Có tránh được tai họa ở vịnh Quy Nhơn?

XUÂN NHÀN |

Tan bão, chúng tôi dò dẫm theo câu hỏi thê lương: Có thể tránh được thảm họa kinh hoàng như chúng ta vừa chứng kiến trong lòng vịnh Quy Nhơn? Câu trả lời là “có”, ít ra là về phương diện giảm thiểu tổn thất nhân mạng..

Sống sót không tưởng

3 cơ sở y tế lớn nhất TP.Quy Nhơn gồm Bệnh viện Đa khoa Bình Định, Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa, Viện Quân y 13 những ngày qua trở thành nơi tiếp nhận, cứu chữa thuyền viên gặp nạn.

Giám đốc bệnh viện Quy Hòa -bác sĩ Vũ Tuấn Anh - thông báo, phải huy động đến 80 y, bác sĩ thường trú cho nhiệm vụ đột xuất. Khu khám chữa bệnh của ông Tuấn Anh tiếp nhận cấp cứu 41 thuyền viên. Họ là người của các tàu Sơn Long 08, Nam Khánh 26, FEI YUE 9 và Hoa Mai 68. 15 thuyền viên tàu FEI YUE 9 là người Trung Quốc, Myanmar. Tất cả nhập viện trong tình trạng kiệt sức, mất nhiệt, đa chấn thương và đều hoảng loạn cùng cực. Khi chúng tôi đến, 27 người đã xuất viện, trong đó có 15 thuyền viên nước ngoài.

Nguyễn Văn Tài là thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26 thuộc Cty TNHH vận tải Nam Khánh, Thái Thụy, Thái Bình. Dưới lớp đồng phục bệnh viện, sắc diện người đàn ông 15 năm đứng mũi chịu sào dọc tuyến hàng hải bắc - nam vẫn còn mệt mỏi. Tàu Nam Khánh chở 2.300 tấn clinker, xuất phát từ Hải Phòng, tới Quy Nhơn ngày 3.11, trên tàu có 11 người.

“1 giờ sáng 4.11, sóng từng đợt cao 6 - 8m bủa vây thân tàu. Tôi cho hỗ trợ máy liên tục rồi trực tiếp lên cabin điều khiển chẻ sóng. Giông bão lồng lộn, hung hãn bứt đứt bạt, bẻ gãy lan can, tiện bay ống thông gió”, anh Tài Nhớ lại.

Tình huống nguy hiểm ập đến lúc 7h30, khi Nam Khánh 26 bị lưới giã cào trôi nổi quấn chân vịt. “Tàu chết máy. Chúng tôi đơn độc giữa cuồng phong. Gọi Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn xin cứu hộ không thành, hơn 10 con người đành chôn chân nhìn tàu bị xô đi như chiếc lá. Từ phao số 0, tàu lao vào phao 5, phao 6, qua chặng đường 3 hải lý. Nguy cơ mắc cạn hiển hiện! Thêm một lần kêu cứu vô vọng, tôi ra lệnh bỏ tàu. Lúc đó chừng 9 giờ hay 9 rưỡi, tôi không còn tâm trí mà nhớ”, thuyền trưởng Tài kể tiếp.

Hai chiếc phao bè cứu sinh thả xuống lập tức bị lật nhào. Anh Tài chỉ đạo thuyền viên bỏ phao 2, bấu víu phao số 1. “Tôi phải tự trấn an, phải lên tinh thần cho chính mình để có thể thành chỗ dựa cho đồng đội. Mệnh lệnh là không ai được gục ngã, rằng đang ban ngày, quan sát thuận lợi, chỉ cần tỉnh táo, không hoảng loạn là có cơ hội thoát ra.

Tôi kháng cự lại sự tuyệt vọng của chính mình, khi sức cùng lực kiệt, khi có người văng khỏi phao cứu sinh, rơi tuột vào những vòng sóng khổng lồ. Nhiều thời điểm chấp chới, tưởng chạm vào bờ liền bị kéo ngược ra xa. Cứ mê man dập dềnh giằng co như vậy, cuối cùng thì ơn trời, có cánh tay níu được sợi dây ai đó quăng ra”.

Ngay cả lúc hô hào anh em kiên cường chống lại điều xui rủi, anh Tài đã chắc chắn không qua được số kiếp: “Tôi nghĩ đến 2 đứa con thơ dại, đến người vợ chưa có công ăn việc làm trong Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, nghĩ mình vốn là cột trụ của đại gia đình...”.

Nạn nhân rớt xuống biển là hành khách duy nhất “ăn theo” tàu Nam Khánh: Bùi Quang Tú. Hành trình từ cái chết trở về của anh Tú còn kỳ lạ hơn: “Tôi co tròn như đứa bé trong bụng mẹ, hai tay ôm chặt lấy đầu, tránh chấn thương nặng khi va đập vào đá. Không nhớ lặn ngụp, trồi thụt bao lâu. Rồi cột sóng dễ đến 10m lồng lên, tôi thấy mình đáp xuống đúng một tảng đá, cảm giác như lơ lửng, tan ra...”.

Từ Bãi Xép, phường Gềnh Ráng, lê lết hết 2 giờ đồng hồ, Bùi Quang Tú mới ra được quốc lộ 1D. Một cán bộ biên phòng tìm thấy, đưa anh trực chỉ phòng cấp cứu.

Trang Bình Định thông tin ngày 6.11 đăng lời nhắn của Tổ công tác xã hội Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hòa, “gửi quý Mạnh Thường quân”, kêu gọi hỗ trợ nạn nhân Đồng Xuân Quân. Quân sinh 1990, quê Hải Dương, ca trầm trọng nhất trong nhóm 41 thuyền viên khi cả mạch và huyết áp không đo được còn vùng kín thì bị giập nát, lòi cả tinh hoàn.

Anh Quân được phẫu thuật, sức khỏe dần ổn định nhưng không còn tài sản, gia đình ở xa, một mình trơ trọi. Bệnh viện Quy Hòa, do vậy vừa chăm sóc, cưu mang vừa hướng ra cộng đồng, hầu tìm thêm chút nghĩa tình, ấm áp.

Những trường hợp tang thương mất mát đã và đang được tiếp sức. Trong ngày 5.11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đã đến các cơ sở điều trị thăm hỏi các thuyền viên. Mỗi gia đình có người tử nạn được hỗ trợ 5 triệu đồng, bị thương từ 3 - 5 triệu. Ông Tùng chỉ thị cấp quần áo cho người nằm viện, bố trí khách sạn Thanh Bình cho thân nhân họ lưu trú trong thời gian chăm sóc hoặc chờ tin tức chồng, con.

Lổ hổng phối hợp

Tại cuộc họp đánh giá công tác ứng phó bão số 12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng giao cơ quan công an điều tra, làm sáng tỏ vụ hàng loạt tàu chở hàng bị sóng đánh chìm: Tại sao có quá nhiều tàu neo đậu ngoài phao số 0 mà không được đưa vào tránh bão ở cảng Quy Nhơn? Trăm con mắt đổ dồn sang cảng vụ hàng hải.

Trao đổi với P.V Lao Động sáng 6.11, Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn Bùi Văn Vương bứt rứt: “Tôi đã giải thích cặn kẽ với lãnh đạo tỉnh. Dồn tất cả tàu vào cảng Quy Nhơn là vô kế khả thi. Vùng neo trong cảng chỉ có 7 vị trí, đồng nghĩa với khả năng đảm bảo an toàn cho 7 tàu đậu. Tận dụng hết cỡ, chúng tôi có thể thu xếp 20 chiếc.

Bão Damrey quá lớn nên tổng cộng, có tới 53 chiếc đậu san sát trong cảng, chưa tính hàng ngàn tàu cá. Không còn chỗ để thở nữa là. Tàu chìm là tàu vãng lai, ngang qua Quy Nhơn, gặp bão nên ghé trú tránh. Không tàu lớn nào dám vào trong cảng. Nếu vào, thiệt hại sẽ là vô cùng khủng khiếp. Bể cảng luôn.

Chỉ chừng đó tàu mà chúng tôi phải đau đầu giải quyết khiếu nại rồi đây. Không thiệt hại về người nhưng móp méo, va đập là có. Chuyện vậy nhưng những người không có nghiệp vụ, họ cứ nói ra nói vào”.

Luật sư Hồ Minh Kính-nguyên giám đốc đại lý hàng hải Vosa tại Quy Nhơn - chia sẻ: “Kinh nghiệm là bão đến, tàu phải rời cầu, ra phao zero, nơi vũng quay rộng để khỏi va chạm. Trong bão, máy cái phải hoạt động, chẻ sóng, chết máy là lật ngay. Không có cảng trú bão, chỉ vịnh hay vùng biển kín gió mới là nơi trú bão tốt mà thôi. Ở Việt Nam, lá chắn lý tưởng cho tàu lớn trong tình huống thiên tai, chỉ có thể là vịnh Cam Ranh”.

Cam Ranh thì quá xa đối với đoàn tàu lỡ dở hải trình. Vậy đầm Thị Nại thì sao? Ông Kính lắc luôn: “Thị Nại vừa nhỏ vừa nông, phù hợp hơn với tàu cá. Tàu lớn, khi mất kiểm soát, trôi theo gió, mắc cạn, dễ bị lật hoặc va vào núi, vào cầu cảng cũng như tàu khác, còn nguy hiểm hơn”.

Chuyên gia hàng hải có thời đứng đầu ngành du lịch Bình Định lưu ý: “Vịnh Quy Nhơn được che chắn bởi bán đảo Phương Mai, ít sóng lừng. Tàu hàng bắc nam thường trú tránh bão ở đấy. Giới thuyền trưởng thuộc biển như lòng bàn tay. Vị trí phao số 0 đủ rộng cho trăm tàu xoay trở. Đậu ở đâu, an nguy ra sao, họ quyết định và chịu trách nhiệm. Cảng vụ chỉ được thông báo mà không có quyền cho phép hay không”.

Ông Phan Xuân Hải - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bình Định - nêu quan điểm khác: “Điều tra là cần thiết. Có địa phương chỉ mất 1 tàu họ còn làm hung. Đằng này cả chục chiếc bị nhấn chìm kèm theo hiểm họa khôn lường.

Cảng vụ Quy Nhơn là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn nhưng chúng tôi không nhận được sự hợp tác đầy đủ từ họ. Họ không báo cáo, cập nhật thông tin. Cục Hàng hải Việt Nam cũng không. Cứ giả dụ là khó cứu được tàu, nhưng bảo toàn mạng sống thuyền viên thì đâu đến nỗi bó tay. Nếu được báo cáo, phương án sơ tán khẩn cấp chắc chắn sẽ triển khai. Cá nhân tôi, khi nhận tin tức tàu chìm, mới biết tình hình tuyệt vọng ở ngoài của vịnh”!

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà: “Xử lý không tốt, nhiều tỉnh Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng”

Phát biểu trên tàu khảo sát vịnh Quy Nhơn trưa 7.11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá: Vụ 10 chiếc tàu bị đánh chìm, mắc cạn trong bão số 12 là sự cố “rất lớn, rất nghiêm trọng”. Ông Hà trước đó đã làm việc với lãnh đạo Bình Định, bộ phận tiền phương thuộc Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm - cứu nạn, cho ý kiến chỉ đạo công tác cứu hộ, trục vớt, xử lý nguy cơ tràn dầu.

“Chúng ta ngồi đây là để cộng đồng trách nhiệm. Có 2 nhóm công việc phải đồng thời giải quyết, trên đất liền và trên biển. Nguy cơ, sự đe dọa về môi trường trên biển nghiêm trọng, cấp bách hơn. Trong khi tiếp tục duy trì nỗ lực tìm kiếm số thuyền viên còn mất tích, phải tập trung phương tiện, nhân lực tiến hành trục vớt, xử lý nguy cơ tràn dầu. Nếu sự cố xảy ra, không chỉ Bình Định, mà các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đều bị ảnh hưởng. Cho nên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, an toàn 100% cho cả con người và môi trường”. Về việc dầu có thể thoát ra trong quá trình trục vớt, ông Hà đề nghị: “Dứt khoát phải hút hết dầu, chuyển ra ngoài, kết hợp khống chế bằng hệ thống phao vây. Phần rơi rớt lại, phải sử dụng hóa chất trung hòa để vô hiệu hóa. Bộ Tài nguyên - Môi trường phân công đồng chí Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường làm đầu mối phối hợp”. XUÂN NHÀN

Tìm thấy thi thể 5 thuyền viên bị nạn ở Quy Nhơn

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn Bình Định cho biết, trong số 109 thuyền viên trên 8 tàu hàng bị sóng đánh chìm và 2 tàu mắc cạn, 84 người đã được cứu sống. 10 người an toàn trên 1 tàu khác. Số tử nạn là 6; có 2 chưa rõ danh tính. 9 người đang mất tích. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, vào giờ chót, quyết định điều 18 tàu đến vùng biển Quy Nhơn, tăng 8 chiếc so với con số ban đầu.

Đến 16h ngày 6.11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tìm thấy 5 thi thể thuyền viên bị nạn tại Quy Nhơn. Hiện tại cả 5 thi thể đã được đưa về Quy Nhơn để tiến hành xác minh danh tính và công tác tìm kiếm vẫn đang được triển khai. X.N-K.H

XUÂN NHÀN
TIN LIÊN QUAN

Dự kiến Sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc: Học sinh nửa mừng nửa lo

Đức Trung - Ngọc Chi |

Thông tin dự kiến đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng nhận được sự quan tâm lớn từ phía các học sinh. Dù vẫn còn nhiều lo lắng vì áp lực tăng thêm nhưng nhiều học sinh cũng đã sẵn sàng thay đổi phương pháp học sử để có được kết quả tốt nhất.

Khởi tố, bắt giam Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình

TRUNG DU |

Bà Trần Kim Thúy (53 tuổi) - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình - vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Mặt bằng lãi suất giảm: Có 500 triệu chọn gửi tiết kiệm ở đâu?

KHƯƠNG DUY |

Nếu có 500 triệu đồng chưa biết gửi tiết kiệm ở đâu để nhận lãi suất cao, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Man United của Ten Hag đã kiên cường cả khi không có đủ quân số

VIỆT HÙNG |

Chứng kiến một số trụ cột chấn thương hoặc bị treo giò, người hâm mộ Man United từng lo lắng họ có thể không vượt qua được giai đoạn khốc liệt này.

Người nổi tiếng bị cắt ghép hình ảnh để quảng cáo sản phẩm: Hãy lên tiếng đúng lúc, đúng cách

NGỌC DỦ |

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đã cắt ghép hình ảnh thầy thuốc, nghệ sĩ, ca sĩ đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi khiến người dùng hiểu nhầm về công dụng sản phẩm, thậm chí nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh, gây nhiều tác hại. Về phía nghệ sĩ, nếu bị nhãn hàng lợi dụng tên tuổi hay nhãn hàng không minh bạch trong hợp đồng khiến hình ảnh của nghệ sĩ bị ảnh hưởng, nghệ sĩ hoàn toàn có quyền kiện nhãn hàng.

Người đàn ông đánh nam shipper gãy hai tay khai còn từng doạ "đâm chết" nạn nhân

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Ông Trương Đình Nhạt, người đã đánh gãy 2 tay shipper khai rằng, do nghi ngờ anh shipper lấy sợi dây chuyền của vợ nên ông đã dùng tuýp sắt đánh gãy 2 tay shipper.

Nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc, học sinh cần thay đổi cách học từ bây giờ

Nguyễn Văn Lực, Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hòa |

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Nam công nhân Công ty lắp máy tại Hải Phòng rơi xuống đất tử vong

Thiên Hà |

Hải Phòng - Lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ một nam công nhân làm việc tại cơ sở thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) (địa chỉ tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bị rơi từ trên cao xuống đất tử vong.