“Còn lòng dạ nào mà lo tết”

Phóng sự của Xuân Nhàn |

Tháng chạp. Thay vì vừa thong thả làm đồng, vừa túc tắc chăm khóm cúc, cội mai cho cái tết cổ truyền sum vầy, ấm cúng, dân quê Bình Định nay đang đứng ngồi nhấp nhổm không yên. Nước rút đến đâu, xơ xác hoang tàn lộ ra đến đó. Hậu lũ, gặp những nạn nhân mới đây còn ngoi ngóp, rã rời trong biển nước, ai cũng quay đi, cố giấu giọt nước mắt chờ chực lăn dài, giấu nỗi niềm nặng trĩu đá đeo khi nghe có người lỡ lời nhắc tết.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường tặng quà Tấm Lòng vàng cho nạn nhân vùng lũ

Trắng tay

Anh Đỗ Minh Tâm ở Hoài Đức, Hoài Nhơn chống xẻng thẫn thờ bên đống xà bần  sũng nước nằm chình ình giữa nhà. Ngôi nhà gần 30 năm tuổi, xập xệ, cũ nát, bị bóc hết rui mè, phên mái nên trống hoác trống hơ. Người đàn ông 57 tuổi, mặt mũi nhàu nhò tựa bánh tráng nhúng nước, cất giọng buồn hiu: “Coi ngày coi giờ đàng hoàng, đã cẩn thận né cái “hạn” 23 tháng 10 âm lịch mà... chạy trời vẫn không khỏi ướt. Tháo dỡ ra bữa trước, bữa sau đã mưa gió ầm ầm. Vợ chồng con cái đành co ro, cố thủ tạm bợ trong gian bếp xíu xiu bằng lỗ mũi. Còn non tháng nữa là đụng tết, không biết thợ thầy chạy có kịp hay không?”.

Cuộc đại tu ngôi nhà cũ của anh Tâm, dẫu có dở dang, trễ nãi, bất quá, chỉ mang lại chút bực mình, phiền phức. Ở cái xứ sở mà chỉ trong vòng hơn tháng, thiên hạ phải oằn mình gồng gánh 5 trận cường tập mịt mù từ lụt lội gió mưa, nỗi khổ của anh còn nhẹ nhàng chán vạn. Phải gấp năm, gấp mười lần như thế, nó  mới có khả nặng chạm tới “ngưỡng” bi kịch. Tôi trở lại Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, đứng trên bờ đá mấp mô đoạn tỉnh lộ 636 giáp giới Bình Nghi, Tây Sơn, nhìn cỗ máy xúc nặng nề đánh vật với khúc đường bị lũ xé toạc thành suối, thành sông, thành hố hầm hun hút để thấm thía sức hủy hoại điên cuồng của thiên nhiên đang ngày càng dữ dằn, bất trị. Giống bữa nọ, lại bồn chồn thơ thẩn nán đợi Đào Thanh Phước bên mớ tàn tích nát bét, ngổn ngang gạch đá, xi măng– dấu vết sót lại của một cơ ngơi không dưới tỉ bạc. “Mệt đứt hơi anh ơi. Và chán nữa. Buồn chán cứ kéo mình khụy xuống, cứ lăm le quật ngã mình ra. Tôi mới tranh thủ về trong kia ngả lưng chút xíu chứ sớm chiều gì cũng quanh quẩn ngoài này”, Phước lấp xấp chạy tới, tóc tai rã rượi, bơ phờ. “Trong kia” là trụ sở thôn, nơi xóm làng thương tình cho gia đình anh tá túc “qua cơn”, hầu tránh cảnh lạc loài lang thang cơ nhỡ trong khi chờ lối thoát định cư mà chắc chắn chưa thể một sớm một chiều. Đã hơn 10 ngày kể từ buổi tối ám ảnh 19.12. “Như một trận động đất, nước từ sông Kôn cuồn cuộn đổ về, sôi sục băm vằm, nuốt chửng đoạn đường dài đến 50m rồi úp chụp lên phần sau ngôi nhà của tôi. Trong chớp mắt, khối nhà hai tầng bị khoét rỗng dưới nền, bị nhồi lắc, dập nhả, vò nát như là thứ đồ chơi con nít. Vợ chồng tôi và hai đứa nhỏ 10, 11 tuổi quýnh quáng leo lên gác, kêu gào đất hỡi trời ơi. Phút chót, may kịp thoát ra ngoài”, Lê Thị Hồng Hạnh, vợ anh Phước kể lại thời khắc kinh hoàng, khi tính mạng cả nhà ngàn cân treo sợi tóc.

Thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ có 170 nóc nhà. Từ thời cha sinh mẹ đẻ, những ông già bà lão gần đất xa trời ở An Xuyên chưa từng nhớ có lần nào bị lũ lụt tấn công. Trớ trêu, trải nghiệm ấy chỉ chính xác đến trước 17 giờ ngày 17.12. Trưởng thôn Lê Minh Sơn lật cho tôi xem cuốn sổ tay ghi danh sách 10 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn. Căn thứ 11, của ông Hoàng Văn Nên, đứng riêng ra một cột, là trường hợp bị lũ cuốn trôi biệt tăm biệt tích. “Nước lũ “cắt” các xóm ra thành 9 mảnh. Xóm Xuyên Cỏ 50 hộ bị cô lập hoàn toàn. Nhiều đoạn nước ngập sâu đến 3 – 4m. 50 ha/100 ha thủy sản nuôi trồng chuẩn bị bán tết mất trắng. Thiệt hại kinh tế hơn 2 tỉ đồng”, ông Sơn “báo cáo nhanh”. An Xuyên 3 là một trong 2 điểm ở Bình Định đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thăm trưa 21.12. Những ai theo dõi tin tức thời sự phát đi ngày hôm đó, chắc chưa quên bức ảnh chụp cảnh người đứng đầu Chính phủ nước mắt lưng tròng giữa vòng trong vòng ngoài nam phụ lão ấu An Xuyên vừa trở về  từ cõi chết. Còn nhớ câu hỏi đầu tiên của Thủ tướng là: “Bà con đã nhận được trợ cấp chưa?”. Ông quay sang các vị lãnh đạo Bình Định đang đứng sát bên: “Phải lo ngay chỗ ở cho dân. Cấp đất, giúp dựng nhà cho họ. Đừng để ai phải màn trời chiếu đất”.

Dọn nhà sau lũ

Đối diện chỗ trưởng thôn Sơn tỉ tê to nhỏ cùng tôi, có một cặp vợ chồng cứ lồng lộn tới lui, lòng vòng đến tối tăm mặt mũi. Tôi lặng lẽ quan sát xem sao. Riết rồi họ cũng đổi tư thế. Trong khi chị vợ Phạm Thị Lâm ngồi thụp xuống, bới ra từ dưới lớp cát ẩm ướt nhòe nhoẹt từng mẩu vở học trò, từng trang sách giáo khoa  lấm lem, bợt bã thì anh chồng Phan Văn Long lại xăm xăm leo lên nền ngôi nhà đổ nát, lom khom ôm mảng bê tông tổ bố, ném đánh rầm ra góc vườn khiến bụi bay loạn xạ. Tôi buông một câu để rồi biết ngay đã dại mồm dại miệng: “Cứ làm vầy, bao giờ mới tới... tết”. Long trân trối nhìn sang, đôi mắt mang hình viên đạn. Thôn trưởng Lê Minh Sơn nhào qua... chữa cháy: “Lòng dạ đâu mà tết với tư. Nhắc, chỉ thêm đứt gan đứt ruột. Tính cả hồ tôm 924m2 và 3 giàn máy sục khí, “nó” mất không dưới 300 triệu đồng. Ngôi nhà dựng lên 7 năm trước, hết 6 cây vàng. Chỗ mượn, chỗ vay, đến nay trả chưa hết nợ”.        

Lần hồi gượng dậy  

Người Bình Định đang cưu mang, nâng đỡ, dắt dìu nhau gượng dậy. Bí bầu quấn quýt, lá rách đùm lá rách hơn. Cả nước cũng ngày đêm hướng về vùng lũ, chắt chiu, chia ngọt sẻ bùi. Trưa 23.12, vừa đặt chân xuống phi trường Phù Cát, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường liền đi một mạch xuống rốn lũ Cát Hưng, Cát Chánh. Hơn 1,2 tỉ đồng từ Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng vàng, trước và ngay trong đợt này, đã theo chân người đứng đầu tổ chức công đoàn về tới Bình Định. Xã Cát Chánh có 1.850 hộ thì 100% bị ngâm dai dẳng, ngút ngàn trong nước bạc. Toàn xã có 29 ngôi nhà bị sập, 1 người chết, thiệt hại tài sản lên đến 16 tỉ đồng. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Tài, vừa tử nạn trên cánh đồng Chánh Hữu, nói lời chia buồn với bà quả phụ Bùi Thị Toàn, trao 5 triệu đồng cho người còn ở lại; thăm gia đình bà Đỗ Thị Kim; thăm đối tượng chính sách Lê Thị Cóp (đều có nhà sập đổ hoàn toàn), Chủ tịch Bùi Văn Cường xúc động: “Công nhân, viên chức, lao động cả nước hãy còn nghèo, còn khó khăn, nhưng luôn sẵn lòng chung tay chia sẻ cùng bà con vùng lũ. Chưa bao giờ, tổ chức Công đoàn Việt Nam quay lưng lại trước tai ươn, bất hạnh; chưa bao giờ chúng tôi chịu khoanh tay để đồng bào mình phải đơn độc, lẻ loi vượt khó”.

Người dân vùng lũ dọn bùn đất tràn vào nhà

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, trong câu chuyện với P.V Lao Động, đã trở lại những con số đau lòng: 39 người chết, 10 người bị thương, hơn 700 ngôi nhà sập nát, 22 tàu cá bị đánh đắm hoặc bị lũ cuốn trôi; 128,5 km đường giao thông hư hỏng; 86,6 km đê, kè sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến sự mất, còn của nhiều khu dân cư; 2.253 ha lúa vụ mùa đang trổ bị ngập, ngã; 17.300 ha lúa đông – xuân vừa xuống giống phải sạ lại hoàn toàn... Ông Dũng lưu ý thêm: “Đấy chưa phải tổn thất cuối cùng. Sau lũ, công việc thống kê thiệt hại vẫn đang tiếp tục”. “Ưu tiên hàng đầu của Bình Định bây giờ là chăm lo đời sống người dân và khôi phục hạ tầng thủy lợi, giao thông, khôi phục sản xuất nông nghiệp – Chủ tịch Hồ Quốc Dũng nói tiếp - Chính phủ đã quyết định cấp tiền mua giống cho nông dân; Bình Định cũng hộc tốc đua cùng thời gian trong cuộc chiến chống sa bồi thủy phá. Thiên tai thảm khốc vô cùng. Nguồn lực địa phương có hạn, trung ương hỗ trợ không nhiều, chúng tôi không còn cách nào khác hơn là “liệu cơm gắp mắm”. Công cuộc tái thiết rồi sẽ kéo dài đến 5 năm, 10 năm chứ không phải ngày một, ngày hai là xong chuyện. Phải làm từng bước, phải lựa chọn lĩnh vực ưu tiên. Dự án, công trình nào chưa cần thiết, dứt khoát phải dừng hoặc hoãn. Mấy ngày qua, dư luận nhắc nhiều tới chuyện bắn pháo hoa dịp tết. Nói thiệt, nếu Ban Bí thư không ra chỉ thị, Bình Định cũng kiên quyết không làm”.

Cuối chiều 28.12, tôi gọi cho Chủ tịch Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng. Đầu dây bên kia không thấy đâu cái chất giọng lảnh lót, ngân nga như hát, như reo thường ngày của vị quan chức xứ ớt tương, củ kiệu, cho dù thông tin ông cung cấp chưa hẵng đã quá buồn: “Tôi vừa ký quyết định giao đất không thu tiền cho 8 hộ mất nhà, mất đất ở Xuyên Cỏ. Họ sẽ định cư tại An Xuyên 1, cách nơi ở cũ chừng vài trăm mét. Tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 100 triệu đồng. Cộng các nguồn san sớt khác từ nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân, bà con có trong tay không dưới 200 triệu. Vấn đề tiền nong cơ bản đã giải xong. Huyện, xã cũng đang làm hết sức. Có điều, thời gian eo hẹp quá. Tôi e phải qua tết, những nạn nhân ở An Xuyên 3 mới có được căn nhà che nắng, che mưa”.   

Phóng sự của Xuân Nhàn
TIN LIÊN QUAN

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.

Duy trì bay đêm đảm bảo nhu cầu đi lại của khách dịp Tết Nguyên đán

Minh Hạnh |

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công điện gửi các đơn vị có liên quan về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng không trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, yêu cầu các cảng hàng không duy trì hoạt động bay đêm 24/24h theo nhu cầu vận tải của các hãng hàng không.

Hàng loạt sự kiện mừng Tết Quý Mão 2023 ở TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, bắn pháo hoa, hội hoa xuân, chợ hoa Tết, ngày hội bánh tét... là những sự kiện được TPHCM tổ chức mừng Tết Quý Mão 2023.