Hạnh phúc của đoàn viên cũng là hạnh phúc của những người làm Công đoàn chúng tôi” - chị Hoài Hương, xúc động.

Và, không riêng gì người thân của những cặp cô dâu chú rể tham gia đám cưới CN tập thể hay cán bộ Công đoàn, mà người dân suốt chặng đường những nơi đoàn xe hoa di chuyển từ trụ sở của LĐLĐ tỉnh đến nhà Văn hóa Lao động, ai cũng chúc phúc cho cô dâu chú rể được “Trăm năm tình viên mãn/ Bạc đầu nghĩa phu thê”. Đám cưới tập thể của CN được tổ chức ở đất cố đô lại nhận được sự đồng tình và đem lại niềm hạnh phúc cho bao người như thế, thì chẳng khác nào một đám cưới “cổ tích”...

Điểm nhấn quan trọng và có ý nghĩa với người lao động
Đồng chí Lê Minh Nhân - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đám cưới tập thể của CN do LĐLĐ tỉnh tổ chức được lãnh đạo tỉnh đồng tình cao. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, là một điểm nhấn quan trọng thể hiện vai trò của tổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến người lao động. Chúng tôi mong muốn, hoạt động này sẽ được diễn ra thường niên, tác động vào ý thức của không chỉ bộ phận CN, mà cả cộng đồng khu dân cư để vừa phát huy giá trị truyền thống, văn hóa và cả việc tiết kiệm.

Để có nguồn lực tài chính, vật chất cho việc tổ chức đám cưới tập thể này, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động và Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ đã vận động và nhận được sự tài trợ, ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân sau: Cty CP Dệt may Huế, Cty TNHH Mai Linh Huế, Cty CP đầu tư và Du lịch Khang Nguyên, Cty CP Skydoor, Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, Cty ABBOTT Dược phẩm tại VN, Ngân hàng Quốc Dân, Cty Điện lực Thừa Thiên-Huế, Ngân hàng MB, Cty TNHH MTV Thực phẩm Huế, VNPT Huế, Cty tổ chức sự kiện và Quảng cáo Hải Vân, Khách sạn Công đoàn Sông Hương, Cty Xăng dầu, Cty Cổ phần in Thuận Phát, Hiệu bánh kem Bảo Thạnh (Huế), Qũy những người làm báo tại TPHCM.
Chúng tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của quý đơn vị đã góp phần quyết định làm nên thành công ngoài mong đợi cho sự kiện đám cưới tập thể lần đầu tiên được tổ chức này. LÂM CHÍ CÔNG
HƯNG THƠ - ĐẮC THÀNH
TIN LIÊN QUAN

Lần đầu tiên ở xứ Huế: Đám cưới tập thể cho 22 cặp đôi

Hưng Thơ - Đắc Thành - Bảo Trung |

Sáng 28.7, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế lần đầu tiên tổ chức đám cưới tập thể cho 22 cặp đôi là những đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế sẵn sàng cho đám cưới tập thể đầu tiên

Nguyễn Đắc Thành |

Mọi công việc chuẩn bị của LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho đám cưới tập thể đầu tiên ở cố đô Huế đã hoàn thành, chờ đến ngày các cặp đôi lên xe hoa.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Lần đầu tiên ở xứ Huế: Đám cưới tập thể cho 22 cặp đôi

Hưng Thơ - Đắc Thành - Bảo Trung |

Sáng 28.7, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế lần đầu tiên tổ chức đám cưới tập thể cho 22 cặp đôi là những đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế sẵn sàng cho đám cưới tập thể đầu tiên

Nguyễn Đắc Thành |

Mọi công việc chuẩn bị của LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho đám cưới tập thể đầu tiên ở cố đô Huế đã hoàn thành, chờ đến ngày các cặp đôi lên xe hoa.