Nhân ngày Đại dương Thế giới 8.6:

Cướp biển - lãng mạn và hiện thực

HÀ LINH QUÂN |

Cướp biển! Kỳ lạ thay hai chữ gớm ghiếc đó có lúc lại không gây trong đầu óc của chúng ta nỗi khủng khiếp. Ở đây, chắc chắn các nhà văn đã góp công của họ. Có mấy ai đã đi qua tuổi thơ mà không mang theo trong phần cuộc đời còn lại của mình hình ảnh đã được mô tả say sưa trong các kiệt tác văn chương của Byron, Stevenson... về những con tàu cướp biển lộng gió đại dương có cái tên thật dữ tợn “Trừng phạt” và lá cờ đen trên đỉnh cột buồm vẽ hình một chiếc đầu lâu với hai ống xương vắt chéo?

Cái truyền thống lãng mạn hóa cướp biển đó đã gây không ít ngộ nhận cho nhiều thế hệ về bản chất thực của “Tội ác chống lại loài người”, đúng như định nghĩa của luật quốc tế về cướp biển này.

Từ cướp biển Berber đến kho vàng của thuyền trưởng W.Kidd

Ngay buổi bình minh của nghề hàng hải, cướp biển đã xuất hiện. Khi người lái buôn đầu tiên xếp hàng lên tàu thì cũng là lúc có tên cướp biển đầu tiên đã rình rập nó. Ở Địa Trung Hải, với nền văn minh Hy-La rực rỡ, kinh tế thương mại phát triển, sự nghiệp của bọn cướp biển cũng đà tiến theo chiều gió. Chúng tụ tập nhau trên các hoang đảo, tấn công những thành phố lớn ven biển cướp bóc, đốt phá, bắt người bán làm nô lệ. 

Thậm chí Caesar vĩ đại cũng đã từng là tù nhân của cướp biển đảo Farmacuse. Theo cuốn tiểu sử danh nhân của Plutarch, bọn cướp đã bắt Caesar nộp 20 talant vàng chuộc mạng. Nhà độc tài La Mã tương lai nổi tiếng không muốn bị “rẻ rúng” đến như vậy đã tự nâng giá mình lên 50 talant. Có điều, tuy là tù nhân, nhưng trong 40 ngày chơi trên đảo, Ceasar bắt lũ hải tặc ngồi nghe ông ngâm vịnh những bài thơ mới làm, cấm chúng không được ầm ỹ phá quấy giấc ngủ của mình!

Đến thời Trung cổ, châu Âu phong kiến thèm khát phương Đông có nắng ấm và hương liệu. Trên bàn tiệc của tầng lớp giáo sĩ cao cấp và giới vua chúa, quý tộc không thể thiếu chút hồ tiêu. Một cân hồ tiêu đắt bằng cân vàng. Chẳng phải vô cớ những người cực giàu hồi đó được gọi là “bao hồ tiêu”. Lái buôn Venice và Genoa phất to nhờ độc quyền con đường biển buôn bán với người Ả Rập.

Thế là tất nhiên xuất hiện một ổ cướp biển cực kỳ nguy hiểm - những người Berber (Bắc Phi) - chúng hung hãn tấn công các thương thuyền châu Âu chở đầy sản vật phương Đông, xây pháo đài, lập kho tàng, hùng cứ một phương. Lái buôn vùng Địa Trung Hải sợ mất mật khi thấy những con tàu nhỏ với cánh buồm màu đỏ thắm lao nhanh như tên bắn. Trên boong có những tên cướp nửa mình cởi trần, đầu chít khăn dài, tay vung dao nhọn, hò hét man rợ. Cướp biển Berber còn nổi tiếng đến ngày nay cũng nhờ một lần “may mắn” bắt được tác giả vĩ đại của “Đông-ky-sốt” - Cervantes (1547-1616). Ông bị cầm tù nhiều năm trước khi chuộc lại được tự do bằng tiền.

Những người Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha không thích nhìn các thành phố Italia ven Địa Trung Hải độc quyền làm giàu với người Ả Rập. Họ muốn tự đặt chân lên hòn đảo “Hương liệu” (Molucas - thuộc Indonesia). Một hoàng thân Bồ Đào Nha đi vào lịch sử với cái tên là Henry - “Nhà hàng hải” (Henry the navigator) khởi xướng các cuộc thám hiểm đi tìm đất mới, mở đầu cho những phát kiến địa lý vĩ đại. 

Hết đoàn thuyền này đến đoàn thuyền khác, người Bồ Đào Nha men theo bờ biển phía tây Phi châu dò dẫm, “nhảy cóc” sang Ấn Độ Dương. Mãi năm 1488, Bartolomeu Dias mới đến được điểm cực nam lục địa đen, và gọi nó là “Mũi đau khổ” để ghi nhận những tháng ngày mở đường cực nhọc. Gặp một cái tên “xúi” như thế trên đường đi tìm hy vọng tốt lành không phải là điềm may mắn, bởi thế sau đó vua Bồ Đào Nha đổi tên Mũi đau khổ thành Mũi hy vọng tốt lành (Hảo vọng giác). 

Lập tức cướp biển cũng dọn nhà đến con đường biển buôn bán mới sầm uất, đầy ắp hồ tiêu, của lạ. Chúng nằm chốt ở biển tây Phi châu chờ các thuyền Bồ Đào Nha nặng nề trở về là xông ra trấn lột. Người Bồ Đào Nha là những nhà hàng hải giỏi, cũng lại là những tay súng cừ khôi, nên nhiều khi chính cướp biển lại bị “cướp biển”. Thế nhưng cũng có cái tên cướp biển được đám thủy thủ Bồ Đào Nha đe nhau: Nhìn thấy thì chạy cho nhanh. Đó là trường hợp của “E.Roger hắc quỷ”, tên tướng cướp biển một tay một mắt, thuyền trưởng tàu ba cột buồm “Bóng tối”.

Ngày 12.10.1492, Christopher Colombus, một thuyền trưởng người Genoa phục vụ vua Tây Ban Nha phát hiện ra lục địa Mỹ. 50 năm sau, cả một vùng đất mênh mông từ biên giới Mexico phía bắc đến các thảo nguyên La Plata phía nam đã nằm trong tay vua Tây Ban Nha (trừ Brazil thuộc Bồ). Các Galion Tây Ban Nha chở đầy vàng từ Nam Mỹ về châu Âu là miếng mồi ngon, cực kỳ hấp dẫn cướp biển. Bọn hải tặc lại mò đến biển Caribes. Đứng đầu đám đó phải kể đến Drake.

Cuộc đời của tên tướng cướp biển lừng lẫy này đã được viết thành hàng trăm pho sách, chúng cũng được dựng thành phim. Sau này, người Anh dựng tượng Drake trên Công viên Tavistok quê hương y. Drake sinh năm 1540. Hồi ấy làng cướp biển có 2 loại hải tặc: Bọn Filibuster - bất kể tàu nào, cứ có “màu” là tấn công. Bọn Corsair thì chỉ nhằm vào tàu của quốc gia đối nghịch. Drake là một Corsair nổi tiếng. Y tấn công dữ dội những Galion Tây Ban Nha chở vàng từ Nam Mỹ về Châu Âu và vét rỗng các kho tàng của những thành phố thuộc địa ven biển Nam Mỹ. Hành động đó được gọi là “vặt râu vua Tây Ban Nha” .

Vua Tây Ban Nha treo giải cái đầu của Drake 10 vạn peso và hàm Nam tước. Song phản ứng đó chỉ làm y thêm hăng máu. Drake đi vòng qua eo Magellan ra Thái Bình Dương. Y là người đầu tiên khẳng định rằng “Đất lửa” không phải là điểm Cực Bắc của “Lục địa Nam” như người thời ấy vẫn tưởng, mà chính là một quần đảo, điểm Cực Nam của Châu Mỹ. Ngược lên phía Bắc, Drake xông vào cướp Valparaiso và Lima, những kho vàng của Tây Ban Nha ở Châu Mỹ. Y “trúng” đến nỗi vất hết đồ bạc xuống biển để thay bằng thứ vàng ròng quý hơn.

Đã đến lúc phải quay về thì Drake thấy không thể theo con đường cũ được nữa, vì cả một bầy tàu chiến Tây Ban Nha hận thù và vũ trang đến tận chân răng đang chờ y ở phương Nam. Drake bèn quyết định đi về phía Tây để đến quần đảo Hương liệu. Sau đó qua Hảo Vọng Giác, y trở về Plymouth căn cứ xuất phát. Thế là Drake trở thành người thứ hai, sau Magellan, đã đi vòng quanh thế giới.

Ngày 28.1.1596, Drake “Cơn ác mộng của vua Tây Ban Nha” bị một cơn sốt nhiệt đới quật ngã ở gần bờ biển Panama. Theo lời di chúc, xác y được ném xuống biển.

Đến cuối thế kỷ 17, chính quyền thuộc địa của Anh, Pháp tại châu Mỹ liên tiếp mở cuộc hành quân tiễu phạt cướp biển ở Caribes. Lúc này hành động của chúng đe dọa trực tiếp, nghiêm trọng quyền lợi của bọn thực dân ở Thế giới mới. Hải tặc lại dời “thủ đô” đến đảo Saint-Mary phía đông đảo Madagascar trên Ấn Độ Dương. Tại đây, chúng trấn lột những tàu hàng giàu có của các công ty Đông Ấn hùng mạnh, chủ nhân thực sự của các thuộc địa Ấn Độ, Indonesia...

Hải quân Canada bắt cướp biển Somalia. 

Sang đầu thế kỷ 18, “nước Cộng hòa Đảo cướp” đã chiêu mộ được hàng ngàn tên cướp đủ các sắc tộc của biển. Chúng biến con đường qua Ấn Độ dương trở thành con đường khủng khiếp với các lái buôn châu Âu. William Kidd, người Anh, thuyền trưởng tàu Adventure (Phiêu lưu), là nhân vật đã đi vào lịch sử. Tài nghệ phi thường của thuyền trưởng Kidd, nhưng kho vàng và hạnh kiểm xấu của hắn còn nổi tiếng hơn. Tiếng tăm về Kidd bay đến London. Tòa án Hoàng gia Anh quốc kết án William Kidd tử hình. Kidd đưa ra trước các Lord đề nghị: Ân xá để đổi lấy những kho vàng của hắn. Bàn đi cãi lại, các quan tòa Anh bác bỏ. Thế là, tên cướp biển bị thất sủng lủng lẳng trên dây treo cổ.

Và cũng từ đó kho vàng của Kidd có một cuộc đời huyền thoại. Người ta truyền tụng nhau đủ thứ chuyện rùng rợn về đảo giấu vàng. Họ đặt cho nó cái tên “Đảo Xác” vì đồn đại rằng chính tay Kidd đã giết chết thủ hạ thân tín cùng với hắn đi giấu vàng. Xác họ được xếp thành những mũi tên chỉ đường. Những kẻ phiêu lưu đã đi tìm nó suốt mấy thế kỷ ở cả 3 đại dương. Không thấy!

Những tên cướp biển tàu ngầm và nỗi khủng khiếp ở vùng Sừng châu Phi

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, một loại cướp biển cực kỳ “môđéc” xuất hiện - tàu ngầm. Bất chấp nguyên tắc, luật pháp quốc tế, bọn cướp biển tàu ngầm Đức tấn công cả các tàu buôn, tàu khách của các quốc gia đối địch. Đánh vào dân thường là một tội ác chiến tranh.

Tàu Lusitania đóng đầu thế kỷ 20 là lời người Anh muốn “nhắc nhở” kẻ thù Đức của mình: “Xưa nay Anh quốc vẫn là Chúa biển”. Ngày 6.5.1915 Lusitania chở 1.257 hành khách từ New York về Anh. Gần bờ biển Irland, tàu ngầm Đức U20 nằm chờ sẵn đã phóng 2 quả ngư lôi vào bụng Lusitania. Con tàu “gục” ngay lập tức. 1.198 thường dân bị chết.

Đến thế chiến thứ 2, tàu ngầm cướp biển Đức vẫn say mê săn lùng những tàu dân thường “tay không” trên biển. Riêng năm 1942 chúng đã tiêu diệt 6,3 triệu tấn tàu hàng của phe đồng minh. Dẫu sao, chiến tranh tàu ngầm man rợ của Đức phát xít đã bị thất bại. Deniz, tên tướng cướp biển lớn nhất của mọi thời đại bị lôi ra vành móng ngựa ở Nurember lĩnh đủ cái án 20 năm tù.

Ngày nay, vùng biển phía tây Phi châu là “căn cứ địa” của bọn hải tặc. Chúng hoành hành ác đến nỗi có tàu dầu của Nauy, sau lần đụng phải cướp biển, thủy thủ bỏ trốn gần hết vì sợ. Tàu hàng Sibelus cũng của Nauy có cách chống cướp biển rất độc đáo. Mỗi khi đi ngang qua vùng nguy hiểm, 4 thổ dân thuộc bộ tộc Tulu da đen đứng lên mặt boong, dương cung lắp tên sẵn sàng. Thế thôi. Vậy mà cướp biển lại ngán!

Sau ngày thống nhất đất nước, nhiều người Việt Nam đã rất mạo hiểm “vượt biên” trên các con thuyền mỏng manh. “Thiên đường” ở đâu không thấy, nhiều người đã sa ngay vào địa ngục của bọn cướp biển Philippines, Thái Lan, Malaysia. Năm 2006 IMO - Tổ chức Hàng hải quốc tế của Liên Hợp Quốc đã báo cáo tại London: “Cướp biển đe dọa nguy hiểm cho sự an toàn của ngành hàng hải thế giới ”, do sự lộng hành của cướp biển Somalia -một trong những quốc gia nghèo đói nhất, bất ổn nhất thế giới, nằm ở vùng Sừng châu Phi, nơi mỗi năm có khoảng 25.000 lượt tàu đi qua.

Hình ảnh mô tả tàu Lusitania bị cướp biển bắn chìm. 

 Nội chiến triền miên từ năm 1990 khiến chính quyền Somalia bất lực trước sự lộng hành của cướp biển. 179 con tàu đã bị bắt cóc để đổi lấy từ giới chủ tàu quốc tế 400 triệu USD tiền chuộc. Một nửa số tiền này đã rơi vào túi các ông trùm, còn những “chiến binh chân đất” trực tiếp cướp tàu mỗi tên nhận khoảng 50.000 USD. Lợi nhuận dần biến cướp biển trở thành một hoạt động kinh doanh quy mô, có tổ chức. Cướp biển bắt đầu đầu tư tiền vào chứng khoán và bất động sản, buôn người và mua vũ khí…

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, cướp biển Somalia đã “rút ruột “ nền kinh tế toàn cầu mỗi năm 18 tỉ USD từ những chi phí thương mại phát sinh! Tình hình bắt buộc cộng đồng quốc tế phải cùng chung tay hành động. Năm 2008, lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp chống cướp biển Somalia ra đời, với hơn 20 tàu chiến được máy bay không người lái của Mỹ hỗ trợ, bảo vệ con đường hàng hải qua Sừng châu Phi. Và 5 năm sau, Hải quân Mỹ đã báo cáo: Không có vụ cướp biển nào! Cướp biển đã phải “dọn nhà” đến vịnh Guinea phía tây Phi châu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo: Cướp biển ở Somalia không hề đi vào quá khứ, bởi cái gốc của cướp biển không nằm trên biển, nó nằm ở trong đất liền!

Trong một xã hội tha hóa, đạo đức suy đồi, niềm tin mất mát, tất yếu xuất hiện những tên tội phạm. Chúng không phải “vua”, phải “tướng”... như tự suy tôn. Thực chất tội phạm chỉ là công cụ thực hiện trong tay những kẻ nắm cuộc đời chúng, xô đẩy chúng vào con đường tội lỗi. Cướp biển cũng không ngoài quy luật đó. Quét sạch cướp biển một lúc, một nơi không phải việc khó. Nhưng những khối u ung thư trên cơ thể của xã hội lại tiếp tục đẻ ra nó. Cắt bỏ chính nguồn gây bệnh - các khối u đó - mới có thể tiêu diệt được tận gốc cướp biển.

Ngày nay, có những quốc gia mang tham vọng cướp vùng biển nước khác, không phải bằng tàu buồm hay tàu ngầm mà bằng những giàn khoan biển (như Hải Dương 981), xét về bản chất đấy là hành động cướp biển!

HÀ LINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.