Con muốn thêm lần nữa được nhìn thấy mẹ!

Thành Sơn |

Vừa qua, UBND huyện Tứ Kỳ đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương (BVMTƯ) tổ chức lễ tôn vinh, trao bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp và kỷ niệm chương cho gia đình người hiến giác mạc đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Đó là gia đình em Nguyễn Thị Nga (SN 1987) ở thôn An Nhân Tây - thị trấn Tứ Kỳ. Nga ra đi để lại đôi mắt cho đời cùng với một tấm lòng cao quý. Một ngày đầu hè oi ả, tôi về thăm ngôi nhà có người con gái bất hạnh nhưng giàu tình thương và lòng nhân ái ấy. Nhìn tấm ảnh, đôi mắt Nga ám ảnh tôi đến kỳ lạ. Đôi mắt ấy vẫn đang sáng ở đâu đó trong cuộc đời rộng lớn này.

Khao khát được cống hiến

Cả thị trấn Tứ Kỳ, không ai là không biết câu chuyện hiến giác mạc của Nga. Mới đầu nghe chuyện, họ lắc đầu rùng mình vì nghĩ hiến giác mạc là khi người hiến mất, các bác sĩ sẽ đến “khoét” mắt mang đi.

Cái tư tưởng “chết toàn thây”, từ bao đời nay vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt, ngày một ngày hai khó mà thay đổi được. Tuy nhiên, từ khi có những đợt truyền thông của Ngân hàng Mắt - BVMTƯ đến được với bà con, cùng với tấm gương đầu tiên “bằng xương bằng thịt” của Nguyễn Thị Nga, người dân Tứ Kỳ hiểu rằng, hiến giác mạc chỉ là lấy đi một lớp màng mỏng trước tròng đen của mắt, không làm thay đổi khuôn mặt và độ toàn vẹn của thân xác người đã khuất.

Đây là một việc làm nhân đạo, một nghĩa cử cao đẹp. Một người ra đi để lại đôi mắt cho đời cũng đồng nghĩa với việc đem lại ánh sáng cho người khác.

 

Hai mươi bảy tuổi đầu, mười năm bất động trên giường bệnh, căn bệnh u tủy sống khiến Nga không được sống cuộc sống của một con người bình thường. Sau cuộc phẫu thuật vớt vát những hy vọng sống cuối cùng khi khối u đã chèn vào 7 đốt sống từ cổ xuống lưng, Nga trở thành người bại liệt 99%. Nhiều khi, cô kinh hãi, bần thần và bất lực nhìn mái tóc đen dài phải cắt trụi, cơ thể teo tóp, chỉ còn da bọc xương...

Có lần, nâng con lên để trở mình, do sức yếu, mẹ Nga lỡ tay làm ngã cô, hai mẹ con đều rơi nước mắt. Những cảm xúc dồn nén bấy lâu như vỡ ra, bà Dụ đã có ý định lấy dây điện buộc hai mẹ con vào nhau rồi cắm điện để tự vẫn, cùng chết. Nga nói như van lạy mẹ: “Mẹ ơi, con biết mẹ khổ vì con. Nhưng trước khi chết, con muốn được làm việc gì đó có ích, con còn muốn được nhìn thấy mẹ”. Bà Dụ như bừng tỉnh, ôm choàng lấy con mà khóc.

Bản thân không thể tự sinh hoạt cá nhân được, Nga nghĩ mình vô dụng, nghĩ bố mẹ đã già vẫn phải “hầu hạ” mình, nên rất thương bố mẹ. Muốn uống một ngụm nước, Nga lại nhỏ nhẹ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có khát nước không? Mẹ uống nước thì cho con xin một ngụm nhé”. Nỗi đau thể xác hành hạ Nga suốt đêm ngày. Giữa đêm khuya thanh vắng, hàng xóm láng giềng vẫn thường nghe thấy tiếng kêu cứu của Nga: “Bố mẹ ơi, cứu con…”.

Thương bố những ngày nóng nực hay giá rét, vẫn kiên trì cõng con gái đi khắp các bệnh viện cầu cứu; thương mẹ tần tảo đạp xe bán từng cân thóc kiếm tiền chữa bệnh cho con, Nga gắng gượng mà vui sống. Dần dà, Nga đối mặt với cái chết bằng một tâm thế ung dung và kiên cường lạ thường.

Một ngày năm 2009, nhìn thấy dòng máu đỏ tuôn ra từ ống xông nước tiểu, Nga nghĩ mình sắp chết, cô gọi mẹ vào bên giường tâm sự: “Mẹ ơi, con có chuyện này muốn nói với mẹ từ lâu, chẳng ai sống như con mà cũng chẳng ai chết như con cả, con muốn để lại chút gì đó cho đời. Mẹ đồng ý để con được hiến giác mạc nhé”.

 

Bà Vũ Thị Dụ - mẹ của Nga rụng rời chân tay, hai mắt ầng ậng nước: “Con ơi, mẹ chưa thấy ai hiến giác mạc bao giờ, con đừng làm mẹ sợ”. Thế rồi, Nga tỉ tê với mẹ, phân tích cho mẹ nghe những gì cô nghe và thấy được trên báo, đài. Bà mẹ đau khổ dần hiểu ra ý nghĩa và mục đích của việc mà cô con gái bất hạnh của mình sẽ làm.

Thương con, chiều lòng con, bà đã họp bàn với chồng và cả gia đình về chuyện “tày trời” mình vừa nghe được từ con gái. Ai cũng biết, thời gian đầu, đại gia đình phản đối chuyện cho Nga hiến giác mạc nhiều như thế nào. Ông ngoại của Nga rớt nước mắt khuyên Nga: “Ôi con ơi, người ta đến khoét mắt mình đi, tang thương lắm con ơi”. Nga chỉ buồn rầu lắng nghe, rồi lặng lẽ thuyết phục từng người.

Gửi lại cho đời đôi mắt

Mỗi ngày trôi dần đến điểm cuối là thêm một lần gánh nặng lại đè lên thể xác và tinh thần của Nga. Chưa bao giờ Nga thấy cuộc đời đẹp đẽ này lại xa xôi và vắng lặng với mình như vậy. Nga nhớ những ngày còn đi học, tung tăng chơi đùa cùng chúng bạn dưới mái trường quê có hàng xà cừ cổ thụ quanh năm tỏa mát. Nga học hát, tập múa với cô giáo và các bạn dưới sân trường.

Chiếc váy màu tím than và khăn quàng đỏ của cô tung bay trong gió nhẹ. Thế giới đầy tươi mới, rạo rực của tuổi học trò khép lại đầy nuối tiếc. Nằm trong căn phòng tối, mỗi lần mẹ mua được con cá, mớ rau, Nga đều lên tiếng: “Mẹ ơi, mẹ mang con cá vào đây cho con xem với; mẹ ơi, mẹ ngồi nhặt rau cạnh con được không?...”. Mỗi lần hàng xóm, anh em bạn bè đến chơi, Nga nghe thấy tiếng từ đầu ngõ rồi đon đả, trìu mến: “Cô ơi, cô vào đây nói chuyện với cháu nhé!”.

Những cơn đau đớn thể xác không thể khuất phục nghị lực sống phi thường của Nga. Bằng cách tự kết nối mình với thế giới bên ngoài, cởi mở, tâm tình với mọi người thật nhiều, thường xuyên theo dõi tivi, báo, đài để cảm thấy mình không bị lạc lõng, Nga đã vượt qua những tháng ngày cuối cùng bằng niềm tin yêu cuộc đời mãnh liệt. Trong cơ thể chỉ còn da bọc xương, trái tim nhân hậu của Nga luôn hồng rực lên một mong muốn được cống hiến, được sẻ chia với xã hội.

Biết tấm thân tàn của mình không thể giúp gì được cho gia đình và xã hội nữa, Nga càng kiên cường ước muốn để lại đôi mắt của mình cho đời. Nga gìn giữ đôi mắt từng li từng tí, sợ đôi mắt sẽ hỏng giống như những bộ phận khác trên cơ thể . Những ngày phải nằm sấp mặt xuống giường, Nga tìm giấy báo cũ rồi kê cao mặt lên, không để đôi mắt áp sát xuống. Rồi Nga lại thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi, mắt con vẫn còn sáng lắm”.

 

Thời gian đi dần tới điểm cuối, giọng nói tình cảm, trầm ấm của Nga yếu ớt dần, Nga thều thào thuyết phục mẹ: “Mẹ ơi, con biết con hiến giác mạc sẽ làm mẹ buồn. Nhưng con xin mẹ hãy đồng ý, vì con chỉ mong muốn một điều duy nhất thôi: Ở một nơi xa xôi nào đó, con sẽ được nhìn thấy mẹ đang sống khỏe mạnh trên cõi đời, nhìn thấy cả cuộc đời rộng mở, nơi mà con đã từng sống qua đôi mắt của con”.

Mẹ Nga đã khóc hết nước mắt. Với ước nguyện được hiến giác mạc cứu người, Nga cảm thấy hành trình 10 năm ròng rã đớn đau trên giường bệnh của mình nhẹ nhàng hơn, thấy mình đã sống có ý nghĩa hơn.

Ngày 21.2.2014, Nguyễn Thị Nga đã nhẹ nhõm trút hơi thở cuối cùng, kết thúc cuộc đời đau đớn cùng cực về thể xác của một người bại liệt. Sau khi Nga mất, gia đình đã gọi đến Ngân hàng Mắt T.Ư, các bác sĩ đã tiến hành lấy giác mạc cho Nga. Hiện nay, giác mạc do Nga hiến tặng đã được ghép thành công, đem lại ánh sáng cho hai người khiếm thị.

Đến dự lễ tôn vinh người hiến giác mạc đầu tiên của tỉnh Hải Dương tháng 5 vừa qua, một người dân ở thị trấn Tứ Kỳ xúc động nói: “Xã hội tôn vinh những người có nghĩa cử cao đẹp như Nga. Bản thân tôi biết ơn Nga và gia đình vì tấm lòng nhân ái của cháu dành cho mọi người. Cũng nhờ có Nga mà hôm nay 500 người ở thị trấn chúng tôi được khám mắt và cấp thuốc miễn phí”. Tấm gương sáng của Nguyễn Thị Nga đã làm dấy lên một phong trào nhân ái trong khắp huyện Tứ Kỳ.

Theo gương Nga, rất nhiều người đã nộp đơn đăng ký tự nguyện hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt T.Ư, với mong muốn gửi lại ánh sáng trên cõi đời sau khi khuất núi.

Đôi mắt của Nga đã tiếp tục sáng. Ánh sáng từ lòng nhân ái của em đã soi rọi trên cuộc đời này. Ở một nơi xa xôi nào đó, hẳn rằng Nga đang nhìn thấy bố mẹ cô mỉm cười tự hào, nhìn thấy hết thảy người thân, thấy ngôi nhà quen thuộc. Những ký ức về năm tháng học trò hồn nhiên vui đùa với hàng cây, sân trường và lớp học đã theo Nga đi mãi, còn ánh mắt ngời sáng tình yêu thương của Nga vẫn đang ở lại với cuộc đời này.

Pms-SuperMaxgo hân hạnh tài trợ phóng sự này. Sản phẩm được tiếp thị và phân phối bởi Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, số 4, đường 30/4, phường 1, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Mọi thông tin về sản phẩm, vui lòng truy cập www.pms-supermaxgo.com hoặc liên hệ Hotline 1900.5555.79

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. GPQC: 424/2014/XNQC-ATTP.

 

 

Thành Sơn
TIN LIÊN QUAN

Bản tin dự báo thời tiết tuần tới từ 23.1 đến 29.1

Bắc Hà - Minh Ánh |

Dự báo thời tiết tuần tới từ 23.1 đến 29.1: Trong tuần tới, nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Bắc nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng tăng nhẹ từ 1-2 độ. Tuy nhiên, người dân vẫn cảm nhận rõ giá rét. Trong khi đó, mưa vẫn xuất hiện ở khu vực các tỉnh miền Trung.

Tận mắt chào đón những "mèo vàng" đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Minh Quân - con đầu lòng của sản phụ Vũ Tiêu Yến Linh - ra đời ngay vào đêm giao thừa Tết Quý Mão. Con đã trở thành một trong những công dân "mèo vàng" đầu tiên ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương - tuyến cuối của ngành sản khoa Việt Nam.

Người dân xếp hàng vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày mùng 1 Tết

Đinh Thiện - Tùng Giang |

Ngày 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người dân Hà Nội đứng xếp hàng để mua vé vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung và điều chưa kể về hành trình đến World Cup

AN NGUYÊN |

Cách đây 1 năm, hành trình đến World Cup 2023 của bóng đá nữ Việt Nam như một câu chuyện cổ tích được viết nên bởi huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò.

Những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc

Anh Đức - Hoàng Anh |

Khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam; ra đời bộ Luật Hồng Đức hay thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những sự kiện đều diễn ra vào năm Mão.

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

Việt Nam và hành trình kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận

Nick M |

Nhà thám hiểm lừng danh người Morocco - Ibn Battuta – từng nói: “Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, và sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện”. Và du lịch Việt Nam, đã và đang kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận đi khắp thế giới.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.